KINH PHẠM VÕNG BỒ TÁT GIỚI BỔN GIẢNG KÝ
Hán văn: Pháp sư Thích Diễn Bồi
Việt dịch: Hòa Thượng Thích Trí Minh
Chương III:
CHÁNH THUYẾT GIỚI TƯỚNG
(chánh thức thuyết giảng giới tướng)
B. BIỆT THUYẾT GIỚI TƯỚNG
(thuyết giảng riêng biệt giới tướng)
B.1.1.7. TỰ TÁN HỦY THA GIỚI
(Giới tự khen
mình chê người)
Kinh
văn:
1. Phiên
âm:
Từ câu “Nhược
Phật tử tự tán hủy tha...” cho đến “thị Bồ Tát Ba La Di tội”.
2. Dịch nghĩa:
Nếu như Phật
tử tự khen mình, chê người, cũng như bảo người khác khen ngợi mình, chê người;
nhân chê người, duyên chê người, cách thứ chê người, nghiệp chê người. Là Phật tử
lẽ ra phải thay thế chịu những sự khinh chê khổ nhục cho tất cả chúng sanh, bản
thân nhận lấy những điều xấu, nhường cho người việc tốt. Nếu Phật tử tự phô
trương tài đức của mình, mà dìm che điều hay tốt của người, làm cho người bị
khinh chê, Phật tử này phạm Bồ Tát Ba La Di tội.
Lời giảng:
Từ đây trở
xuống, bốn trọng giới sắp giảng là bốn pháp Tha Thắng Xứ ở trong Du Già Bồ Tát
Giới Bổn. Giờ đây, trước nhất xin giảng về giới tự khen mình chê người.
Tự khen mình
chính là tán dương công đức của mình, đem các thứ đặc trường (sở trường đặc
sắc) của mình sẵn có, cực lực tuyên dương ra bên ngoài cho mọi người biết mình
là người giữ giới hạnh bậc nhất, thuyết pháp không ai bì v.v... Để các thứ danh
dự, lợi dưỡng ồ ạt tuôn về mình, sẽ được các thiện nam tín nữ tôn kính, tài lợi
phong phú, thọ dụng không cùng. Như vậy, tự khen mình hoàn toàn xuất phát từ
nơi tâm niệm tham cầu danh dự, lợi dưỡng mà ra.
Chê người là chê
bai tội ác của người khác, moi móc ra tất cả những khuyết điểm như thế, làm cho
người bị chê bai, mất cả danh dự, lợi dưỡng, không còn được ai tôn kính và đến
cúng dường. Do đó, chúng ta thấy rõ sự chê bai người hoàn toàn phát xuất từ tâm
niệm sân hận, thấy người được nhiều lợi dưỡng mà ra.
Tự tán dương
công đức của mình, mục đích là phô bày tội lỗi của người khác. Chê bai hủy nhục
người mục đích là phô bày công đức của chính mình. Cho nên tự khen mình, chê
người, mục đích duy nhất là mong mọi sự cung kính, lợi dưỡng đều về hết nơi
mình. Dụng tâm này thật là một tội ác rất lớn nên thuộc về căn bổn trọng tội. Nếu
chỉ phô trương tài đức của mình mà không chê bai tội lỗi của người, hoặc chỉ
chê bai người, không tán dương mình thì chỉ phạm tội khinh cấu.
Có thể nói, tâm
lý khen mình chê người mọi người đều có. Cho nên ở mọi nơi, mỗi khi có dịp nghe
đến, chúng ta đều thấy rằng, nếu đó không phải là những lời tán dương cá nhân
mình thì cũng là những luận điệu phỉ báng người, rất ít khi được nghe ai nói
chỗ không đúng của chính họ mà tán dương mỹ đức của người.
Vì thế, làm
người sống ở thế gian, xưa nay không dễ gì tạo gây được một bầu không khí hòa
vui giữa người và người. Dù đôi khi, chúng ta cũng được nghe vài lời tán thán
mỹ đức của người khác, nhưng cũng không phải hoàn toàn phát xuất nơi tâm ý chân
thành.
