KINH PHẠM VÕNG BỒ TÁT GIỚI BỔN GIẢNG KÝ
Hán văn: Pháp sư Thích Diễn Bồi
Việt dịch: Hòa Thượng Thích Trí Minh
Chương
III: CHÁNH THUYẾT GIỚI TƯỚNG
(chánh thức thuyết giảng giới tướng)
B. BIỆT
THUYẾT GIỚI TƯỚNG
(thuyết giảng riêng biệt giới tướng)
B.2.2. BIỆT
THUYẾT KHINH GIỚI
(riêng giảng các giới khinh)
B.2.2.30. KINH LÝ BẠCH Y GIỚI
(giới quản lý
cho bạch y)
Kinh văn
1. Phiên âm:
Từ câu “nhược Phật tử dĩ ác tâm cố...” cho đến câu “phạm khinh cấu tội”.
2. Dịch nghĩa:
Nếu Phật tử
vì ác tâm, tự mình hủy báng Tam Bảo, giả làm ra vẻ kính mến, miệng nói không mà
hành vi lại có, làm quản lý cho hàng bạch y, hoặc làm mai mối cho nam nữ giao
hội dâm sắc, gây thành các nghiệp kiết phược. Những ngày lục trai trong mỗi
tháng, ba tháng trường trai trong mỗi năm, làm việc sát sanh, trộm cướp, phá
trai, phạm giới, Phật tử này phạm khinh cấu tội.
Mười giới như
thế cần phải học, hết lòng kính trọng phụng trì. Trong phẩm Chế Giới có giảng
rõ.
Lời giảng
Làm
những điều tội ác tổn hại chúng sanh, trái với tâm từ bi của Bồ Tát là những
điều mà giới trước ngăn cấm.
Nếu công nhiên
hủy phá giới cấm của Như Lai, thương tổn đức hạnh của Bồ Tát là điều ngăn cấm
của giới này.
Có người cho
rằng hành giả Thanh Văn kính trọng, giữ gìn giới luật, trong khi Bồ Tát ở trong
thế gian lo thực hành việc lợi sanh nên không cần phải nghiêm trì giới luật,
gặp những trường hợp thuận lợi có thể phương tiện thì không ngần ngại cứ nắm
lấy phương tiện. Nếu nghĩ như vậy và thốt ra những lời như thế thì thật là hết
sức sai lầm.
Nên biết rằng
tịnh giới Như Lai, bất cứ là hành giả ở trong giới nào của Phật pháp đều phải
nghiêm cẩn giữ gìn, không được có chút sai sót. Đặc biệt nhất là hành giả Bồ
Tát, vì du hành giáo hóa khắp nhân gian, đi đến nơi nào cũng phải tiếp xúc với
chúng sanh. Nếu đức hạnh của chính mình không kiện toàn thì làm sao có thể làm
sư phạm cho nhân thiên? Làm sao có thể thuyết phục mọi người tu học Phật
pháp?
Vì thế vị Bồ Tát
chân chính, phát tâm Bồ Đề, cần phải tự mình giữ gìn giới hạnh thanh tịnh hơn
gấp bội lần hành giả Thanh Văn. Luôn luôn một lòng nhớ nghĩ, hộ trì cấm giới
vững chắc dường như kim cương. Bồ Tát thà hy sinh tánh mạng của mình, quyết
không hủy phạm giới cấm của Như Lai. Vì thế, không nên trở lại sanh khởi ác
tâm, làm những điều tội ác: dâm, sát, đạo, phỉ báng v.v... Nếu làm những việc
ấy là không hợp pháp và dĩ nhiên là không xứng danh của người Phật tử.
Cho nên hành giả
Bồ Tát không nên tự cho mình là Bồ Tát mà có thể tùy tiện hủy phá cấm giới của
Như Lai. Khổ quả ấy bạn phải lãnh thọ, không thể nào viện cớ vì bạn là vị Bồ
Tát nên không có trách nhiệm về sự trái phạm giới luật. Đây là điều mà người
Phật tử hành Bồ Tát đạo cần phải đặc biệt nghĩ kỹ!
Giới này có chỗ
gọi là giới “không kính hảo thời”, nhưng ở đây gọi là “giới quản lý cho bạch
y”.
“Hảo thời” là
những ngày lục trai hằng tháng và ba tháng trường trai hằng năm. Theo tương
truyền, ngày lục trai và ba tháng trường trai là thời gian quỷ thần đắc lực hỗ
trợ.
Nếu trong khoảng
thời gian hảo thời ấy, hàng Phật tử tại gia chuyên lo tu tập pháp lành, làm
việc phước thiện thì được công đức nhiều hơn lúc bình thường.
Đối với những
người thế gian có tâm kính trọng lúc hảo thời này, chuyên lo tu thiện nghiệp
thì hàng chư thiên vô cùng hoan hỷ, chư vị sẽ ban cho những điềm lành, ủng hộ
quốc gia, nhân dân được an cư lạc nghiệp.
