KINH PHẠM VÕNG BỒ TÁT GIỚI BỔN GIẢNG KÝ
Hán văn: Pháp sư Thích Diễn Bồi
Việt dịch: Hòa Thượng Thích Trí Minh
Chương
III: CHÁNH THUYẾT GIỚI TƯỚNG
(chánh thức thuyết giảng giới tướng)
B. BIỆT
THUYẾT GIỚI TƯỚNG
(thuyết giảng riêng biệt giới tướng)
B.2.2. BIỆT
THUYẾT KHINH GIỚI
(riêng giảng các giới khinh)
B.2.2.42. VỊ ÁC NHÂN THUYẾT GIỚI
(vì người ác
giảng giới)
Kinh văn
1. Phiên âm:
Từ câu “nhược Phật tử bất đắc vị lợi...” cho đến câu “phạm khinh cấu tội”.
2. Dịch nghĩa:
Nếu là Phật tử thì không được vì tài lợi mà đem đại giới của chư Phật nói cho người chưa thọ giới Bồ Tát, hoặc với hàng ngoại đạo, những người tà kiến... trừ quốc vương. Ngoài ra, không được nói với tất cả hạng người ấy. Những hạng người chẳng thọ giới của chư Phật, gọi là súc sanh, đời đời sanh ra không được gặp Tam Bảo, như cây đá không có tâm thức, gọi là ngoại đạo, bọn tà kiến như vậy khác gì cây cối. Với những hạng người tà ác ấy, nếu Phật tử giảng nói giới pháp của chư Phật thì phạm khinh cấu tội.
Lời giảng
Bản thân rõ
ràng không thông hiểu kinh luật, nhưng vì có tâm mong cầu lợi dưỡng mà giả bộ
làm ra vẻ thông hiểu. Đó là hành vi dối gạt không thể chấp nhận được. Còn quả
thật thông hiểu kinh luật, nhưng vì có tâm mong cầu tài lợi mà vọng truyền trao
cho người, cũng là hành vi quyết định không được.
Nên biết rằng:
Đức Phật chỉ vì nội chúng mà chế định giới luật, vì thế nội dung của giới luật
có rất nhiều vấn đề đi sâu vào sinh hoạt nội bộ. Do đó, đối với người ngoài
không nên giảng nói, nhất là đối với những người không hiểu biết Phật pháp, thậm
chí không tin ưa Phật pháp thì lại càng không nên nói.
Vì nếu nói cho
những người ấy biết được hành vi của đệ tử Phật là như thế này, thế khác, họ sẽ
khởi tâm khinh thị vô cùng, rồi đi đến đâu cũng đem việc không đúng của Phật tử
ra để bài báng, kích bác. Như thế sẽ gây ảnh hưởng tai hại rất lớn cho Phật
giáo. Vì thế, giảng nói giới pháp là một vấn đề phải đặc biệt lưu tâm thận
trọng!
Nếu tùy tiện
vọng nói giới pháp cho người, chẳng những là không biết cơ nghi, còn chứng tỏ
đó là người không có con mắt trí huệ. Nhất là có lỗi khinh thị giới pháp mình
đã bẩm thọ và hiểu rõ. Hơn nữa, nếu giảng nói giới pháp cho những người muốn
thọ giới nghe, trong khi họ chưa được thọ giới, thì họ sẽ không khởi tâm tha
thiết kính trọng giới luật, lại còn sanh lòng khinh thị, cho rằng giới luật
chẳng qua chỉ là như thế này, như thế kia... Chỉ có một tâm niệm khinh thị này
cũng đủ hủy diệt tiền đồ của người ấy. Điều đó tạo tội lỗi lớn biết chừng
nào?!
Vì thế, một vị
Bồ Tát chân chính biết tôn trọng giới pháp, phải lưu tâm phân biệt kỹ lưỡng
người muốn nghe pháp có phải pháp khí hay không, hoặc người nào được nghe giới
pháp và người nào không được nghe giới pháp.
Trong Du Già Bồ
Tát Địa nói: “Chư Bồ Tát đối với việc thọ Bồ Tát giới dù bản thân mình đã thọ
trì luật nghi một cách đầy đủ rốt ráo, nhưng tuyệt đối không được khinh suất
giảng nói Bồ Tát tạng cho những người không có tín tâm nghe.
Tại sao
vậy?
Vì những người
ấy tuy nghe rồi, nhưng không thể tin hiểu, nên bị đại vô trí làm chướng ngại
che lấp rồi sanh tâm hủy báng. Vì phỉ báng nên bị vô lượng đại tội, nghiệp
chướng theo đuổi”.
Theo như trên
dạy thì nên biết giới pháp không nên tùy tiện giảng nói cho người. Nếu giảng
nói không đúng đối tượng sẽ làm tăng trưởng ác kiến, khiến cho họ ngày càng xa
lìa Phật pháp, do đó tương lai sẽ bị đọa lạc. Như thế thật là bất lợi cho
người.
Trong kinh Thiên
Giới cũng dạy: “Không nên đối với những người bất tín mà giảng nói giới pháp.
Cho đến không nên đối với những người phỉ báng Đại Thừa mà giảng nói”.
Tại sao lại quy
định một cách nghiêm khắc như vậy?
Phải biết chính
do nhân duyên bất tín và phỉ báng này làm cho người sẽ bị đọa địa ngục. Cổ đức
cũng có dạy: “Giới luật là ngôn giáo bí mật của Phật, nên tuyệt đối không được
vọng truyền cho người, cũng không nên tùy tiện vì người giảng nói trước”.
