KINH PHẠM VÕNG BỒ TÁT GIỚI BỔN GIẢNG KÝ
Hán văn: Pháp sư Thích Diễn Bồi
Việt dịch: Hòa Thượng Thích Trí Minh
Chương
III: CHÁNH THUYẾT GIỚI TƯỚNG
(chánh thức thuyết giảng giới tướng)
B. BIỆT
THUYẾT GIỚI TƯỚNG
(thuyết giảng riêng biệt giới tướng)
B.2.2. BIỆT
THUYẾT KHINH GIỚI
(riêng giảng các giới khinh)
B.2.2.23. KIÊU MẠN TỊCH THUYẾT GIỚI
(kiêu mạn thuyết
giới, không đúng)
Kinh văn:
1. Phiên âm:
Từ câu “nhược Phật tử, Phật diệt độ hậu...” cho đến câu “...phạm khinh cấu tội”.
2. Dịch nghĩa:
Nếu Phật tử
sau khi Phật nhập diệt, lúc có tâm tốt muốn thọ giới Bồ Tát, thời đối với truóc
tượng Phật và tượng Bồ Tát mà tự nguyện thọ giới. Nên ở trước tượng Phật và
tượng Bồ Tát sám hối trong bảy ngày, hễ được thấy hảo tướng là đắc giới. Như
chưa thấy hảo tướng thời phải sám hối mười bốn ngày, hai mươi bốn ngày, hay đến
cả năm, cầu được thấy hảo tướng.
Khi được thấy
hảo tướng rồi, thì được đối trước tượng Phật, Bồ Tát mà thọ giới. Như chưa được
thấy hảo tướng thì dầu có đối trước tượng Phật thọ giới, vẫn không được gọi là
đắc giới.
Nếu đối trước vị
Pháp Sư đã thọ giới Bồ Tát mà thọ giới thì không cần thấy hảo tướng. Tại sao
vậy?
Vì vị Pháp Sư ấy
là chư sư truyền giới cho nhau, nên không cần thấy hảo tướng. Hễ đối trước vị
Pháp Sư ấy mà thọ giới liền đắc giới. Do vì hết lòng kính trọng nên đắc giới.
Nếu ở trong vòng nghìn dặm, mà không tìm được vị Pháp Sư truyền giới, thời Phật
tử được phép đối trước tượng Phật và Bồ Tát mà tự nguyện thọ giới Bồ Tát, nhưng
cần phải thấy hảo tướng.
Nếu các vị Pháp
Sư ỷ mình thông kinh luật cùng giới pháp Đại Thừa, kết giao với các nhà quyền
quý, khi có hàng tân học Bồ Tát đến cầu học nghĩa kinh luật, lại giận ghét, hay
khinh ngạo, không chịu tận tâm chỉ bảo, vị này phạm khinh cấu tội.
3. Lời giảng:
Giới trước
nói về lỗi tự ỷ mình là người trí thức, thông minh mà sanh tâm đại kiêu mạn,
không chịu cầu học chánh pháp với người thông hiểu Phật pháp.
Giới này nói về
tinh thần tự thị, tự ỷ vào học lực của mình bên trong. Bên ngoài thì nương cậy,
kết giao với người quyền quý mà sanh tâm đại kiêu mạn, không chịu vì những
người đến cầu pháp trả lời những câu hỏi theo đúng như trong Phật pháp đã
dạy.
Một vị Bồ Tát
chân chính, cần phải thực hành hai điều kiện:
- Cầu học chánh
pháp không được giải đãi.
- Tự mình biết
chánh pháp, nên vì người giảng giải, không lẫn tiếc. Không nên có thái độ không
chịu cầu học khi có người thuyết pháp, hoặc tự mình biết chánh pháp mà không
chịu giảng nói khi có người đến cầu học.
Có một lối giải
thích khác rằng: Giới trước nhấn mạnh về tội lỗi thiếu kính trọng vị Pháp Sư
học pháp trước mình. Giới này nhấn mạnh về tội khinh mạn đối với hàng tân học
Bồ Tát.
