KINH PHẠM VÕNG BỒ TÁT GIỚI BỔN GIẢNG KÝ
Hán văn: Pháp sư Thích Diễn Bồi
Việt dịch: Hòa Thượng Thích Trí Minh
Chương
III: CHÁNH THUYẾT GIỚI TƯỚNG
(chánh thức thuyết giảng giới tướng)
B. BIỆT
THUYẾT GIỚI TƯỚNG
(thuyết giảng riêng biệt giới tướng)
B.2.2. BIỆT
THUYẾT KHINH GIỚI
(riêng giảng các giới khinh)
B.2.2.13. BÁNG HỦY GIỚI (giới hủy báng)
Kinh văn:
1. Phiên âm:
Từ câu “nhược Phật tử dĩ ác tâm cố” cho đến câu “..phạm khinh cấu tội”.
2. Dịch nghĩa:
Nếu Phật tử do ác tâm, đối với người lương thiện, Pháp Sư, sư tăng hoặc quốc vương và hàng quý nhân, vốn vô sự mà hủy báng rằng chư vị phạm bảy tội nghịch, mười giới trọng. Đối với cha mẹ, anh em, lục thân phải có lòng từ bi, lòng hiếu thuận, trái lại, nếu vu khống rằng quý vị này phạm tội nghịch, đọa nơi tam ác đạo, Phật tử này phạm khinh cấu tội.
Lời giảng:
Trong
mười giới trọng ở trước có ba giới:
- Rao nói
lỗi tứ chúng.
- Giới khen mình
chê người.
- Giới hủy báng
Tam Bảo.
Dù bất cứ trường
hợp nào đều không được hủy phạm. Muốn giữ gìn ba giới vừa kể trên được thanh
tịnh, đừng trái phạm, trước tiên, bạn cần phải xem kỹ trong giới sắp giảng sau
đây:
Vì giới này
chính là để giúp cho sự phòng hộ ba giới trên mà chế lập. Nên biết, đối với
người lương thiện, chúng ta cần phải hết lòng ái hộ, giúp cho quý vị ấy tiến
bước trên đường hướng thượng, hướng thiện không gián đoạn.
Không nên gán
ghép cho quý vị ấy những tội không có thật, khiến cho họ bị não loạn, không thể
an tâm tu tập pháp lành. Vì muốn tránh xa tội lội não loạn người lương thiện,
cho nên không được tùy ý hủy báng người khác.
Thế nhân thường
nói: Việc xấu trong nhà đừng đem phô bày cho người ngoài biết. Dù là việc có
thật cũng không nên tùy tiện nói bậy bạ, huống chi là những việc hoàn toàn
không thật có, mà lại cực lực đi hủy báng người.
Phật pháp lưu
hành ở thế gian để làm gì?
Mục đích chính
là mong cho mọi người đều phát tâm tín thọ Phật pháp. Mà muốn cho mọi người
phụng hành Phật pháp, phải thường giữ gìn tôn nghiêm phong cách của tăng chúng,
để được mọi người trong xã hội kính trọng và tín phụng.
Nếu như hàng
Phật tử ăn no, không có việc gì làm, chuyên đi nói chuyện xấu lẫn nhau, khiến
cho người đời cảm thấy trong Phật pháp không có người nào tốt đẹp, thì thử hỏi
làm sao có thể khiến người đời đều tín phụng Phật pháp? Vì muốn giữ gìn sự tôn
nghiêm trong Phật pháp, vì không muốn cho các tầng lớp nhân sĩ trong xã hội có
ấn tượng không tốt đối với Phật tử, nên cần phải tránh xa sự hủy báng này. Điều
này mỗi Phật tử cần phải đặc biệt xem trọng.
Lại nữa, chúng
ta không nên cho rằng không cần phải gìn giữ lời nói, vì chỉ tùy tiện đôi chút
cũng chẳng hề gì. Ý nghĩ ấy hoàn toàn sai lầm, nên biết: hiện tại nếu bạn hủy
báng người khác, dù họ có bị tổn hại hay không, nhưng riêng bản thân bạn, do
tội hủy báng người, tương lai chắc chắn phải chiêu cảm lấy quả báo không tốt và
chính bản thân bạn phải gánh chịu, không ai có thể chịu thay cho bạn
được.
Vì thế, chúng ta
không nên hủy báng ai, chẳng những để gìn giữ danh dự cho người, mà cũng là vì
tránh cho mình khỏi bị chiêu cảm quả báo xấu. Sự hủy báng đem lại sự bất lợi cả
người lẫn mình.
Cho nên, là một
Phật tử, phải luôn tự khắc kỷ, phải giữ gìn giới này thật nghiêm cẩn, không nên
khinh thường mà hủy báng người.
Hai chữ “hủy
báng” cổ đức giải thích:
- Chê bai, rao
nói tội lỗi của người mà không có bằng chứng cụ thể gọi là báng.
- Phá hoại danh
dự, đức hạnh của người gọi là hủy.
Là vị Bồ Tát
phải lấy tâm từ bi làm bản hoài. Cần phải tán thán nhau khiến cho pháp môn ngày
một thêm rạng rỡ và thắng đức của chúng tăng ngày càng một thêm biểu hiện ra.
Như thế mới là hợp đạo lý.
Thông thường
nói: “Muốn cho Phật pháp hưng thạnh, không ngoài Tăng tán thán Tăng” chính là ý
này.
Vì Tăng tán thán
Tăng là biện pháp tốt nhất, khiến đức hạnh của Tăng càng được biểu lộ ra ngoài.
Nếu không làm như vậy, trái lại, còn chê bai các bậc hiền thiện. Bên trong
không có tâm hổ thẹn, bên ngoài bị tiếng xấu chê bai.
Đối với Phật
pháp gây một sự tổn hại rất lớn, đối với người bị hủy báng thì xem như bị vố
nặng vì sự đả kích kịch liệt. Giới này ngăn cấm việc hủy báng người khác.
Như thế, nếu đem
so sánh với giới thứ sáu trong mười giới trọng là giới “rao nói tội lỗi của tứ
chúng” thì có sự khác biệt như thế nào?
Có người phân
biệt đơn giản rằng:
- Bất luận có
căn cứ vào sự thật hay không, đối với người, chủ yếu là bạn không cùng đạo
pháp, nếu hủy báng, rao nói tội lỗi của người sẽ sanh ra tai hại vô cùng tận,
nên phạm căn bổn trọng tội (xem trong giới “rao nói tội lỗi của tứ
chúng”)
- Đối với đồng
đạo, nếu bạn hủy báng, rao nói tội lỗi của người, không luận là kẻ ấy cao hay
thấp, hay người ấy có thọ giới hay không thọ giới. Vì sự rao nói ở trong phạm
vi nội bộ, không phu dương ra cho người ngoài biết. Sự tổn hại do đó không rộng
lớn lắm, nên chỉ phạm tội khinh cấu.
