02. Ẩm Tửu Giới (Giới Uống Rượu)

22/06/201012:00 SA(Xem: 63258)
02. Ẩm Tửu Giới (Giới Uống Rượu)

KINH PHẠM VÕNG BỒ TÁT GIỚI BỔN GIẢNG KÝ
Hán văn: Pháp sư Thích Diễn Bồi
Việt dịch: Hòa Thượng Thích Trí Minh

Chương III: CHÁNH THUYẾT GIỚI TƯỚNG 
(chánh thức thuyết giảng giới tướng) 

B. BIỆT THUYẾT GIỚI TƯỚNG
(thuyết giảng riêng biệt giới tướng)

 B.2.2. BIỆT THUYẾT KHINH GIỚI 
(riêng giảng các giới khinh)

B.2.2.2. ẨM TỬU GIỚI 
(giới uống rượu)

Kinh văn: 

1. Phiên âm: 

Từ câu “nhược Phật tử cố ẩm tửu..” cho đến câu “nhược cố tự ẩm, giáo nhơn ẩm giả, phạm khinh cấu tội”. 

2. Dịch nghĩa: 

Nếu Phật tử cố ý uống rượu, mà rượu là thứ làm người uống thường phát sanh ra vô lượng tội lỗi. Nếu tự tay mình trao chén rượu cho người uống, sẽ mang ác báo năm trăm đời không có tay, huống chi là tự mình uống. Cũng không được bảo người và tất cả chúng sanh uống rượu, huống chi là tự mình uống! Tất cả các thứ rượu, Phật tử không được uống. Nếu mình cố uống hoặc bảo người uống, Phật tử này phạm khinh cấu tội

Lời giảng: 