Trong kinh, Đức
Phật dạy chúng ta: “Phàm người Phật tử đối với các hành giả chưa học Phật pháp,
không nên có tâm xem thường. Đối với các hành giả đã học Phật pháp, phải hết
lòng cung kính như kính Phật, không được xem rẻ và khinh mạn. Đặc biệt là đối
với hàng tân học Bồ Tát, nếu không khéo léo dẫn dắt và truyền dạy sẽ làm cho sự
trụ trì của Phật pháp không có người hậu kế. Do đó, chánh pháp của Như Lai sẽ
mau bị hoại diệt, tội lỗi ấy to lớn biết dường nào?!”
Xem thường hàng
tân học Bồ Tát vì sao là một tội bị xem là rất nghiêm trọng như vậy?
Nên biết khi
phát tâm làm một vị Bồ Tát thì độ sanh chính là nhiệm vụ duy nhất của mình.
Chẳng những trường hợp khi có người theo cầu học đạo, Bồ Tát phải tận tâm dạy
bảo, dẫn dắt cho người ấy, mà khi không có ai theo học đạo, Bồ Tát còn phải tìm
mọi biện pháp gần gũi để khuyến hóa chúng sanh phát tâm quảng đại thọ Bồ Tát
giới.
Vì vậy, Bồ Tát
chẳng những phải thực hành như vậy ở thế gian, mà dù có phải vào trong các khổ
thú (tam ác đạo) để dạy bảo, dẫn dắt chúng sanh, khiến chúng sanh phát đại đạo
tâm và thọ Bồ Tát giới, cũng vẫn phải thực hành, không có một niệm sợ
khổ.
Vì thế, kinh Anh
Lạc có dạy: “Nếu người nào giáo hóa được một người phát tâm quảng đại thọ Bồ
Tát giới. Công đức ấy nếu đem so sánh với công đức của người kiến tạo tháp Phật
khắp tam thiên đại thiên thế giới thì công đức giáo hóa này thù thắng
hơn”.
Đức Phật đại từ
bi khuyến khích chúng ta đi giáo hóa chúng sanh phát tâm quảng đại một cách ân
cần như thế, như vậy hành giả Bồ Tát làm sao lại không tôn trọng lời giáo huấn
của Đức Phật?
Trong kinh Hoa
Nghiêm nói một cách triệt để hơn: “Vì giáo hóa một chúng sanh mà tự mình phải ở
trong A Tỳ địa ngục, bị lửa dữ thiêu đốt mãnh liệt, và dù cho có phải trải qua
thời gian lâu xa vô lượng kiếp chịu khổ như thế, Bồ Tát chẳng những không buông
bỏ sự cứu độ chúng sanh, nội tâm thanh tịnh không thối chuyển mà lại còn tinh
tấn làm việc độ sanh này như đang ở cảnh giới an lạc tối thắng!”
Độ sanh cần phải
có tinh thần đại vô úy dõng mãnh đầy đủ như vậy, nên khi hàng tân học Bồ Tát từ
xa đến nơi bạn để cầu học chánh pháp Như Lai, không thể nào cho phép bạn không
tận tâm giải đáp những chỗ nghi vấn của người.
Thông đạt kinh
luật Đại Thừa mà không chịu vì hàng tân học giảng nói thì phạm ba điều lỗi sau
đây:
- Tăng trưởng
tội ác cho chính mình.
- Trái với thiện
hạnh của chính mình.
- Mất số chúng
sanh mà mình có nhiệm vụ giáo hóa.
Những chúng sanh
có căn cơ giáo hóa đã bị mất, tức là trái với Nhiếp Chúng Sanh Giới. Trái với
thiện hạnh tức là trái với Nhiếp Thiện Pháp Giới. Tăng trưởng tội ác tức là
trái với Nhiếp Luật Nghi Giới. Tam Tụ Tịnh Giới như thế đều trái phạm thì còn
tư cách chi để gọi là Bồ Tát?
Vì thế, hàng tân
học Bồ Tát sau khi thọ giới pháp và từ phương xa đến theo bạn học kinh luật,
bạn phải đem hết chỗ hiểu biết của mình để giáo hóa hàng tân học ấy. Phải làm
thế nào cho hàng tân học ấy hiểu biết rành rẽ nghĩa lý trong kinh luật để theo
đúng pháp mà thọ trì. Nếu không thực hành đúng như vậy mà trong lúc giảng nói
kinh luật lại làm cho ý nghĩa bị thiếu mất, không rõ ràng, hoặc giảng nói pháp
tướng một cách điên đảo thì tội lỗi ấy to lớn vô cùng!