Người người đều
tự cho mình là đúng, không biết rằng tự mình cũng còn nhiều chỗ không đúng, và
không chịu thừa nhận thế thôi. Ngược lại, họ thường cho người khác là sai, mà
không biết rằng người khác cũng có chỗ rất đúng. Vì thế, nếu bạn hủy báng tôi,
tôi nói xấu bạn, ai cũng không muốn tuyên nói chuyện tốt của người, nên trên
đời này nhiều vấn đề phức tạp thường xảy ra vô cùng vô tận.
Nếu con người
thường tự phản tỉnh từng giờ, từng phút, biết có rất nhiều chỗ sai lầm, và
người khác có nhiều điều siêu thắng hơn mình thì tự nhiên, không bao giờ có
hành động khen mình, chê người. Nhất là một Bồ Tát hành giả, lại cần phải luôn
luôn phô bày những tội lỗi của chính mình, tuyệt đối không nên có tâm niệm che
giấu tội lỗi của mình.
Nếu che giấu tội
lỗi thì những tội lỗi ấy chẳng những không được tiêu diệt, trái lại còn tăng
trưởng lên mãi, cho đến lúc quá nhiều, bấy giờ muốn diệt trừ chúng thì quả thật
hết sức khó khăn. Chẳng những không nên che giấu tội lỗi của mình mà nếu có
công đức chi, cũng không nên khởi tâm khoe khoang với mọi người. Nếu khoe
khoang công đức của mình thì các công đức chẳng những không được tăng trưởng, trái
lại, do đây mà bị hao tổn. Khi công đức đã bị hao tổn và hết sạch, bấy giờ, dù
bạn có muốn khoe khoang cũng không thể được.
Vì cầu danh lợi
bằng cách tự tán dương mình chưa chắc đã được. Phải biết rằng, bạn có công đức
hay không, những người chung quanh bạn thấy rất rõ ràng. Nếu bạn thật sự có
công đức, tự nhiên sẽ được mọi người tán dương, không cần bạn tự khen và sẽ
được hiệu quả cùng ảnh hưởng rất lớn. Thế nên, nếu mình thực sự có tài đức, cần
chi tự tán dương?
Nếu mình thực sự
không tài đức, chỉ là tự thổi kèn, đánh trống, tự khen mình rồi tự vỗ tay.
Những điều này chỉ khiến cho người khác ẩu tâm khó chịu, và chẳng những họ không
sanh khởi hảo cảm lại còn mất hẳn tín tâm đối với bạn, vì họ biết bạn chỉ là
người tự đề cao mình, và không có một mảy may thực đức. Như vậy thì có gì đáng để
họ cung kính, tôn trọng? Hóa ra, muốn được lợi ích mà trái lại bị tổn hại.
Chính mình thật sự chưa không có tài đức thì không nên tự khen; nhưng buồn thay
trên đời này, nơi nào đa số cũng đều là những người tự khen mình.
Tật đố người,
phỉ báng người chưa chắc làm cho người bị thiệt hại. Chúng ta nên biết, con
người sanh tồn trên cõi thế gian này đứng vững được hay không, không phải do
nơi sự khen chê của người khác, mà chính là tự nơi họ có đủ điều kiện đứng vững
hay không. Nếu người ấy có đủ điều kiện đứng vững trong xã hội thì bất cứ người
nào chê bai, phỉ báng họ cũng không gây được ảnh hưởng gì và còn có tác dụng
ngược lại.
Cho nên thánh
Gandhi nói: “Bất cứ người nào cũng không thể làm tổn hại được bạn. Chỉ có bạn
tự làm tổn hại bạn mà thôi”.
Vì thế, nếu cho
rằng chê bai để đả đảo họ, đó là quan niệm sai lầm tuyệt đối, đôi khi lại còn
có tác dụng ngược lại.
