KINH PHẠM VÕNG BỒ TÁT GIỚI BỔN GIẢNG KÝ
Hán văn: Pháp sư Thích Diễn Bồi
Việt dịch: Hòa Thượng Thích Trí Minh
Chương
III: CHÁNH THUYẾT GIỚI TƯỚNG
(chánh thức thuyết giảng giới tướng)
B. BIỆT
THUYẾT GIỚI TƯỚNG
(thuyết giảng riêng biệt giới tướng)
B.2.2. BIỆT
THUYẾT KHINH GIỚI
(riêng giảng các giới khinh)
B.2.2.7. BẤT VÃNG THÍNH PHÁP GIỚI
(giới không đi
nghe pháp)
Kinh văn:
1.
Phiên âm:
Từ câu “nhược
Phật tử nhứt thiết xứ hữu giảng pháp Tỳ Ni kinh luật...” cho đến câu “nhược bất
chí thính thọ tư vấn giả phạm khinh cấu tội”.
2. Dịch
nghĩa:
Nếu Phật tử,
hàng tân học Bồ Tát, phàm nơi nào, chốn nào có giảng kinh luật, phải mang kinh
luật đến chỗ Pháp Sư để nghe giảng và thưa hỏi. Hoặc nơi núi rừng, trong vườn
cây, chùa, nhà... tất cả những chỗ có thuyết pháp đều phải đến nghe học. Nếu
Phật tử không đến nơi ấy để nghe pháp, cùng thưa hỏi thì phạm khinh cấu
tội.
Lời
giảng:
Giới “không cúng
dường, thỉnh pháp” ở trước là nói về tội Pháp Sư đến địa phương của mình mà
không thỉnh pháp. “Giới không đi nghe pháp” này nói về tội ở nơi khác có thầy
nói pháp mà không chịu đi nghe.
Vấn đề
nghe pháp đối với người Phật tử mới học Phật pháp, nhất là hàng Bồ Tát sơ phát
tâm vô cùng quan trọng. Vì Bồ Tát sơ phát tâm đối với Sự và Lý trong Phật pháp,
những việc trì, phạm... của giới hạnh, tất cả đều không hiểu rõ, nên thường
phải mang kinh, luật đến các nơi tham học để thành tựu đạo hạnh cho chính
mình.
Hiện tại,
nếu bạn biết nơi nào có thầy giảng dạy kinh luật mà không chịu đến nghe. Đối
với Phật lý đã mờ mịt, việc trì phạm cũng không thông, thế mà bạn vẫn mặc kệ,
không cần biết. Suốt ngày chỉ dạo chơi các nơi để thưởng ngoạn, tìm thú vui,
không lo tu học, lám tổn hại giới hạnh thanh tịnh, đi sai con đường tu hành,
luống thọ dụng của thí chủ thì tội lỗi biết chừng nào! Đức Phật thấy như thế
nên đặc biệt chế định giới điều này.
Hành giả
Bồ Tát lấy vô thượng Bồ Đề làm chỗ mong cầu, mà vô thượng Bồ Đề là lấy Trí Huệ
làm gốc. Có trí huệ thậm thâm vi diệu mới có thể phát sanh các pháp Ba La Mật.
Vì thế phải làm thế nào để có được một Trí Huệ chính xác, cao siêu là một vấn
đề vô cùng trọng yếu.
Nếu làm
một người hướng dẫn mà trí huệ tối tăm sẽ sanh khởi những việc sai lầm, bất
chính. Do đó, mọi người bị sai lầm tất cả. Thật vô cùng nguy hiểm và tai
hại!
Vì thế, Tiểu
Thừa xem trọng chánh kiến, Đại Thừa xem trọng Bát Nhã, nguyên nhân chính là
vậy. Nên trong kinh có bài tụng như sau:
Huệ ư chư thiện
hạnh,
Như thuyền tiếp
sở trì,
Bách thiên manh
thất lộ,
Do nhất nhãn đắc
tồn.
Dịch:
Trí huệ đối với
các thiện hạnh,
Cũng như mái
chèo giữ chiếc thuyền.
Trăm ngàn người
mù bị lạc đường,
Nhờ người sáng
mắt mà được sống.
Như thế, chúng
ta thấy trí huệ thật vô cùng trọng yếu, nhưng tại sao trong kinh Hoa Nghiêm có
bài kệ rằng:
Thí như bần cùng
nhân
Nhựt dạ sổ tha
bảo,
Tự vô bán tiền
phần,
Đa văn diệc như
thị.
Dịch:
Ví như có người
rất nghèo cùng,
Ngày đêm đếm của
báu cho người.
Tự mình không có
phân nửa tiền,
Những kẻ đa văn
cũng như vậy.
Như thế việc
nghe kinh, luật hoàn toàn không lợi ích chi, tại sao lại phải đi nghe?
Câu hỏi trên
thật sai lầm vô cùng! Trong kinh sở dĩ nói: “Người đa văn như kẻ đếm của báu
cho người” ấy là Phật quở trách nnhững người cho Đa Văn là rốt ráo, chỉ một mặt
chuyên nghe mà không biết quy y theo chỗ đã được nghe để tu trì. Do đó, mới bị
quở trách và ví như người nghèo đếm của báu đã được cho người.
Nếu từ Đa Văn mà
được Văn Huệ, từ Văn Huệ mà tư duy, từ tư duy mà tu tập, từ tu tập mà vô lậu
trí huệ được khai phát. Như thế là được Đức Phật vô cùng tán thán và hứa khả.
Như trong kinh có bài kệ sau:
Thiết mãn thế
giới hỏa,
Tức quá yếu văn
pháp.
Niệm đương thành
Phật đạo,
Quảng tế sanh tử
lưu.
Dịch:
Giả sử thế gian
đầy lửa đỏ,
Muốn nghe pháp
phải đi qua.
Tự nghĩ nghe
được pháp thành Phật.
Khắp độ chúng
sanh thoát sanh tử.
Lại nữa, trong
kinh nói rằng: “Trong vòng trăm do tuần đầy lửa dữ đang cháy phừng phừng. Nếu
nơi ấy có người giảng nói chánh pháp, cũng phải đi qua chỗ lửa dữ ấy, đến nơi
người nói pháp mà nghe pháp”.
Chúng ta thấy rõ
tính trọng yếu của việc nghe pháp đến mức độ nào!
Đức Phật dạy đại
chúng rằng: “Nếu là Phật tử thọ giới Bồ Tát, ở tất cả chỗ, nghĩa là bất luận
nơi nào, nếu có Pháp Sư hoặc Luật Sư tuyên giảng pháp Tỳ Ni kinh luật, hàng tân
học Bồ Tát đều phải tìm cách đi nghe cho kỳ được. Lại còn có những nơi do quốc
vương, đại thần và các vị đàn việt hộ pháp có thỉnh Pháp Sư giảng pháp, trong
chốn đại trạch xá (giới bổn Việt văn dịch là “nhà”), là cung điện của vua, dinh
thự của quan, nhà của các Phật tử tại gia... Hàng tân học Bồ Tát không được một
chút do dự, mà phải mang kinh luật đến chỗ Pháp Sư nghe giảng và thưa
hỏi”.
Ở đây nói pháp
Tỳ Ni, kinh, luật theo nghĩa:
- Pháp là chỉ
cho Kinh Tạng đã biên tập, thông thường hợp lại gọi là Pháp Tỳ Nại Da. Pháp là
để thực hành theo chân lý cùng đạo đức.
- Tỳ Nại Da là
trừ diệt những pháp hư vọng và trái đạo đức (chỉ cho phiền não, ác nghiệp...)
Về nội dung vốn đồng nhất, nhưng về phương diện “hiển chánh trừ tà” chia làm
hai: Pháp và Tỳ Ni, chẳng phải Pháp, chẳng phải Tỳ Ni. Danh từ tương đối này ở
trong kinh, luật rất phổ biến, hoàn toàn không mang nghĩa thực sự bất đồng, nên
kinh này gọi là “pháp Tỳ Ni kinh luật”.
