KINH PHẠM VÕNG BỒ TÁT GIỚI BỔN GIẢNG KÝ
Hán văn: Pháp sư Thích Diễn Bồi
Việt dịch: Hòa Thượng Thích Trí Minh
Chương
III: CHÁNH THUYẾT GIỚI TƯỚNG
(chánh thức thuyết giảng giới tướng)
B. BIỆT
THUYẾT GIỚI TƯỚNG
(thuyết giảng riêng biệt giới tướng)
B.2.2. BIỆT
THUYẾT KHINH GIỚI
(riêng giảng các giới khinh)
B.2.2.48. PHÁ PHÁP GIỚI
(giới phá diệt
Phật pháp)
Kinh văn
1. Phiên âm:
Từ câu “nhược Phật tử dĩ hảo tâm...” cho đến câu “phạm khinh cấu tội”.
2. Dịch nghĩa:
Nếu Phật tử
dùng tâm tốt mà xuất gia, nhưng lại vì danh lợi mà giảng thuyết giới của Phật
cho quốc vương và các quan, dùng những gông cùm, xiềng xích trói buộc các tỳ
kheo, tỳ kheo ni, những người thọ giới Bồ Tát, như những cách thức đối xử với
các tù nhân hoặc binh nô... Như trùng trong thân sư tử ăn thịt sư tử, chớ chẳng
phải những loài trùng bên ngoài đến ăn thịt sư tử. Cũng thế, các Phật tử tự hủy
phá Phật pháp chứ không phải ngoại đạo hay thiên ma có thể phá được. Người đã
thọ giới của Phật nên hộ trì giới luật của Phật như ấp yêu con một, như kính
thờ cha mẹ, không được hủy phá.
Người Phật tử
khi nghe ngoại đạo, người ác dùng lời xấu hủy báng giới pháp của Phật, thì cảm
thấy đau đớn chẳng khác nào cả ba trăm cây giáo nhọn đâm vào tim mình, hay cả nghìn
lưỡi dao, cả vạn cây gậy đánh bổ vào thân mình. Thà tự cam chịu vào ở chốn địa
ngục đến trăm kiếp, chớ không muốn nghe những lời hủy báng Phật pháp của bọn người
ác. Huống chi không có lòng hiếu thuận mà lại tự mình hủy phá giới pháp của
Phật, hoặc làm nhân duyên bảo người khác hủy phá. Nếu cố tình phá giới pháp của
Phật, Phật tử này phạm khinh cấu tội.
Lời giảng
Bồ Tát tại
gia phá diệt Phật giới luật Phật pháp dĩ nhiên là phi pháp và là tội ác, Bồ Tát
xuất gia tự mình phá diệt Phật pháp, tội ấy lại càng không thể tránh
được.
Là một vị Bồ
Tát, đáng lẽ phải hộ trì chánh pháp được quang minh quảng đại, hoằng dương
chánh pháp của Như Lai để cho Phật pháp được cửu trụ trong thế gian, hầu đền đáp
thâm ân của Phật. Thế mới là rường cột trong Phật pháp, không được phép vì tài
lợi cá nhân, mà phá hại đồng đạo của mình, làm tổn hại rất lớn cho chánh pháp
của Như Lai.
Nên biết rằng:
giới pháp của Phật rất là thần thánh, là bảo tạng bí mật của chư Phật, nên
những người thế tục thông thường không được nghe. Vì thế, người Phật tử phải có
tâm ái hộ giới pháp, như thương yêu ái hộ con trai, con gái của mình.
Vì vậy không
được giảng nói giới pháp bí yếu của Phật cho những người thế tục không có tín
tâm đối với Tam Bảo, đồng thời không được làm việc hủy hại, trói buộc những
đồng đạo tu hành với mình. Nếu làm như thế, tức là sanh khởi chông gai cho
chánh pháp, làm cho người tu hành bị khổ não, chánh pháp của Như Lai bị hủy
diệt. Như thế bên trong thì phá ý thức hòa hợp tăng, nên ngoài đoạn tuyệt sự
lợi ích tín kính chánh pháp của người đời. Hành động như vậy đâu phải là tâm hộ
pháp và tâm từ bi của đại sĩ?!
