KINH PHẠM VÕNG BỒ TÁT GIỚI BỔN GIẢNG KÝ
Hán văn: Pháp sư Thích Diễn Bồi
Việt dịch: Hòa Thượng Thích Trí Minh
Chương
III: CHÁNH THUYẾT GIỚI TƯỚNG
(chánh thức thuyết giảng giới tướng)
B. BIỆT
THUYẾT GIỚI TƯỚNG
(thuyết giảng riêng biệt giới tướng)
B.2.2. BIỆT
THUYẾT KHINH GIỚI
(riêng giảng các giới khinh)
B.2.2.35. BẤT PHÁT NGUYỆN GIỚI
(giới không phát
nguyện)
Kinh văn
1. Phiên âm:
Từ câu “nhược Phật tử thường ưng phát nhứt thiết nguyện...” cho đến câu “...phạm khinh cấu tội”.
2. Dịch nghĩa:
Nếu là Phật tử phải phát nguyện những điều nguyện lớn: nguyện hiếu thuận với cha mẹ, sư tăng; nguyện đặng gặp thầy tốt, bạn hữu, thiện tri thức thường dạy bảo tôi các kinh luật Đại Thừa, dạy cho tôi về Thập Phát Thu, Thập Trưởng Dưỡng, Thập Kim Cương, Thập Địa, giúp tôi hiểu rõ để tu hành đúng theo chánh pháp; nguyện giữ giới của Phật vững vàng, thà chết chớ không phai lòng. Nếu tất cả Phật tử không phát nguyện những điều nguyện trên thì sẽ phạm tội khinh cấu.
Lời giảng
Tại vì sao
không cho phép mình có một niệm xu hướng Tiểu Thừa? Điều ấy ở giới trước đã nói
rõ.
Tại vì sao phải
lập thệ nguyện kiên cố mong cầu đại hạnh? Đây là điều mà giới này cần
nói.
Phát nguyện
trong sự tu học Phật pháp, là khóa đề hết sức trọng yếu. Theo tinh thần của
Phật pháp, khi bạn muốn hoàn thành bất cứ việc gì đều phải nương nhờ sự duy trì
của nguyện lực. Vì thế, nếu không phát thệ nguyện rộng lớn thì chẳng những đối
với Phật quả vô thượng không thể chứng đắc mà cả tiểu quả hữu lậu cõi nhân
thiên bạn cũng vô phần.
Nguyện là tâm
duyên nơi thiện cảnh để mong cầu việc thù thắng. Người Phật tử muốn mong cầu
cho việc được thù thắng, cần phải lập nguyện chân thiết. Vì khi đã lập chí
nguyện chân thiết, thì mới có thể dũng mãnh hướng về mục tiêu của mình để tiến
tới, không đến nỗi nửa chừng thối lui.
Nếu có thiện nam
tử, thiện nữ nhân nào dùng trân bảo đầy khắp hằng hà sa quốc độ của chư Phật,
đem cúng dường Thế Tôn. Lại có thiện nam tử, thiện nữ nhân chỉ một lần chí
thành cung kính phát vô thượng chánh đẳng Bồ Đề tâm, thì phước đức của người
này thù thắng hơn phước đức của thiện nam, tín nữ cúng dường trên không thể
tính kể, so lường.
Công đức thù
thắng của việc phát Bồ Đề tâm trong các kinh luật Đại Thừa đều có tuyên thuyết.
Vì thế, một Phật tử có đủ tín tâm lành đối với Đại Thừa, không một lý do gì mà
không chịu phát Bồ Đề tâm và thấy rõ được tầm quan trọng hết sức to lớn của Bồ
Đề tâm nơi đây. Dù có tín tâm lành đối với Đại Thừa mà không phát tâm Bồ Đề thì
không thể thành một hành giả Đại Thừa. Vì chỉ có phát đại Bồ Đề tâm, mới có thể
chuyển bánh xe pháp của Như Lai, làm được những việc tự lợi, lợi tha đồng thành
Vô Thượng Chánh Giác.
“Đã phát tâm Đại
Bồ Đề rồi, cần phải làm cho tâm ấy không bị thối thất”, chính trong kinh văn
dạy: “Niệm niệm bất khứ tâm” (niệm niệm chẳng phai lòng), tức là mỗi sát na
không rời xa tâm Bồ Đề này. Như vậy, giới hạnh của Bồ Tát tu trì mới được thuần
thục và Phật quả của Bồ Tát mong cầu mới có hy vọng đạt thành.