Tại sao?
Vì nếu người
khác biết được bạn có tâm niệm “đố hiền hại năng” (ganh ghét người hiền, hãm
hại kẻ tài năng), họ sẽ mất hẳn tín tâm đối với bạn, ly khai bạn và không giờ
tiếp thọ sự cảm hóa của bạn.
Bồ Tát hóa độ
chúng sanh phải làm gương mẫu cho chúng sanh, nên nhất cử, nhất động, một lời
nói, một việc làm phải hợp với phép tắc để cho chúng sanh bắt chước noi theo. Nếu
Bồ Tát tự khen mình chê người khiến bắt chước, học tập theo gương Bồ Tát, tự
tán dương mình, rồi rao nói mình là một bậc vĩ nhân. Dưới gầm trời này chỉ có
mình là nhân vật không thể tưởng, người khác không ai có thể so sánh với mình,
Thậm chí còn cho mọi người đều tầm thường, không có gì đáng nói. Rồi cực lực
tìm cách chê bai, hủy nhục người, nói họ việc này không đúng, việc kia là
sai...
Nói tóm lại,
trên thế gian này chỉ có một mình ta là đúng, tất cả mọi người đều sai. Chúng
sanh sẽ bắt chước thói quen khen mình chê người như vậy thì bao nhiêu thiện
pháp công đức, mỗi ngày sẽ bị tổn giảm, ác pháp tội lỗi ngày một gia tăng. Bồ
Tát dẫn dắt chúng sanh như vậy, thử hỏi, tội ác của bạn lớn biết dường nào?!
Tâm lý tội lỗi
tự khen mình, chê người này xưa nay đều có; nhưng thời cận đại này lại càng
thịnh hành hơn. Chẳng những mọi người thông thường đã như vậy, mà ngay cả những
người tu học trong Phật pháp cũng thế.
Như có người học
giáo lý, hơi hiểu biết chút ít Phật pháp, nếu động đến liền cho người tham
thiền là ám chứng, hoặc nói những người này là tu mù, luyện quáng. Người tham
thiền mới thực hành công phu tĩnh tọa được ít nhiều đôi chút, vội cho mình là
người “chân tu thực học”, lại chê bai, hủy báng những người học giáo lý là
không có tu trì, hoặc nói họ là kẻ chuyên đếm của báu cho người v.v... Những
hạng người tự cho mình là phải, chê người khác là trái như thế thì đâu xứng
đáng với tư cách một vị có bổn phận duy trì Phật pháp?
Đối với hai hạng
người nói trên, trong kinh nếu không bài xích cho là giặc, đem Phật pháp xuất
mại (bán rao), thì cũng quở trách là bè đảng của ma vương, phá hoại Phật
pháp.
Vì thế, đệ tử
Phật, nhất là hành giả Bồ Tát, phải tán tụng, tuyên dương công đức của người
càng nhiều càng tốt. Không nên một mặt tự thổi kèn đánh trống, tán dương rao
nói chỗ hay, tốt của mình; một mặt moi móc kiếm tìm lỗi lầm của người khác (hết
phần giảng ý nghĩa tên của giới).
Đức Phật đối với
đại chúng dạy tiếp rằng: “Nếu Phật tử là một vị Bồ Tát, ở trong quá trình giáo
hóa chúng sanh, thường luôn tự khen mình chê người, hoàn toàn không đúng với tư
cách của hành giả Bồ Tát”.
Tự bản thân mình
không có công đức chi mà lại đi phô bày công đức của chính mình gọi là “tự
tán”. Người khác thật có đạo đức cao siêu mà lại hủy nhục gọi là “hủy tha”. Bồ
Tát lấy việc lợi tha làm bổn phận, đúng lý phải tận lực tuyên dương tài đức của
người, không nên tự khen mình chê người. Suy cùng nguyên nhân tự nâng cao mình,
đè bẹp người cốt để cầu lợi dưỡng và sự cung kính. Bảo người làm như vậy đều do
nơi tham tâm hoặc sân tâm. Trong đó, đương nhiên có si tâm, nhưng động cơ chính
yếu là tham tâm.