Trái lại, nếu
những lúc hảo thời không lưu tâm kính sợ, buông lung tạo tội ác, chư thiên
trông thấy không hoan hỷ. Do đó, chiêu cảm những tai họa dị kỳ khiến đời sống
của nhân dân chịu nhiều thống khổ không sao nói hết.
Giới quản lý
bạch y này là giảng nói về những tội lỗi của người xuất gia là phải có nhiệm vụ
dẫn dắt hàng Phật tử tại gia tu hành đúng như lời Phật dạy: ăn chay, giữ giới,
sám hối, tụng kinh, niệm Phật để cùng tiến tu trên đường giải thoát.
Nếu Bồ Tát không
thực hành như vậy, trái lại, miệng nói không mà việc làm lại mang tính chất
chấp có, cai quản, chỉ dẫn việc thế tục, hướng dẫn hàng bạch y đi theo con
đường sinh tử. Như vậy đâu phải là việc làm của người xuất gia? Vì thế không
thể nói là giới kính hảo thời mà phải gọi là giới quản lý bạch y.
Trong thời Mạt
Pháp hiện nay, có rất nhiều chuyện trái ngược phát sanh. Chẳng hạn người tại
gia đi làm việc của người xuất gia, như đem kinh mõ đi tụng kinh sám cho người.
Kẻ xuất gia lại làm những việc của người tại gia như làm tùng sự trong những
lãnh vực doanh thương cho người tại gia. Vì những hiện tượng đảo điên như vậy,
nên giữa Tăng và tục thường xảy ra rất nhiều sự tranh chấp. Hiện tượng quái lạ
này không phải chỉ xảy ra ở một nơi nào mà đâu đâu cũng đều như vậy. Thế nên
còn đợi đến bao giờ mới nhận thấy sự suy tàn của Phật pháp?
Nếu chúng ta
muốn Phật pháp hưng thạnh trở lại, cần phải khẩn cấp vạch rõ phương thức hành
động cho cả tăng lẫn tục:
Như Phật tử tại
gia phải lấy việc hộ pháp làm nhiệm vụ chính. Phải đứng ở lãnh vực hộ pháp mà
hộ trì Phật pháp, không được làm công việc của người xuất gia.
Còn hàng Phật tử
xuất gia phải lấy việc hoằng pháp làm sự nghiệp. Phải đứng trên lập trường
hoằng pháp mà hoằng dương Phật pháp không được làm những công việc của người
tại gia.
Đức Phật lại dạy
đại chúng rằng: “Nếu là một Phật tử đã thọ giới Bồ Tát, nếu không dùng tâm tốt
thực hành Bồ Tát đạo, mà lại vì ác tâm, tức là không có tâm kính thành đối với
Tam Bảo, tự thân hủy báng Tam Bảo, giả vờ kính mến, miệng thì nói không mà hành
vi lại thực sự có”.
- Tự thân hủy
báng Tam Bảo là thân nghiệp không thanh tịnh.
- Giả vờ kính
mến là ý nghiệp không thanh tịnh.
- Miệng nói
không mà hành vi lại có là khẩu nghiệp không thanh tịnh.
Lại có chỗ giải
thích rằng: Tự thân hủy báng Tam Bảo là không phải chỉ riêng miệng hủy báng.
Người hủy báng Tam Bảo phải do nơi tâm niệm xuất phát. Khi tâm niệm đã bất
chính thì thân tự nhiên cũng bất chính, làm bất cứ việc gì cũng đều không chân
thật.
Chẳng hạn có
người nương náu trong ngôi Tam Bảo, nhưng sau đó trở lại hủy báng. Điều ấy
chứng tỏ người đó không có lòng tin chân thành đối với Tam Bảo. Họ chỉ giả dối
thân cận để tựa nương, hy vọng mọi người cung kính cúng dường cho mình. Khi mục
đích không đạt được, bấy giờ bắt đầu hủy báng ngôi Tam Bảo, bảo rằng Tam Bảo
không chân thật thế này, thế kia... Do nương tựa trong ngôi Tam Bảo, mà mang ý
niệm như vậy, dù đôi lúc hành vi dường như mang vẻ lợi ích, như tuyên nói những
đạo lý giải thoát, không, vô ngã v.v... cho người, nhưng những hành động này
luôn luôn biểu hiện tinh thần lẩn quẩn trong vòng “chấp có”.
Nên thông thường
trong kinh nói:
Phát ngôn tắc
khẩu khẩu thuyết không,
Tố lý tắc thời
thời hành hữu.
Dịch:
Thốt ra lời nói
thì lời lời đều nói là không,
Trên thực tế,
mọi việc làm lúc nào cũng là có.
Kinh
văn
“Mười giới như
thế cần phải học, phải hết lòng kính trọng phụng trì, trong phẩm Chế Giới có
giảng rộng.
Lời giảng
Hai câu kinh văn
trên là tổng lược kết khuyến mười giới ở trên. Nghĩa là đối với những giới này,
Phật tử cần phải đúng pháp tu học, từng giờ, từng phút hết lòng kính trọng,
phụng trì.
Trên đây chỉ
giảng sơ lược thôi, trong phẩm Chế Giới sẽ giảng rộng hơn.