Vấn đề quy định mức độ và hình thức tội lỗi của việc uống rượu, đặt rượu và bán rượu cho người, trong kinh Phạm Võng này có sự bất đồng. 
Uống rượu đối với bản thân chính mình là một tập quán không tốt hoàn toàn. Nhưng mức độ tai hại không lớn lắm, chỉ làm thương tổn cho bản thân cá nhân một người. Vì thế, việc uống rượu này chỉ kết thành tội khinh cấu. 
Đặt rượu và bán rượu thì sự lưu hành rất rộng lớn. Vì bất cứ người nào mua rượu về để uống đều bị tổn hại, sự tổn hại ấy thật to lớn cho nên kết thành căn bổn trọng tội
Rượu được chế tạo bằng những loại cao lương, gạo hoặc trái cây, thế nhưng tại sao Phật lại cấm không cho uống? 
Theo Phật pháp, nguyên nhân chính yếu là vì uống rượu vào làm cho tâm tánh mê loạn. Còn nói theo khoa học, tất cả các loại rượu đều có chứa chất tửu tinh (là thứ dịch thể trong suốt, không màu sắc, dễ lưu động, thường phát ra mùi vị đặc biệt hơi nồng, có thể đốt cháy dễ dàng. Khi cháy, chất này phát ra tia lửa màu lam). 
Chất này có tác dụng làm tiêu hao sinh lực, khiến cho sự hấp thụ chất đản bạch, các sinh tố cùng các chất khoáng bị giảm thiểu. Kết quả là mức độ dinh dưỡng trong cơ thể bị suy tổn trầm trọng, can tạng (gan) bị tổn thương rất lớn. Bất cứ loại rượu nào, dù là hàm lượng tửu tinh rất ít, cũng gây tổn thương cho cơ thể. 
Vì tửu tinh là chất kích thích, khi đã xâm nhập vào não và các tạng: tâm, phế, vị, can, thận thì mắt, tai, mũi, miệng và sự tuần hoàn của huyết dịch đều bị tổn thương không nhỏ. 
Vì thế, muốn giữ cho tâm ý được thanh thản, bình tĩnh, ngũ tạng và sự tuần hoàn huyết dịch không bị thương tổn, tinh thần không bị sự kích thích của tửu tinh làm hại, chúng ta nên nhận thức một cách thực tếcần phải triệt để ngăn cấm việc uống rượu. 
Thế giới hiện nay mắc nhiều chứng bịnh thần kinh, điên cuồng, khủng hoảng. Dù tình trạng ấy có nhiều nguyên nhân, nhưng uống rượu quá độ cũng là một trong những nguyên nhân gây ra chứng bệnh ấy. 
Đức Phật đối với đại chúng dạy rằng: “Nếu là một Phật tử đã thọ giới Bồ Tát, mà lại có tâm cố ý uống rượu là điều tuyệt đối không thể chấp nhận được. Vì như vậy là trái với tư cách của một vị Bồ Tát. Vì rượu là vực sâu của tội ác, là cửa ngõ sanh tử họa hại. Khi đã uống rượu vào thì dễ tạo các tội lỗi”. 
Phật dạy tiếp theo: “Rượu là thứ làm cho người uống hay sanh ra vô lượng tội lỗi”. 
Như trong Đại Trí Độ Luận đã thuyết minh: “Uống rượu sanh ra 36 thứ tội lỗi, nên gọi là vô lượng tội lỗi”. 
Ngoài ra, các kinh khác như kinh Phân Biệt Thiện Ác Sơ Khởi, kinh Phân Biệt Thiện Ác Báo Ứng, cũng đều nói uống rượu sanh ra ba mươi sáu thứ tội lỗi. Kinh Phân Biệt Thiện Ác Sơ Khởi nói: “Đức Phật dạy người sanh trên thế gian này đa số đều thích uống rượu cho say. Khi đã say rồi thì dễ sanh ba mươi sáu thứ tội lỗi”. 
Những gì là ba mươi sáu thứ tội lỗi?
1) Người uống rượu say rồi thì làm con đối với cha mẹ không biết kính thờ; làm tôi đối với vua không biết tôn trọng. Do đó mà cha con, vua tôi không có trên dưới. 
2) Nói năng lộn lạo và hay sanh lỗi lầm
3) Phạm tội lưỡng thiệt và ưa nói nhiều
4) Nếu có việc gì cần giấu kín, nhưng khi đã say rồi thì đem nói tất cả. 
5) Mắng chửi trời đất không hề sợ tội.
6) Nằm giữa đường sá không thể về nhà, mọi thứ đồ đạc mang theo đều bỏ mất hết. 
7) Không thể tự sửa mình cho chính đáng.
8) Đi đứng ngả qua, ngả lại, lúc thì ngửa mặt lên trời, lúc lại gầm đầu xuống đất, có khi bị sa hầm, sa hố, thân thể bị tổn thương
9) Không thể đi đứng vững vàng nên phải bò lết như người què, đến khi đứng dậy được thì thân thể, mặt mày đều bị xây xát, trầy trụa.
10) Lúc bán buôn hay bị lầm lộn và thường vọng động xúc phạm mọi người
11) Phế bỏ công việc không lo làm ăn. 
12) Tài vật bị tổn hao.
13) Vợ con đói khát mặc kệ không nghĩ đến. 
14) Kêu la, chửi mắng không biết nể sợ pháp luật quốc gia
15) Thoát bỏ hết y phục để thân thể lõa lồ mà đi trên đường sá. 
16) Chui bậy vào nhà người, gặp đàn bà, con gái thì lôi kéo, nói năng xằng bậy, xúc phạm đến họ, tạo vô lượng tội lỗi
17) Thấy bất cứ ai đến gần đều muốn gây gổ với họ. 
18) Dộng đất kêu la làm kinh động xóm làng. 
19) Giết bừa súc vật không biết tội phước. 
20) Đồ đạc trong nhà đập bể tan nát.
21) Vợ con coi như kẻ tù tội, say sưa nói bậy bạ không ra gì. 
22) Thân cận với bè đảng ác. 
23) Xa lánh không chịu gần gũi với bậc hiền thiện. 
24) Ngủ như chết, đến khi tỉnh dậy thân thể đau nhức như người bị bệnh. 
25) Những thứ uống ăn đều nôn mửa ra trông thật ghê tởm, khiến vợ con đều phải chán ghét
26) Khi đi đâu, nếu gặp voi, ngựa, chó sói, vì tâm ý tán loạn nên không biết sợ sệt, xa tránh. 
27) Không kính kinh pháp, không tôn trọng bậc hiền thiện, không cung kính sa môn
28) Hoang dâm vô độ không biết e sợ. 
29) Hình thể như kẻ điên cuồng khiến ai nấy đều tránh xa. 
30) Giống như người chết, không biết gì cả. 
31) Mang bệnh nghiện rượu, thân thể màu vàng, úa ứa giống như trái cây chín. Có khi mặt mày sanh ghẻ lác. 
32) Thiên long, thiện thần đều tránh xa vì các ngài rất ghét uống rượu. 
33) Thiện hữu tri thức ngày một lánh xa
34) Khi say thì ngồi chồm hổm, gặp các quan cao cấp cứ lấy mắt nhòm ngó không biết sợ sệt, nếu bị đánh đập thì nhắm nghiền mắt lại. 
35) Sau khi xả thân bị đọa vào địa ngục Thái Sơn, thường bị ngục tốt dùng nước đồng sôi rót vào miệng. Lục phủ, ngũ tạng đều bị cháy nát, cầu sống không được, cầu chết cũng khó. Thọ khổ như vậy trải qua ngày muôn năm. 
36) Khi thọ tộiđịa ngục đã mãn, sanh lên làm nhân gian làm người tâm trí ám độn không biết gì. 
Hiện nay những người tâm trí ngu độn, không biết gì cả, đều do đời trước ưa uống rượu mà bị dư báo ấy. Như thế, ta đã nói phân minh, các ngươi đối với rượu cần phải thận trọng, vì uống rượu có 36 thứ lỗi. Người nào uống rượu đều phạm đủ cả”. 
Tự mình uống rượu tạo gây những tội lỗi trên, nếu tự tay trao chén rượu cho người uống thì chiêu cảm quả báo năm trăm đời không có tay, huống chi tự uống mà không bị chiêu cảm khổ báo rất nặng hay sao? 
Kinh văn nói: “Trao đồ đựng rượu cho người”, có hai trường hợp
1. Nâng chén rượu lên nói với người cùng uống rượu với mình rằng: “Này anh! Chỉ thêm một chén nữa thôi mà!” 