Đức Phật dạy đại
chúng rằng: “Nếu là Phật tử đã thọ Bồ Tát giới lúc tối sơ nếu do tâm tốt mà
xuất gia thật là điều hiếm có”.
“Tâm tốt” là đối
với tâm không tốt mà nói, đó chính là động cơ xuất gia. Động cơ ấy có thể thuần
lương hay không thuần lương. Nếu vì sanh tử hoặc vì lợi ích cho chúng ta mà
xuất gia thì đó là động cơ thuần khiết chánh đáng.
Trái lại, nếu vì
danh dự hay vì lợi dưỡng mà xuất gia, tức là động cơ không thuần lương. Động cơ
xuất gia có nhiều loại như thế. Nhưng có trường hợp động cơ lúc mới ban đầu rất
là thuần khiết, nhưng trải qua thời gian lâu sau, tâm niệm ấy không thể giữ
được lâu bền, dần dần biến thành tâm tham cầu danh vọng và tài lợi và trở thành
kẻ trọng danh lợi.
Đã là người
trọng danh lợi rồi, tất nhiên phải vì danh tiếng và tài lợi để cuối cùng, ở
trước mặt quốc vương, bá quan giảng nói giới Phật, ngang tàng làm những hành
động gông trói các tỳ kheo, tỳ kheo ni, người thọ giới Bồ Tát. Người xuất gia
mà lại đi làm những việc như thế thì còn gì để nói nữa!
Nên trong kinh
Phật Tạng, Đức Phật vì bảo tôn giả Xá Lợi Phất đã nói rằng: “Này Xá Lợi Phất!
Xưa kia Phật Ca Diếp có huyền ký cho ta rằng: ‘Trong giới pháp của Phật Thích Ca
Mâu Ni, phần nhiều vì nguyên do thọ cúng dường mà chánh pháp mau hoại diệt’.
Đúng thật như lời của Phật huyền ký, giáo pháp của ta phần nhiều do duyên cố
thọ cúng dường mà chánh pháp mau hoại diệt”.
Theo lời Phật
nói trên, chúng ta thấy người quá tham cầu danh lợi xuất gia trong Phật pháp,
do động cơ xuất gia không thuần khiết, chẳng những họ không thể làm cho Phật
pháp được hưng thạnh, mà trái lại còn phá diệt Phật pháp rất nhanh. Vì thế, đối
với những người đến cầu xuất gia, phải nên sát hạch một cách nghiêm chỉnh.
Hiện nay, không
biết bao nhiêu người lạm thâu đồ chúng như vậy, điều đó tuyệt đối không phải là
hiện tượng tốt của Phật pháp. Vì thế, những ai có thật tâm vì Phật pháp cần phải
đặc biệt chú ý đến điểm này. Dù hiện nay tăng chúng càng ngày càng hiếm hoi,
đây là một vấn đề nghiêm trọng đối với việc duy trì Phật pháp.
Nhưng thà hiếm
hoi chứ đừng lạm thâu. Như thế mới là thượng sách. Nếu ham đồ chúng cho đông,
không nghĩ đến hậu quả của Phật pháp, một mực lạm thâu đồ chúng thì bạn sẽ trở
thành một tội nhân trong Phật pháp.
Những người trước
mặt các quốc vương, các quan v.v... ngang tàng làm việc còng trói tỳ kheo, tỳ
kheo ni là những người bên trong không có đức hạnh, nhưng bên ngoài giả hiện
hình tướng rất có oai nghi, để được quốc vương, hoàng tử... sanh lòng tin
tưởng. Lại thêm vì các vị ấy hư dối giảng thuyết giới pháp của Phật, để phô
trương mình là người có đức hạnh, cốt để tăng trưởng uy thế của mình. Chẳng
những vậy lại còn nương thế lực ở bên ngoài bảo kẻ khác làm những điều trị phạt
theo hình thức thế gian, áp bức người đồng đạo của mình khiến nội chúng đệ tử
vô tội phải chịu tội một cách vô lý.