Đức Phật dạy đại
chúng rằng: “Nếu một Phật tử đã thọ giới Bồ Tát rồi, mà biết có một Phật tử
khác ở vào thời sau khi Phật nhập diệt, có tâm tốt muốn thọ giới Bồ Tát, thời
phải hướng dẫn người ấy đối trước tượng Phật cùng tượng Bồ Tát mà tự nguyện thọ
giới”.
Bất luận một vị
Phật nào xuất hiện trên thế gian này để hóa độ chúng sanh, cuối cùng, sau một
thời gian đều phải trở vào Niết Bàn, tuyệt đối không có một Đức Phật nào an trụ
vĩnh viễn trên thế gian.
Sự xuất hiện và
nhập diệt của chư Phật đều vì lợi ích cho chúng sanh. Vì vậy, khi ở thế gian,
có những chúng sanh cần phải có Phật xuất hiện cứu độ, thì Phật vì đại nhân
duyên ấy mà xuất hiện nơi đời. Lúc những chúng sanh hữu duyên trên thế gian này
đã được Phật cứu độ hết rồi, thì Phật lại do nhân duyên ấy mà thị hiện diệt
độ.
Cho nên vấn đề
Đức Phật trụ thế hay không, điều ấy không phải ở nơi bản thân chư Phật, mà là ở
nơi tất cả chúng sanh có thể độ được hay không?
Trường hợp đức
Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Thế Tôn xuất hiện trên thế gian, khi giáo hóa những
chúng sanh hữu duyên đã xong thì ngài vào cảnh Niết Bàn, nguyên nhân ấy chính
là ở điểm này.
Khi Đức Phật còn
trụ thế, vấn đề thọ giới của hành giả Thanh Văn, dĩ nhiên phải tôn Phật làm
thầy. Việc thọ giới của hành giả Đại Thừa cũng như vậy, hoàn toàn không cho
phép việc tự thệ thọ giới.
Lúc thọ giới
phải ở nơi nào mà tự nguyện thọ giới?
Đương nhiên là
phải ở trước hình tượng Phật và Bồ Tát mà tự nguyện thọ giới. Sau khi Phật nhập
diệt, thân kim sắc của Phật chúng ta không thể nào thấy được. Nhưng may mắn là
vẫn còn những tượng Phật đắp bằng đất, điêu khắc bằng cây, thêu vẽ trên lụa và
giấy, có thể dùng làm đối tượng cho chúng ta lễ bái.
Vì thế, nếu bạn
hết lòng cung kính đối với tượng Phật, như cung kính Đức Phật thật, thì phước
đức của bạn thu hoạch được tự nhiên là rất lớn. Nghĩa là đồng nhau, cho nên
kinh dạy: “Kính tượng như chân Phật, đắc phước diệc phục nhiên” (Cung kính
tượng Phật như Phật thiệt, phước đức cả hai đều như nhau).
Cho nên người
phát tâm thọ Bồ Tát giới, sau khi Phật nhập diệt, có thể đối trước tượng Phật
tự phát nguyện thọ giới.
Kinh văn dùng từ
“tâm tốt” là có ý nói tâm gốt thọ giới Bồ Tát. Nói rõ hơn là chỉ cho tâm đại Bồ
Đề, thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh, cũng có thể nói rõ là tâm cầu giới
chân thành khẩn thiết.
Tâm chẳng những
thuận với chân lý của các pháp, mà còn khế hợp với tín tâm thanh tịnh thuần
khiết không tỳ vết. Đây chính là pháp khí thọ giới. Nếu không có tâm lợi tha,
ban vui cứu khổ, thì không bao giờ phát quảng đại tâm thọ Bồ Tát giới.
Khi ở trước hình
tượng Phật, Bồ Tát, do có tâm tốt tự nguyện thọ Bồ Tát giới, cần phải khởi tâm
nghĩ tưởng rằng: Hình tượng đây dù là bằng cây, bằng vải, nhưng thật ra giống
như đối trước Phật, Bồ Tát chân thật. Sau đó, tự mình giữ tâm thanh tịnh, phát
ra những lời chân thành, khẩn thiết lập thệ nguyện rộng lớn. Miệng tuyên đọc
văn Yết Ma, cầu được thấy Như Lai xoa đảnh, truyền giới pháp. Đây gọi là Yết Ma
đắc giới.
Về việc lập thệ
nguyện, nói về thông nguyện, trong kinh thường gọi là Tứ Hoằng Thệ Nguyện. Nói
về biệt nguyện: hoặc như 10 đại nguyện của đức Phổ Hiền, hoặc mười hai đại
nguyện của đức Quán Âm. Sở dĩ thọ giới cần phải lập phát thệ nguyện, chủ ý là
mong hành giả tuân hành giới pháp một cách thiết thực, mà việc lập thệ nguyện
chính là hình thức duy nhất.
Như Tam Tụ Tịnh Giới
của Đại Thừa:
- Nguyện đoạn
nhứt thiết ác.
- Nguyện tu nhứt
thiết thiện.
- Nguyện độ nhứt
thiết chúng sanh.
Đây chính là
hoằng nguyện cần phải phát thệ trong lúc thọ giới. Sau khi đắc giới rồi, phải
nghiêm trì thật đúng. Ấy chính là thuộc về hạnh Đại Thừa cần phải tu.
Trong Phật pháp,
thệ và nguyện vốn không thể tách rời:
- Vì sự mong
muốn tha thiết ở trong tâm chính là Nguyện.
- Khi đã có sự
mong muốn chân thành thì nhất định sẽ có sự tinh tấn tu hành chân thật, đó
chính là Thệ. Đây là đạo lý nhất định, hành giả phải nên hiểu rõ.
Về việc tự
thệ thọ giới và nương theo thầy thọ giới, có những điểm khác nhau rất quan
trọng:
Tự nguyện thọ
giới phải dùng “thời gian bảy ngày ở trước tượng Phật và Bồ Tát" chí
thành, khẩn thiết sám hối nghiệp chướng trong ba đời.
Trong khi sám
hối, phải nhận thức rằng nghiệp chướng của mình sâu nặng, nên không được thấy
kim thân của Như Lai, lại cũng không tìm được thầy truyền trao giới pháp. Những
điều này nếu không là do nghiệp chướng của mình sâu nặng thì là gì nữa? Đã mang
nghiệp chướng sâu nặng thì giờ đây, đối trước Phật tự phát nguyện thọ giới. Nếu
không chí thành sám hối, làm sao thấy được Phật đến xoa đảnh truyền trao giới
pháp?
Nếu chỉ ở trong
đạo tràng thanh tịnh sám hối cho nghiệp chướng tiêu trừ thì điều đó cũng chưa
đủ, cần phải thấy được hảo tướng.
Nếu thấy được
hảo tướng thì mới biết mình thực “đã đắc giới”.
Nếu sám hối bảy
ngày mà “không thấy được hảo tướng”, cần phải tiếp tục sám hối lâu hơn, hoặc
mười bốn ngày, hai mươi mốt ngày, nhẫn đến cả năm hoặc hơn một năm không được
gián đoạn. Điều nhất định là phải thấy được hảo tướng mới đúng kỳ hạn. Nếu một
ngày chưa được thấy hảo tướng thì quyết định phải tiếp thêm một ngày nữa sám
hối, cầu được thấy hảo tướng, không được ngừng nghỉ.
Khi được thấy
hảo tướng rồi mới được đối trước tượng Phật, Bồ Tát phát thệ thọ giới. Như vậy
mới gọi là đắc giới. Nếu không được thấy hảo tướng, thì dù có ở trước tượng
Phật thọ giới, vẫn không thể gọi là đắc giới. Nếu thế, chẳng qua chỉ là hư
danh, không thực. Một đời nếu không có giới thể thì vẫn là người bạch y.
Sở dĩ việc thấy
hảo tướng nhanh chậm là do nghiệp chướng của mỗi người dày hoặc mỏng khác nhau,
đồng thời cũng tùy thuộc vào lúc sám hối, tâm hổ thẹn có thật chí thành, khẩn
thiết hay không. Căn cứ vào đó mà quyết định.
Do đâu mà biết
được thấy hảo tướng hay không?
Điều này căn cứ
vào những lúc hành giả sám hối, hoặc trong lúc tọa thiền, hay trong lúc ngủ nằm
mộng thấy hoa đẹp, thấy quang minh. Nếu không thấy chư Phật, Bồ Tát xoa đảnh
mình, thì cũng được thấy các hảo tướng của Như Lai v.v...
Thấy được những
tướng ấy là chứng biết được thấy hảo tướng, cũng tức là đắc giới vậy. Lại nữa,
từ tâm biểu hiện ra tướng. Căn cứ vào đó có thể chứng biết là đắc giới. Như lúc
đối trước tượng Phật, Bồ Tát tự phát thệ nguyện thọ giới. Do có tâm hổ thẹn
thống thiết, tự trách mình mà buồn khóc, hai hàng nước mắt tuôn chảy, tự nói
rằng: “Con hôm nay phát tâm thọ Bồ Tát đại giới với tâm chân thành, tha thiết,
không chút vọng niệm hư dối. Nếu tâm con khởi vọng niệm hư dối, không thể đúng
như pháp để thực hành Bồ Tát hạnh, nguyện chư Phật, Bồ Tát đừng truyền trao Bồ
Tát đại giới cho con. Trái lại, nếu lòng con chân thật chí thành, khẩn thiết
không hư dối, cầu xin chư Phật, Bồ Tát từ bi, truyền trao đại giới Bồ Tát cho
con...”
Vì hành giả tự
biết tâm mình chí thành, khẩn thiết, nên tự biết mình được đắc giới. Hoặc lúc
hành giả tự phát thệ nguyện thọ giới, tự nhiên có những luồng gió mát từ các
phương thổi đến, Đó cũng là những điểm tốt và có thể biết mình đã đắc giới.
Ngày xưa, ở
Trung Hoa, Chân Biểu Luật Sư có chí nguyện cầu giới pháp. Thệ nguyện cầu cho
được đức Di Lặc Đại Sĩ đích thân đến truyền trao giới pháp cho mình.
Ngài bèn lên
đỉnh núi cao, ở trên một tảng đá lớn, ngày đêm tinh tấn dõng mãnh, chí thành
tha thiết sám hối không hề ngơi nghỉ. Công phu khổ thiết như vậy suốt bảy ngày
bảy đêm, ngài được thấy đức Đại Thánh, Đại Nguyện Địa Tạng Vương Bồ Tát hiện
thân, tay rung tích trượng, nói những lời khích lệ Luật Sư trước khi được thọ
giới.
Luật sư nghe
những lời khích lệ ấy rồi, càng tinh tấn, dõng mãnh, khổ thiết tu hành. Đến
ngày thứ mười bốn, chẳng những không thấy được đức Di Lặc đến truyền giới cho;
trái lại, còn bị một đại ác quỷ xô Luật Sư nhào xuống gộp núi, đồng thời lại
còn hiện ra những ma tướng hình trạng vô cùng quái dị và ra oai dọa nạt Luật Sư
để ngài thối thất sơ tâm thọ Bồ Tát giới.
Luật sư chẳng
những không thối tâm, trái lại, còn tinh tấn tu trì, dõng mãnh, sám hối hơn
trước. Đến ngày thứ hai mươi mốt, các ma tướng không còn hiện nữa. Ngài thấy
núi sông bằng phẳng, toàn thế giới biến thành ngân sắc. Đức hạnh của Luật Sư
cảm động đến thiên vương ở cung trời Đâu Suất, ngài cùng vô số thiên chúng đồng
đến đi nhiễu quanh thạch đàn của Luật Sư đang tu sám pháp. Sau đó, đức Di Lặc
đại sĩ cùng các thị tùng của Ngài từ Đâu Suất nội viện giáng lâm đến trước
thạch đàn.
Đức Di Lặc dùng
tay xoa đảnh Chân Biểu Luật Sư và cực lực tán thán rằng: “Quý hóa thay! Đại
trượng phu! Tâm cầu giới pháp của ông nhất quyết như vậy, trước sau như một,
không hề thối chuyển, núi Tu Di có thể lay động, tâm cầu giới pháp của ông
không thể lay động! Thật là ít có và khó được!”
Đức Di Lặc nói
mấy lời tán thán trên, rồi đem ba y cùng bình bát phú cho Chân Biểu và đích
thân truyền trao giới pháp cho ngài. Sau đó, ban cho Ngài pháp danh là Chân
Biểu.