2. Trao bình đã hết rượu mà bảo người đem thêm và nói rằng: “Châm thêm một bình nữa coi!” 
Những cử chỉ ấy đều không được, vì không khác gì khích lệ người ấy uống rượu. Thậm chí còn rót rượu vào miệng người khác bảo họ uống cho thật say. Hành động như thế thì đâu phải là tư cách làm người? 
Trong kinh văn Phật dạy: “Bị quả báo năm trăm đời không có tay”, không phải là sanh làm người mà không có tay, mà là khi bỏ thân này, bị đọa vào trong loài súc sanh, làm những loài vật không tay như côn trùng, đỉa, giun, lươn, lịch... là những loài thuộc về loại chúng sanh không có tay. 
Trong kinh Quỷ Vấn Mục Liên nói: “Một hôm tôn giả Mục Liên du hành trong cảnh giới ngạ quỷ. Có một con quỷ thấy Tôn Giả đến nên thỉnh vấn rằng: - Kính bạch Tôn Giả! Một đời của con từ sanh đến nay, tâm tánh ngu si đần độn không biết gì, chẳng biết do tội nghiệp chi mà mà chiêu cảm khổ báo ấy? 
Tôn Giả đáp rằng: - Đấy chính là do trong lúc làm người ở thời quá khứ, người thường đem rượu cho người uống, lại cưỡng ép, khuyên người khác uống rượu, muốn cho người say sưa, mê loạn để tự lấy làm thú vui. Khổ báo ngu si, đần độn này chỉ mới là hoa báo, quả báo sau khi bỏ thân quỷ này phải đọa vào địa ngục”. 
Rượu là cửa sanh các họa hoạn. Vì nếu đem cho bất cứ người nào uống, nhất là những người tu học Phật pháp. Điều này kinh Chánh Pháp Thiện Xứ nói: “Người nào đem rượu cho chúng tăng trong pháp hội uống, hoặc cho người thọ giả uống, cho người tâm đã được tịch tịnh uống, cho người đắc thiền định uống khiến tâm chí của các vị ấy mê loạn thì tội lỗi ấy rất lớn, tương lai sẽ bị đọa vào địa ngục Khiếu Oán (1)” 
Đưa chén rượu cho người uống mà còn bị quả báo như vậy, huống chi bảo người uống rượu. Cho nên, Phật dạy tiếp: “Cũng không được bảo tất cả người cũng như tất cả chúng sanh uống rượu”. 
Ở đây nói: “Tất cả người” là nói một cách bao quát tất cả hạng người như: Phật tử xuất gia, tại gia, nam, nữ, già, trẻ, và tất cả những người ở các địa phương khác, quốc gia khác v.v... 
“Tất cả chúng sanh” là chỉ cho quỷ thần, súc sanh cùng với phi nhơn v.v... Bảo người khác uống rượu còn không được, huống chi là tự chính mình uống rượu thì lại càng không được. 
Nguyên liệu để làm rượu có nhiều thứ, như vậy nói rốt ráo lại thì thứ rượu nào không được uống? 
Phật dạy: “Tất cả các thứ rượu đều không được uống”. Tức là dù cho dùng bất cứ thứ nguyên liệu nào để làm thành rượu, cũng đều không được uống. 
Tự mình không uống rượu là công đức tự lợi. Không bảo người uống rượu thuộc về lợi tha. Tự tha lưỡng lợi đều thực hành thì tất cả tội ác tự nhiên đình chỉ. Trái lại, nếu tự mình cố uống và bảo người uống, Phật tử này phạm khinh cấu tội
Trong Luật có dạy rõ: “Nếu ăn hèm rượu, men rượu, có thể làm cho người say. Tùy theo ăn mỗi miếng mà phạm tội”. 
Giới uống rượu này thuộc về Giá tội, do Đức Phật cấm chế. Tại sao phải cấm như vậy? 
Vì rượu làm cho tâm tánh người bị hôn mê, tán loạn. Tội ấy rất lớn phải cực lực ngăn cấm. Nơi đây, xin trích dẫn một vài truyện ngắn nói về tội uống rượu như sau: 
Khi Phật còn tại thế, một hôm Ngài đi đến ấp Bạt Đà La Bà Đề của nước Chi Đề để giáo hóa. Nơi ấy, có một con độc long gọi là Am Ba La Đề Đà hung dữ, bạo ác phi thường. Con người không ai dám bén mảng đến chỗ ấy đã đành, ngay cả loài thú to như voi, trâu, bò, ngựa... cũng không dám léo hánh đến gần chỗ của nó. Thậm chí loài phi điểu bay trên không trung cũng không dám bay ngang chỗ nó ở. Hoa mầu, lúa thóc đã chín đều bị độc long phá hoại sạch. 
Trưởng lão Sa Dà Đà là người thường cúng dường Phật, nên khi nghe Đức Phật Thế Tôn đến nơi này giáo hóa, trưởng lão cũng đi theo. Nghe nơi ấy có độc long, trưởng lão xin phép Đức Phật đến chỗ độc long để bắt nó hàng phục cho dân chúng và muôn thú được yên ổn
Khi trưởng lão vừa đến, độc long ngửi thấy khí vị y phục của Ngài liền sanh tâm sân hận, vì xưa nay không bao giờ có ai dám léo hánh đến chỗ của nó. Lập tức từ trong thân của nó phóng ra những khói độc khiến không khí cả một vùng đều bị ô nhiễm.
Thấy khói độc bay đến mình, trưởng lão bèn nhập tam muội, dùng thần thông từ trong thân phóng ra những luồng khói trắng ngăn cản khói độc của độc long, không cho nhập vào mình. 
Độc long thấy thất bại càng nổi sân hận, từ trên thân phóng ra lửa khiến toàn vùng ấy biến thành một biển lửa lớn. Trưởng lão bèn nhập Hỏa Quang tam muội, từ trên thân phóng ra lửa ngăn chặn độc quanh mình. 
Thấy sự việc bất thành, độc long liền hóa trận mưa đá và sấm sét vang trời để giết trưởng lão. Nhưng trưởng lão không chút sợ sệt, ngài biến những hạt mưa đá thành những hoàn thuốc hoan hỷ hoặc những bánh rất thơm ngon. 
Cuối cùng độc long dùng tất cả sức lực, bản lãnh hóa ra một trận mưa tên và rắn độc. Trưởng lão dùng thần thông rất nhiệm mầu, biến tất cả các thứ ấy thành Ưu Bát La Hoathân thể của ngài hoàn toàn không bị tổn thương. Độc long đem hết sức thần thông mà không khuất phục được trưởng lão. Tự biết mình không phải là đối thủ của trưởng lão, độc long bèn đến trước trưởng lão tự nguyện quy y Tam Bảo, làm đệ tử Phật, không còn làm những việc hung ác như trước nữa. Trưởng lão hàng phục được độc long, đem lại yên vui an ổn cho nhân và cầm thú chốn ấy. Từ đó, thanh danh của Ngài lan truyền khắp nơi, từ quốc vương chí đến nhân dân đua nhau đến cúng dường
Khi ấy, có một nữ Phật tử bần cùng nhưng vô cùng kính tin trưởng lão, nàng thành kính thỉnh trưởng lão đến nhà để cúng dường một bữa cháo, sữa và tô lạc, ngoài ra còn có thêm một thứ rượu màu trắng như nước. 
Trưởng lão vì không để ý nên uống thứ rượu đó. Sau khi uống xong, trưởng lão vì nữ Phật tử thuyết pháp. Xong việc, nữ Phật tử lễ tạ và Ngài từ biệt trở về tịnh xá. Lúc về gần đến nơi, vì ảnh hưởng của men rượu tác động làm trưởng lão té nhào gần tịnh xá, thân nằm một nơi, tăng-già-lê, bình bát v.v... văng tản mác. Trưởng lão bị say nhừ không hay biết gì. 
Đức Phật thấy việc này liền bảo ngài A Nan tập hợp đại chúng lại và dạy về việc trưởng lão hàng phục được độc long. Ngài hỏi đại chúng: “Trong lúc hàng phục độc long oai lực biết bao, giờ đây ông Sa Dà Đà này có thể hàng phục được một con rắn nhỏ hay một con tôm hay không?” 