Vì thế trong
kinh nhấn mạnh hai chữ “hoành dữ” (ngang tàng bạo ngược). “Làm những việc gông
cùm trói buộc” là chỉ cho việc gì?
Là dùng những
hình phạt lấy gông cùm, xiềng xích trói cột thân thể tay chân người, không cho
được tự do. Nên kinh văn nói: “Như cách thức của ngục tù khiến người đó không
thể thoát được”. Hoặc là có thái độ khinh miệt, quở trách, hủy nhục một cách
quá đáng, khiến cho người khác phải nghe theo mệnh lệnh của mình, bắt làm thế
nào, họ phải làm thế ấy.
Nên tiếp theo
kinh bảo là “như cách của binh nô”. Dùng những thủ đoạn không chánh đáng đối xử
với đồng đạo của mình như thế, thử hỏi tâm bạn có thấy ray rứt hay không? Dù
cho bạn không sợ quả báo đau khổ của kiếp sau, nhưng chẳng lẽ hiện tại cũng
không có một mảy tâm hổ thẹn? Tham lam danh lợi làm gì mà bại hoại đức hạnh của
mình? Tại sao nương cậy quyền thế của vua quan mà làm tán thất lương tâm của
mình trước kia? Đã nương nhờ Phật pháp mà được tài lợi, không nghĩ cách báo đền
lại còn quay lại phá hoại pháp môn, hại người một cách oan uổng. Trong kinh
luật gọi đó là “ác ma tỳ kheo”.
“Quốc vương, bá
quan” trong kinh văn nói dùng để chỉ những vị đã thọ Bồ Tát giới. Trước mặt các
vị ấy giảng thuyết giới Bồ Tát không phải là không được, mà chỉ không được ngang
tàng, bạo ngược, làm những điều trị phạt đồng đạo của mình một cách phi pháp.
Vì việc làm ấy là phản bội lại thiện tâm xuất gia lúc ban đầu.
Phá diệt giới
luật Phật pháp như vậy, nói thẳng là như trùng trong thân sư tử ăn thịt chứ
không phải thứ trùng bên ngoài đến ăn! Sư tử là vua trong các loài thú, nên
không có một loài thú hay trùng nào dám đến gần, chỉ có loài trùng tự trong
thân của sư tử sanh ra mới ăn được thịt của sư tử, ngoài ta các loài trùng khác
không bao giờ dám ăn.
Việc này trong
Liên Hoa Diện, Đức Phật bảo A Nan rằng: “Này A Nan! Thí như sư tử lúc mệnh
chung, bất cứ loài chúng sanh nào dù ở trên hư không hay trên mặt đất hoặc dưới
nước cũng không bao giờ dám ăn thịt trên thân của sư tử. Chỉ có loài trùng từ
trong thân sư tử sanh ra mới ăn thịt của sư tử mà thôi!”
Trong kinh Thất
Mộng cũng nói: “Sư tử đã chết, trải qua nhiều ngày mà tất cả các loài thú tâm
vẫn còn sợ sệt không dám đến gần. Qua nhiều ngày sau nữa, trong thân sư tử tự sanh
ra loài trùng ăn hết thịt trên thân của nó”.
Đây là một thí
dụ nêu lên để đem phối hợp với pháp mà thuyết minh. Tương tự như vậy: “Các Phật
tử tự hủy phá Phật pháp mà không phải ngoại đạo hay thiên ma có thể phá
được”.
Phật tử chỉ là
những người đồng tu hành, đồng chí nguyện, có sự liên hệ rất mật thiết với
nhau. Đáng lẽ phải cùng nhau nâng đỡ và hộ trì Phật pháp, thế mà chẳng những không
thực hành như vậy, lại còn lợi dụng lực lượng bên ngoài để phá hoại Phật pháp.