Có người lại cho
rằng:
- Giới trọng thứ
sáu ngăn cấm việc rao nói tội lỗi tứ chúng mà theo văn giới nói đó là những lỗi
có thật. Còn giới này răn cấm việc vốn vô sự mà hủy báng người, theo kinh văn,
thì đó là những người lương thiện, các Pháp Sư v.v... Như thế cả hai giới đều
không cần phân biệt rằng người bị rao nói tội lỗi có giới hay không có giới.
Nhưng về phương diện đạo lý giảng giải thì cần phải có đủ.
- Lại nữa, nếu
vì tâm mong cầu cung kính, lợi dưỡng và khen mình, chê người mà đi hủy báng
người khác thì phạm căn bổn trọng tội, không phải là tội khinh cấu.
Trong Du Già Bồ
Tát Giới có nói rõ về việc này: “Nếu chư Bồ Tát vì muốn tham cầu lợi dưỡng,
cung kính mà tự khen mình, chê người, tức là phạm pháp Tha Thắng Xứ thứ
nhất”.
Nếu không phải
vì mong cầu lợi dưỡng, cung kính mà hủy báng người thì phạm tội khinh cấu,
không phải tội trọng. Trong Du Già Bồ Tát Giới nói: “Nếu chư Bồ Tát an trụ tịnh
giới luật nghi của Bồ Tát, đối với người khác có tâm nhiễm ái, sân hận, khen
mình, chê người, thì phạm tội nhiễm ô trái phạm, vì có chỗ trái nghịch”.
Ở đây, còn có
một vấn đề cần phải giảng giải:
- Đối với pháp
Thanh Văn, nếu hủy báng người về những tội không có thật, mà chỉ do vu khống
thì nặng hơn rao nói, hủy báng người thật sự có tội.
- Với pháp của
Bồ Tát thì trái lại, nghĩa là tội rao nói, hủy báng việc ác của người, nếu đó
là tội ác có thật thì phạm căn bổn trọng tội. Nếu đó chỉ là tội không có thật
thì phạm tội khinh cấu.
Đây là nghĩa thế
nào? Nên biết: chỉ thú của giới pháp Thanh Văn là nhằm để giữ gìn cho chính
mình, tránh sự gây tạo tội lỗi, nên lập những điều cấm chế. Vì vậy, nếu hủy
báng những tội lỗi không có thật của người khác thì mang tội rất nặng. Nhưng
nếu rao nói tội lỗi có thật của người thì tội ấy tương đối nhẹ hơn. Vì đó là
những việc có thật, không phải trường hợp vu khống bậy bạ.
Còn chỉ thú của
giới pháp Bồ Tát là nhằm tránh sự tổn hại cho người khác mà đặt ra những điều
ngăn cấm. Do đó, nếu đem những tội lỗi có thật của người đi rao nói, phô bày
cho mọi người biết thì có thể làm cho người ấy bị tổn hại rất lớn, có thể lâm
vào tình trạng không thể nào hiện diện trước mặt mọi người, cũng như không còn
cơ hội ngóc đầu lên được.
Trong trường hợp
rao nói, hủy báng những tội lỗi không có thật của người thì một mai đến lúc
“nước ròng đá hiện”, mọi nỗi oan ức của họ có thể được rửa sạch. Do đó, sự tổn
hại không đến nỗi phải vĩnh viễn cam chịu, nên mức độ cấm chế, khinh, trọng
không đồng.
Đức Phật dạy đại
chúng rằng: “Nếu là một Phật tử đã thọ giới Bồ Tát, lại sanh ác tâm đối với
người lương thiện, Pháp Sư, sư tăng hoặc quốc vương và hàng quý nhân, vốn vô sự
mà đi hủy báng chư vị là phạm bảy tội nghịch, mười giới trọng. Điều này tuyệt
đối không được. Một khi đã ôm ấp tâm niệm hủy báng người, thì nhất định không
bao giờ có tâm niệm tốt. Cho nên việc chê bai, hủy báng, dù phát xuất từ khẩu
nghiệp, nhưng sự thật là do nơi tâm ý sai khiến, tức là ác tâm sanh khởi chuyện
hủy báng”.
Ác tâm dù có
nhiều hình thức, nhưng chánh yếu không ngoài ba độc Tham, Sân, Si:
- Nếu do danh
lợi mà hủy báng tức do Tham tâm.
- Nếu do túc oán
cừu thù hiện tại, sanh ra tật đố mà hủy báng, tức là do Sân tâm.
Mà Tham, Sân đều
không lìa Si, vì thế tam độc là nguyên nhân sanh khởi việc hủy báng.
Do tam độc phát
khởi nên đi hủy báng người. Chẳng những vì muốn mong cầu danh dự, lợi dưỡng cho
cá nhân mình, mà còn chủ yếu là muốn phá hoại danh dự, lợi dưỡng của người.
Ngoài ra, còn có những trường hợp vì tranh thủ đồ chúng, quyến thuộc cho đông
mà đi hủy báng người.
Mọi người thường
có quan niệm sai lầm khi cho rằng: nếu không rao nói tội lỗi của người, không
làm cho kẻ ấy mất hết tất cả giá trị thì danh lợi không về phần mình, mà đồ
chúng cũng không theo mình. Thế nên chỉ cần rao nói tội lỗi của người liên tục
để cho tín đồ biết rằng con người của kẻ ấy ngập đầy tội ác, tự nhiên đồ chúng
sẽ ly khai người ấy mà đến với mình và mình mới có thể thâu tóm toàn bộ danh và
lợi.
Vì tranh giành
quyến thuộc và đồ chúng mà rao nói, hủy báng người khác một cách quyết liệt,
tình trạng này ở thế gian hiện thực, có thể nói, đâu đâu cũng đều xảy ra như
vậy. Chẳng những người không có địa vị cần hủy báng người có địa vị, mà ngay
chính người ở địa vị cao tột đỉnh cũng vẫn cực lực hủy báng người khác không
buông tha.
Rao nói người
khác việc này không đúng, việc kia không đúng, như thể dưới gầm trời này chỉ có
cá nhân họ là người tốt bậc nhất. Thật hết sức sai lầm! Vì họ không biết rằng
đôi mắt người đời cũng rất tinh xảo và sáng suốt. Ai là người tốt, ai là kẻ
xấu, mọi người đều có thể biết rõ ràng, không ai có thể bịt tai, che mắt mọi
người trong thiên hạ được.
Vì thế, điều
hiển nhiên và hiện thực trong xã hội này là: càng mong đồ chúng, quyến thuộc
đông nhiều bằng cách liên tục đi hủy báng kẻ khác, đến khi tướng mạo hung dữ bị
bộc lộ, mặt nạ bị lột xuống, chẳng những người ấy, lúc bấy giờ, không thể thu
hút được đồ chúng, quyến thuộc đông đảo, mà trái lại, còn bị mất tất cả đồ
chúng, quyến thuộc sẵn có của mình. Và chẳng những không thâu được nhiều danh
dự, lợi dưỡng, còn bị lan truyền tiếng xấu mọi nơi. Việc này không phải là hiện
báo của tội hủy báng hay sao? Đến như vì tật đố những bậc hiền, ganh ghét người
tài năng mà đi hủy báng họ, đều là phát xuất từ nơi ác tâm.