Đại chúng đồng đáp lại rằng: “Không thể hàng phục được”. 
Phật dạy: “Ông Sa Dà Đà là một vị thánh nhân mà sau khi uống rượu say còn như vậy, huống chi người thế tục thông thường. Thế nên từ đây về sau, nếu là đệ tử của Phật thì quyết định không được uống rượu. Không nói là uống nhiều, chỉ cần một chén nhỏ cho đến một giọt trên đầu ngọn cỏ, cũng không được uống. Nếu uống tức là phạm tội”. 
Lại nữa, Tỳ Bà Sa Luận kể lại một câu chuyện như sau: 
Vào thời quá khứ có một vị ưu bà tắc giữ ngũ giới cấm của Như Lai rất thanh tịnh. Một hôm, vị ấy có việc phải đi xa. Khi trở về nhà, nhằm lúc tất cả mọi người trong nhà đều đi vắng. Vì đường xa nhọc mệt lại thêm khát nước cực điểm, vị Phật tử ấy đi tìm nước uống. Lúc ấy có một chai rượu lớn giống như nước để trên bàn, đương cơn khát, Phật tử này tưởng là nước, liền uống một hơi. Uống xong, đầu óc choáng váng, tâm thần hôn mê bấn loạn. 
Vừa lúc đó, một con gà hàng xóm chạy vào nhà, sẵn bụng đang đói, Phật tử liền nghĩ chi bằng bắt gà làm thịt để ăn một bữa cho ngon. 
Sau khi Phật tử này ăn xong, cô gái hàng xóm vào nhà tìm gà, hỏi Phật tử có thấy gà chạy vào nhà không. Phật tử trả lời: “Tôi không thấy gà của cô đến đây”. Chẳng những thế, lại còn làm hành vi phi lễ với cô gái ấy. Thế là một phen uống rượu, năm giới đều hủy phạm, chúng ta thử nghĩ tội lỗi uống rượu lớn biết chừng nào! Cho nên là Phật tử tuyệt đối không được uống rượu! 
Tội lỗi của việc uống rượu rất nhiều, giờ đây xin kể thêm một chuyện nữa để làm gương cảnh tỉnh cho tất cả chúng ta
Vào thời vua Chân Tông - Bắc Tống. Một lần nọ, vua Chân Tông bị bệnh rất nặng, bèn đem mọi việc lớn nhỏ trong nước giao cho Hoàng Hậu giải quyết
Khấu Chuẩn là một quan đại thần trong triều thấy vậy, lấy làm lo sợ cho tiền đồ quốc gia, nhất là e sợ tương lai hoàng tử sẽ bị họ hàng bên ngoại soán đoạt vương vị. 
Một ngày nọ, vị đại thần tâu với Chân Tông hoàng đế rằng: 
- Muôn tâu thánh thượng, hoàng thái tử là người hy vọng của toàn dân, xin bệ hạ tưởng đến việc trọng yếu của tôn triều. Theo ý hạ thần, bệ hạ bị bệnh nguy kịch thì nên đem việc triều chánh giao cho Thái Tử, đồng thời nên chọn một viên đại thần có lòng vì nước, vì dân để phụ giúp Thái Tử. Hạ thần tin rằng quốc gia sẽ có người cầm quyền và được yên ổn
Hoàng đế nhận thấy lời quan đại thần rất đúng, bèn chấp thuận kiến nghị của quan đại thần. Ngài lập tức bí mật bảo Dương Ức thảo chiếu chỉ lập Hoàng Thái Tử lên coi việc cai trị quốc gia, lại muốn đại thần Dương Ức phụ việc triều chánh với Hoàng Thái Tử. Việc này là một phương thức hoàn hảo vô cùng. Nhưng về sau, trong một lần uống rượu say, vị đại thần Khấu Chuẩn vô tình đem sự việc trên tiết lộ cho người biết, thế là mọi việc vốn có thể thành đại công lại trở lại bị đại bại! 
Những việc tương tự như trên ở thế gian thường xảy ra rất nhiều. Những việc vốn không nên tùy tiện nói ra với người, nhưng vì quá say, không còn hay biết, nên đem ra thố lộ với người. Như thế, chẳng những tự mình không đầy đủ nhân cách, lại còn khiến cho việc đáng lẽ thành công lại trở nên thất bại! 
Những người có lý trí ít nhiều, biết rõ tội lỗi của việc uống rượu, quyết định không bao giờ uống rượu. Trong trường hợp, người bề trên đưa rượu ép uống, cũng cần phải tìm mọi cách từ chối không uống! 
Như trường hợp trong câu chuyện sau đây: 
Vua Hoàn Công nước Tề đem rượu cho Quản Trọng uống. Quản Trọng sau khi nhận bèn đem đổ bớt đi phân nửa. Cử chỉ này bình thường đương nhiên bị ghép tội vô lễphạm thượng, nên Hoàn Công quở trách Quản Trọng rằng: “Chính tay trẫm ban rượu, khanh lại có thể tùy tiện đổ bỏ hay sao?” 
Quản Trọng khôn khéo tâu rằng: “Muôn tâu Thánh Thượng! Hạ thần từng nghe nói: uống rượu sẽ nói những lời lầm lỗi. Nếu nói lời lầm lỗi có thể bị nguy hiểm đến tánh mạng. Hạ thần vì nghĩ như thế nên thà bỏ rượu chớ không muốn bỏ thân. Cúi xin hoàng thượng xét mà thứ lỗi cho!” 
Chúng ta hãy suy nghĩ: nếu vì uống rượu mà nói những lời lầm lỗi, do đó có thể làm tán thất sanh mạng của mình thì thật là một điều không hợp lý biết bao! Rượu là thứ triệt để không được uống. Nếu uống nhiều chắc chắn sẽ nói nhiều. Nói nhiều thì nhất định sẽ có những lời bất tam, bất tứ (là những lời nói không nghĩa lý gì cả), không nên nói mà cứ nói, cần nói thì lại không nói. 
Rượu đã sanh vô lượng tội lỗi như thế, tại sao trong kinh lại có chỗ nói nếu uống rượu không có tội lỗi thì vẫn được uống như thường? 
Lời nói này quả đúng không sai. Vì nếu uống rượu có thể tránh được tội lỗi thì không lý do nào mà không cho uống. 
Bằng chứng thực tế là khi đức Thế Tôn còn tại thế, Mạt Lợi phu nhân là một Phật tử đã thọ Ngũ Giới. Đối với Tam Bảo, phu nhân là một Phật tử thuần thành, thông đạt kinh luật, nên không bao giờ uống rượu. 
Nhưng một hôm vua Ba Tư Nặc đi săn về, bị mệt và đói bụng. Chẳng may, quan Trù Giám lo cơm hơi chậm trễ, khiến Ba Tư Nặc vương nổi giận. Ngài liền hạ lệnh giết quan Trù Giám. Phu nhân hay tin liền nghĩ rằng quan Trù Giám là người có khả năng nấu nướng rất thích hợp với khẩu vị nhà vua. Nếu giết quan Trù Giám thì không còn ai có thể làm thức ăn cho nhà vua được như thế. Vả lại, giết một người vô tội không hợp với tôn chỉ Từ Bi của đạo Phật
Do đó, phu nhân liền ra lệnh bảo người đem giấu quan Trù Giám ở một nơi. Hai ba hôm sau, phu nhân thiết một tiệc rượu hết sức linh đình, rồi tự thân phu nhân trang điểm hết sức lộng lẫy (trong kinh nói phu nhân thọ Bát Quan Trai hằng tháng, cho nên chỉ phục sức bằng vải thô. Những ngày thường không thọ Bát Quan Trai cũng thế. Phu nhân lại thường ở riêng tại tư cung tu tập, ít kề cận Ba Tư Nặc vương). Sau đó, bà cùng với vua nhập tiệc và hầu rượu cho vua. 
Vua Ba Tư Nặc ít khi trông thấy phu nhân trang điểm lộng lẫy như thế, hôm đó lại cùng dự yến và tiệc rượu đó lại vô cùng thịnh soạn nên lòng vua hoan hỷ vô cùng. Nhất là được chính phu nhân ân cần khuyên uống rượu là việc càng làm cho đại vương hân hoan tột đỉnh. 
Đến khi thấy nhà vua đã hết cơn phẫn nộ, phu nhân mới hỏi rằng: “Thức ăn hôm nay đại vương dùng có ngon miệng hay không?” 
Nhà vua đáp rằng: “Thức ăn hôm nay rất ngon, lại thêm được phu nhân giúp trẫm uống rượu, thật trẫm hoan hỷ vô cùng”. 


Phu nhân hỏi tiếp: “Đại vương có biết thức ăn hôm nay do ai làm không? Mấy ngày qua đại vương ăn không được ngon miệng phải không?” Rồi phu nhân đem việc vua hạ lệnh giết quan Trù Giám vừa rồi thưa lại. Nhà vua tỉnh ngộ, tự biết lỗi lầm, liền tha cho quan Trù Giám được toàn mạng. 
Mạt Lợi phu nhân vì cứu quan Trù Giám mà uống rượu, bà biết mình đã phạm giới, trong lòng sinh hổ thẹn không an tâm, liền đến trước Phật cầu xin sám hối. Đức Phật hỏi: “Phu nhân vì sao uống rượu?” 
Phu nhân bèn đem nhân duyên uống rượu bạch lên Phật. Ngài chẳng những không quở trách, trái lại còn cực lực tán thán việc làm ấy cho là có công đức rất lớn... 
Uống rượu trong trường hợp như th thì có gì là không được! Vấn đề là ở chỗ sợ rằng chúng ta không có thiện quyền phương tiện như Phật tử Mạt Lợi phu nhân mà chỉ khư khư bảo rằng: “Mạt Lợi phu nhân có thể uống rượu, thì tôi đây cũng có thể uống rượu”. Nói như vậy thì sanh tội nghiệp vô biên, mà ác báo cũng khó lòng tránh khỏi
Lại còn một chuyện nữa thuật lại việc vua Thái Tông nhà Đường. Vào năm đầu của niên hiệu Trinh Quán, ở chùa Viên Hưng tại Tây An, có Phạm Luật Sư là bậc tu hành rất trọng giới luật
Một hôm, ngài có việc phải đi ra ngoài. Tối đến về chùa không kịp, nên phải nghỉ tạm ở nhà một Phật tử. Sau khi Luật Sư đã an nghỉ, trong nhà lại có một tăng nhân khác đến. Chủ nhân bèn mời vị tăng ấy đến một phòng riêng khác mà nghỉ. Vị Tăng này bảo chủ nhân dọn cơm và rượu thịt ra dùng. Phật tử ấy chẳng những không buồn trách, lại còn vui vẻ vâng lời. Phạm Luật Sư nghe tăng nhân ấy ăn uống một cách khoái ý, trong tâm ngài không tránh khỏi khởi niệm tưởng không tốt đối với tăng nhân đó và cho rằng tăng nhân này không thể hiện đúng tư cách của một người xuất gia
Nhưng vị tăng nhân đó sau khi đã ăn uống no đủ xong, lại bảo chủ nhà đem nước tro cho mình súc miệng, đoạn vào phòng đóng cửa, tụng kinh Hoa Nghiêm. Chỉ trong chốc lát vị ấy đã tụng xong hết một quyển. Bấy giờ, Phạm Luật Sư biết vị Tăng này không phải là người tầm thường, tự mình sanh lòng rất hổ thẹn. Vì vậy nên đang nằm, Ngài liền ngồi dậy, sửa thân mình nghiêm chỉnh, cung kính lắng nghe tăng nhân tụng kinh
Từ lúc bắt đầu cho đến chưa tới canh năm, vị tăng nhân đã tụng xong bộ kinh Hoa Nghiêm sáu mươi quyển (kinh Hoa Nghiêm có hai bản dịch: một bản gồm sáu mươi quyển, bản kia gồm tám mươi quyển). Việc này không phải người tầm thường có thể làm được, nên càng làm cho Phạm Luậtăn năn, biết vừa rồi mình đã khởi tâm niệm xem thường vị tăng kia là một đại tội ác không sao tránh khỏi. Ngài liền đến phòng tăng nhân, đặc biệt xin sám hối tạ tội. Vị tăng ấy không chút biểu lộ là mình kẻ có tài đức, còn khuyên Luật Sư hãy an tâm, không có gì là đại tội. Sau khi chia tay, vị tăng ấy đi nơi nào không ai biết...
Uống rượu ăn thịt trong trường hợp như thế, lẽ tự nhiên, hàng phàm tăng không nên bắt chước. 
Câu chuyện thuật lại rằng: 
Vào triều nhà Tùy, tại chùa Đẳng Hành ở Lư Châu, có vị tăng nhân hiệu Đồng Tấn, xuất gia vào thời triều Bắc Châu (trước nhà Tùy rất lâu). Vị tăng này xưa nay bất chấp giới luật, lễ nghi, suốt ngày chỉ uống rượu. Bất cứ đi đến đâu cũng đều say mèm. Đã vậy còn có thêm chứng bịnh thường tiểu tiện bừa bãi, hôi thối tràn lan mọi chỗ, cho nên mọi người thông thường đều chê bai, dị nghị việc làm này. 
Nhưng cũng có người biết nhận xét, khuyên những kẻ dị nghị này: “Quý vị không nên nhàm đàn tạp thoại, quý vị có biết vị tăng ấy rốt ráo là người như thế nào không? Chúng ta không nên đem nhãn quan của phàm nhânxem xét việc làm của tăng nhân ấy”. 
Thời gian sau, vua Võ Đế nhà Châu đông chinh, cần phải dùng một thứ thuốc độc, nên hạ lệnh cho vị quan tại Lô Châu chế tạo độc dược. Viên quan cho người lên rừng tìm các loại độc dược như: Phúc Đầu, Thuyết Tinh, Tàm Căn, Đại Phong, Giả Cát, Trấm Vũ... tất cả gần vài chục thứ, đem về bỏ vào cái lu thật lớn, rồi đổ rượu ngâm cho đến khi thành độc tửu. Bất cứ người hay súc vật khi đụng đến, tức khắc da thịt bị nát rã mà chết. 
Tăng nhân Đồng Tấn nghe nói có thứ rượu kịch độc và nguy hiểm như thế, lòng vô cùng bất mãn việc làm tà ác của Võ Đế, ngài liền đến nhà vị quan chế tạo rượu độc. Vị quan thấy tăng nhân thường uống rượu sau sưa như vậy, nên có ý trêu ghẹo, nói rằng: “Tôi có một thứ rượu rất ngon, Hòa Thượng thử dùng một chén có được không?” 
Đồng Tấn đáp rằng: “Quan lớn có lòng tưởng đến, nhưng bần đạo uống một chén thì không đã ghiền, bần đạo muốn uống một thăng để giải khuây và bớt nhức mỏi trong thân thể”. 
Quan giám chế thưa rằng: “Không thành vấn đề, tùy Hòa Thượng muốn uống bao nhiêu cũng được”. 
Đồng Tấn liền đến lu rượu, lấy gáo sắt múc rượu độc, và uống một gáo to, và cười nói tự nhiên, hoàn toàn không bị rượu độc làm hại. Lúc ấy, các đạo sĩ theo Đạo giáo nghe tin ấy rủ nhau xem vị Hòa Thượng như thế nào, thực hay giả. Họ dùng gáo múc rượu độc mời Đồng Tấn uống. Nhưng vừa đưa gáo vào rượu độc đã vội vàng chạy lánh xa vì sợ bị rượu độc văng trúng thân rất nguy hiểm. 
Đồng Tấn dường như vô sự, cứ tiếp tục uống và nói rằng: “Tốt lắm! Hôm nay được một bữa say sưa thật là đại khoái lạc!” Rồi ngài lên tảng đá lớn nằm ngủ. Chốc lát lại tiểu tiện trên tảng đá, làm tảng đá nát vụn vì rượu độc, trong lúc thân thể của Đồng Tấn bị lăn đi nơi khác, ngài vẫn cứ ngủ như thường. Khi ngủ đã thẳng giấc, ngài thức dậy, thân thể chẳng những không bị hại mà tinh thần lại càng sảng khoái. 
Bạn có thể làm được như thế không? 
Nếu làm được thì không ngại gì, cứ việc uống rượu độc. Còn làm không được thì chẳng những rượu độc không nên nếm thửa mà rượu thông thường cũng không được để một giọt dính vào môi. 
Câu chuyện thứ nữa: 
Vào thời vua Cao Tổ Văn Đế nước Tề, có tăng nhân hiệu là Đàm Hiển, tức là Phật Huệ. Không rõ ngài là người gốc tích tại đâu, nhưng thường đi đây đó, không trụ nơi nào nhất định. Ngài lại ăn uống như người thế tục
Bấy giờ cũng có người cho Đàm Hiển là bậc tu hành đạo hạnh cao siêu, chỗ chứng ngộ khôn lường. 
Vào mùa Thu tháng Chín, niên hiệu Thiên Bảo thứ sáu, Cao Tổ Văn Đế hạ lệnh triệu tập tất cả sa môn Phật giáo để đấu phép với học trò của đạo sĩ Lục Tu Tịnh, cả thảy một ngàn người cho rõ thấp cao
đạo sĩ kích bác việc vua Cao Văn Đế phụng thờ Phật giáo, và cho đó là điều không đúng. Vua cho lập một hội trường và xây một cái đài cao một trăm mét. Khi đạo sĩ vừa đến hội trường, liền dùng chú thuật khiến tất cả y bát của Sa Môn bay lên hư không hoặc lăn cù dưới đất. Lại còn đọc chú khiến tất cả cột kèo trong hội trường xiêu ngã ngổn ngang
Các sa môn Phật giáo vì không học pháp thuật đành phải ngồi yên lặng, không có pháp thuật gì đối lại. Tín đồ của đạo sĩ thấy vật liền hoan hô vang dậy, cho đạo sĩ Lục Tu Tịnh là thắng và khinh dễ các sa môn. Các đạo sĩ được thế càng nhảy nhót, vui mừng, kiêu ngạo, khoe khoang. Họ đồng thinh xướng lên rằng: “Chúng tôi dùng thần thông pháp thuật dẹp trừ Phật giáo. Các sa môn nếu hiện một, chúng tôi sẽ hiện hai. Sa môn hiện hai, chúng tôi sẽ hiện bốn. Hôm nay, chúng tôi chỉ dùng pháp thuật nhỏ mọn mà các sa môn Phật giáo đều thất bại, việc này muôn ngàn khán giả tại hội trường đều chứng kiến rõ ràng...” 
Nhà vua thấy các đạo sĩ quá ngạo mạn nên chán ghét, bèn ra lệnh cho Thượng Thông Pháp Sư đấu phép với đạo sĩ
Pháp Sư đáp: - Tâu Thánh Thượng! Pháp thuật là thứ nhỏ mọn, Nho sĩ ở thế tục có tâm hổ thẹn còn không làm, huống gì chúng tôiPhật tử xuất gia. Tuy nhiên theo lệnh của thiên tử, chúng tôi không dám bất tuân và không lẽ chúng tôi không còn cách gì để đối trị các đạo sĩ hay sao? Tôi xin cử một tăng sĩ tối hạ tọa trong quý sa môn nói chuyện và đấu phép với đạo sĩ
Nói xong cho người đi tìm Đàm Hiển, lúc đó đang ngồi ở tòa sau cùng, chễm chệ trên một chiếc ghế rất cao và đang uống rượu say mèm. Quan Hữu Ty thấy thế không dám mời, bèn bạch lại với Pháp Sư Thượng Thông. Pháp Sư đáp rằng: “Không hề gì đâu, quan Hữu Ty cứ mời tăng nhân ấy. Vì hàng sa môn chúng tôi không ai uống rượu, còn đạo sĩ là đạo cúng tế rượu. Tăng nhân Đàm Hiển cũng là người thích uống rượu. Vậy để cho thuận tiện, nên mời tăng nhân nói chuyện và đấu phép với đạo sĩ”. 
Quan Hữu Ty vâng lời đến dìu đỡ Đàm Hiển đến đài trăm thước. Bấy giờ, toàn thể chúng tăng đều lo sợ vì đạo sĩ pháp thuật cao cường, quý sa môn không người nào đối chọi lại được, huống chi Đàm Hiển say sưa chỉ chuyên môn uống rượu, có biết phép thuật chi mà đấu với đạo sĩ
Khi Đàm Hiển đến đài cao, quan Hữu Ty cho hai người dìu lên đài. Đàm Hiển đứng trên đài cao, mỉm cười nói rằng: “Khi nãy bần đạo uống rượu quá say, nghe văng vẳng ai đó nói rằng: Sa-môn hiện một, chúng tôi sẽ hiện hai, sa môn hiện hai, chúng tôi sẽ hiện bốn. Không biết lời ấy là thật hay hư?” 
Các đạo sĩ đáp: Thực! 
Đàm Hiển bèn co một chân đứng trên đài cao một trăm thước nói rằng: “Tôi đã hiện một rồi đấy, các Ngài hiện hai đi!” 
Cả ngàn đạo sĩ không người nào hiện được. Đàm Hiển lại nói: “Bần đạo nghe các ngài đọc chú khiến y bát của sa môn cái thì bay, cái thì lăn, có hay không?” 
Đáp: Có! 
Đàm Hiển lấy bình bát và chiếc y để trước mặt đạo sĩ, bảo đọc chú thử xem. Các đạo sĩ đồng một lúc, đem hết tinh thần mà đọc chú, nhưng y bát vẫn không lay động. Thấy thế, nhà vua bảo: “Y bát không lay động, trẫm cho phép các đạo sĩ đích thân nhấc lên thử xem!” Một người, hai người, cho đến mười người vẫn không sao nhấc lên nổi. Đàm Hiển bảo đem y bát đặt lên cột kèo cho các đạo sĩ đọc chú, cũng vô hiệu nghiệm. 