Tỳ Ni là tiếng
Ấn Độ, Trung Hoa có chỗ dịch là Luật, có công năng xử đoán các tội khinh, trọng
của việc phạm giới và phân định rõ thế nào là khai, giá, trì, phạm để chúng ta
giữ gìn giới hạnh một cách đúng đắn, nghiêm túc và linh động giống như pháp
luật trong thế gian luôn phải công bằng xử đoán mọi việc.
Lại có nơi dịch
là Diệt, nói theo Đại Thừa là có thể triệt để diệt trừ tất cả phiền não. Nói
theo Tiểu Thừa, hữu lậu mộc xoa có thể diệt trừ bảy thứ tội ác của thân khẩu
nghiệp (thân có ba nghiệp, khẩu có bốn nghiệp). Nếu căn cứ vào Định Cộng Giới
và Đạo Cộng Giới (1) thì có thể diệt trừ chín mươi tám sử (2). Lại có chỗ nói
tội ác của ba nghiệp thân, khẩu, ý của chúng ta như lửa đương cháy rất mãnh
liệt, chỉ có giới luật mới có thể ngăn chặn, dập tắt, nên gọi là Diệt.
Lại có chỗ dịch
là Điều Phục, nghĩa là các học xứ (tức là những chỗ nên học, cần học, tức là
giới luật) có công năng điều hòa ba nghiệp thân, khẩu, ý, hàng phục tất cả
nghiệp bất thiện, nên gọi là Điều Phục.
Có người không
biết pháp là kinh, Tỳ Ni là Luật, mà nói kinh, luật đều gọi là Tỳ Ni thì thật
là hoàn toàn không đúng pháp. Trong kinh văn nói: “Tân học Bồ Tát" chỉ
những Bồ Tát sơ phát tâm, hàng đại sĩ mới thọ tâm địa giới pháp. Vì các vị này
thuộc về hàng tân học, học nghiệp chưa thành tựu, không biết rõ sự khinh trọng
của giới hạnh, không biết rõ thế nào là Khai, Giá, Trì, Phạm, thế nào là dụng
công tu hành, thế nào là phương tiện độ sanh v.v...
Vì thế, khi nghe
có người giảng giải kinh, luật, phải mau chóng đến nơi ấy học tập, để được hiểu
rõ chính xác nội dung trong kinh, luật, và để khỏi sa vào trường hợp kẻ đui dắt
người mù, không đến nỗi lầm lẫn cho phạm giới là trì giới mà tạo ra nhiều việc
phi pháp, phi luật.
Vì muốn tránh
khỏi sự sai lầm của tư tưởng và hành vi của chính mình, hàng tân học Bồ Tát sơ
phát tâm nếu biết nơi nào có người giảng kinh luật, phải nhanh chóng mang kinh
luật đến nơi Pháp Sư, chuyên tâm nhất ý lắng nghe, lại phải dùng tâm thức lãnh
thọ giáo pháp. Nếu trong ấy có chỗ nào không hiểu rõ thì nên cung kính thủ lễ
đối với Pháp Sư để thưa hỏi những điểm nghi ngờ trong tâm mình. Khi khối nghi
ngờ được băng tiêu, biết rõ sự tu học phải như vậy, cần phải y theo đó tu trì
để mong được ngộ nhập pháp môn tâm địa Đại Thừa.
Nếu có chỗ giảng
nói kinh - luật mà không chịu đi nghe thì thâm tâm của bạn không được sự tươi
nhuận của nước pháp, hoặc đi nghe pháp mà không thưa hỏi những chỗ nghi ngờ
trong tâm, thì chủng tử Phật pháp trong thân tâm bạn sẽ không được tăng
trưởng.
Vì muốn cho hàng
tân học Bồ Tát biết trọng pháp, không thối thất tâm đạo.
Vì muốn sách lệ
hàng tân học Bồ Tát tăng tiến trên đường tu học.
Vì muốn phòng
ngừa hàng tân học Bồ Tát không tự sanh giải đãi, kiêu mạn.
Nên Phật dạy khi
có chỗ nào thuyết pháp giảng luật, phải đi nghe học, thưa hỏi. Nếu không, sẽ
mất lợi ích không được nghe đại pháp và sự tu hành sẽ không do nơi đâu mà thắng
tấn.
Chẳng những
trong chốn đại xá trạch như cung vua, dinh thự của quan, nhà các đàn việt như
trên đã nói, mỗi khi có Pháp Sư giảng kinh - luật, hàng tân học Bồ Tát cần phải
đi nghe, mà ngay đến trong chốn núi rừng, dưới cội cây, trong chùa tăng, những
nơi tịch tịnh A Lan Nhã hoặc Tăng Già Lam, chỗ của chúng tăng cư ngụ, nếu có
Pháp Sư thuyết pháp, đều phải đến nghe học. Nếu không đến những chỗ ấy nghe học
kinh - luật, thưa hỏi lý nghĩa, ban đầu chỉ có lỗi biếng nhác, mạn pháp, nhưng
về sau thì không tội ác nào chẳng tạo nên. Cuối cùng kinh dạy: “Phật tử này
phạm khinh cấu tội”.
Nghe pháp, học
luật là có lợi ích cho bản thân mình mà không chịu nghe học thì làm sao tránh
khỏi trở thành một người tội ác? Vì thế nên không tránh khỏi tội khinh
cấu!
Vì sao nghe
kinh, học luật là sự kiện trọng yếu của hàng tân học Bồ Tát như thế?
Nên biết bể Phật
pháp mênh mông, càng vào càng sâu. Nếu bạn cứ ngồi yên bất động thì làm sao có
thể thâm nhập Kinh Tạng? Nên trong luận Du Già quyển tám mươi, giải thích chữ
“nghe” như sau:
“Nghe là như thế
nào? Là chính trong lúc Pháp Sư giảng nói chánh pháp, người nghe pháp phải an
trụ nơi chỗ của Pháp Sư, chí thành cung kính, chuyên chú nghe pháp, nội tâm
không điên đảo”.
Phải biết người
nào có tâm chân thật cung kính nghe pháp, hiện tiền được sự lợi ích an lạc như
xa lìa tam ác đạo, được sanh vào cảnh giới lành nhân thiên, và là nhân tương
lai đến Niết Bàn. Được ba sự lợi ích trên đều do lòng cung kính nghe đại pháp,
nên Du Già Luận có bài tụng:
Đa văn năng tri
pháp,
Đa văn năng viễn
ác.
Đa văn xả vô
nghĩa.
Đa văn năng đắc
Niết Bàn.
Dịch:
Đa văn biết các
pháp,
Đa văn lìa ác
đạo.
Đa văn lìa bất
lợi.
Đa văn được Niết
Bàn.
Căn cứ chính nơi
ý này có thể nói một cách quả quyết rằng: Tất cả các công đức trong Phật pháp,
không một công đức nào thành tựu mà không phải do từ nghe pháp mà thu hoạch
được.
Vì thế, tất cả
các giới Phật tử đối với việc nghe kinh - luật chớ nên khinh thường. Nếu tất cả
các pháp đều không được nghe, thì chẳng những pháp thậm thâm không hiểu rõ, mà
ngay cả những pháp thông thường như Tam Quy, Ngũ Giới, Thập Thiện, Tam Bảo
v.v... cũng đều không hiểu rõ.
Như trường hợp
Thiện Tài đồng tử mà đa số Phật tử đều biết, vì cầu thiện tri thức để nghe đại
pháp mà triển chuyển đi qua phương Nam, trải qua một trăm mười thành để tham
phỏng với các đại thiện tri thức. Cuối cùng mới được chứng đắc tâm yếu trong
Phật pháp.
Nếu Thiện Tài
đồng tử đương thời bấy giờ cứ ngồi yên bất động, sợ nhọc và làm biếng, thì thử
hỏi làm sao lọt vào được lâu các của đức Di Lặc Bồ Tát và việc tham học làm sao
được hoàn thành?