Tâm lý của đại
đa số người thế gian là chỉ khi nào họ đang khát nước đến mức cháy khô cả cổ,
nếu đem nước cho họ uống, lúc ấy họ mới cảm thấy vị nước quý báu như cam lồ.
Trái lại, lúc họ không khát nước, nhất định họ không bao giờ nhận thấy sự tối
cần của nước. Giống như một người đang trong cảnh tối tăm, đến chỗ nào cũng tối
như mực, sờ soạng, quờ quạng không biết lối ra, tình cảnh vô cùng khốn khổ. Lúc
ấy, nếu bạn đốt một ngọn đèn đưa cho họ, họ sẽ thấy chiếc đèn trở nên quý báu
vô cùng. Bình thường khi không cần đèn, chiếc đèn ấy không có giá trị gì đối
với họ.
Tương tự như
vậy, với người khao khát mong cầu Bồ Tát đại giới, nếu bạn vì người ấy truyền
trao giới pháp, họ sẽ tôn trọng, quý báu khác nào người nghèo đặng của báu.
Trái lại, khi họ chưa phát khởi Bồ Đề tâm, nếu bạn giảng nói giới pháp trước
cho họ, tự nhiên họ sẽ không bao giờ sanh tâm tôn trọng giới pháp.
Vì thế, giảng
nói giới pháp như vậy thật phí phạm, không hợp thời cơ và là một điều vô cùng
bất lợi. Thế nên, đối với giới pháp phải có tâm tôn trọng, không được xem
thường mà tùy tiện giảng nói cho người.
Đức Phật lại dạy
đại chúng rằng: “Nếu là một Phật tử, thọ Bồ Tát giới, việc giảng nói giới pháp
đương nhiên là bổn phận của mình. Nhưng cần phải xem kỹ và cân nhắc đối với
hạng người nào mới nên giảng nói”. Nếu đối tượng là kẻ khát ngưỡng, khẩn thiết
cầu giới pháp, và động cơ thúc đẩy người thuyết pháp quang minh chính đại thì
mới nên vì người cầu khẩn pháp mà thuyết giới. Còn đối với những người không
thể thọ Đại Thừa Bồ Tát giới, nhưng vì tâm mong cầu tài lợi mà vì người đó
giảng nói giới pháp cho họ thì tuyệt đối không được. Cho nên kinh văn dạy:
“Không được vì ham cầu tài lợi, đối với người chưa thọ Bồ Tát giới mà thuyết
giới”.
Chữ “thuyết
giới” ở đây có chỗ giải thích là vì người giảng giới, có chỗ nói là vì người
truyền giới, có chỗ nói là trong lúc làm lễ bố-tát cho người nghe giới. Bốn lối
giải thích này đều hợp lý. Hơn nữa, hành giả chẳng những không nên ở trước
những người chưa thọ Bồ Tát giới mà giảng nói đại giới của ngàn Đức Phật, mà
còn nếu ở trước hàng ngoại đạo, người ác, giảng nói Đại giới của ngàn Đức Phật
này, càng nhất quyết không được.
Lại nữa, cũng
không được giảng nói Đại giới của ngàn Đức Phật này trước những người tà kiến.
Phải biết Bồ Tát đại giới này không phải một Đức Phật hay bảy Đức Phật truyền
lại, mà chính do ngàn Đức Phật truyền lại. Như thế, có thể thấy Bồ Tát đại giới
thần thánh và đáng quý trọng biết dường nào? Làm sao có thể tùy tiện vọng
truyền cho người?
“Người chưa thọ
Bồ Tát giới” là chỉ những hạng người nào?
Đó là những kẻ
chưa từng phát Bồ Đề tâm, vì họ không có tín tâm đối với Bồ Tát đại giới. Những
kẻ ấy không phải là pháp khí, không được nghe đại giới. Cho nên bạn không nên
vì sự kính trọng và cúng dường dồi dào của họ đối với bạn mà đem Đại giới của
chư Phật này truyền trao cho họ một cách dễ dàng.
“Hàng ngoại đạo,
người ác” là những người không tin Tam Bảo, phỉ báng Đại Thừa. Họ chấp chặt dị
đạo của mình và cho đó là chân lý trên thế gian, nên không bao giờ muốn tiếp
thọ những tư tưởng khác. Họ vào trong Phật pháp không phải với tinh thần chân
thật vì pháp, mà chỉ vì muốn được nghe chút ít Phật pháp, đôi khi để tìm kiếm
những khuyết điểm trong Phật pháp.
Vì thế, nếu bạn
truyền trao giới pháp cho họ, thì chẳng những họ không thừa nhận Phật pháp là
Chánh Tri, Chánh Kiến, lại còn từ trong đó phê bình chỉ trích cái này không
đúng, cái kia không đúng v.v... Những hạng người như thế làm sao thọ dụng được
sự lợi ích trong Phật pháp?
Bọn người tà
kiến cũng vậy, vốn đi theo gót của hàng ngoại đạo và người ác. Mọi thứ trong,
ngoài họ đều bài bác. Thế nên, luận điệu của ngoại đạo và người ác thế nào thì
luận điệu của bọn tà kiến thế ấy. Dù ra vào Phật pháp nhiều lần, tư tưởng của
họ vẫn là một khối sai lầm. Hạng người như vậy làm sao có thể vọng truyền giới
pháp cho họ?
Thế nên vị Bồ
Tát trước khi muốn giảng nói Bồ Tát tạng, phải dùng huệ nhãn quán sát, suy nghĩ
xem coi hạng người nào có thể tiếp thọ, sau đó mới vì họ giảng nói pháp.
Tóm lại: