KINH PHẠM VÕNG BỒ TÁT GIỚI BỔN GIẢNG KÝ
Hán văn: Pháp sư Thích Diễn Bồi
Việt dịch: Hòa Thượng Thích Trí Minh
Chương
III: CHÁNH THUYẾT GIỚI TƯỚNG
(chánh thức thuyết giảng giới tướng)
B. BIỆT
THUYẾT GIỚI TƯỚNG
(thuyết giảng riêng biệt giới tướng)
B.2.2. BIỆT
THUYẾT KHINH GIỚI
(riêng giảng các giới khinh)
B.2.2.29. TÀ MẠNG TỰ HOẠT GIỚI
(Giới ngăn cấm
mưu sinh bằng những tà nghiệp)
Kinh văn
1. Phiên âm:
Từ câu “nhược Phật tử dĩ ác tâm cố...” cho đến câu “...phạm khinh cấu tội”.
2. Dịch nghĩa:
Nếu Phật tử dùng ác tâm vì lợi dưỡng mà buôn bán nam sắc, nữ sắc, tự tay làm đồ ăn, tự xay, tự giã, xem tướng, bàn mộng, đoán sẽ sanh trai hay gái, dùng bùa chú, pháp thuật, làm nghề nuôi ó và chó săn, nghĩ ra phương pháp hòa hiệp trăm thứ thuốc độc, nghìn thứ thuốc độc: độc rắn, độc sanh kim ngân, độc sâu cổ, đều là không có lòng từ bi, hiếu thuận. Nếu cố làm các điều ác như thế, Phật tử này phạm khinh cấu tội.
Lời giảng
Giới trước là
giới ngăn cấm những lỗi trái nghịch với phước điền thù thắng, làm cho thiện căn
công đức không được tăng trưởng.
Giới này ngăn
cấm việc học tập những nghề nghiệp hạ liệt thông thường, để tránh sự tăng
trưởng ác tâm, tạo các ác nghiệp.
Mọi người muốn
tồn tại trên thế gian này đều phải tìm cách duy trì sự sống. Điều ấy không ai
có thể phủ nhận. Nhưng sự sinh hoạt có chính đáng hay không, đó là vấn đề cần
phải chú ý.
Đối với người
Phật tử tại gia học Phật, chỉ nên đảm nhiệm những chức vụ chính đáng trong quốc
gia, hay mưu cầu sự sống bằng những nghề nghiệp hợp pháp và chân chính như: làm
ruộng, buôn bán, làm thợ, dạy học v.v... mới là những sinh hoạt kinh tế chính
đáng thông thường. Trái lại, nếu làm những điều phi pháp, tội ác như sát sanh,
trộm cắp, dâm dật, bán rượu, coi bói, chú thuật, cân non, cân già, đấu lớn, đấu
nhỏ v.v... đều không thể được, và chắn chắn sẽ gặp hậu quả bi thảm.
Đối với hàng
Phật tử xuất gia, bất luận là tỳ kheo hay Bồ Tát, đều phải sống theo lối chánh
mạng hay tịnh mạng, tuyệt đối không được làm theo tà mạng để tự nuôi
sống.
Tà mạng là ngược
với chánh mạng; là sự tự nuôi sống khôngười có tâm vì người khác. Nếu dùng
những phương pháp không chính đáng để được các thứ nhu dụng cho đời sống thì dù
đời sống của bạn thật sung sướng, hạnh phúc, thậm chí còn được những người
thiển kiến trong xã hội hâm mộ, nhưng đối với Phật pháp thuần túy chân chính,
thì bạn đã mất hẳn tư cách của một Thích tử. Vì những lối sống ấy, ngay cả các
tín sĩ thanh tịnh tại gia học Phật, cũng đều không nên làm.
Người Phật tử
xuất gia, dù ở hoàn cảnh nào đều phải lấy việc khất pháp, khất thực làm điều
sinh sống.