Do đó, rõ ràng sự phá hoại Phật pháp không phải do thiên ma, ngoại đạo. Thế lực
này không quan hệ lắm, nhưng quan trọng nhất chính là hàng Phật tử bên trong
nội bộ tự tàn phá lẫn nhau. Cho nên kinh văn bảo: “Cũng thế, các Phật tử tự phá
hủy Phật pháp”.
Trong kinh Liên
Hoa Diện, Đức Phật từng dạy rằng: “Phật pháp của ta không phải những người khác
phá hoại được mà chính là do các tỳ kheo trong giáo pháp của ta phá hoại nền Phật
pháp mà ta đã trải qua ba đại a tăng kỳ kiếp cần khổ tinh tấn tu hành, chứa
nhóm mới gầy dựng được”.
Có chỗ giải
thích đoạn kinh văn trên như sau:
Đức Phật xuất
hiện trên thế gian này, tất cả hàng ngoại đạo đều quy phục đầu hàng, không phái
ngoại đạo nào dám chống cự, so sánh với Phật. Giống như loài sư tử vô úy, dạo đi
các nơi. Nó du hành đến chỗ nào thì các loại thú khác đều ẩn núp, sợ hãi, không
con thú nào dám chạm mặt với nó. Sau khi sư tử chết, dù đã trải qua nhiều ngày,
nhưng các thú vẫn còn sợ không dám đến gần.
Cũng thế, sau
khi Phật diệt độ, giáo pháp của Ngài còn lưu lại trong thời gian trải qua nhiều
ngày sau. Thiên ma, ngoại đạo không thể phá hoại. Sư tử chết, trải qua nhiều
ngày sau, trên thân của nó tự sanh ra các loài trùng, những loài trùng này mới
ăn hết thịt trên thân sư tử. Đây là ám chỉ cho giáo pháp của Phật từ một ngàn
năm trở về sau, đệ tử của Phật làm những ác hạnh, phá giới luật, làm cho Phật pháp
bị tiêu diệt.
Như thế chứng tỏ
rằng: phá hoại Phật pháp đích xác là Phật tử chứ không phải thiên ma hay ngoại
đạo.
Vấn đề tự phá có
hai loại:
1. Theo đúng lý,
những người bẩm thọ giới pháp của Như Lai, phải hộ trì chánh pháp, nhưng ngược
lại, không chịu hộ trì. Không hộ trì chánh pháp là phá hoại Phật pháp, vì Phật pháp
nếu không có người hộ trì thì sẽ bị tiêu diệt trong nhân gian.
2. Các vị quốc
vương, bá quan v.v... trong nước, đáng lẽ phải hết lòng cúng dường các tăng
nhân thọ giới pháp của Phật. Chẳng những không thực hành như thế mà còn cực lực
lăng nhục, hủy báng, làm cho chư Tăng không thể hoằng truyền chánh pháp của Như
Lai. Chánh pháp đã không được hoằng truyền thì Phật pháp làm sao không bị tiêu
diệt? Như thế nên gọi là phá hoại Phật pháp.
Chúng Tăng xuất
gia, đại đa số đều chưa thành hiền, thành thánh, thế nên không sao tránh khỏi
đôi chút lỗi lầm. Vì thế, trong Phật pháp cũng đã có sẵn giới luật, thì cứ y
chiếu theo giới luật Đức Phật đã dạy mà thi hành kỷ luật đúng pháp.
Nghĩa là tùy
theo mức độ và hình thức phạm tội mà khuyên bảo kẻ vi phạm chí thành phát lồ
sám hối, hoặc làm pháp Yết Ma tẫn xuất ra khỏi tăng đoàn v.v... Nếu bạn làm
được như thế, không ai dám bảo bạn sai lầm. Trái lại, họ còn công nhận đó là
những việc cần phải làm.
Nhưng nếu bạn
không làm như vậy, trái lại, còn đem luật pháp của quốc vương mà lăng nhục, trị
phạt chúng tăng. Như thế chẳng những phá hoại Phật pháp, lại còn tự mình tạo tội
ác rất lớn và sẽ làm phát sanh những sự lộn xộn tai hại trong xã hội.
Tại sao bạn lại
đi làm như vậy?