Thiện Tài đồng
tử ở tại Phước Thành, trong đó có một vị trưởng giả có năm trăm đồng tử mà
Thiện Tài là một trong số đó.
Vì sao đồng tử
được đặt tên là Thiện Tài? Vì lúc đồng tử mới sinh ra, có rất nhiều tài bảo quý
lạ tự nhiên ở dưới đất hiện ra. Đó là do Thiện Tài đồng tử có phước báo rất
lớn.
Tại sao Thiện Tài đồng tử có được phước báo rất lớn như thế? Vì đồng tử đã chứa nhóm công đức lành nhiều đời, cho nên cha mẹ ngài đặt hiệu là Thiện Tài.
Thời bấy giờ, đức Đại Trí Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát ngự bên phía Đông của Phước Thành, tại Trang Nghiêm Tràng An La Lâm giảng nói chánh pháp. Đồng tử đến chỗ Bồ Tát nghe pháp, phát đại Bồ Đề tâm. Sau khi phát đại tâm, đồng tử vâng lời chỉ giáo của Bồ Tát Văn Thù, tiếp tục đi qua phương Nam tham bái 53 vị thiện tri thức. Do đây, mà trong Phật giáo thường nói là: “Thiện Tài đồng tử ngũ thập tam tham”. Lần tham phỏng thứ 28 là tham học với đức Quán Thế Âm Bồ Tát. Vì lần tham học đầu tiên là học với VănThù Sư Lợi Bồ Tát. Và lần cuối cùng là học với đức Phổ Hiền Bồ Tát, nên khi nói đại Bồ Tát độ Thiện Tài đồng tử, trong kinh đều thường đề cập đến hai vị đại Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi và Đại Hạnh Phổ Hiền vậy.
Lại nữa, ở Trung Hoa vào triều nhà Đường, có vị thiền sư hiệu Đại Tùy Pháp Chân, là bực danh đức đương thời.
Một hôm, có vị tăng nhân đến thiền sư hỏi pháp rằng: - Đến khi kiếp hỏa rỗng cháy, thế giới hoại diệt thì cái ấy cũng hoại hay là không?
Thiền sư đơn giản đáp rằng: Hoại.
Tăng nhân lại hỏi tiếp; - Theo lời ngài nói như vậy thì cái ấy cũng tùy theo cái khác mà đi hay sao?
Thiền sư lại đáp: - Tùy cái khác mà đi.
Tăng nhân nghe như vậy, tâm có chỗ hoài nghi, bèn đi tầm thầy tham phỏng. Trải qua các danh sơn và đại xuyên, Ngài cứ đi mãi, đi mãi đến muôn dặm chỉ vì khối nghi tình ấy.
Nhất cú tùy tha ngữ,
Thiên sơn tẩu nạp Tăng.
Dịch:
Một câu tùy tha ngữ,
Nạp Tăng đi nghìn non.
Chính là diễn tả tinh thần cầu pháp nói trên.
Lại như Triệu Châu thiền sư đến tám mươi tuổi mà vẫn còn đi hành cước, chỉ vì nội tâm chưa tỏ ngộ. Như thế đủ thấy tinh thần cầu pháp đến mức độ nào.
Hiện nay những người tu hành học Phật pháp, các vị tám mươi tuổi không thể hành cước là điều không nói, nhưng cả các vị mới mười tám tuổi mà muốn các vị đi hành cước thì các vị cũng không chịu đi. Thế nên, người đời nay sánh với chư cổ đức ngày xưa khác nhau rất nhiều! Xem gương các bậc cổ đức thời xưa, rồi nhìn lại những người học Phật ngày nay, khiến cho tôi (Pháp Sư) không thể giữ được nỗi buồn vô hạn!
Người học Phật, mục đích chánh là vì cầu chánh pháp, mà chánh pháp không cầu thì học Phật để làm gì? Xuất gia để làm gì? Xin trả lời cho tôi nghe!