Phát Bồ Đề tâm
có nghĩa “thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh”.
Tại sao phải
thượng cầu Phật đạo?
Vì nhận chân
được tâm mình chính là tâm chư Phật.
Tại sao phải hạ
hóa chúng sanh?
Vì biết chắc tâm
mình chính là tâm chư Phật.
Như thế, Phật tử
đối với tâm Bồ Đề này cần phải niệm niệm không thể tạm xa lìa. Nếu chỉ một niệm
xa lìa tâm Bồ Đề thì bị thối thất Đại Thừa, xu hướng Tiểu Thừa, trở thành một
người tư lợi; nên trong bộ Chỉ Quán dạy: “Thối thất Đại Thừa, xu hướng Tiểu
Thừa bị chư Phật quở trách”.
Nếu Bồ Tát ý chí
được kiên cố, khi thấy tất cả sự thống khổ của chúng sanh phải lãnh thọ, cảm
thấy như sự thống khổ đó của chính mình, nên không vì một lý do gì mà không tìm
biện pháp giải cứu cho chúng sanh. Khi thấy chúng sanh được an vui, Bồ Tát cảm
thấy như chính mình được an vui, vì vậy luôn tìm mọi cách đem lại hạnh phúc cho
chúng sanh, được như thế Bồ Tát mới được yên lòng.
Nếu đối với Tín,
Giải, Hạnh của mình đã phát mà khởi sanh một niệm tự độ, thế là đã xa lìa tâm
Bồ Đề, xa lìa nguyện Bồ Đề.
Nên biết
Nguyện cũng như người khéo léo đánh xe, có thể tiến thẳng tới quả vị thù thắng.
Vì thế, nếu không phát đại nguyện thì đại hạnh sẽ không nơi nương tựa. Do đó,
đầu tiên từ lúc phát Bồ Đề tâm đến cuối cùng chứng đắc Phật quả, tất cả công
hạnh trong thời gian ở chặng giữa này, Nguyện là trọng yếu nhất.
Nếu không phát
đại nguyện thì chẳng những bao nhiêu sự lợi ích thù thắng đều bị thối thất, lại
còn có thể trở thành ma nghiệp nữa. Nên trong kinh Hoa Nghiêm dạy: “Không phát
đại nguyện chính là ma nghiệp”.
Trái lại, nếu
phát thệ nguyện rộng lớn, thì chẳng những làm cho vạn hạnh được tăng trưởng,
đồng thời có thể diệt trừ tất cả tội chướng. Vì thế một hành giả Bồ Tát muốn tự
mình không bị thối đọa, điều kiện tiên quyết là phải lấy sự không xa lìa đại
nguyện để tự trang nghiêm.
Giới này thất
chúng Phật tử đồng phải tuân giữ. Nhưng Đại và Tiểu Thừa không giống nhau vì
chỗ mong cầu của hai bên không đồng. Hành giả Tiểu thừa dù không cần phát
nguyện rộng lớn như Bồ Tát, nhưng cũng phải phát nguyện cầu cho mau chóng thoát
khỏi vòng sanh tử luân hồi! Nếu chỉ mong cầu được tương tục sanh trong cõi Nhân
Thiên ở đời vị lai thì phạm tội trách tâm!
Còn Bồ Tát sơ
phát tâm, tu đại hạnh, phải nương nhờ đại nguyện để trợ thành. Nếu không phát
đại nguyện, đương nhiên sẽ có chỗ vi phạm.
Riêng chư vị Bồ
Tát đã đăng vị (bước lên địa vị Tam Hiền Thập Thánh) trở lên, vì những đại
nguyện phát khởi trong thời quá khứ đã thành tựu, không bị bất cứ hoàn cảnh ác
nghiệp nào làm cho thối thất, nên dù hiện tại không phát đại nguyện, cũng có
thể nói là không trái phạm.
Lỗi rất lớn của
việc không phát nguyện là có thể đưa đến việc bỏ phế sự tu hành diệu hạnh, nên muốn
luận tội khinh hay trọng, hoàn toàn căn cứ vào sự bỏ phế việc tu hành nhiều hay
ít.
Nếu bỏ phế nhiều
thì tội nặng, ít thì nhẹ. Hoặc có những người trong đời quá khứ đã từng phát
đại nguyện hoằng thâm, nhưng về sau tùy cảnh tùy duyên mà quên hẳn bổn nguyện
của mình, như thế cũng là có tội,
Vì thế, muốn
luận tội khinh hay trọng, phải căn cứ vào thời gian quên mất bổn thệ dài hay
ngắn. Nếu dài thì tội trọng, ngắn thì lỗi khinh.