Vì những lý do
nói trên, nếu người chân thật thọ giới của Phật, nên có tâm thành khẩn thiết hộ
trì giới luật của Phật. Sự hộ trì này phải chân thiết như cha mẹ thương yêu con
ruột.
Trên thế gian
không có người làm cha mẹ nào chẳng yêu thương con mình. Nhất là đối với đứa
con duy nhất lại càng luôn thương yêu, nghĩ nhớ đến hơn. Vì đứa con một này đặt
ngang với sanh mạng của cha mẹ. Nếu như đứa con ấy mất thì cha mẹ suốt đời
không nơi nương tựa.
Cũng thế, giới
pháp của Phật là một đại sự khẩn yếu của bản thân chúng ta, nên chúng ta phải
kiên quyết hộ trì thật toàn hảo, không để bị hủy hoại. Vì nếu giới pháp có sự
hủy tổn thì quả vô thượng Bồ Đề bạn vẫn không được dự phần. Thế nên, bảo hộ
giới pháp cần phải khẩn thiết như cha mẹ nhớ nghĩ đến đứa con ruột thịt.
Lại nữa, người
hộ trì giới pháp của Phật phải có tâm hiếu thuận như con trai, con gái kính thờ
cha mẹ, mọi việc đều không dám trái nghịch, tất cả đều phải để tâm lo lắng. Nên
biết giới Phật Tánh này là cha mẹ của chư Phật, cũng là cha mẹ của chính
mình.
Kinh
văn
1. Phiên
âm:
Như thị cửu giới
ưng đương học, kính tâm phụng trì.
2. Dịch nghĩa:
Chín giới như
vậy cần nên học, hết lòng kính trọngười phụng trì.
Lời giảng
Hai câu kinh văn
trên là tổng lược kết khuyến đối với chín giới trước, nghĩa là đối với chín
giới giảng như thế, cần phải đúng như pháp tu học và từng giờ, từng phút phải
hết lòng kính trọng phụng trì.
Tôi (pháp sư)
giảng đến đây là toàn bộ bốn mươi tám giới khinh đã hoàn tất.
B.2.3. TỔNG
KẾT KHINH GIỚI (tổng kết các giới khinh)
Kinh văn:
1. Phiên
âm:
Từ câu “chư Phật
tử thị tứ thập bát khinh giới...” cho đến câu “...hiện tại chư Bồ Tát kim
tụng”.
2. Dịch nghĩa:
Đức Phật dạy:
“Các Phật tử! Đó là bốn mươi tám điều giới khinh, các ông phải thọ trì. Chư Bồ
Tát đời quá khứ đã tụng, chư Bồ Tát đời vị lai sẽ tụng, chư Bồ Tát hiện tại
đang tụng.
Lời giảng:
Bốn mươi tám
giới khinh sau khi đã giảng xong, đoạn kinh văn trên là phần tổng kết. Đức Phật
bảo chư Phật tử rằng:
“Bốn mươi tám
giới khinh đã giảng ở trên đây, các ông cần phải lãnh nạp trong tâm cho kỹ
lưỡng, thọ trì cho nghiêm mật, chớ nên có chút biếng nhác xem thường cho đến
nỗi trái phạm. Nên biết bốn mươi tám giới khinh này chẳng những hiện tại ta
khuyên hàng tân học Bồ Tát cần phải trì tụng, mà chư Bồ Tát đời quá khứ cũng đã
tụng bốn mươi tám giới khinh này, chư Bồ Tát đời vị lai sẽ tụng bốn mươi tám
giới khinh này, chư Bồ Tát đời hiện tại đang tụng bốn mươi tám giới khinh này.
Đức Như Lai đại
từ đại bi vì muốn cho chúng ta đúng pháp thọ trì, Ngài không nài mỏi mệt, không
biết nhàm chán, một mực răn dạy nhắc nhở. Chúng ta phải khắc ghi vào lòng, từng
giờ, từng phút không quên những lời răn dạy của Phật. Dầu chúng sanh có nghiền
nát thân này như vi trần, cũng không thể báo đáp được thâm ân của Phật.