- Khất pháp
nghĩa là khất cầu chánh pháp của Như Lai. Đối với chánh pháp phải quý trọng,
giữ gìn để cầu chứng được Pháp Thân.
- Khất thực
nghĩa là khất cầu những thực phẩm ăn uống trong mỗi ngày của thí chủ, để tự
dưỡng xác thân và và để thanh tịnh cuộc sống.
Nếu có được sự
sinh hoạt như vậy, chẳng những có thể hoàn thành đức nghiệp cho bản thân mình,
mà còn làm lợi ích cho nhân quần, khiến mọi người vun trồng phước đức. Đây là
lối sinh sống theo chánh mạng do Đức Phật chế định cho hàng Phật tử xuất gia,
không nên trái phạm.
Nhất là hàng Bồ
Tát xuất gia với tinh thần đại từ, đại bi, đáng lý phải hy sinh, không luyến
tiếc sinh mạng quý báu của mình để cứu độ chúng sanh, những người đang cần được
cứu tế, không thể cho phép bạn vì những lợi ích của cá nhân mình, mà dùng những
ác pháp gây sự tổn hại cho người, hoặc dùng tà nghiệp, để được lợi dưỡng hầu
duy trì sinh mạng của cá nhân mình. Điều này không phải là biểu hiện tâm thanh
tịnh, tâm từ bi cần phải có nơi một vị Bồ Tát.
Trên thế gian,
vấn đề hành nghề không chân chính để nuôi sống bản thân so ra thì rất dễ dàng,
vì thế ở xã hội Ấn Độ xưa kia, môn đồ của các tôn giáo khác hay dùng những
phương tiện không chính đáng để mưu sinh, bởi lẽ những công việc ấy thật nhẹ
nhàng, dễ làm, không cần phải nhọc sức nhiều. Đức Phật nhận thấy đây là điều
nhất quyết không thể chấp nhận, vì không phải là việc làm của người Phật tử.
Cho nên ngài chế lập giới điều này.
Nhưng ở vào thời
Mạt Pháp hiện nay, nhìn chung khắp hàng Phật tử xuất gia của Phật giáo, thành
phần không dùng tà nghiệp mưu cầu sự sống, rốt ráo không biết được bao nhiêu
người? Thế nên, khi bước chân đến tự viện đều thấy những việc làm trái với
đường lối tịnh mạng. Nhưng vì việc làm này đã trở thành thói quen, nên những
người hành động không còn nhận ra những việc làm ấy là không đúng. Nhưng chính
những việc làm này đã gây một ấn tượng xấu xa cho các nhân sĩ trong xã hội,
khiến họ nghĩ rằng Phật giáo đồ đang dẫn dắt người đời đi vào con đường mê tín
một cách hết sức lầm lẫn. So lại với tinh thần của Phật giáo chân chính thì quả
là một khoảng cách rất xa!
Đức Phật bảo đại
chúng rằng: “Nếu là một Phật tử đã thọ Bồ Tát giới, nếu không dùng tâm tốt thực
hành Bồ Tát đạo mà lại dùng ác tâm, chỉ vì để mưu cầu tài lợi phụng sự cho cá
nhân mình mà làm những việc tà mạng nuôi sống. Vì lợi dưỡng không phải là việc
làm thể hiện tinh thần cứu khổ cho chúng sanh. Dùng ác tâm là nói sự không dùng
thiện tâm cầu quả vô thượng Phật đạo. Nếu dùng thiện tâm làm những việc tốt,
cứu tế chúng sanh thoát khỏi cảnh thống khổ, thì phát sanh vô lượng công
đức”.