Nói rõ hơn, Bồ
Tát phát Bồ Đề tâm, thú hướng về Phật quả, nếu chưa phát nguyện nhất định phải
phát nguyện. Đã phát nguyện thì không được quên mất. Nếu không thực hiện như
vậy thì thật là vô cùng bất lợi cho chính mình.
Nên phát nguyện
mà không phát, đã phát rồi lại quên, nên tùy theo thời gian mà bạn bị kết tội.
Giới này thuộc về Giá Tội. Chỉ có trường hợp ngăn cấm mà không có trường hợp
khai miễn. Nghĩa là bạn không làm một vị Bồ Tát thì thôi, nếu đã phát nguyện
thọ giới làm một vị Bồ Tát rồi, thì không được không phát nguyện. Đây là một
điều quyết định không có ngoại lệ và cũng không có trường hợp đặc biệt khai
miễn.
Theo Phật pháp,
Nguyện là cần yếu trước cũng như sau. Từ khi thọ Tam Quy, Ngũ Giới... cho đến
sau cùng, không có thời gian nào mà không phát nguyện, Tiểu Thừa còn như thế
huống chi Bồ Tát lại càng cần phải phát nguyện rộng lớn để mong chứng đắc quả
vô thượng Bồ Đề.
Đức Phật dạy đại
chúng rằng: “Nếu Phật tử đã thọ Bồ Tát giới, nên thường phát tất cả đại
nguyện”.
Đại hạnh cần
phải thực hành từ nhân đến quả và rộng lớn vô lượng vô biên, nên đương nhiên
Nguyện không phải chỉ có một thứ. Vì thế trong kinh Phật dạy nên phát tất cả
đại nguyện.
Phát khởi tâm
nguyện vốn không phải là một việc khó khăn, mà vấn đề chính là ở chỗ có duy trì
tâm nguyện được lâu dài hay không?
Nếu không duy
trì được thì dầu cho có phát nguyện, cũng có được lợi ích gì? Vì thế nên Đức
Phật nhấn mạnh: “Nên thường phát đại nguyện”. Thường phát đại nguyện ý nói
không phải một lần phát nguyện là xong, mà phải thường phát nguyện không gián
đoạn.
Thường phát
không được gián đoạn để làm gì? Vì muốn cho tâm Bồ Đề được tương tục không gián
đoạn vậy. Tại sao nhất quyết phải như vậy?
Vì đại nguyện là
vô tận vậy. Vì chúng sanh vô tận, phiền não nghiệp báo vô tận, nên sự phát
nguyện của Bồ Tát cũng vô tận. Do đó, phải luôn luôn phát nguyện tất cả đại
nguyện.
Đại nguyện dù
nói nhiều đến vô lượng vô biên, nhưng trong kinh đây, dùng mười đại nguyện tổng
nhiếp tất cả:
1. Nguyện ở hiếu
thuận với cha mẹ, sư tăng:
- Cha mẹ có công
khó nhọc sanh thành nuôi dưỡng thân xác ta, che chở dưỡng dục ta.
- Sư tăng: có
thâm ân giáo huấn, chỉ đạo và đem trọng đức dạy dỗ cho ta.
Vì thế, người
Phật tử phải thường phát nguyện hết lòng cung kính hiếu thuận. Có người cho
rằng điều ấy là việc thiên kinh, địa nghĩa, cần gì phải nguyện mới thực hành
được đạo hiếu thuận?
Điều ấy rất
đúng, nhưng phải biết, đối với Đại Thừa Phật pháp, nói đến cha mẹ, không phải
mang ý nghĩa thế gian thông thường, chỉ riêng cha mẹ hiện đời mà quán sát tất
cả chúng sanh đều là cha mẹ thân sanh của mình.
Vì thế, nếu
không phát nguyện thì tâm hiếu thuận ấy không được rộng rãi và không thể duy
trì được vĩnh cửu. Do đó, cần phải phát nguyện hiếu thuận mới có thể duy trì
nguyện ấy được thường hằng và rộng khắp tất cả.
2. Nguyện được
gặp thầy tốt:
Thầy tốt là minh
sư, phát nguyện gặp được thầy tốt, ý bảo Phật tử nên lựa chọn bậc minh sư. Trên
thế gian, người có thể gọi là thầy thật rất nhiều. Nhưng tri kiến có chính đáng
hay không, hạnh giải có đầy đủ hay không, đó là một điều khác biệt vô
cùng.
