KINH PHẠM VÕNG BỒ TÁT GIỚI BỔN GIẢNG KÝ
Hán văn: Pháp sư Thích Diễn Bồi
Việt dịch: Hòa Thượng Thích Trí Minh
Chương III:
CHÁNH THUYẾT GIỚI TƯỚNG
(chánh thức thuyết giảng giới tướng)
B. BIỆT THUYẾT GIỚI TƯỚNG
(thuyết giảng riêng biệt giới tướng)
B.1.1.10. HỦY BÁNG TAM BẢO GIỚI
(giới hủy báng
Tam Bảo)
Kinh
văn:
1. Phiên
âm:
Từ câu “nhược
Phật tử tự báng Tam Bảo” cho đến câu “thị Bồ Tát Ba La Di tội”.
2. Dịch
nghĩa:
Nếu Phật tử tự
mình hủy báng Tam Bảo, xúi người hủy báng Tam Bảo, nhân hủy báng, duyên hủy
báng, cách thức hủy báng, nghiệp hủy báng. Phật tử nghe một lời hủy báng Tam
Bảo của ngoại đạo và kẻ ác, lòng đau như ba trăm cây nhọn đâm vào tim mình,
huống là tự miệng mình hủy báng. Không có đức tin và lòng hiếu thuận đối với
Tam Bảo, lại còn giúp sức cho kẻ ác, kẻ tà kiến hủy báng Tam Bảo, Phật tử này
phạm Bồ Tát Ba La Di tội.
Lời giảng:
Đây là giới
rốt sau của mười giới trọng. Trong Du Già Bồ Tát Giới Bổn gọi là giới “báng
loạn chánh pháp”, hay gọi là “hủy báng Bồ Tát pháp”, cũng gọi là giới “tà kiến,
tà thuyết”.
Tam Bảo tức là
chiếc đò rộng lớn đưa người ra khỏi nẻo tà:
- Là yếu môn đi
vào Phật đạo.
- Là cảnh thù
thắng cho người sơ phát tâm.
- Là chỗ cùng
tột của tất cả những ai muốn nương về.
- Là chiếc
thuyền từ đưa chúng sanh qua bể khổ.
- Là ngọn minh
đăng soi sáng trong đêm trường hắc ám.
- Là trận mưa to
lúc ngôi nhà lớn đang hỏa hoạn.
Vì thế, tất cả
mọi phương diện, tất cả chúng sanh đều phải nhất tâm thừa sự, kính thuận và
thân cận cúng dường, mong cho ngôi Tam Bảo trong thế gian được mãi mãi hưng
thạnh, làm chỗ nương nhờ an ổn cho chúng sanh. Nếu đã không làm được như vậy,
lại còn cực lực hủy báng Tam Bảo, là tự mình chuốc lấy tai họa thâm sâu và làm
hại cho tất cả mọi người, làm đoạn tuyệt tất cả hạt giống trong ngôi Tam Bảo.
Tội ác này lớn biết dường nào, vì vậy mà kết thành căn bổn trọng tội!
Đề mục giới này
gọi là hủy báng, chính là sự chống trái, tự mình không minh bạch chút đạo lý
nào, không có tri kiến chính xác, rồi đối với Tam Bảo vọng sanh chê bai, bàn
luận hoàn toàn không đúng sự thật, nên gọi là hủy báng.
Tam Bảo là phước
điền mầu mỡ, đem lại lợi ích cho tất cả chúng sanh, đáng lẽ không được hủy
báng. Nhưng chúng sanh sở dĩ hủy báng Tam Bảo là do tà kiến xúi giục.
Tà kiến là sự
sai lầm của tư tưởng. Khi một người có tư tưởng sai lầm thì bất cứ điều gì họ
cũng cực lực bài bác, không thừa nhận. Phật pháp nhận định rằng những tội lỗi
do tư tưởng sai lầm sản sinh, so với tất cả những tội khác thì nặng hơn hết. Tà
kiến nói ra thì rất nhiều, nhưng chư cổ đức quy nạp lại một cách đại khái gồm có
bốn loại sau đây:
1. Thượng phẩm
tà kiến: loại tà kiến này phủ nhận mọi hành vi đạo đức. Căn bản là bài bác luật
nhân quả của thiện ác nghiệp. Không thừa nhận bất cứ thuyết thiện nhân, thiện
quả hay ác nhân, ác quả nào, như hạng nhất-xiển-đề thuộc loại tà kiến thượng
phẩm này.