Thế nên Tỉnh Am đại sư trong Khuyến Phát Bồ Đề Tâm Văn, có những lời than thở sau đây: “Có giáo pháp mà không có người tu học, tà chánh không phân, phải quấy không biện biệt, lại xúm nhau tranh nhân, ngã. Ai ai cũng đều theo đuổi lợi danh. Đưa mắt nhìn xem trong thiên hạ nhan nhản toàn là như thế. Người tu học Phật mà không biết Phật là chi, pháp là gì, tăng tên chi?! Suy tàn đến mức ấy thật là nguy ngập không thể nói, nên mỗi khi nghĩ đến, bất giác lệ rơi!”
Hiện tượng Phật giáo ngày nay đem so sánh với thời của Tỉnh Am đại sư lại là giang hà nhật hạ. Những người có tâm với Phật giáo trông thấy cảnh tượng thực tế này, khiến nội tâm quá đau đớn, nên chẳng những đã ngậm ngùi rơi lệ mà còn không nén được lòng phải bật tiếng khóc than!!!
(“Giang hà nhật hạ” nghĩa đen là nước sông mỗi ngày một vơi cạn, dùng hình ảnh này để dụ cho những việc suy bại ngày càng trầm trọng, Thí dụ trên ám chỉ cho Phật giáo thời của Tỉnh Am tổ sư - Liên tông thập tổ - dù đã suy bại, nhưng so với Phật giáo hiện tại thì tình trạng suy bại càng hơn nhiều. Tiến thêm một bước nữa, Phật giáo cách đây chừng 20 năm, tức là lúc Diễn Bồi Pháp Sư giảng bộ Bồ Tát Giới Bổn này, so với năm nay, 1983, thì hiện tượng suy bại của Phật pháp không sao kể xiết. Theo đà tuột dốc này thì những năm tiếp theo sau, sự suy bại không biết đến mức độ nào!)
Có chỗ giảng kinh thì phải đi nghe, đó là điều dĩ nhiên. Nhưng nếu đường sá quá xa xôi thì có sự giới hạn hay không?
Trong kinh Địa Trì không quy định việc đường sá xa gần mà chỉ dạy là khi có chỗ nói kinh - luật phải thành tâm đi nghe. Còn kinh Ưu Bà Tắc giới thì dạy: “Trong vòng một do tuần, phải đi nghe; nếu xa hơn một do tuần, không đi nghe thì không phạm tội”.
Vì Phật tử tại gia việc thế tục quá đa đoan, không thể bỏ gia đình mà đi nghe pháp ở chỗ quá xa. Trường hợp này không phải có tâm mạn pháp khinh người, mà vì bị nhiều việc ràng buộc nơi thân, nên không có thời giờ rảnh rỗi để đi nghe pháp.
Còn người xuất gia hoàn toàn không bận rộn việc thế tục nào, nên phải lấy sự học tập chánh pháp làm chánh vụ. Nếu vì sợ đường sá xa xôi, đi về cực nhọc, mà không chịu đi nghe kinh - luật, đó chính là biếng nhác và có tâm mạn pháp. Trường hợp này thì phạm tội không thể dung tha.
Hiện nay, chẳng những chúng tăng không chịu đi nghe kinh. Dù được ngồi trên xe để đi nghe pháp cũng không thấy hứng thú. Thậm chí dùng máy ghi âm thu những lời Pháp Sư giảng thật tử tế, đưa cho quý vị nghe, cũng không muốn nghe. Người xuất gia học Phật mà đối với chánh pháp của Như Lai không kính trọng như thế, thì tiền đồ của Phật pháp còn có hy vọng gì?!
Vì thế thật không lạ gì khi có người nói rằng: “Phật giáo ngày nay không cần do bên ngoài làm hoại diệt, mà chính bên trong nội bộ của Phật giáo sẽ trở về với luật đào thải tự nhiên”.
Nhìn Phật giáo hiện nay không sao tránh khỏi sự buồn đau rơi lệ. Những thanh niên Phật tử thông thường không biết sự trọng yếu của chánh pháp. Đó là do sự không hiểu biết của chính họ, thì còn có thể tha thứ. Còn đối với những vị lãnh đạo trong Phật giáo mà xem thường sự hoằng truyền của chánh pháp, thậm chí thấy người khác hoằng truyền đạo pháp lại cố ý làm trở ngại, khiến cho những người có tâm cầu chánh pháp không có cơ hội được nghe Phật pháp. Đây mới là kẻ tội ác rất lớn trong Phật pháp, không thể trốn chạy được.