Cho nên trong
kinh, Đức Phật dạy nguyện gặp được thầy tốt, là ý bảo Phật tử phải cầu bậc thầy
đầy đủ chánh tri, chánh kiến cùng hạnh giải.
Nếu chỉ có Giải mà không có Hạnh thì không thể dẫn dắt chúng ta tăng tiến trong đạo pháp và giúp chúng ta thành tựu đức hạnh được. Như thế, thử hỏi gần gũi với vị ấy có ý nghĩa gì?
Nếu chỉ có hạnh mà không có giải thì không thể làm cho tâm địa của chúng ta được mở mang, giúp chúng ta diệt trừ được sự mê mờ. Thử hỏi theo vị ấy học tập có tấn ích chi?
Làm cho Tam Bảo được hưng thạnh, đền đáp thâm ân của song thân, hoàn toàn nhờ sự dạy dỗ của thầy mà thành tựu. Dù người đệ tử có đủ tín tâm thế nào chăng nữa, nếu không gặp được bậc minh sư giáo huấn, chỉ đạo, dùi mài, rèn luyện thì cũng không thể thành bậc pháp khí trong Phật pháp.
Vì thế, trong 10 điều đại nguyện, thì nguyện được gặp bậc minh sư rất là khẩn yếu.
Tại sao vậy?
Vì người Phật tử dù đã gieo trồng thiện căn trong nhiều đời, nhưng muốn được khai ngộ, phải nhờ bậc minh sư, chính là ý này vậy.
Ở đây có người thắc mắc:
Nguyện trước dạy phải hiếu thuận với cha mẹ, sư tăng, đây là việc thiên kinh địa nghĩa, còn nguyện thứ hai này dạy cần phải chọn bậc minh sư, như thế hai điều nguyện trước sau là mâu thuẫn nhau hay sao?
Xin trả lời:
Nên biết nguyện thứ nhất là nói về khía cạnh của việc thừa sự cúng dường, nên chỉ một mực cung kính hiếu thuận, không có chút chọn lựa. Nguyện thứ hai là nói về phương diện cần cầu chánh đạo, vì thế phải hết sức sáng suốt lựa chọn vị thầy để thân cận. Không nên tùy tiện thân cận vị nào cũng được; nhưng phải lưu ý, đây là tâm lựa chọn chớ không phải tâm ngã mạn. Chỉ vì sự quan hệ đến tiền đồ tu học Phật pháp, nên người Phật tử phải lựa chọn.
3. Nguyện được thiện tri thức đồng học.
Trong Phật pháp có hai loại thiện tri thức:
- Giáo thọ thiện tri thức.
- Đồng hành thiện tri thức.
Trong nguyện thứ hai, gặp được thầy tốt là giáo thọ thiện tri thức. Nguyện thứ ba là được bạn đồng học là đồng hành thiện tri thức. Vấn đề chỉ điểm, dạy bảo mở mang của bậc minh sư, cố nhiên là hết sức trọng yếu.
Ngoài ra, vấn đề dẫn dắt và giúp đỡ của bạn đồng học cũng là việc không thể thiếu. Vì bậc minh sư không thường sống chung, nên không thể hoàn toàn biết rõ hành vi cùng những chỗ lý giải trong Phật pháp của hành giả. Trong khi bạn đồng học hằng ngày chung sống, hành vi của hành giả có hợp giới luật hay không, kiến giải có chính xác hay không, tất nhiên đôi bên đều hiểu biết rõ, và có thể tùy thời chỉ chỗ sai lầm cho nhau. Vì vậy, nếu gặp được một vị đồng hành thiện tri thức thì được sự lợi ích rất lớn lao.
Nên trong bộ Phát Ẩn, ở trang mười, dạy: “Điều đại nguyện được gặp minh sư là tối khẩn yếu, nhưng nếu thiếu bạn hiền là thiếu sự giúp ích cho nhau những điều thắc mắc. Thế nên muốn cho Hạnh Giải được tiến ích, nếu không có bạn hiền nhắc nhở, xem xét thì đức nghiệp do đâu mà được thành tựu?
Đây thực đúng như lời tiên đức dạy: “Cần cầu bậc minh sư là tối yếu, nhưng việc học hỏi với bạn lành cũng là sự không thể thiếu được”. Vì thế nên nguyện thứ ba này khuyên người Phật tử cần phải phát nguyện được gặp bạn đồng học thiện tri thức.