Trong Du Già Bồ
Tát Giới Bổn có nói: “Vì muốn tham cầu lợi dưỡng, cung kính, mà tự khen mình
chê người, ấy gọi là pháp Tha Thắng Xứ thứ nhất”. Cho nên tham tâm là một tội đứng
đầu trong các tội.
Trong Luật dạy
chê người có ba thứ:
1. Đối trước mặt
chê bai, mạ nhục; như nói: “Mầy là hạng người sanh trong gia đình Chiên Đà La,
mầy không phải là người tốt...”
2. Dùng tỷ dụ để
hủy báng, mạ nhục, như nói: “Mầy sẽ giống với kẻ sanh trong nhà Chiên Đà La
v.v...”
3. Tự so sánh mà
hủy báng, mạ nhục; như nói: “Ta đây không phải thuộc vào giòng Chiên Đà La, ta
đây không giống như mầy, là một người không ai đếm xỉa đến...” v.v...
Vì vậy, phàm
những lời nói khiến kẻ đối diện không còn chỗ đứng, không có cơ hội ngóc đầu
lên, làm cho mọi người xa lánh, không muốn gần gũi với kẻ ấy, làm cho họ bị cô
lập, muốn làm việc gì đều không được ai hưởng ứng. Những hành động ấy đều thuộc
về chê bai người. Loại dụng tâm này rất ác độc nên tội lỗi cũng vô lượng vô
biên.
Tự khen mình chê
người đối với đối tượng nào mới kết thành tội?
Có hai lối giải
thích:
1. Đối với những
người thường chưa thọ giới Bồ Tát, tự khen mình chê người thì phạm căn bổn
trọng tội. Với Phật tử đã thọ giới, tự khen mình chê người chỉ phạm tội khinh
cấu.
2. Bất luật đối
với hành giả đồng đạo, hoặc người thông thường không ở trong Phật pháp, nếu tự
khen mình chê người chỉ cần phát xuất từ tâm mong cầu danh dự, lợi dưỡng đều
phạm căn bổn trọng tội, không được nói là khinh cấu.
Hai lối
giải thích trên đều rất thông suốt, nhưng xét kỹ, thuyết thứ hai có phần thấu
đáo hơn. Vì khen mình, chê người mục đích chính là để mong cầu lợi dưỡng, cung
kính nên tội này rất nặng.
Chúng ta nên
biết, đối với lợi dưỡng không nên cho là quý tốt. Nó thật sự là kẻ đại tặc phá
hoại công đức. Như sấm chớp, mưa đá làm thương hại ngũ cốc, hoa màu, không thâu
hoạch được gì. Cũng vậy, danh dự, lợi dưỡng phá hoại mầm công đức không thể
tăng trưởng được. Vì thế, bất luận ở trường hợp nào, có liên quan đến danh dự,
lợi dưỡng đều không nên mong cầu và gần gũi.
Trong kinh, Đức
Phật từng dạy chúng ta như vầy: “Người vào rừng chiên đàn, hãy nhặt lấy gỗ
chiên đàn, không nên lấy lá chiên đàn. Nếu chỉ lấy lá mà không lấy gỗ, người ấy
đã tự cô phụ công phu vào rừng chiên đàn của mình. Cũng thế, hành giả đi vào
Phật pháp phải cầu cho kỳ được sự an vui Niết Bàn, không nên mong cầu danh lợi,
cúng dường. Nếu không mong cầu sự an lạc Niết Bàn, trở lại cầu danh lợi, cúng
dường, kẻ ấy đã tự dối gạt mình. Chhẳng khác nào người vào núi báu, lại trở về
với hai bàn tay không, lại còn thiêu đốt tất cả thiện căn ở đời hiện tại, và
chắc chắn bị đọa địa ngục nơi đời vị lai”.