Ba chữ “vô sự
báng” (bản Việt văn dịch là “vốn vô sự mà hủy báng”) là nói người hủy báng sự
thật không phạm giới, và kẻ hủy báng cũng không căn cứ vào ba điều thấy, nghe
và nghi mà kết tội. Chẳng qua là do vọng tâm mà sanh ra hủy báng người ấy mà
thôi.
Căn cứ vào nghĩa
của ba chữ “vô sự báng”, ta có thể thấy rõ dụng tâm bất lương của người hủy
báng. Vì người bị hủy báng kia thật sự không có làm những điều mà bạn hủy báng.
Hoặc đôi khi cho dù bạn nghe người khác nói những điều không căn cứ để hủy báng
họ, bạn lại không chịu tìm hiểu, tra xét cặn kẽ, cứ nghe thiên hạ nói, mình
cũng nói theo, tức là tùy tiện phụ họa mà nói càn. Tất cả các trường hợp này
đều thuộc về tội hủy báng, rao nói tội lỗi của người.
Chính vì vốn vô
sự mà đi hủy báng người khác, tức là hủy báng không căn cứ, theo luật Thanh Văn
thừa, tội này thuộc về tội Tăng Tàn.
Sự tích như thế
này:
Lúc bấy giờ, đức
Thế Tôn ngự tại non Kỳ Xà Quật. Khi ấy, tôn giả Đạp Bà Ma La Tử (Luật Ngũ Phần
gọi là Đà Bà Lực Sĩ tử, luật Thập Tụng gọi là Đà Khiên Luật Sĩ tử. Kinh Giới
Nhân Duyên gọi là Đà Khiên Mạt Lợi Tử, luật Tăng Kỳ gọi là Đà Phiên Ma La tử.
Trong Tỳ Nại Da gọi là Thật Lực Tử) là một vị thái tử nước Ba Ba, xuất gia lúc
bảy tuổi. Khi cạo tóc rớt xuống đất, liền thành A La Hán.
Do vì nhân
duyên vào thời quá khứ xa xưa, Ngài thường cúng dường một vị Bích Chi Phật.
Nương nơi phước lực ấy, thường được sanh trong nhà giàu sang, hưởng thụ sung
sướng.
Vào thời Đức
Phật Ca Diếp xuất thế, tôn giả xuất gia tu hành, làm người phân chia ngọa cụ,
phòng xá cho chúng Tăng. Vào thời đó, tôn giả đã phát hoằng thệ nguyện.
Đến khi Bổn Sư
Thích Ca xuất thế, tôn giả xuất gia tu hành, chứng đạo quả xuất thế và là người
chia ngọa cụ, phòng xá cho chúng tăng.
Do nhân duyên
ấy, sau khi tôn giả chứng quả A La Hán, lúc bảy tuổi. Đến năm 20 tuổi, thọ Cụ
Túc Giới. Tôn giả nghĩ thân này vô thường, cần phải vun trồng phước điền mới là
pháp bền chắc, liền nguyện làm việc chia phần các ngọa cụ cho chúng tăng và sắp
đặt chúng tăng theo thứ lớp đi thọ trai ở các nhà Đàn Việt.
Sau khi tôn giả
phát nguyện, chúng Tăng tác pháp bạch nhị Yết Ma để cho tôn giả được thực hành
theo ý nguyện. Tôn giả phân chia ngọa cụ, sắp đặt phòng xá rất là chu đáo và
khéo léo.
Lúc đêm tối Ngài
không cần đèn vì nơi mỗi đầu ngón tay của tôn giả thường phóng ánh sáng soi
thấy tất cả đồ vật lớn nhỏ, nệm gối v.v... cho đến đồ đại tiện, tiểu tiện, thậm
chí hướng dẫn người đi đến nơi đại tiện, tiểu tiện.
Về việc sắp đặt
chỗ ở cho chúng tăng, tôn giả luôn sắp xếp những người cùng tánh ý ở chung với
nhau. Chẳng hạn như Pháp Sư ở chung với Pháp Sư, người trì luật ở chung với
người trì luật, thiền sư ở chung với thiền sư. Người thích ngồi gò mả ở chung
với người thích ngồi gò mả. Người thích ngồi nơi cội cây ở chung với người ngồi
dưới cội cây. Cho đến người đa văn ở chung với người đa văn... khiến cho thập
phương chúng Tăng rất an nhiên, thích ý mà tu hành.
Vì thế, Ngài
thường được đức Thế Tôn tán thán: - Trong hàng đệ tử của Ta, người phân chia
ngọa cụ cho chúng tăng, Đạp Bà Ma La Tử là người đệ nhứt.
Bấy giờ, có một
tỳ kheo tên Từ Địa, từ nơi khác đến thành La Duyệt. Lúc ấy đã quá nửa đêm, tôn
giả Đạp Bà Ma La Tử tùy theo thứ lớp thượng hạ mà phân chia phòng xá và ngọa
cụ. Và vì tỳ kheo Từ Địa đến chùa lúc đó đã quá khuya, mọi vật dụng phòng xá
tốt đã phân chia cho mọi người, nên tỳ kheo chỉ nhận được những thứ xấu. Tỳ
kheo này bèn sanh tâm sân hận, cho rằng Đạp Bà tôn giả có tâm phân biệt, đối
với người mình ưa thích thì cấp cho phòng xá, đồ dùng tốt; người không ưa thích
thì cấp cho đồ xấu.
Việc đời lắm
cảnh trớ trêu, đêm ấy vừa qua thì sáng ngày hôm sau, tôn giả phái chúng tăng
đến nhà thí chủ thọ trai. Bấy giờ, trong thành có người Phật tử mỗi năm thường
phát nguyện sắm thức ăn ngon quý nhất trên thế gian để cúng dường chúng
Tăng.
Từ Địa tỳ kheo
cũng theo thứ lớp được phái đến nhà Phật tử này thọ trai. Nhưng Phật tử ấy vừa
nghe tin có Từ Địa tỳ kheo đến nhà mình thọ trai, liền nghĩ rằng: “Thầy ấy là
người giới hạnh không thanh tịnh, không xứng đáng được tiếp thọ thức ăn ngon
quý của ta cúng dường”. Liền bảo tỳ nữ đem tọa cụ xấu trải ngoài cửa và cất hết
đồ ngon quý, chỉ mang thức ăn dở ra bố thí cho Từ Địa tỳ kheo.