4. Nguyện thường dạy bảo tôi các kinh luật Đại Thừa.
Như trên, người Phật tử nguyện được gặp minh sư, thiện hữu, không phải là muốn hằng ngày cùng nhau đi quan sơn, ngoạn thủy hoặc nhàn đàm, tạp thoại mà để thỉnh cầu minh sư, thiện hữu thường dạy cho mình kinh luật Đại Thừa, để cho mình được thông đạt nghĩa lý, phụng hành giới pháp Đại Thừa, để cho mình được thông đạt nghĩa lý, phụng hành giới pháp Đại Thừa để tiện bề tiến đến quả vô thượng Bồ Đề tối cao, không đến nỗi bị sa vào Thiên Không của Nhị Thừa hay tà chấp của ngoại đạo, và cuối cùng đạt đến mục đích thành Phật mới thôi. Bồ Tát sơ phát tâm cần phải khẩn cầu pháp Đại Thừa, đây là việc tối yếu.
5. Nguyện tu Thập Phát Thú
Thập Phát Thú là từ trong kinh này dùng. Thông thường các kinh khác gọi là Thập Trụ, có nghĩa là an trụ. Nhưng chỗ an trụ của vị này chú trọng ở nơi Chơn Trụ (Chân Đế).
Người Phật tử đã theo bậc minh sư thiện hữu, được nghe giáo pháp Đại Thừa, phải theo chỗ chỉ dạy mà phát khởi Đại Bồ Đề tâm, để thú hướng vào diệu đạo Đại Thừa. Nếu không phát đại Bồ Đề tâm, thì đạo pháp sẽ không đắc ích.
6. Nguyện tu Thập Trưởng Dưỡng
Là người Phật tử đã phát Bồ Đề tâm, hướng về diệu đạo Đại Thừa, với tâm Bồ Đề đã phát, phải lo vun bồi cho được tăng trưởng, luôn chứa nhóm công đức. Nếu không ra công vun bồi cho tâm Bồ Đề được tăng trưởng là không được pháp tấn ích.
Từ Thập Trưởng Dưỡng trong kinh này dùng, thông thường các kinh khác gọi là Thập Hạnh. Nghĩa là thực hành, nhưng sự thực hành của các vị này chú trọng nơi sự hóa tục (giáo hóa chúng sanh ở thế gian).
7. Nguyện tu Thập Kim Cương
Khi đại Bồ Đề tâm đã phát và được trưởng dưỡng, hành giả cần phải thực hành bi trí song vận, tu tập pháp quán Trung Đạo để khế hợp chứng nhập nơi pháp giới. Tâm của hành giả lúc bấy giờ kiên cố bất động như kim cương. Nếu tâm không kiên cố thì Phật quả không hy vọng gì hoàn thành. Kinh này dùng từ Thập Kim Cương trong khi các kinh khác gọi là Thập Hồi Hướng.
8. Nguyện tu Thập Địa:
Khi đại Bồ Đề tâm đã kiên cố, địa vị Tam Hiền đã thành lập, đến trình độ này tự nhiên được vào nơi thánh vị. Nếu không có thánh giả Bồ Tát trong Thập Địa thì diệu hạnh của sự hóa tha không thể phát sanh. Nhưng khi đã đăng địa rồi chưa phải là hoàn thành mà phải tiếp tục hướng về quả Diệu Giác mà tiến lên.
9. Nguyện cho tôi hiểu rõ để tu hành đúng chánh pháp
Khi Phật tử đã cầu được minh sư, thiện hữu dạy cho mình kinh luật Đại Thừa rồi, nhưng không phải chỉ mong cầu đọc cho thuộc là đủ, cần phải đối với tất cả muôn hạnh của bậc Tam Hiền Thập Thánh, tu chứng đạo pháp Bồ Đề ở trong kinh luật Đại Thừa, khiến cho hành giả được hiểu rõ mọi sự để đúng như pháp tu hành, mau chứng Phật quả tối cao.
10. Nguyện giữ vững giới của Phật:
Hành giả nhờ được minh sư, thiện hữu dẫn dắt, dạy bảo được biết rõ thế nào là bi trí song vận, thế nào là thú hướng đến địa vị Tam Hiền Thập Thánh... Nếu không giữ vững giới pháp của Phật, thì đạo quả Thánh Hiền không thể chứng đắc. Nên kinh này dạy: “Nếu giới pháp bị vi phạm chừng như vi trần, thì hiện đời không được phát Bồ Đề tâm, ngay đến Phật tánh thường trụ, diệu quả tất cả đều mất”. Do đây, có thể thấy rõ yếu chỉ của kinh này chỉ có giới là trọng.