(Nhất-xiển-đề,
Trung Hoa dịch là Bất Tín. Nghĩa là không tin Phật pháp. Kinh Niết Bàn quyển
năm nói: “Những người không có tín tâm với Tam Bảo gọi là nhất-xiển-đề”).
2. Trung phẩm tà
kiến: thứ tà kiến này không thừa nhận Tam Bảo có công đức thù thắng hơn ngoại
đạo, thậm chí còn nói Tam Bảo không bằng ngoại đạo là khác.
Nếu loại chấp
trước sai lầm này uẩn súc trong nội tâm đã thành thục rồi hủy báng Tam Bảo thì
phạm căn bổn trọng tội, luôn cả giới thể cũng bị mất. Nếu nội tâm đã thừa nhận
Tam Bảo là thù thắng hơn ngoại đạo, nhưng chỉ ở đầu lưỡi rao nói Tam Bảo không
bằng ngoại đạo. Vì chưa bỏ Chánh Đế theo hẳn Tà Đạo, dù là phạm căn bổn trọng
tội, nhưng giới thể không hoàn toàn bị mất. Nhưng nếu một lần nói Tam Bảo không
bằng ngoại đạo thì kết trọng tội một lần. Nói nhiều lần thì kết trọng tội nhiều
lần. Vì thế, tội hủy báng Tam Bảo này không nên tùy tiện nói càn.
3. Hạ phẩm tà
kiến: các Phật tử thọ Bồ Tát giới, tu học pháp Đại Thừa, phải thú hướng đến Đại
Thừa, là mục đích duy nhất của mình. Về sau nếu bỗng nhiên biến cải ý niệm của
mình, buông bỏ bổn nghiệp Đại Thừa cần phải học tập của mình, để chuyên tâm
nhứt ý học theo pháp Tiểu Thừa.
Nếu thứ pháp
chấp trước này đã thành tựu trong nội tâm thì phạm căn bổn trọng tội, và mất
hẳn giới thể của Bồ Tát.
Nếu thứ chấp
trước này chưa thành tựu trong nội tâm, thì chỉ thuộc về giới có tâm trái bỏ
Đại Thừa, trong phần các giới khinh.
4. Tạp loại tà
kiến (tà kiến tạp nhạp, gặp thứ nào cũng tin): Chia làm nhiều trường hợp.
* Chấp Đại Thừa
hủy Tiểu Thừa: cho rằng Bồ Tát học pháp Đại Thừa, chỉ cần thành thật học pháp
Đại Thừa là đủ. Với giáo pháp tương ứng Thanh Văn thừa, Bồ Tát không cần phải
học tập, như trong Du Già Bồ Tát Giới Bổn nói: “Bồ Tát cần chi học tập, cần gì
phải nghe theo và bẩm thọ, hành trì, tinh tấn tu học giáo pháp tương ứng Thanh Văn
thừa?” Như thế sẽ phạm tội khinh cấu “nhiễm ô khởi”.
(Lưu ý: Danh từ
“nhiễm ô khởi” có rất nhiều ý nghĩa. Ở đây có nghĩa là một thứ tội từ phiền não
phát sanh).
Phải biết Phật
pháp bên Tiểu Thừa dù nói là không được rốt ráo, nhưng đây là phần cơ bản rốt
ráo của Phật pháp xuất thế. Vả lại, chư Phật trong ba đời xuất hiện ở thế gian,
giáo hóa chúng sanh, không vị Phật nào chẳng tuyên thuyết giáo pháp Tam
Thừa.
Cho nên Bồ Tát
đã phát Bồ Đề tâm, đối với pháp Đại Thừa cần phải tu học là lẽ đương nhiên,
nhưng với pháp Thanh Văn thừa cũng cần phải học tập, để làm phương tiện độ sanh
cho chính mình. Không được nói: “Tôi đây là người Đại Thừa, không cần học pháp
Tiểu Thừa”. Nhưng nếu chỉ chấp chặt một bên, theo pháp Tiểu Thừa không ra khỏi,
cố nhiên cũng không đúng; nhưng bài bác pháp Tiểu Thừa không chịu học tập, cũng
là điều tuyệt đối sai lầm.