Thế thì thử hỏi
lợi dưỡng có gì tốt đẹp? Tại sao chúng ta phải miệt mài theo đuổi mong cầu? Và
cần chi phải vì lợi dưỡng mà làm việc khen mình, chê người?
Vì thế, đặc biệt
nếu một hành giả Bồ Tát tự phô trương công đức của mình, mà dìm che công đức
của người, tất nhiên sẽ gây bất lợi cho người, mà ngay cả bản thân mình cũng
chẳng được đẹp đẽ chi. Cho nên Đức Phật đặc biệt chế định lỗi khen mình, chê
người thành căn bổn trọng tội.
Chẳng những không
được chính miệng mình tự khen mình, chê người mà bảo kẻ khác tự khen mình, chê
người cũng không được. Việc này chia làm hai loại:
1. Bảo người
trước mặt mình tán thán công đức của chính mình và chê bai tội lỗi của
người.
2. Bảo người
trước mặt mình tán thán công đức của chính họ và hủy báng tội lỗi của
người.
Tán thán, dù là
tự tán hay bảo người tán thán, tuy bất đồng, nhưng tự khen mình, chê người
trong bất cứ trường hợp nào, trong hai loại trên, chủ yếu là người lãnh thọ lời
sai bảo và hoàn thành việc khen mình, chê người thì người sai bảo phải lãnh lấy
căn bổn trọng tội.
Tại sao tự miệng
mình không khen mình, chê người, chỉ bảo người thực hiện lại bị trọng tội như
thế?
Do vì người mà
bạn sai bảo kia, vốn không khởi tâm niệm khen mình, chê người, nhưng vì bạn xúi
bảo họ hành động, nên bạn không thể viện một lý do nào để từ chối việc lãnh trách
nhiệm ấy.
Kết thành tội
trọng khen mình, chê người cũng phải hội đủ bốn điều kiện: nhân, duyên, pháp,
nghiệp; phân biệt sơ lược như sau:
1. Hủy tha nhân
(nhân chê người): do phiền não tham lam sẵn có trong tạng thức phát động, đầu
tiên sanh khởi một niệm tự khen mình, chê người nên gọi là nhân chê
người.
2. Hủy tha duyên
(duyên chê người): Tâm khen mình, chê người tương tục mãi, không gián đoạn, mục
đích là hoàn thành việc mong cầu danh lợi, gọi là duyên chê người.
3. Hủy tha pháp
(cách thức chê người): dùng những phương tiện khéo léo để thành tựu việc tự tán
dương mình và lăng nhục người, gọi là cách thức chê người.
4. Hủy tha
nghiệp (nghiệp chê người): ba việc trên hòa hợp, khiến người trước mặt lãnh
hội, hoàn thành việc chê người, kết thành nghiệp chê người.
Một điểm cần lưu
ý là giới thứ bảy, gọi là giới “tự khen mình, chê người” nhưng tại sao ở đây,
kinh văn chỉ nói chê người mà không nêu tự khen mình cho đầy đủ?
Vì tự khen mục
đích chính là chê người, chỉ cần đạt đến mục đích chê người, tự nhiên có việc
tự khen trong đó; nên kinh văn không cần nêu ra một cách rõ ràng mà chỉ cần nói
là nhân chê người, duyên chê người v.v...
Nhưng một vị Bồ
Tát chân chánh, đúng lý phải thay thế chịu những sự khinh chê, hủy nhục cho tất
cả chúng sanh, nghĩa là vị Bồ Tát đối với những chúng sanh vô tội, hẳn nhiên không
nên hủy báng; mà ngay cả đến những chúng sanh tạo nhiều tội lỗi, nếu có người
muốn hủy báng chúng sanh ấy, Bồ Tát cũng phải đem thân mình ra thay thế, nhận
chịu sự hủy nhục ấy cho chúng sanh. Bồ Tát đối với kẻ hủy nhục chúng sanh kia
nói rằng: “Tội lỗi này không phải của người ấy, mà chính là của tôi. Nếu bạn
muốn hủy nhục thì hãy hủy nhục tôi đây, không nên hủy báng người ấy”.