Ở trước đã nói Hiếu gọi là giới. Thế nên đầu tiên trọng nơi hiếu thuận, rốt sau trọng nơi trì giới. Giới quán xuyến các Nguyện mà thành tựu trước sau.
Tại sao lại xem giới hết sức trọng yếu như vậy?
Vì vô lượng pháp môn, trăm ngàn thắng định, vô lậu diệu huệ đều do Giới mà phát sanh. Có đến địa vị Tam Hiền, Thập Thánh cùng với cực quả diệu giác cũng đều do nơi Giới mà chứng đắc.
Vì thế nếu không giữ vững giới của Phật, thì không thể nào chứng các đạo quả nói trên. Cho nên phải giữ vững giới của Phật để thành tựu căn bản ấy.
Hành giả Bồ Tát đối với mười điều đại nguyện trên, phải phát tâm kiên cố, mỗi niệm đều không được quên. Tức là không một sát na nào có thể xa lìa nguyện ấy. Chẳng những khi bình yên vô sự phải thực hành như vậy, mà dù cho khi gặp nhân duyên ác liệt phải tán thân mất mạng cũng phải nguyện “thà bỏ thân mạng tứ đại giả hợp này niệm niệm không xa lìa tâm ấy” (thà chết chớ không chịu phai lòng) để củng cố nguyện của mình đã phát thệ.
Phát nguyện như vậy, trì giới như vậy, chẳng những là chân Phật tử mà lại còn chắc chắn sẽ thành tựu Phật quả không nghi. Nguyện là trọng yếu như vậy, nếu tất cả Bồ Tát không phát thệ những điều nguyện trên thì phạm khinh cấu tội.
Ở đây nói tất cả Bồ Tát là chỉ những vị từ khi mới đắc giới cho đến bực Thập Địa đều phải phát mười điều đại nguyện trên đây. Nếu không thì ý chí thú hướng đến quả vị vô thượng Bồ Đề của bạn không được kiên cố; chẳng những không thể gia hạnh tiến tu mà dù cho có dũng mãnh gia hạnh tiến tu, e rằng cũng bị ma làm chướng ngại, giữa đường phải đình trệ không thể tiến bước.
Do đó, việc thành Phật trở thành vô hy vọng. Vì thế có chỗ nói: “Trang nghiêm Phật độ là sự nghiệp vĩ đại, nhưng nếu chỉ riêng tu tập các công đức thì rất khó thành. Vì thế, cần phải nương nhờ nguyện lực để duy trì lẫn nhau, chẳng hạn như con bò sức lực dù có thể kéo xe, nhưng phải nương nơi người đánh xe thì mơí mong tới chỗ được”.
Như thế, nếu thấy rõ rằng đại nguyện không phát thì chí hướng không thể kiên cố. Vì thế nếu trái phạm giới điều này, Phật tử ấy phạm khinh cấu tội.
Trong kinh Viên Giác đối với vấn đề này có dạy rất hay như sau: “Bồ Tát cần phải phát thanh tịnh đại nguyện. Nên phát nguyện thế này: tôi nguyện từ nay trụ nơi quả viên giác của Phật, mong cầu gặp được thiện tri thức, không gặp hàng ngoại đạo, Nhị Thừa. Nương theo đại nguyện tu hành, dần dần đoạn kết các chướng ngại. Khi các chướng ngại đã hết, đại nguyện đã mãn, tức là bước lên pháp điện thanh tịnh giải thoát, chứng cảnh giới Đại Viên Giác Diệu Trang Nghiêm”.
Nói nghiêm khắc hơn, hành giả trong Phật pháp nếu không phát đại nguyện sẽ bị ma thâu nhiếp. Chẳng những không thể bước lên pháp điện thanh tịnh giải thoát, chứng nhập cảnh giới Đại Viên Giác Diệu Trang Nghiêm mà còn chắc chắn bị nguy hiểm đọa lạc. Thế thì chúng ta có thể nào không vâng lời Phật dạy mà phát đại nguyện hay sao?
Nếu đem Tam Tụ Tịnh Giới phối hợp với giới này thì có sự tương ứng như sau:
- Nên thường phát nguyện là thuộc về Nhiếp Luật Nghi Giới.
- Niệm niệm không xa lìa tâm nguyện thuộc về Nhiếp Thiện Pháp Giới.
- Đúng như pháp tu hành là thuộc về Nhiếp Chúng Sanh Giới.