Lại có người
khuynh hướng thiên về sự hủy báng một bộ kinh nào đó. Như đối với các kinh điển
Đại Thừa, bộ nào hợp với tư tưởng của mình thì thừa nhận là Phật nói. Nếu bộ
nào không hợp thì cho là không phải Phật nói, và cho rằng bộ kinh ấy không phải
của Phật giáo, mà thuộc về tà thuyết của ngoại đạo. Chấp như vậy sẽ phạm tội khinh
cấu.
Trong giới kinh
nói: “Nếu Bồ Tát khi nghe nghĩa lý thậm thâm, chân thật của Bồ Tát pháp tạng
cùng với vô lượng thần thông diệu dụng của chư Phật, Bồ Tát, mà bài báng, không
tiếp thọ, nói là không có lợi ích cho chúng sanh, không phải pháp của Như Lai
nói, không thể đem sự lợi ích an lạc lại cho chúng sanh thì vị Bồ Tát này phạm
tội nhiễm ô khởi”.
Lại nữa, nếu có
kẻ tín tâm không được thuần khiết, người ấy đối với oai đức của Tam Bảo, với
nghĩa lý của pháp Đại Thừa, luật nhân quả thiện ác, tuy có tâm thâm tín không
đối nghịch, nhận chân những lời trong kinh nói đều đúng. Nhưng đồng thời cũng
cho rằng ngoại đạo, quỷ thần cũng có oai lực của quý vị ấy, nên bảo nhau tín
phụng theo ngoại đạo hoặc quỷ thần. Thậm chí còn dùng phù chú, điệp sớ cúng tâu
lên cho quỷ thần biết rõ. Chẳng những tự mình tin hiểu, thực hành như vậy, lại
còn khuyến hóa mọi người cũng tin hiểu và thực hành như vậy.
Việc này trong
thời buổi hiện tại có thể nói là rất nhiều. Y theo giới Bồ Tát mà nói, lối tin
không thuần khiết này không thể chấp nhận và sẽ phạm tội khinh cấu.
Chúng ta nên
biết, đối với tín ngưỡng, điều tối yếu là không được phức tạp. Nếu bất cứ điều
gì cũng cho là đúng, tin một cách tạp nhạp, không phân biệt Phật, quỷ thần hoặc
Bồ Tát, là trái với chánh tín của người Phật tử, thuộc về tri kiến điên đảo,
không thể gọi là người Phật tử chánh tín.
Lại có hạng
người vì sức trí huệ kém, đối với mọi vấn đề không biết khéo léo phân biệt lựa
chọn, chỉ nương theo những lời giải thích bất đồng của người khác; cho rằng lời
giải thích này cũng đúng, lời giải thích kia cũng đúng, nên không dám có ý kiến
riêng để bài bác người. Hạng người này không phạm tội gì. Nếu tự mình sức trí huệ
kém, hiểu biết không tới, đối với kiến giải của người không tự thấu triệt lại
theo trí huệ thiển cận của mình mặc tình lấy, bỏ, người này phạm giới khinh suất.
Lại nữa, có kẻ
biết lý thuyết của người khác là đúng, nhưng vì muốn phô bày kiến giải của
mình, tự cho là cao siêu, cưỡng kiến, lập tư tưởng, lý luận của tự mình không đồng
với mọi người. Lại còn cực lực bài xích tư tưởng, lý luận của người, cho rằng
không đúng. Hạng người này phạm tội kiêu mạn.
Lại có hạng
người thuyết pháp theo lối tương tự (mới nghe thấy giống như chánh pháp), nghĩa
là điên đảo giảng nói cho người. Chẳng hạn nói rằng: Đại phàm Bồ Tát hành Bồ Tát
đạo, phải ở trong sanh tử hóa độ chúng sanh, cho nên không tích cực mong cầu
lạc thú Niết Bàn. Nếu chỉ ưa thích chứng đắc Niết Bàn thì bị sa vào lỗi trầm
không trệ tịch như những kẻ chấp Không bên Tiểu thừa, mãi ở trong cảnh Niết
Bàn, hưởng thụ sự khoái lạc của Niết Bàn, nên không thể ở trong sanh tử hóa độ
chúng sanh (“trầm không trệ tịch” chỉ cho các thánh nhân phái Tiểu thừa, ưa
thích an trụ Niết Bàn, không nhập thế độ sanh). Vì muốn gánh vác trách nhiệm
hóa độ chúng sanh, vì muốn tích cực với công tác độ sanh nên vị Bồ Tát bất luận
thế nào cũng không nên cầu ưa thích chứng đắc Niết Bàn, mà phải cực lực nhàm
chán lìa bỏ. Cần phải ở trong sanh tử cứu độ chúng sanh, nên đối với các phiền
não có công năng tư nhuận cho sanh tử, không nên sanh tâm sợ sệt, không nên suốt
năm tháng lo đoạn trừ phiền não.