Lúc ấy, Từ Địa
tỳ kheo bị thọ thức ăn dở, không biết là do ý thí chủ, lại nghĩ Đạp Bà tôn giả
có quỷ kế gạt thầy đến nhà thí chủ này để thọ thức ăn dở, nên đối với tôn giả
Đạp Bà, thầy càng sanh tâm sân hận. Thầy cho rằng tôn giả có tâm sân ái, người
nào ưa thích thì chia phòng và ngọa cụ tốt; còn đối với thầy vì không ưa thích
nên chia phòng xấu, lại còn sai đến thọ dụng đồ xấu dở. Tại sao đối với chúng
Tăng lại đối xử có tâm sân, ái, phân biệt như vậy?
Từ Địa càng nghĩ
càng tức giận, càng tưởng đến càng buồn rầu. Ông bị phiền não, sân hận ràng
buộc, ngăn chướng, ngồi đứng không vui. Lúc ấy, em gái của thầy là Di Đa La tỳ
kheo ni đến vấn an và đảnh lễ. Từ Địa không thèm ngó và cũng không thèm đáp. Tỳ
kheo ni thưa rằng: “Bạch đại đức! Tôi có lỗi chi mà hôm nay đến vấn an và đảnh
lễ, đại đức không thèm ngó cũng không thèm đáp?”
Từ Địa đáp rằng:
“Tôi cần gì phải nói với cô, tôi bị Đạp Bà Ma La Tử xúc não mà cô làm lơ không
giúp tôi”.
Tỳ kheo ni thưa:
“Đại đức muốn tôi làm phương tiện chi để Đạp Bà Ma La Tử không xúc não đại
đức?”
Tỳ kheo liền bảo
em gái mình dùng pháp Ba La Di không có căn cứ, vu báng tôn giả. Tỳ kheo ni vì
kính mến anh mình, nên vâng lời chỉ giáo, nhân lúc Đức Phật và tỳ kheo tăng tập
họp, cô đến trong đại chúng nói rằng: “Đạp Bà Ma La Tử xúc phạm tôi. Tôi thành
kính yêu cầu chúng Tăng hòa hợp làm phép diệt tẫn tôn giả, để về sau tôi khỏi bị
thầy ấy tìm đến phá rối”. Lúc đó, tôn giả ngồi cách Phật không xa. Đức Phật
biết rõ chuyện, nhưng cố ý hỏi rằng: “Sự việc ấy rốt ráo như thế nào? Đạp Bà,
ông nên ở trong đại chúng nói rõ!”
Tôn giả bạch
rằng: “Kính bạch Thế Tôn! Từ khi mới sanh đến nay, con nhớ rất kỹ, dù ở trong
giấc mộng cũng không bao giờ làm hạnh bất tịnh, huống chi khi thức mà lại đi
làm hạnh bất tịnh?!”
Đức Thế Tôn tra
hỏi Từ Địa tỳ kheo và xét biết lý do vì sân hận mà Từ Địa đem pháp Ba La Di vô
căn cứ vu báng cho tôn giả Đạp Bà Ma La Tử, và tỳ kheo ni Di Đa La vì nghe lời
anh mà tự nói tôn giả phạm tội phải diệt tẫn.
Khi đã biết rõ
nguyên nhân, Thế Tôn dùng nhiều phương tiện và ngôn từ quở trách Từ Địa tỳ
kheo, lại bảo các tỳ kheo rằng:
- Trong thế gian
này có hai hạng người quyết phải đọa địa ngục:
1) Thứ nhất,
không giữ phạm hạnh, tự nói là mình giữ phạm hạnh.
2) Thứ hai, nếu
đối với người thật sự giữ gìn phạm hạnh mà đem pháp chẳng phải phạm hạnh vô căn
cứ đi vu báng.
Lại trong Thập
Tụng, quyển 4; Tỳ Nại Da quyển 11 và Luật Ngũ Phần quyển 3 đều nói: “Đức Phật
dùng các thứ phương tiện, ngôn từ quở trách Từ Địa tỳ kheo rằng: - Ông là người
ngu si! Tại sao dám dùng pháp Ba La Di vô căn cứ vu báng cho vị tỳ kheo phạm
hạnh thanh tịnh? Ông không nghe có ba hạng người đồng đọa địa ngục hay sao? Ba
hạng ấy là:
1) Trái phạm
giới cấm: không có pháp sa môn mà tự nói mình có đầy đủ pháp sa môn. Không tu
phạm hạnh mà tự nói đã tu phạm hạnh. người ấy ở trong Phật pháp như giống cây
bị hư, không thể nào mọc mầm được.
2) Thấy như thế,
nói như thế: nói rằng dâm dục không phải là ác pháp, không phải là chướng đạo,
nên cứ làm những việc buông lung (trong Đại Luật Tỳ Kheo và Tỳ Kheo Ni, đây
thuộc về tội Ba Dật Đề, vì có tỳ kheo ni thấy cư sĩ tại gia có vợ con mà vẫn tu
hành chứng đắc thánh quả, từ sơ quả đến đệ tam quả. Do đó, sanh tà kiến, cho
rằng dâm dục chẳng phải là ác pháp, chẳng phải chướng đạo).
3) Dùng pháp Ba
La Di vô căn cứ mà đi hủy báng vị tỳ kheo tu phạm hạnh thanh tịnh.
Từ Địa tỳ kheo
dùng pháp Ba La Di, vô căn cứ vu báng cho tôn giả Đạp Bà Ma La Tử là bậc thánh
giả phạm hạnh thanh tịnh, sẽ thuộc về loại thứ ba trong ba hạng người nói trên,
nên quyết phải bị đọa địa ngục.
Đức Thế Tôn sau
khi dùng vô số phương tiện quở trách Từ Địa, liền tập chư Tăng mà kiết giới này,
là giới đem trọng tội vô căn cứ vu báng cho người của tỳ kheo, tỳ kheo
ni.
Chữ Căn trong
nhóm từ “vô căn cứ” là chỉ cho ba việc căn cứ vào sự thấy, nghe, nghi.
“Căn cứ vào sự
thấy” là thực tại thấy làm việc phi phạm hạnh. Chẳng hạn thực sự thấy trộm lấy
năm tiền trở lên, thấy đoạn tuyệt sinh mạng người khác...
“Căn cứ vào sự
nghe” là thực chính tai nghe việc làm phi phạm hạnh. Như thực sự nghe có việc
trộm lấy năm tiền trở lên, thực sự nghe có việc đoạn tuyệt tánh mạng người
khác, thật sự có nghe việc tán thán chứng đắc pháp thượng nhân...
“Căn cứ vào việc
nghi ngờ” chia ra làm hai loại:
- Do thấy mà
sanh nghi.
- Do nghe mà
sanh nghi.
Trừ ba việc có
căn cứ thấy, nghe, nghi nói trên, tất cả những trường hợp dùng những pháp khác
để hủy báng hành giả tu học Phật pháp, tức là không có ba thứ căn cứ nói trên,
thì gọi là dùng pháp không căn cứ mà hủy báng.