Trong Du Già Bồ Tát Giới Bổn có nói: “Bồ Tát an trụ nơi giới pháp cần phải tinh cần huân tập đa văn, để mong được hiểu rõ những nghĩa lý thậm thâm của Đại Thừa. Cho nên nếu nghe nơi nào có Pháp Sư giảng nói chánh pháp, hoặc biện luận nghĩa lý thậm thâm, hoặc biện biệt những đạo lý phải, trái, chánh, tà, Bồ Tát đều phải đúng như pháp, đến nghe học để huân tập và tăng trưởng văn huệ cho mình. Như thế mới là vị Bồ Tát an trụ nơi giới pháp”.
Nếu bị phiền não, kiêu mạn chiết phục, tự cho mình là người rất thông đạt, hoặc đối với pháp sư có tâm giận ghét mà không chịu đúng như pháp đi nghe pháp để học hỏi thì đối với giới này có chỗ nhiễm ô trái phạm.
Nếu không phải bị tâm kiêu mạn, chiết phục, hoặc tâm giận ghét pháp sư, mà chỉ do tánh biếng nhác, giải đãi kéo níu, không chịu đi nghe pháp, học kinh - luật, chỉ phạm tội nhẹ, không phạm tội nhiễm ô trái phạm, vì không có phiền não xen lẫn bên trong.
Tội lỗi không đi nghe pháp là như vậy. Nhưng có trường hợp nào đặc biệt cho phép không đi nghe pháp hay không?
Có! trường hợp bạn vì tuổi già sức yếu, lại nhiều tật bệnh, hoặc chân yếu đuối, hoặc phần giáo pháp được giảng bạn đã từng nghe rồi, hoặc bạn là bậc đại trí huệ biện tài, hoặc trong lúc bạn chuyên lo tu tập, hoặc vì Pháp Sư nói giảng pháp ngoại đạo... Trong những trường hợp như thế, nếu không đi nghe, học, thưa hỏi thì bạn không trái phạm giới Bồ Tát.
Đặc biệt trong trường hợp người thuyết pháp giảng những giáo lý ngoại đạo thì không được đi nghe. Nếu đi nghe thì khi gặp những lúc kẻ thuyết pháp có những lời quan hệ với ngoại đạo, phải lập tức bỏ đi, không nên ngồi tiếp tục nghe giảng.
Kinh Phật Tạng có dạy như sau: “Nếu tỳ kheo thuyết pháp có xen lẫn nghĩa lý ngoại đạo trong thời giảng pháp. Là một bậc tỳ kheo hiền thiện, thành tâm cầu đạo pháp, phải lập tức rời khỏi chỗ ngồi bỏ đi nơi khác. Nếu không bỏ đi thì không phải là tỳ kheo hiền thiện, cũng không thể gọi là người tùy thuận lời Phật dạy”.
Kết thành tội nghiệp của Bất Vãng Thính Pháp Giới này phải hội đủ bốn duyên sau:
1. Giảng kinh - luật: thật sự có Pháp Sư ở đấy giảng kinh, Luật Sư giảng giới luật.
2. Tưởng là giảng kinh - luật: trường hợp mình biết rõ ràng nơi ấy có người giảng kinh, giảng luật. Nếu hành giả Bồ Tát không hay biết, cũng không nghe ai nói, nên không đi nghe giảng thì không phạm tội.
3. Có tâm không muốn đi: Đây là nguyên nhân chủ yếu để kết thành tội không đi nghe pháp. Nếu do tâm sân hận, kiêu mạn, mà không đi nghe kinh - luật thì bị liệt vào tội nhiễm ô phạm.