Tại sao vậy? Vì
phiền não một khi đã đoạn trừ, thì sẽ chứng đắc Niết Bàn. Mà đã chứng đắc Niết
Bàn thì không thể ở trong sanh tử hóa độ chúng sanh. Thế là hoàn toàn không tương
ứng với tinh thần Bồ Tát đạo.
Vì thế, Bồ Tát
đối với các phiền não làm não loạn thân tâm, không cần sanh tâm nhàm chán như
các hành giả Thanh Văn thừa.
Tại sao vậy?
Vì Bồ Tát phát
Bồ Đề tâm, hành Bồ Tát đạo, phải ở trong thời gian lâu xa ba a tăng kỳ kiếp thọ
sanh tử, để cầu quả vô thượng Bồ Đề. Điều minh chứng là trường hợp đức Di Lặc
Bồ Tát ở trong sanh tử độ sanh. Chính Ngài không cần tu tập Thiền Định, cũng
không cần đoạn phiền não. Ngài là tấm gương rất tốt cho chúng sanh noi theo.
Như vậy, cần chi phải sanh tâm nhàm lìa sanh tử và đoạn diệt phiền não, ưa
thích Niết Bàn?
Lối thuyết pháp
trên hoàn toàn sai lầm, và trái hẳn với tinh thần của Đại Thừa Phật pháp, và
đối với giới Bồ Tát cũng có chỗ vi phạm. Tại sao vậy? Nên biết rằng: phiền não
nhiễu loạn thân tâm giới. Chẳng những hành giả Thanh Văn trong thâm tâm cực lực
nhàm lìa, mà chính ngay chư Bồ Tát trong thâm tâm cũng chán lìa phiền não một
cách nhiệt thiết. Tâm chán lìa phiền não của Bồ Tát, nếu đem so với hành giả
Thanh Văn thì vượt xa đến trăm nghìn vạn ức lần.
Với sự sợ hãi
sanh tử, sự ưa thích mong cầu Niết Bàn, hành giả Thanh Văn thừa đều không thể sánh
kịp với Bồ Tát. Tại sao vậy?
Vì hành giả
Thanh Văn chỉ mong giải thoát cho chính mình; còn Bồ Tát mục đích là khắp vì
tất cả chúng sanh mà cầu chứng Niết Bàn, nên nỗ lực đoạn phiền não để giải thoát
cho chính mình, đồng thời làm lợi ích cho tất cả chúng sanh, như thế không thể
bảo là giống nhau được.
Đặc điểm lớn
nhất của Bồ Tát là ở trong sanh tử mà không bị sanh tử lay động và dần dần
thoát ly sanh tử. Lăn lộn trong phiền não mà có thể dần dần xa lìa phiền
não.
Như đức Di Lặc
Bồ Tát không cần tu tập Thiền Định, không cần đoạn trừ phiền não mà lại được
đức Bổn Sư Thích Ca thọ ký cho Ngài sẽ ở thế giới này thành Vô Thượng Chánh
Đẳng Chánh Giác. Công phu tu hành đến mức này đâu phải hành giả Thanh Văn có
thể thực hành được.
Theo những điều
vừa phân tích, chúng ta thấy Bồ Tát không phải không có tâm ưa thích cầu chứng
Niết Bàn, không phải không sợ sanh tử, không phải không lo đoạn trừ phiền não.
Như vậy thì những lời thuyết pháp trên thuộc về lối vọng ngữ điên đảo và lầm
lộn.
Giới này thất
chúng Phật tử dù không hoàn toàn vi phạm, nhưng cũng không phải hoàn toàn không
trái phạm. Vì phiền não chúng sanh quá sâu nặng, đôi lúc phiền não xung động mà
quên hẳn mình là đệ tử của Tam Bảo. Đối với Tam Bảo mà mình đã phụng kính từ
lâu, vô tình không ý thức, sanh ra hủy báng mà tự tạo tội nghiệp rất sâu nặng
cho chính mình. Đức Phật biết rõ Phật tử có thể vi phạm giới này nên trong giới
Đại Thừa và Tiểu Thừa đều có chế định giới điều này, để ngăn ngừa tội hủy báng
phi lý. Nhưng lập trường của Đại Thừa và Tiểu Thừa bất đồng, nên việc phạm giới
có sự khinh, trọng sai khác.