Nếu dùng pháp Ba
La Di vô căn cứ vu báng cho tỳ kheo, tỳ kheo ni phạm hạnh thanh tịnh, thì người
ấy tương lai quyết định phải bị đọa địa ngục. Cho nên không được tùy theo ý
mình mà dùng pháp vô căn cứ hủy báng người.
Ở luật Thanh
Văn, nếu dùng pháp Ba La Di vô căn cứ vu báng người thì thuộc về tội Tăng Tàn.
Tội Tăng Tàn dù so với Ba La Di không phải là trọng tội. Nhưng so sánh với các
tội khác thì thuộc về trọng tội.
Thế sao ở đây lại liệt vào tội khinh?
Điều này căn cứ vào trí huệ cạn hay sâu của hành giả Tiểu Thừa và Đại Thừa mà phân biệt.
Vì trí huệ của Bồ Tát rất thâm thúy, không dễ gì bị người làm mê hoặc, cho nên đối với người đồng đạo pháp, mà đi rao nói, hủy báng, tội ấy nhẹ chứ không nặng. Trong khi trí huệ của Thanh Văn thiển bạc hơn, nên dễ bị người khác mê hoặc. Cho nên, đối với người đồng đạo pháp mà rao nói tội lỗi của họ, việc hủy báng ấy sẽ mắc tội nặng chứ không nhẹ.
Tự khen mình, chê người cùng hủy báng Tam Bảo thuộc trong mười giới trọng, còn giới này thuộc về hủy báng, tại sao lại thuộc về giới khinh?
Chúng tôi xin phúc đáp rằng:
- Giới khen mình, chê người sở dĩ thuộc về mười giới trọng vì chẳng những là hủy báng người lại còn tự tán thán mình, nên thuộc về giới trọng.
- Giới hủy báng người hoàn toàn không tán thán mình, cho nên thuộc về giới khinh.
- Giới hủy báng Tam Bảo là giới trọng vì không phải chỉ hủy báng Tăng mà còn hủy báng cả Phật và Pháp.
- Giới hủy báng Tăng thuộc về giới điều nàym, hoàn toàn không hủy báng Phật và Pháp, cho nên thuộc về tội khinh.
So sánh hai giới, tự nhiên sẽ thấy rõ chỗ khác biệt của chúng.
Nói “người tốt, người lành” v.v... câu kinh văn ấy dùng để chỉ cho những người bị hủy báng. Đối với những vị này, đáng lẽ phải hết lòng tôn trọng, không nên hủy báng. Hiện tại, trái lại cực lực hủy báng dĩ nhiên tạo tội rất lớn.
Lương nhân (người lành) là người ôn hòa, hiền dịu, bên ngoài không hiện tướng ác.
Thiện nhân (người tốt) chỉ người lương thiện, nội tâm nhu hòa.
Pháp Sư: Người làm thầy, dùng giáo pháp của Như Lai dạy dỗ cho mình và cho mọi người. Đứng trên lập trường Đại Thừa Phật giáo, thì pháp Giới Định Huệ của Đại Thừa có thể dùng làm phép tắc cho chính mình và mọi người. Vì thế, người thọ trì, viết chép hay đọc tụng đều có thể gọi là Pháp Sư. Cho nên kinh Pháp Hoa nói Pháp Sư có năm loại. Nhưng nói một cách nghiêm túc hơn, Pháp Sư là người tuyên dương Tam Tạng thánh giáo của Như Lai, mở mang, dẫn dắt chúng sanh tiến vào tri kiến của Như Lai.
Sư tăng: sư là chỉ Hòa Thượng và A Xà Lê của mình chứ không chỉ riêng Tam Sư Thất Chứng. Thậm chí bạn chỉ y chỉ với vị Sư ấy trong một đêm, hoặc từ vị ấy học một bài chú, một bài kệ cho đến nghe giảng dạy một câu chuyện đạo đức, những vị ấy đều là bậc A Xà Lê của bạn. Tăng là chỉ cho chúng Tăng đủ ngũ đức và pháp Lục Hòa.
Quý nhân: chỉ những người thuộc giới sang trọng, quyền quý như quốc vương, đại thần, quan trưởng v.v... Khi Đức Phật còn tại thế, Ngài từng đem Phật pháp phú chúc cho quý vị ấy hộ trì. Những bậc minh sư, thiện hữu, thánh chúa, tôi hiền như thế chẳng những người đời phải hết lòng kính ngưỡng mà ngôi Tam Bảo cũng nhờ đó mà được vững chắc như kim thang (kim thang tức “kim thành, thang trì” nghĩa là thành bằng sắt, ao chứa nước nóng, ý nói: phương tiện chống giặc vững chắc, hữu hiệu, quân giặc không thể nào chiến thắng được. Mượn thành ngữ ấy ám chỉ cho sư tăng, quốc vương, đại thần v.v... có đủ khả năng, thế lực ủng hộ Phật pháp, làm cho ngôi Tam Bảo vững bền ở thế gian). Bên trong thì có sư tăng đầy đủ giới đức giáo hóa, dẫn dắt. Bên ngoài thì có quốc vương, đại thần ra ơn hộ trì. Đáng lẽ chúng ta phải đầu mang đội ơn nghĩa chư vị không hết, sao nỡ lòng trở lại đem tội thất nghịch, thập giới trọng mà hủy báng các Ngài?!
Điều tối trọng yếu của giới cấm này là hủy báng minh sư, thiện hữu. Trong kinh từng dạy: “Bạn lành trong thiên hạ không ai hơn bậc sư trưởng. Vì sư trưởng là người dẫn dắt, dạy bảo chúng ta tu học. Nếu chúng ta chân thành vâng theo sự chỉ đạo của sư trưởng mà thực hành thì tất nhiên sẽ thâu hoạch được kết quả tư lợi. Vì thế, đối với sư trưởng, chúng ta cần phải báo đáp thâm ân trọng đức”.
Nên biết rằng: cha mẹ dù sanh thành, dưỡng dục thân xác và dạy dỗ cách thức làm người cho chúng ta, nhưng không thể giúp chúng ta thoát ly tam đồ khổ. Trái lại, sư trưởng chẳng những dạy dỗ về nhân cách mà còn dẫn dắt chúng ta đi trên con đường chánh của Phật pháp, ra khỏi bể khổ sanh tử, đến nơi chân thật an vui Niết Bàn.
Trong lúc sư trưởng dạy dỗ, dẫn dắt, vì muốn thân tâm chúng ta đi đúng pháp, đúng luật, nên đương nhiên phải dùng biện pháp giáo huấn nghiêm khắc. Lúc ấy, bạn lại sanh tâm bất mãn đối với sư trưởng. Chẳng những không chịu thành tâm tiếp thọ lời dạy bảo một cách kính thành, lại còn buông ra những lời thô ác, khinh nhục, hủy báng. Hoặc ở sau lưng sư trưởng, vọng sanh thị phi, làm cho đạo thầy không nghiêm, Phật pháp suy đồi. Hạng người hủy báng, tật đố đối với thầy như vậy, chẳng những không xứng đáng với tư cách của người Phật tử, mà đúng là kẻ đại ma, đại tặc trong Phật pháp. Họ không phải là những người tín phụng Phật pháp mà là người phá hoại Phật pháp.