Tà nghiệp tổng
quát có tám loại như:
1. Buôn bán nam
sắc, nữ sắc: nghĩa là dùng tiền mua thanh niên nam, nữ bán lại cho người khác
để làm việc dâm dục. Điều này đồng nghĩa với việc mở các dâm xá để mưu cầu tài
lợi, nên là một tội ác rất lớn. Chẳng những Phật tử xuất gia không được làm mà
ngay cả Phật tử tại gia cũng không được phép. Vì đây là hành động chia lìa cốt
nhục, nhơ nhuốc gia phong của người, không nghĩ đến liêm sỉ, không đoái hoài
đến nỗi hổ nhục của người.
2. Tự tay làm đồ
ăn: Chính mình nấu nướng thức ăn để dùng. Việc này chỉ cấm hàng xuất gia, còn
với Phật tử tại gia, sự tự nấu nướng để dùng thì hoàn toàn không cấm.
- Đức Phật dạy
tỳ kheo phải dùng đồ ăn từ nơi tịnh nhân trao cho mới được ăn. Sở dĩ Đức Phật
không cho phép sa môn làm việc nấu nướng để sinh sống, vì lúc làm thức ăn thì
mất oai nghi của vị tỳ kheo, lại còn khiến cho tâm tham của tỳ kheo phát sanh,
cho nên không được làm. Nhưng tình hình hiện nay, công nghiệp kỹ nghệ phát
triển và phồn thịnh, việc tự tay làm thức ăn thật là khó tránh.
2. Tự xay, tự
giã: Chính mình tự xay giã ngũ cố để dùng cũng không được. Vì trong ngũ cốc có
rất nhiều sinh mạng của vi sinh trùng, nếu chính tay mình xay giã sẽ làm tổn
hại sinh mạng của chúng sanh, còn thêm bị thế nhân chê bai, dị nghị. Điều này
chỉ ngăn cấm hàng xuất gia, còn hàng tại gia thì không cấm.
Tuy nhiên,
trường hợp Phật tử xuất gia, hành Bồ Tát hạnh, phát tâm cúng dường chúng Tăng,
đích thân dùng sức lực của mình tự xay, tự giã và tự làm thức ăn uống cũng có
thể được cho phép.
4. Chiêm tướng
nam nữ:
Chữ Chiêm còn
đọc là Chiếm, có nghĩa là coi bói, dùng những lời không thật bàn chuyện họa
phước, sống lâu, chết yểu của nam nữ.
Chữ Tướng là
những nét hiện ra bên ngoài.
Chiêm Tướng có
nghĩa là quán sát hình dạng, khí sắc rồi đưa ra những lời nhận xét hư vọng,
tiên đoán những việc cùng, thông, đắc, thất của người. Họ không hiểu rằng bổn
mạng của mỗi người như thế nào, không cần gì phải coi tướng, bói quẻ mà hoàn
toàn căn cứ ở nơi tự mình có thực hành đạo đức làm người hay không. Nếu thực
hành những điều tốt thì tương lai nhất định sẽ tốt, bằng ngược lại, thì lẽ
đương nhiên mọi việc sẽ không bao giờ được như ý muốn. Hoặc coi những việc cưới
gả, tính đoán tuổi tác cho nam nữ, xem cung mạng đôi bên hợp nhau hay không
v.v... Những việc này đều không phải là việc của những người xuất gia nên làm.
Đối với những người tại gia, nếu không phải lấy những việc này làm phương tiện
nuôi sống, chỉ là tình cờ tạm làm thì không phạm giới.
5. Bàn mộng tốt
xấu, sẽ sanh trai hay gái: Mộng mị là việc mọi người đều có. Theo thông thường
nói bậc chí nhân không nằm mộng. Nhưng theo Phật pháp thì chỉ duy có Đức Phật
mới không nằm mộng.
Mộng vốn là hiện
tượng huyễn hóa. Tự nó vốn không mang tính thực tại, nhưng người đời mỗi khi
nằm mộng, thường đi cầu người khác bàn luận về mộng, để biết những điềm hiện
trong giấc mộng tốt hay xấu. Thậm chí, những phụ nữ có mang cũng cầu hỏi xem sẽ
sanh trai hay gái.