Bồ Tát lấy việc
độ sanh làm trách nhiệm, nên đối với chúng sanh phải giảng nói Phật pháp thuần
chánh, không nên nói Phật pháp tương tự. Với Tam Bảo, phải tìm nhiều phương tiện
xưng dương, tán thán, không nên có một niệm hủy báng, bất kính.
Nếu hủy báng Tam
Bảo và tuyên thuyết chánh pháp tương tự làm lầm loạn giáo pháp của Như Lai, tội
này nặng vô cùng, nên liệt vào căn bổn trọng tội. Hành giả Thanh Văn lấy việc tự
tu làm trách nhiệm, nếu giảng nói pháp tương tự, tuy không đến nỗi đầu độc
chúng sanh sâu nặng, nhưng hủy báng Tam Bảo đương nhiên cũng là tội đại
nghịch.
Những bạn đồng
đạo khi thấy xảy ra sự kiện này, phải cố gắng khuyên ngăn, giảng giải cho họ
rằng: hành động giảng nói pháp tương tự hoàn toàn bất lợi với họ, và điều ấy
quyết không được làm.
Nếu như một, hai
lần đến ba lần khuyên gián mà họ vẫn không từ bỏ, thì xem như họ đã bị tà độc
ăn sâu vào tâm, không phương thế cứu vãn. Lúc ấy, đành phải kết tội họ, nhưng
chỉ là phạm Ba Dật Đề, thiên thứ ba trong số năm thiên, và so với căn bổn trọng
tội của Bồ Tát có sự khác biệt thật sự:
Thể của Tam Bảo
như vầng nhật nguyệt không thể dùng một ngón tay mà ngăn che được.
Đức của Tam Bảo
không thể dùng một lời mà có thể hủy báng được. Nếu hủy báng Tam Bảo chẳng khác
nào người quăng búa muốn chém chặt hư không. Hư không không thể chém chặt được,
trái lại tự thương hại cho bản thân mình. Hủy báng Tam Bảo cũng thế, chỉ gia
tăng tội ác cho mình mà thôi,
Đức Phật đối với
đại chúng dạy rằng: “Nếu Phật tử là một vị Bồ Tát đi lợi ích chúng sanh, bất
luận tự mình hủy báng Tam Bảo, hay bảo người hủy báng Tam Bảo, tội lỗi ấy rất
nặng và to lớn. Vì chẳng những đem hết thiện căn công đức của mình thiêu đốt
hết, lại còn phá hoại tín tâm của chúng sanh đối với Tam Bảo, đồng thời còn tiêu
diệt pháp nhãn của chúng sanh. Ấy là một đại ác tri thức của chúng sanh, làm
cho cả mình lẫn người thành tựu nghiệp nhân A Tỳ địa ngục”. Vì thế, để tăng
trưởng thiện căn cho mình hay cho người, đều không nên hủy báng Tam Bảo.
Thế nào là tự
mình hủy báng Tam Bảo?
Có một loại
ngoại đạo nói như vầy: “Đệ tử Phật thường nói đức Giáo Chủ của họ là bậc Nhất
Thiết Trí, nhưng chúng ta xem ra trên thế gian này, không có một người nào là
Nhất Thiết Trí. Thế mà tín đồ Phật giáo nói bậc Nhất Thiết Trí chính là Đức
Phật. Chúng ta không thể thừa nhận, vì trong thực tế vẫn không có Phật...” Như
thế là hủy báng Phật Bảo.
Chánh pháp của
Như Lai tuyên thuyết có bốn thứ: Giáo, Lý, Hạnh, Quả. Bất luận hủy báng thứ nào
đều gọi là hủy báng Pháp Bảo.
Như có người bị
ma làm mê hoặc, do đó, đối với Phật pháp tín giải không chính xác, nên đối với
kinh điển thậm thâm của Như Lai cực lực hủy báng rằng: “Kinh điển này không phải
của Phật nói, Phật không bao giờ nói những lời như vậy”. Người thốt ra những
lời như thế là hủy báng Pháp Bảo.
Vì đối với giáo
pháp của Phật dám cả gan phán đoán cho là không phải pháp, không phải luật. Như
trong kinh Đại Bát Nhã, quyển thứ năm trăm, cũng nói:
“Thiện Huệ bạch
Phật rằng:
- Người ngu si
kia do duyên cớ, nghiệp duyên chi mà hủy báng pháp Bát Nhã Ba La Mật Đa thậm
thâm như thế?