Kinh Thiện Cung Kính, Đức Phật từng dạy rằng: “Người tu học Phật pháp nếu không sanh tâm cung kính, tôn trọng sư trưởng, lại đi nói việc hay dở của sư tăng, những người ngu si như vậy nên chiếu theo quy luật Phật pháp mà đúng pháp trừng trị, không nên để cho người ấy cứ làm như vậy mãi”.
Tại sao vậy? Vì chẳng những sư trưởng không có lỗi lầm, chúng ta không được phép tùy tiện đi rao nói bậy bạ, thậm chí ngay khi sư trưởng có lỗi, bổn phận làm đệ tử chúng ta cũng không được đi rao nói.
Nếu kẻ nào đối với thầy quả thật không sanh tâm cung kính, kẻ ấy sau khi xả báo thân, quyết phải bị đọa vào địa ngục Chùy Phát. Tội nhân trong địa ngục này chỉ có một thân mà đến bốn đầu. Toàn thân bị thiêu đốt như đống lửa dữ và thiêu mãi không ngừng. Lại có vô số độc trùng, miệng như lưỡi câu, bu vào cắn bỏ lưỡi của tội nhân. Sự thống khổ như vậy không sao tả được. Khi tội báo địa ngục đã mãn, phải sanh trong loài súc sanh, thường ăn phẩn, uống nước tiểu. Khi mãn tội báo trong loài súc sanh, được tái phục thân người, nhưng phải sanh nơi miền biên địa, hoang dã, không được học Phật pháp. Da dẻ không giống với người thường, thường bị mọi người khinh dễ, hủy báng, lăng nhục. Suốt đời ngu si không có trí huệ. Khi sinh mạng này kết thúc, lại bị đọa vào địa ngục, cảm thọ sự thống khổ vô lượng vô biên.
Trong kinh Báng Phật, Đức Phật dạy như vầy: “Tội hủy báng Phật không thuộc vào tội trọng mà hủy báng Pháp Sư mới là tội trọng. Vì thế, nếu người nào hủy báng Biện Tích pháp sư thì không khác gì hủy báng Phật” (Phật dùng từ “biện tích pháp sư” để tiêu biểu cho tất cả Pháp Sư).
Vì thế hàng Bồ Tát sơ phát tâm phải từng giờ, từng phút khắc ghi thâm ân giáo huấn và công đức của sư trưởng. Đối với sư trưởng phải sanh khởi tâm cực kỳ cung kính và tôn trọng. Nên biết: Bồ Tát tu học hạnh Bồ Tát không có điều gì khẩn yếu bằng hiếu hạnh đối với sư trưởng.
Tại sao vậy? Chúng ta thấy người thế gian, bất cứ muốn làm việc chi, nếu không có sự dạy bảo, dẫn dắt của thầy thì một việc hãy còn không thành tựu. Huống chi từ vô thỉ chúng ta vẫn thường trôi lăn trong ác đạo, vừa mới được ra khỏi. Giờ đây, muốn đi lên con đường Bồ Đề mà từ trước đến nay chưa từng đi, thì làm sao không cần sự chỉ đạo của sư trưởng? Làm sao được phép đối với sư trưởng không hết lòng cung kính, tôn trọng?
Trong kinh Thần Biến, đức Phật dạy Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát rằng: “Nếu người nào khởi ác tâm hủy phá, thiêu đốt tháp miếu của chư Phật nhiều như hằng hà sa, tội ấy rất nặng. Nếu có người đối với vị Bồ Tát tín giải Đại Thừa, khởi tâm sân hận hay cực lực mạ nhục, hủy báng, tội của người này nếu đem so sánh với tội của người hủy phá, thiêu đốt tháp miếu của chư Phật nhiều như hằng hà sa nói trên, thì sẽ nhiều hơn gấp bội vô lượng a tăng kỳ số”. Như thế, chúng ta tuyệt đối không nên hủy báng Pháp Sư.
(A tăng kỳ là tiếng Ấn Độ, Trung Hoa dịch là vô số, ở đây nói là “vô lượng a tăng kỳ số”, là vô lượng lần vô số. Con số nhiều đến mức không ước lượng được).
Trong luận Bồ Tát Học, cũng dẫn lời Đức Phật rằng: “Nếu có người nào đối với Bồ Tát mà thốt ra lời mạ nhục, khinh miệt, ta nói người ấy đọa địa ngục, thời gian thọ khổ không có hạn lượng”.
Tại sao vậy?
Nên biết một vị Bồ Tát, nếu đối với vị Pháp Sư thuyết pháp, thốt ra những lời hủy báng, chẳng những hủy báng cá nhân của Pháp Sư, mà còn chứng tỏ người ấy đã xa lìa chư Phật, hủy báng chánh pháp của Như Lai, hủy báng tỳ kheo tăng thanh tịnh, cũng không khác gì hủy báng Tam Bảo. Chúng ta thử tưởng tội hủy báng Tam Bảo trọng đại biết chừng nào?
Lại nếu có người đối với pháp sư thuyết pháp, sanh tâm khinh miệt, không hết lòng cung kính, tôn trọng, tức là đối với chư Phật Như Lai không cung kính, tôn trọng. Người Phật tử mà không cung kính, tôn trọng Phật thì còn vấn đề gì để nói?!
Vì thế, muốn cung kính, tôn trọng Phật, cần phải cung kính, tôn trọng Pháp Sư. Cung kính, tôn trọng Pháp Sư là đồng với cung kính, tôn trọng Phật. Nên kinh Phát Giác Tịnh Tâm, Đức Phật đặc biệt vì việc ấy mà nói kệ rằng:
Mạc ư tha biên kiến quá thất,
Vật thuyết tha nhân thị dữ phi,
Bất trước tha gia tịnh hoạt mạng,
Chư sở ác ngôn đương ký xả.
Dịch:
Lỗi lầm người khác đừng xem ngó,
Thị phi người khác chớ phô bày,
Sự sống an tịnh của người đừng tham luyến.
Những lời thô ác phải xa lìa.
Như trên đã trích dẫn những lời Phật dạy trong các kinh luật. Bổn phận chúng ta đối với Pháp Sư, sư tăng v.v... phải hết lòng cung kính cúng dường, tuyệt đối không nên có ác tâm hủy báng, khiến cho người lương thiện bị cho là không lương thiện; bậc thánh nhân thành không phải thánh nhân, người hiền đức không phải hiền đức; Pháp Sư mất địa vị Pháp Sư, đức hạnh sư tăng bị tán thất v.v... vì việc này mà để lại vết nhơ muôn đời nơi thế gian, khác chi bức tường trắng đẹp, sạch sẽ bị những loài ruồi xanh bu đậu vào. Quả là một việc rất đáng sợ vậy!