Bấy giờ, bọn họ thất sắc ngó nhau, nhưng vẫn cố gắng, gượng nói: “Đạo Phật tự xưng là nội, nội thì thuộc về nhỏ mọn. Đạo gia chúng tôi xưng là ngoại, ngoại thì rộng lớn”. 
Đàm Hiển đáp rằng: “Các ngài nói quái lạ! Nếu thế thì thiên tử ở trong cửu trùng chắc là nhỏ hơn các quan hay sao?” 
Đạo sĩ Lục Tu Tịnh cứng miệng, không thể đáp lại một lời. Cao Tổ Văn Đế mục kích rõ ràng, phân biệt chánh tà phải quấy. Chính tự tay Ngài viết chiếu chỉ ban hành: “Theo trẫm xét, pháp môn không hai thứ, chơn tông chỉ có một. Thế nên Trẫm nhất định cần theo con đường chánh. Tu hành phải lấy sự tịch tịch, đạm bạc làm cơ bản. Các đạo sĩ chuyên cúng tế rượu, ấy gọi là đạo tế rượu, dối gạt người đời. Nhân gian vì không hiểu được chỗ đúng, sai nên đua nhau tin theo. Sự tu hành đâu có lẽ nào chỉ sùng trọng men hèm làm đạo vị thì thanh hư đâu còn. Chỉ thích chả nem là món ăn ngon thì tâm từ bi bị đoạn tuyệt. Trên đã trái với nhân tự (sự cúng tế hợp với lòng nhân), dưới lại trái với tế điển (sách dạy về nghi thức cúng tế). Vậy bắt đầu từ ngày hôm nay, trẫm ban hành sắc lệnh này phổ biến trong toàn quốc: từ trên xuống dưới, bá quan cũng như nhân đều biết rõ. Trẫm cấm tuyệt không ai được tín phụng theo đạo cúng rượu ấy nữa!” 
Nhờ đó, một số đông đạo sĩ quy hướng về Phật giáo. Nhà vua hạ lệnh cho Pháp Sư Thượng Thống độ những đạo sĩ ấy xuất gia. Còn ai không phát tâm theo Phật thì phải nhuộm râu tóc để phân biệt. Có một số ngoan cố, tự cho đạo mình là thần tiên, không khuất phục. Vua hạ lệnh: Nếu là thần tiên thì phải lên đài, dùng thần thông bay qua cho trẫm xem. Các đạo sĩ phải tuân hành, nhưng bay không được nên đều bị sa xuống đất, thân thể nát tan. 
Từ đó, đạo cúng rượu không còn, mọi người đều hướng về Phật giáo. Trong nước không còn hai thứ tín ngưỡng, và cũng từ đấy, Cao Tổ Văn Đế một mặt kính phụng Phật pháp, một mặt đem giáo lý Phật Đà dẫn dắt nhân dân... 
Do sự tu hành từ trên quốc vương xuống tới dân chúng, nên trong nước cảm được điềm lành: gió thuận mưa hòa, nhân dân an lạc... 
Giới ẩm tửu này phải hội đủ bốn duyên mới kết thành tội: 
1. Là rượu: đích xác là rượu, sau khi uống làm cho người tâm tánh hôn mê
2. Tưởng là rượu: gồm có sáu trường hợp khác nhau, trong đó có hai trường hợp trọng, hai trường hợp khinh và hai trường hợp không phạm. 
3. Cố tâm cố uống rượu: tự mình có ý tưởng muốn uống rượu. 
4. Uống vào miệng: thấy rượu muốn uống và hớp vào trong miệng, cứ tính mỗi hớp mà đắc tội. Nếu bảo người uống, cũng cứ tùy theo mỗi hớp mà cả hai đều phạm tội
Giới này bất luận tại gia hay xuất gia, Đại Thừa hoặc Tiểu Thừa, đều phải đồng tuân giữ, không cho ngoại lệ một người nào. 
Nếu trường hợp thân có trọng bệnh, ngoài rượu ra, không thuốc nào có thể trị liệu và có sự xác nhận của y sĩ thì được khai miễn cho. 
Trong Phân Biệt Công Đức Luận có nói: Khi Phật còn tại thế, tại Kỳ Hoàn tịnh xá có một vị tỳ kheo bị bệnh suốt sáu năm trường, trị cách nào cũng không hết. Ưu Ba Ly tôn giả trì luật đệ nhứt đến thăm vị tỳ kheo ấy. 
Tôn giả hỏi: - Thầy có cần dùng gì không? 
Tỳ kheo ấy đáp rằng: - Tôi chỉ cần dùng rượu thôi. Vì chỉ có rượu mới có thể trị lành được căn bệnh của tôi. 
Tôn Giả nghe qua, tự mình không dám quyết định, bèn đáp rằng: - Điều ấy phải cầu xin Đức Thế Tôn chỉ dạy. 
Rồi Tôn Giả đến trước Phật, đầu mặt đảnh lễ và đem việc trên bạch lên Phật. Ngài dạy Ưu Ba Ly tôn giả rằng: “Giới luật Ta đã chế định là trường hợp thông thường, nếu mắc phải chứng bịnh mà ngoài rượu ra, không gì có thể trị liệu được thì có thể đặc biệt khai miễn cho”. 
Tôn giả được Phật chỉ dạy, liền cho tỳ kheo bị bệnh uống rượu. Nhờ vậy, bệnh được lành hẳn. Thầy tỳ kheo được lành bệnh, thân không đau khổ, tinh thần sáng suốt. Tôn Giả bèn vì thầy mà thuyết pháp. Sau khi nghe pháp, tỳ kheo ấy chứng quả A La Hán
Đức Phật tán thán tôn giả Ưu Ba Ly rằng: “Việc làm của ông rất tốt, vì chẳng những giúp cho tỳ kheo kia lành bệnh, lại còn làm cho vị ấy chứng đắc đạo quả”. 
Theo truyện trên, trong những trường hợp đặc biệt, chúng ta thấy Đức Phật vẫn đại từ, đại bi khai giới cho phép uống rượu. Nhưng không được lạm dụng tinh thần đó, khi không có bệnh nói là bệnh, để mượn cớ uống rượu, quên hẳn tinh thần chế lập giới luật của Đức Phậttuyệt đối không nên uống rượu, vì đó là việc làm tạo tội lỗi vô biên
Cho nên là Phật tử dù ở vào hoàn cảnh nào, thời gian nào, cùng bất luận bị sự cám dỗ, mê hoặc nào, cũng đều không được uống rượu, vì uống rượu chẳng những trái với giới luật, mà ngay đối với bản thân mình chỉ bị tổn hạihoàn toàn không có lợi ích