(Lưu ý: Nhiễm ô phạm hay nhiễm ô khởi là do phiền não sai khiến. Trường hợp không phải do phiền não sai khiến là không phải tội nhiễm ô phạm, đó chỉ vì tính biếng nhác mà thôi. Tuy nhiên, phải biết rằng tính biếng nhác cũng là một thứ tùy phiền não tâm sở, một trong hai mươi thứ tâm sở. Ở đây nói “chẳng phải nhiễm ô” là vì tâm sở tùy phiền não này thuộc về tội nhẹ, chứ không phải như căn bổn phiền não như sân hận. Vì thế, so sánh với căn bổn phiền não mà nói thì là chẳng phải nhiễm ô, nhưng thật sự phiền não giải đãi cũng là một thứ nhiễm ô)
4. Không đi nghe: do có tâm không chịu đi nghe nên nhất quyết không đi. Một ngày không đi nghe pháp thì bị kết tội một ngày. Tùy theo số ngày không đi nghe pháp mà kết tội, không thể dung thứ. Vì sự nghe pháp này quan hệ mật thiết đến tiền đồ tu học Phật pháp của bạn rất lớn lao vậy.
Chú thích:
1. Định Cộng
Giới và Đạo Cộng Giới:
Định Cộng Giới
là một trong ba thứ giới, còn gọi là Tịnh Lự Sanh Luật Nghi; nghĩa là lúc nhập
các pháp Thiền Định ở Sơ Thiền và Nhị Thiền v.v... thì giới thể cùng Thiền Định
đồng sanh, nên tự nhiên có công năng ngăn dứt mọi lỗi lầm và tội ác, nên hai
nghiệp thân, khẩu hoàn toàn khế hợp với Luật Nghi nên gọi là Tịnh Lự Luật Nghi.
Vì Tịnh Lự tức là Định.
Đạo Cộng Giới là
do các bậc thánh nhân trong Tam Thừa khi nhập Vô Lậu Định ở Sắc giới mà phát
sanh. Tức là giới thể cùng với vô lậu trí huệ ở trong thân tự nhiên phát sanh
công năng ngăn dứt lỗi lầm và tội ác. Đạo Cộng Giới còn gọi là Vô Lậu Luật Nghi
vì thuộc về Luật Nghi Vô Lậu, cùng với Vô Lậu đồng sanh và đồng diệt.
2. Chín mươi tám
sử: còn gọi là chín mươi tám tùy miên. Hai danh từ này là biệt danh của phiền
não.
Tại sao gọi là
Sử? Tại sao gọi là Tùy Miên?
Sử nghĩa là sai
khiến, nghĩa là phiền não sai khiến chúng sanh tạo ác nghiệp để phải chịu khổ
quả. Có chỗ gọi là Kiết Sử vì Kiết là trói cột, tức là chúng sanh bị phiền não
sai khiến tạo tội ác, rồi lại bị khổ quả như tội nhân do tạo tội mà bị hành
phạt.
Tùy Miên: chữ
Tùy nghĩa là theo. Miên là ngủ. Nghĩa là phiền não luôn luôn theo bên mình,
không rời một bước nên gọi là Tùy. Những phiền não ấy rất u vi, khó nhận biết,
thường ẩn núp trong nội tâm, cũng như người nằm ngủ không hay biết gì cả nên
gọi là Miên. Chín mươi tám sử này lấy Thập Sử làm căn bản. Thập Sử: tham, sân,
si, mạn, nghi, thân kiến, biên kiến, kiến thủ, giới cấm thủ.
Trong 10 sử lại
chia ra làm hai loại:
- Năm thứ trước
gọi là ngũ độn sử.
- Năm thứ sau
gọi là ngũ lợi sử.
Nơi mười sử này
phối hợp với tam giới thì cõi Dục Giới có có ba mươi sáu thứ, Sắc Giới có ba
mươi mốt thứ, và Vô Sắc Giới có ba mươi mốt thứ. Tổng cộng ba cõi có chín mươi
tám sử. Ở đây chỉ nói sơ lược, muốn biết rõ phải xem các bộ luận A Tỳ Đạt Ma
Phát Trí quyển năm, Đại Tỳ Bà Sa quyển bốn mươi sáu, Câu Xá Luận quyển mười
chín...