Nói về việc ác tâm hủy báng thì dùng những lời lẽ gì để hủy báng các vị minh sư, thiện hữu, thánh chúa, tôi hiền...? Điều ấy đương nhiên có rất nhiều. Phàm những lời gì có thể gây bất lợi cho chư vị, kẻ ác tâm đều có thể đổ trút lên chư vị.
Nhưng trên thế gian, tội ác lớn nhất không gì hơn là Thất Nghịch và mười giới trọng. Vì thế nếu đem những tội ác như giết cha, giết mẹ, phá hòa hợp tăng, gian tham, trộm cướp, tà dâm... gán cho các bậc minh sư, thiện hữu, chúa thánh, tôi hiền... để hủy báng, rao nói với mọi người. Thiên hạ khi nghe những việc ấy, họ cho rằng những vị này tạo tội ác rất lớn như vậy, nên không người nào dám lai vãng thân cận với quý vị ấy nữa. Mọi người đều xem quý vị ấy là thứ ác ma trong nhân gian. Chúng ta hãy suy nghĩ, do ác tâm tùy tiện hủy báng người, làm cho người bị tổn hại lớn lao như vậy, tội ác ấy trọng đại không mức nào nói được!
Cho nên là Phật tử, không nên tùy ý hủy báng minh sư, thiện hữu v.v... mà luôn phải đối với các ngài hết lòng cung kính, tôn trọng.
Thế thì phải làm thế nào mới gọi là cung kính, tôn trọng? Nghĩa là đối với trong hàng lục thân, cha mẹ, anh em, phải có lòng hiếu thuận, từ bi. Ở đây, lục thân được giải thích hai loại:
1. Lục thân đời hiện tại là cha mẹ, chú bác, anh em.
2. Lục thân theo quan điểm của Bồ Tát: tất cả chúng sanh đều là lục thân của mình. Sư tăng, quốc vương bao hàm ý nghĩa cha mẹ trong ấy. Người lành, người tốt bao gồm trong ý nghĩa anh em. Hàng quý nhân, quan trưởng cũng đều gồm trong ý nghĩa lục thân.
Suy nghĩ như thế nên đối với những người bề trên phải sanh tâm hiếu thuận. Luôn nghĩ tưởng chư vị đều là người có ân đức với mình. Mình luôn cần phải báo đáp thâm ân trọng đức của các ngài không hết, sao lại tán tâm điên cuồng, làm những việc cực lực hủy báng các ngài?!
Đối với những kẻ bề dưới, ta cần phải sanh tâm từ bi, nên suy tưởng rằng: những chúng sanh ấy ngu si, điên đảo, ta phải có bổn phận ban vui, cứu khổ những kẻ ấy không kịp lúc, huống gì lại nhẫn tâm đi hủy báng họ?
Đã có lòng hiếu thuận thì không bao giờ dám hủy báng, và đã có tâm từ bi thì không bao giờ nỡ hủy báng. Nếu thực hành được như vậy, chẳng những giúp các vị minh sư, thiện hữu... thành tựu danh dự, đức hạnh, mà còn thành tựu danh dự tốt cho chính mình trong hiện đời. Thật là nhất cử lưỡng đắc!
Ngược lại, nếu không có lòng hiếu thuận và từ bi, hoàn toàn không có một chút gì đoái nghĩ và sợ tội, thì bất cứ việc chi cũng dám làm, không riêng gì việc hủy báng người! Nếu sanh khởi tâm từ bi và hiếu thuận thì những việc hủy báng, trái nghịch chắc không bao giờ dám làm, nên đời hiện tại tự nhiên được thành tựu phúc quả, tương lai sẽ được thụ hưởng vô cùng.
Là một vị Bồ Tát:
- Đối với sư tăng, đáng lẽ phải sanh tâm hiếu thuận mà không hiếu thuận, trở lại vu khống là ngỗ nghịch và bất hiếu.
- Đối với người lương thiện, lẽ ra phải có tâm từ bi mà không từ bi, trở lại vu oan là hung hiểm, bất từ.
- Đối với kẻ bề trên mà hủy báng là ác nghịch, người bên dưới hủy báng là hung hiểm.
Dù sự thật không phải như vậy, nhưng người bị hủy báng khi nghe rồi, vì nỗi oan ức không thể tỏ bày vào đâu nên thân tâm thống khổ, bất an, suốt ngày buồn bực không vui. Thậm chí đối với cảnh đời, lòng họ chất đầy nỗi giận ghét, cảm thấy người trên thế gian này không thể sống chung, do đó muốn đi vào con đường tự tận.
Hoặc vì bị bạn hủy báng, nên bao nhiêu danh lợi của đều tiêu tán, mọi việc đều không vừa lòng, đẹp ý, nội tâm do vậy buồn phiền, áo não không nguôi. Phá hoại danh dự của người như vậy là làm cho người sa vào cảnh bất như ý. Vì thế, Phật tử này phạm khinh cấu tội.
Tội dù thuộc hạng khinh cấu, nhưng sự chiêu cảm khổ báo không phải nhẹ. Chẳng những hủy báng sư trưởng... các bậc ân đức của mình, mắc phải tội báo rất lớn, mà ngay cả hủy báng một vị tỳ kheo cũng mắc tội báo vô cùng.
Trong kinh có thuật một truyện ngắn như sau:
Vào thời quá khứ, khi đức Thế Tôn còn tại thế, có một vị tỳ kheo hiệu Đại Ca La. Vị này tu khổ hạnh, ngày ngày đi vào thi lâm (khu rừng dùng chôn người chết), nhặt thức ăn do quyến thuộc người chết cúng tế.
Một hôm, có hai mẹ con gia đình nọ, đưa thi hài của chồng và cha đến thi lâm. Đứa con là một bé gái vừa lên bảy tuổi, trông thấy thầy tỳ kheo bèn nói với mẹ rằng: “Mẹ! Mẹ! Ông này giống như con quạ mù, thường ở đây giữ tử thi kiếm đồ ăn”.
Quý tỳ kheo nghe được, đem việc ấy bạch lên Phật. Đức Phật dạy rằng: “Đứa bé dùng lời thô ác khinh hủy vị tỳ kheo. Do ác nghiệp này, 500 đời thường đọa làm quạ mù!”
Mẹ bé gái nghe Phật dạy như vậy liền dắt con đến trước Phật bạch rằng: “Kính bạch Thế Tôn! Cúi xin Ngài thứ lỗi cho con của con, vì nó nhỏ dại không biết nên mới thốt ra những lời ấy, chớ không có tâm ác độc”.
Phật dạy rằng: - Con đừng lầm nghĩ Thế Tôn nguyền rủa cho đứa bé thọ khổ như thế. Vì bé này thốt lời thô ác khinh dễ vị tỳ kheo, chỉ mắc tội ác khẩu chớ không phải ác tâm, nên chỉ đọa làm súc sanh mà thôi. Nếu có ác tâm sẽ phải đọa vào địa ngục.
Hủy báng thuộc về tánh tội, không luận là người có thọ giới hay không, cốt yếu chỉ cần thốt ra lời hủy báng người, sẽ chiêu cảm quả báo không tốt.
Chúng ta xem chuyện em bé gái kể trên, dù được mẹ dẫn đến trước Phật cầu sám hối, vẫn không thoát khỏi quả khổ báo phải làm quạ mù trong năm trăm đời. Do đây, chúng ta phải hiểu rằng: Dù chư Phật rất đại từ bi, nhưng có ba điều các Ngài không làm được là:
1. Không thể cứu độ những chúng sanh bất tín.
2. Không thể làm cho chúng sanh giới hết được.
3. Không thể cứu chúng sanh đã bị định nghiệp.
Bé gái trong truyện thuộc về định nghiệp, Phật còn không thể cứu. Căn cứ theo đây thì Phật pháp bao giờ cũng đứng ở lập trường nhân duyên. Nghĩa là nếu chúng ta muốn được Phật cứu, điều kiện duy nhất là nhứt tâm tin theo lời Phật dạy mà thực hành thì mới mong được Phật cứu độ, chứ không phải chuyên tạo ác nghiệp, rồi lạy Phật, cầu Phật cứu vớt.
Nói một việc thực tế hơn: nghe nói pháp môn Niệm Phật dễ dàng, dù người mắc tội báo thâm trọng đến đâu, Đức Phật cũng không bỏ. Lầm nghĩ như vậy nên suốt đời chuyên lo tạo ác, đợi đến giờ phút lâm chung niệm năm hoặc mười câu rồi tin rằng Phật sẽ đến tiếp dẫn. Thật là tuyệt đối sai lầm!
Chúng ta nên biết: người suốt đời tạo ác nghiệp đến phút cuối cùng, hồi tâm niệm Phật mà được Phật tiếp dẫn vãng sanh là do hai nhân duyên:
- Nhiều đời trước đã gieo trồng căn lành.
- Đời hiện tại là dù lúc sinh tiền tạo ác nghiệp, nhưng đến phút cuối cùng, nhờ thiện nghiệp nhiều đời, tâm giác ngộ, hối cải mãnh liệt, được gặp thiện tri thức làm tăng thượng duyên nên mới được như vậy.
Trái lại, nếu cố tâm suốt đời tạo ác, chờ đến giờ phút cuối cùng niệm Phật. Chính tâm niệm ấy ngăn cách tâm từ bi của Phật, nên đến phút cuối cùng bị nghiệp lực lôi cuốn, che đậy, làm sao cảm được đức từ bi của Phật? Ví như nước đục tợ như bùn, bóng trăng làm sao hiện ra được?
Vì thế, trong kinh dạy: “Thủ khẩu như bình, phòng ý như thành” (giữ miệng như giữ bình, đề phòng tâm ý như giữ thành trì, ngăn không cho quân giặc lấn chiếm).
Trong kinh Báo Ân dạy rằng: “Họa phúc của con người đều từ nơi miệng mà sinh ra. Vì thế, cần phải giữ gìn khẩu nghiệp còn hơn giữ gìn lửa dữ. Vì lửa dữ chỉ thiêu đốt trong một đời, trong khi tội ác khẩu có thể thiêu đốt vô lượng vô số đời. Hơn nữa, lửa dữ chỉ thiêu đốt tài bảo trong thế gian, trong khi lời nói ác của khẩu nghiệp có thể thiêu đốt bảy thứ thánh tài (1). Nên cổ nhân dạy rằng: “Môi như cung, tâm như giây, âm thanh như tên, trong đêm hôm tăm tối không được bắn bậy bạ, vì có thể không làm thương hại cho người mà chỉ tự mình rước vạ vào thân”.
Chính mình nếu không có những khuyết điểm gì thì không nên sanh lòng sợ sệt những lời hủy báng của kẻ khác đối với mình. Theo như lời Phật và Tổ dạy trong kinh, Vĩnh Gia đại sư cũng có những lời huấn từ rất hay: “Mặc cho người hủy báng, tha hồ cho người chê bai, khác nào người cầm lửa đốt trời. Trời không thể đốt đặng, mà chỉ tự mình chuốc lấy mệt nhọc mà thôi. Ta nghe những lời hủy báng của người dường như uống vị cam lồ, tiêu dao tự tại vào cảnh giới bất tư nghì”.
Với lời nói ác, lời nói hủy báng mà tưởng như được uống vị cam lồ, nếu người đời thực hiện được như vậy, tức là đã đạt được chân đạo thọ dụng trong Phật pháp rồi vậy.
Chú
thích:
(1) Thất thánh
tài: bảy thứ tài bảo của bậc thánh nhân. Các thánh nhân sau khi đã kiến đạo thì
chỉ có bảy thứ thánh tài. Về bảy thứ thánh tài, triong các giải thích có khác
biệt đôi chút. Như kinh Bảo Tích, quyển 42 nói là:
1. Tín: tín thọ
giới pháp của Như Lai.
2. Giới: nghiêm
trì giới pháp của Phật.
3. Văn: Tinh tấn
nghe chánh giáo của Phật.
4. Tàm: khi mình
có lỗi, tự tâm thấy hổ thẹn.
5. Quý: khi mình
có lỗi, không còn tâm tham luyến nhiễm trước.
6. Quý: khi mình
có lỗi, đối với người khác cảm thấy hổ thẹn.
7. Xả: xả bỏ tất
cả, không còn tâm tham luyến, nhiễm trước.
8. Huệ: dùng trí
huệ quán sát sự lý một cách minh bạch.
Kinh Niết Bàn
quyển 17 nói: bảy thứ thánh tài, có đủ bảy thứ này gọi là thánh nhân:
1. Tín
2. Giới.
3. Tàm.
4. Quý.
5. Đa văn.
6. Trí
huệ.
7. Xả ly.
Kinh Pháp Cú
cũng dùng bài kệ thuyết minh Thất Thánh Tài như sau:
Tín tài, giới
tài,
Tàm quý diệc
tài,
Văn tài, thí
tài,
Huệ vi thất tài.
Kinh Báo Ân nói
Thất Thánh Tài:
1. Tín
2. Tinh
tấn.
3. Giới.
4. Tàm
quý.
5. Văn xả
6. Nhẫn
nhục.
7. Định
huệ.
Quý đại sĩ nên
nhận chân bảy thứ báu của người tu hành, được giải thoát thành Phật là nhờ ở
thất thánh tài xuất thế gian. Người tu hành không lấy tài bảo thế gian làm quý.
Biết thế phải nhứt tâm niệm Phật, cầu được vãng sanh về Cực Lạc thế giới, đầy
đủ công đức cho đến thành Phật độ sanh. Đây mới là của quý giá chân thật.
Nên kinh Thập
Lục Quán dạy: “Trên thế gian này chỉ có người niệm Phật là quý hơn hết, cũng
như Thanh Liên Hoa đứng trong bùn”.