Chú thích: 
(1) Khiếu Oán địa ngục: địa ngục thứ tư trong tám đại địa ngục. Ở đây, lược giải như sau: 
Tội nhân bị đọa vào địa ngục này do lúc làm người tạo ác nghiệp sát sanh, trộm cướp, dâm dục, uống rượu, mua rượu cung cấp cho người xuất gia uống, làm mê loạn tâm Thiền Định, không thể chứng đắc cảnh Tịch Diệt
Do nghiệp nhân này, sau khi xả thân bị đọa vào đại địa ngục Khiếu Oán, bị ngục tốt dùng kềm sắt vạch miệng rót nước đồng đỏ đang sôi sùng sục vào. 
Khi nước đồng sôi vào miệng thì lưỡi, gan ruột, các tạng phủ đều bị thiêu đốt. Nước chảy từ trên xuống dưới mà ra ngoài. Tội nhân bị hình phạt đau đớn tột cùng, cất tiếng kêu lớn mà chết. 
Ba chữ “Đại Kiếu Oán” chỉ âm thanh kêu la thống thiết của tội nhân khi bị hành hình mà chết. Nhưng khi chết rồi lại sống lại, bị ngục tốt quở trách, mắng nhiếc, tiếp theo bị hai núi sắt rực lửa từ xa hiệp lại, nghiền nát thân hình tội nhân thành tro bụi. 
Tội nhân sau khi chết rồi bị hoàn hồn cho sống lại để tiếp tục thọ khổ hình như vậy vô lượng vô biên, không sao tả xiết. Nếu thoát được nỗi khổ nơi này, chạy đến nơi khác, bị ngục tốt bắt lộn đầu mặt xuống đất, hai chân trở lên, rồi bị đem nhúng vào vạc nước sắt sôi nung nấu trải qua trăm ngàn muôn năm. 
Nếu thoát được chỗ này, chạy đến chỗ khác, gặp con chim toàn thân bằng sắt cực kỳ to lớn, lại có lửa cháy hực hỡ trên thân, bay đến kẹp tội nhân vào trong chân. Cả toàn thân tội nhân, xương thịt cho đến các lóng đốt đều bị phân tán ra trăm nghìn mảnh vụn và bị chim mổ ăn thịt
Chết rồi sống lại, tiếp tục thọ khổ. Nếu thoát khỏi nơi này, đến nơi khác thì bị đói khát bức ngặt, xa xa nhìn thấy ao nước mát trong, tội nhân vội vàng chạy đến toan tắm cho mát mẻ, thì trong ao xuất hiện con cá trạnh (ba ba) thân hình rất lớn, bắt tội nhân rồi lặn xuống đáy ao. Nước trong ao là nước bạch lạp sôi. Tội nhân trong ao bị nỗi khổ nung nấu trải qua vô lượng trăm ngàn năm. 
Chết rồi sống lại, chạy đến nơi khác bị ngục tốt dùng dùi sắt đâm vào mình tội nhân tan nát, máu chảy lênh láng, lại bị ngục tốt dùng búa chém, chặt đến chết. 
Chết rồi sống lại, chạy đến nơi khác, lọt vào trong một cái thôn toàn lửa. Tội nhân vào trong đó rồi bốn phía cửa đều đóng bít. Ở trong ấy, họ bị khổ thiêu đốt. Lại có thứ trùng đen, miệng bằng chất kim cương, răng rất bén nhọn, cắn rúc thân hình tội nhân mà ăn. Họ phải chịu khổ vô lượng như thế trải qua trăm ngàn muôn năm. 
Khi thoát khổ địa ngục, chuyển sanh làm người phải bị cảnh nghèo cùng khốn khổ, ở những nơi chật hẹp dơ bẩn, bị trẻ con chọc ghẹo, đùa giỡn. Răng miệng hết sức xấu xa, tay chân nứt nẻ, què, vẹo, bị đói khát bức ngặt, cô độc, không quyến thuộc bạn bè. Đây là dư báo của tội Sát, Đạo, Dâm, Rượu. 
Trên đây là lược giải thích sự thọ khổ của tội nhân trong Khiếu Oán địa ngục. Địa ngục này còn có mười sáu địa ngục phụ thuộc xung quang. Sự thọ khổ trong có mười sáu địa ngục này cứ xoay chuyển và tăng cấp gấp mười lần theo thứ tự. Tức là sự thống khổđịa ngục thứ nhất thì sự thống khổđịa ngục thứ nhì tăng lên mười lần. Địa ngục thứ ba là một trăm lần so với địa ngục thứ nhất và mười lần so với địa ngục thứ nhì. Cứ thế mà tính đếm đến địa ngục thứ mười sáu. Ở đây xin thuật sơ lược ba cảnh trong mười sáu cảnh ở địa ngục này: 
1. Đại hẩu xử địa ngục: Do sự thống khổ của tội nhân mà đặt tên. Tội nhân trong địa ngục này khi bị hành hình đau đớn quá phải la hét lớn lên, nên gọi là “đại hẩu”. 
Tội nhân bị đọa vào địa ngục này do vì lúc còn làm người, đem rượu cho người trì trai giữ giới uống, phá trai giới của người. Tội nhân bị uống nước bạch lạp sôi trong một bát bằng sắt nóng. Khi uống vào rồi, miệng, lưỡi, tạng phủ đều bị cháy phỏng, nên quá đau đớn phải cất tiếng kêu gào. Ngục tốt nghe tiếng kêu càng nổi giận, bắt buộc tội nhân phải uống tiếp đến chết. 
Chết rồi, sống lại, tiếp tục thọ khổ trải qua vô lượng ức năm. Nếu thoát khỏi địa ngục này, sanh làm người phải bị ngu si, ám độn. Tâm tánh hay quên lãng, ở vào giai cấp bần cùng, hạ tiện, luôn mong cầu tiền của, nhưng không bao giờ toại nguyện, bị bệnh hoạn, đói khát mà chết. 
2. Phổ thích xử địa ngục: Lấy sự thống khổ của tội nhân mà đặt tên. Kẻ nào đem rượu cho người thọ giới uống, sau khi chết phải đọa vào địa ngục này. Ngục tốt dùng chày đánh đập, tội nhân đau đớn cất tiếng kêu la lan khắp cả địa ngục
Tội nhân bị đánh chết rồi cho sống lại, tiếp tục thọ khổ. Đến khi giai đoạn thọ khổ đã mãn, sanh lên làm người nơi hoang dã, không có nước uống, hoặc nơi quốc độ thiếu nước, luôn bị đói khát, thiếu nghèo. 
3. Hỏa phát lưu xứ địa ngục: Cũng lấy sự thọ khổ của tội nhân mà đặt tên. Tội nhân bị thiêu đốt từ đầu đến chân. Do vì tội ở trước người thọ giớitán dương sự khoái lạc của rượu và ép những người này uống. 
Khi chết, phải đọa vào địa ngục này và bị mưa lửa thiêu đốt, cháy suốt từ đầu đến chân. Lại có chó bằng sắt nóng cắn xé ăn thịt. Chim thứu bằng sắt miệng tuôn lửa đỏ, mổ đầu tội nhân để hút nước tủy não. Dã can bằng sắt ăn thịt tội nhân. Những nỗi thống khổ như vậy, tội nhân phải chịu cho đến chết. Chết rồi sống lại, tiếp tục nhận chịu trải qua vô lượng trăm ngàn năm. Khi mãn kiếpđịa ngục, đầu thai làm người, bị sanh vào những chỗ không có rượu. Tất cả đồ dùng không màu sắc, mùi vị. Khi ăn uống vật thực gì cũng không biết mùi vị....

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
01/07/2010(Xem: 57518)
29/06/2010(Xem: 52027)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.