Đức Phật bảo
Thiện Huệ vì bốn nhân duyên như sau:
- Bị các tà ma
dối gạt, mê hoặc.
- Do nguyên nhân
đối với pháp thậm thâm không tín giải.
- Do nguyên nhân
không chuyên cần tinh tấn tu tập, chỉ đắm trước thân ngũ uẩn và bị các ác tri
thức dẫn dắt.
- Do nguyên nhân
thường ôm ấp tâm niệm sâu hận, ưa làm ác pháp, tự mình cống cao, khinh miệt
người khác.
Hạng người ngu
si kia vì hội đủ bốn duyên nên hủy báng pháp Ba La Mật thậm thâm của Như
Lai.
Tăng Bảo, theo
Phật pháp nói có hai loại là Thanh Văn Tăng và Bồ Tát Tăng. Thanh Văn tăng lấy
tự lợi làm chủ; Bồ Tát Tăng lấy lợi tha làm gốc, đều là phước điền của nhân
gian, người người cần phải cung kính, tôn trọng. Nhưng có người, do tà kiến đã
ăn sâu vào tâm, nói rằng: “A La Hán và Bồ Tát quả thật là đáng tôn, đáng quý,
vì các Ngài đều là bậc thân tâm thanh tịnh mà được tự do giải thoát. Nhưng hiện
trên đời này tôi không tin có vị A La Hán và Bồ Tát chân thật. Chẳng qua là Bồ
Tát tương tự và Thanh Văn giả mà thôi”. Người nào nói như vậy, chính là hủy
báng Tam Bảo.
Hủy báng Tam Bảo
như vậy tự mình mất hẳn mầm thiện căn, cùng làm cho mầm thiện căn của chúng
sanh cũng mất hẳn, tội này rất nặng.
Thế nào là người
hủy báng Tam Bảo?
Là có hạng người
tà kiến, đã tự mình hủy báng Tam Bảo, lại còn muốn nhiều người kết thành bè
đảng hủy báng Tam Bảo. Vì người ấy nghĩ rằng: nếu riêng một cá nhân họ hủy báng
thì chỉ gây một ảnh hưởng quá yếu, khó làm cho người tin nhận, cũng không thể
làm cho ngôi Tam Bảo lay động. Bấy giờ đi đâu cũng cổ động người khác hủy báng
Tam Bảo, kéo người vào bè đảng của mình để cho thanh thế của mình được lừng lẫy
và Tam Bảo không thể ở lâu trong thế gian. Làm cho tất cả chúng sanh sa vào
trong lưới tà kiến của mình, không cách nào tự cứu.
Sau đó, không
cần dùng miệng bảo người hủy báng Tam Bảo, chỉ cần đem những tư tưởng, ngôn
luận của mình muốn hủy báng Tam Bảo, viết thành một thiên văn chương, hoặc quyển
sách nho nhỏ, truyền bá khắp nơi và lưu truyền mãi đến đời vị lâu dài, khiến
những người kiến giải cạn cợt, đối với Phật pháp không có nhận thức, sau khi
xem quyển sách ấy, vì trong tâm đã có tri kiến nhất định, nên phụ họa theo, đi
đến đâu cũng hủy báng Tam Bảo. Như thế là đã đầy đủ hai thứ tội: tự mình hủy
báng và bảo người hủy báng.
Sự thật Tam Bảo
không có gì hủy báng được. Một người sở dĩ hủy báng Tam Bảo không phải do tri
kiến của họ không chính xác, mà vì họ chưa có sự nhận thức chính xác đối với
Tam Bảo. Hoặc vì xem những sách tà giáo hay nghe theo lời bài bác, luận nghị
của những người có thế lực, rồi vô tình không hay biết, đâm ra hủy báng Tam
Bảo.
Tội hủy báng Tam
Bảo làm cho tự mình trong tương lai không được gặp Tam Bảo, vĩnh viễn đọa trong
tam ác đạo, thọ các bệnh khổ. Thật bất lợi hoàn toàn cho chính mình.
Giới này ở đây
gọi là giới “hủy báng Tam Bảo”. Trong Du Già Bồ Tát giới bổn, gọi là giới “báng
loạn chánh pháp”. Nghĩa là đem tà kiến của mình báng loạn chánh pháp của Như
Lai.