Vì vậy, Bồ Tát
phát đại nguyện vô thượng Bồ Đề, nguyện ở trong sanh tử lãnh thọ vô lượng thống
khổ, làm lợi ích cho hữu tình. Nên đem tất cả những việc đáng ghét, đáng chê
nhận về mình, còn tất cả những việc vừa lòng, xứng ý đều nhường cho kẻ
khác.
Việc tốt nhường
cho người, chứng tỏ không phải tự khen ngợi mình, mà trái lại là khen ngợi
người khác. Việc xấu đem về phần mình, biểu thị không phải chê bai người, mà là
tự chê bai mình. Nếu không phải là Bồ Tát thì không bao giờ hành động được như
vậy.
Ở đây có người
hỏi rằng: Bản thân của Bồ Tát quả thật không có việc xấu, chúng sanh vốn thật
không có việc tốt, làm sao có thể lấy việc ác về cho mình, nhường việc tốt cho
người?
Cổ đức có hai
lối giải thích như sau:
1. Như có người
vô duyên cớ đến hủy nhục Bồ Tát; bấy giờ vị Bồ Tát suy nghĩ như vầy: Dụ như
người bắn tên, có đích mới có chỗ bắn trúng. Không đích thì không chỗ bắn
trúng.
- Chúng sanh hủy
nhục mình cũng thế. Do mình có sanh mạng nhục thể này, chúng sanh đối với mình
mới sanh ác niệm hủy nhục. Nếu mình không có sanh mạng nhục thể này, chúng sanh
nương vào đâu để sanh ác niệm hủy nhục mình? Thế thì nguyên nhân chúng sanh
khởi ác niệm, chính là do mình có sanh mạng nhục thể này.
Như vậy, tội ác
chính do ở nơi mình, chớ không phải ở nơi chúng sanh, cho nên phải quy việc xấu
về cho mình, không nên quy cho chúng sanh.
Bồ Tát lại còn
suy tư như vầy: ta phải làm thế nào để tu giới, để phòng hộ thân, khẩu, nghiệp?
Nếu không phải nhờ nơi chúng sanh hủy báng ta hay sao? Nếu không có chúng sanh
hủy báng thì ta nương vào đâu để trì giới mà thành tựu thiện pháp? Thế thì
thiện pháp trì giới của ta được sanh khởi hoàn toàn nhờ nơi chúng sanh. Đã nhờ
nơi chúng sanh mà sanh được thiện pháp công đức thì phải đem việc tốt nhường
cho chúng sanh, không nên nhận về phần mình.
2. Bồ Tát suy
nghĩ như vầy: Thông thường cho rằng chúng sanh làm việc ác đối với ta, đấy chỉ
là do ngã kiến của ta nghĩ như vậy. Nếu nói về đạo lý chân thật (chỉ cho tâm
thể bình đẳng), chúng sanh với ta đều đồng nhất thể. Vậy thì có ai làm việc ác
đối với ta? Bồ Tát phải quán sát theo chân lý như vậy, không nên tùy theo vọng
kiến của mình. Khi suy tư như vậy tự nhiên nhận việc xấu về mình, nhường việc
tốt cho người.
Lại nữa, trong
lúc Bồ Tát phát Bồ Tát tâm, chính là đã quyết định phải làm thế nào khiến chúng
sanh xa lìa tất cả tội ác. Hiện tại chúng sanh đối với mình làm những việc tội ác,
không phải lỗi của chúng sanh, mà chính là do mình không tròn trách nhiệm, nên
phải nhận lỗi về mình, tự trách mình và nhìn nhận tội lỗi ấy của chính mình,
không nên đổ cho chúng sanh.