B.1.2. TỔNG
KẾT THẬP TRỌNG (chung kết luận mười giới trọng):
Kinh văn:
1. Phiên
âm:
Từ câu “thiện
học chư nhân giả!...” cho đến câu “...bát vạn oai nghi phẩm đương quảng
minh”.
2. Dịch nghĩa:
Đức Phật kết
luận và răn dạy: “Này các Phật tử! Trên đây là mười giới trọng của Bồ Tát, các
Phật tử cần nên học. Trong mười giới đó, không nên trái phạm một giới nào cả,
dẫu một mảy nhỏ như vi trần, huống chi phạm đủ cả mười giới ư! Nếu có người nào
trái phạm, thời người ấy hiện đời không được phát Bồ Đề tâm, rồi cũng mất ngôi
quốc vương, ngôi Chuyển Luân Vương, ngôi tỳ kheo, tỳ kheo ni, cũng mất những
quả Thập Phát Thú, Thập Trưởng Dưỡng, Thập Kim Cương, Thập Địa... tất cả diệu
quả Phật tánh thường trụ đều mất, lại bị đọa vào tam ác đạo trong hai kiếp, ba
kiếp. Chẳng được nghe danh tự của cha mẹ và Tam Bảo. Vì thế nên không được phạm
một giới nào cả. Tất cả Bồ Tát các Ngài đã học, sẽ học và hiện nay đang học.
Mười giới như thế cần nên học, hết lòng kính trọng phụng trì”.
Lời giảng:
Đã giảng xong
phần mười giới, đến đây xin giảng phần Tổng Kết:
“Thiện học chư
nhân giả” chỉ những người học giới pháp Bồ Tát.
Vì sao gọi là
“thiện học chư nhân giả”? Những vị Phật tử học giới Bồ Tát vì sao gọi là “thiện
học”?
Nghĩa là cần
phải đúng pháp, đúng luật, vâng lời Phật dạy, không trái với bổn nguyên tâm
địa, thuận theo lý mà tu học mới được gọi là “thiện học”. “
Vì hành giả tu
học Bồ Tát hạnh, lẽ tất nhiên phải có đủ tâm từ bi lợi tế, tâm nhân ái hiếu
thuận nên gọi là “nhân giả”. Danh từ này là tiếng gọi tốt đẹp của Đức Phật, hàm
ý khen ngợi những Phật tử học giới Bồ Tát, không phải những người thường mà
được gọi bằng danh từ ấy.
“Thị Bồ Tát Ba
La Đề Mộc Xoa”: câu kinh văn thứ hai nêu pháp sở học. Câu “thiện học chư nhân
giả” chỉ những người luôn học hỏi. Nghĩa là, mười pháp Ba La Đề Mộc Xoa đã giảng
ở trên, là thuộc về Quang Minh Kim Cương Bửu Giới của bổn nguyên tâm địa, chỉ
có Bồ Tát mới có thể hết lòng kính trọng phụng trì, không phải hành giả Thanh
Văn thừa có thể tu học được.
Tu học Quang
Minh Kim Cương Bửu Giới này hiện tại tuy chưa được giải thoát, nhưng nếu chân
thành nghiêm trì không vi phạm, thì Đức Phật bảo chứng cho chúng ta trong tương
lai nhất định sẽ được giải thoát. Phải biết rằng pháp Ba La Đề Mộc Xoa sở học
này là Nhân và trong tương lai được giải thoát gọi là Quả; tức là ở trong Nhân
mà nói Quả.
Ba La Đề Mộc Xoa
đối với hành giả Bồ Tát quan hệ lớn lao như vậy, nên các Phật tử cần phải học
cho kỹ lưỡng, ở trong mười giới ấy, không nên trái phạm giới nào cả, dù một mảy
nhỏ vi trần. Vi phạm rất nhỏ còn không được gọi là Bồ Tát, huống chi phạm đủ cả
mười giới ư? Như vậy, tư cách của Bồ Tát do đó sẽ bị mất. Nhân mầu và cực quả
đã mất, lại thêm phạm tội ác cực trọng và bị thọ khổ quả rất lớn.
Thêm nữa, nếu có
người nào trái phạm thì khổ quả đời vị lai khỏi cần nói, ngay trong hiện tại,
người ấy trong hiện đời không được phát Bồ Đề tâm.
Nên biết, sự trì
giới ví như bình địa, Phật tánh ví như hạt giống tốt; tâm Bồ Đề ví như mầm. Tâm
Địa Đại Giới đã hư tổn thì dù Phật chủng sẵn có cũng không thể mầm mọc được.
Cho nên dù sẵn có Phật tánh, nhưng trong hiện thời, mầm Bồ Đề quyết không thể
phát sanh. Vì chẳng những mất tư cách của Bồ Tát, đồng thời cũng mất ngôi quốc vương
và ngôi chuyển luân vương.
Nói theo thế
gian, vào thời quân chủ trước kia, dù là tiểu quốc vương hay Chuyển Luân Vương
đều được tôn quý như nhau. Nhưng vương vị tôn quý ấy do đâu mà có được?
Theo Phật pháp
là do nơi Tâm Địa Đại Giới này mà chiêu cảm địa vị tôn quý đoan nghiêm. Nay nếu
bạn vi phạm giới pháp, dĩ nhiên vương vị bị mất hẳn. Ngôi tỳ kheo, tỳ kheo ni cũng
mất. Tỳ kheo, tỳ kheo ni là hai chúng xuất thế, bậc sư phạm của nhân thiên,
cũng thuộc về hạng tôn quý. Sở dĩ thành một vị tỳ kheo, tỳ kheo ni là do bẩm
thọ đại giới và nghiêm trì giới pháp thanh tịnh mà được.
Nếu vi phạm Tâm
Địa tịnh giới này thì tư cách của tỳ kheo, tỳ kheo ni cũng tự nhiên mất hẳn.
Lại như ba mươi tâm của Bồ Tát cũng do trì giới mà được. Nếu đối với Tâm Địa đại
giới này có chỗ vi phạm, thì giai cấp, địa vị của Bồ Tát là Thập Phát Thú, Thập
Trưởng Dưỡng, Thập Kim Cương cũng bị mất. Bồ Tát trong các địa vị Tam Hiền, Thập
Thánh, Thập Địa cũng đều bị mất.
“Phật tánh
diệu quả thường trụ” là chỉ cho vô thượng Phật quả tối cao, dù nói tâm địa vốn
là Phật, nhưng ở đây là nói về Phật quả viên mãn.
Nên trong kinh
Hoa Nghiêm nói: “Giới vi vô thượng Bồ Đề bổn” (Giới là cội gốc của quả vô
thượng Bồ Đề). Do đây, có thể thấy Phật quả cũng do nơi tịnh giới mà có được. Nếu
vi phạm tịnh giới thì Phật tánh diệu quả thường trụ tự nhiên cũng bị mất
hẳn.
Tóm lại:
Phạm mười giới
Trọng trên thì những lợi ích to lớn vừa đề cập tất cả đều bị mất; nghĩa là
những sự lợi ích thù thắng của thế gian và xuất thế gian; Đại Thừa cùng Tiểu
Thừa đều bị mất, không có phần được thọ hưởng.
Hơn nữa, không
bàn việc được lợi ích hay không được lợi ích, nếu vi phạm giới pháp sẽ bị đọa
trong tam ác đạo, thọ thống khổ rất lớn. Thời gian thọ khổ không phải ngắn mà
thật dài lâu, những hai kiếp, ba kiếp. Sau đó, lại phải trải qua những kiếp
sống rất đau khổ. Chẳng những không được nghe danh tự của cha mẹ lại cũng không
được nghe danh tự của Tam Bảo.
Vì nhân duyên
ấy, nên hành giả tu học Phật pháp, đối với mười giới trọng này không được phạm
một giới nào cả.
Cuối cùng, đối
với đại chúng, Đức Phật đã khổ khẩu bà tâm khuyên dạy rằng: “Tất cả các Bồ Tát,
các ngài hiện đang học Bồ Tát hạnh cũng quý, sẽ học Bồ Tát hạnh cũng quý, đã
học Bồ Tát hạnh cũng quý. Đối với mười giới như thế cần phải khéo léo tu học.
Lại cần phải hết hết lòng kính trọng, phụng trì, không được phạm một giới nào
cả, dù một mảy may như vi trần. Vì tất cả chư Phật, Bồ Tát đều do mười trọng
trên đây mà chứng đắc quả vị hiền thánh, cho nên đức Như Lai hai, ba phen đinh
ninh khuyên dạy phải nghiêm trì”.
Đây chỉ là lược
giảng, nếu muốn biết rõ ràng thì xem trong phẩm Bát Vạn Oai Nghi có giảng sâu
rộng hơn.