KINH PHẠM VÕNG BỒ TÁT GIỚI BỔN GIẢNG KÝ
Hán văn: Pháp sư Thích Diễn Bồi
Việt dịch: Hòa Thượng Thích Trí Minh
Chương
III: CHÁNH THUYẾT GIỚI TƯỚNG
(chánh thức thuyết giảng giới tướng)
B. BIỆT
THUYẾT GIỚI TƯỚNG
(thuyết giảng riêng biệt giới tướng)
B.2.2. BIỆT
THUYẾT KHINH GIỚI
(riêng giảng các giới khinh)
B.2.2.31. BẤT HÀNH CỨU THỤC GIỚI
(giới không chịu
cứu chuộc)
Kinh văn
1. Phiên âm:
Từ câu “nhược Phật tử Phật diệt độ hậu...” cho đến câu “...phạm khinh cấu tội”.
2. Dịch nghĩa:
Phật dạy: Nếu Phật tử sau khi Phật nhập diệt, ở trong đời ác thấy ngoại đạo, bọn giặc cướp, cùng tất cả những người ác tâm đem bán hình tượng Phật, Bồ Tát, cha mẹ, hoặc kinh luật, tỳ kheo, tỳ kheo ni, những người hành đạo Bồ Tát, những kẻ phát tâm Bồ Đề, để làm kẻ phục dịch cho các quan hay tôi tớ cho mọi người. Phật tử thấy những sự như thế, nên có lòng từ bi tìm mọi cách cứu giúp. Nếu bản thân không đủ sức, Phật tử phải đi quyên tiền các nơi để chuộc lại hình tượng Phật, Bồ Tát và tất cả kinh luật, hoặc tỳ kheo, tỳ kheo ni, người tu hạnh Bồ Tát, kẻ phát tâm Bồ Đề. Nếu không làm như vậy, Phật tử này phạm khinh cấu tội.
Lời giảng
Giới trước là
ngăn cấm hành giả trong Phật pháp cố ý phạm trọng giới.
Giới này nói về
lỗi không thực hiện việc cứu tế những bậc tôn quý bị ách nạn.
Theo kinh văn
thì việc đem bán ở đây là chỉ việc bán Tam Bảo, cha mẹ. Có trường hợp tự bán,
có trường hợp bị trộm cướp đem bán, không nhất định. Còn việc cứu chuộc là hoặc
chính khả năng mình tự đi cứu chuộc, hoặc mình không đủ sức phải nhờ người khác
có khả năng hơn đi cứu chuộc.
Các Phật tử hành
Bồ Tát đạo, thường nên đi chỗ này, chỗ nọ, hoặc đi đến những nơi ngoại đạo,
hoặc nơi ở của bọn người ác, hay của kẻ giặc cướp.
Đi như vậy để
làm gì?
Để gặp những
chuyện phải làm như gặp những người bị bắt đem bán, phải mua chuộc đem về cho
kỳ được.
Bồ Tát lấy việc
hộ pháp, cứu khổ làm bản hoài, nên khi thấy chúng sanh ở trong vòng khổ nạn,
tai ách, phải tùy theo khả năng của mình mà cố gắng hết sức. Thậm chí có khi
phải hy sinh tính mạng hay dùng hết sức lực của mình để cứu tế, hoặc mua chuộc
những người này đem về, cũng phải làm.
Nếu không cứu
chuộc là trái với bi tâm của mình, đồng thời cũng trái với lòng tôn kính Tam
Bảo. Vì thế, khi thấy ngôi Tam Bảo hay song thân của mình bị người ác đem đi
bán để làm việc khổ sai, thì không có lý do gì không tìm phương, lập thế đi cứu
chuộc. Nếu không làm như vậy thì Tam Bảo sẽ bị đoạn tuyệt, huệ mạng phước điền
của chúng sanh trong nhân gian cũng sẽ không còn.
Ở trường hợp nào
không lưu tâm đi cứu chuộc mà không phạm tội?
- Trường hợp lúc
mình đang ở trạng thái điên cuồng, mê loạn.
- Hoặc việc bán
người đó mình hoàn toàn không hay biết, hoặc biết mà không rõ tính cách nghiêm
trọng của vấn đề nên không đi cứu chuộc, thì không có lỗi.
- Hoặc kẻ bán
đòi giá quá cao, khả năng của mình không thể đáp ứng được, nghĩa là vay mượn
không chỗ nào cho vay mượn, thậm chí dù đem bán thân mình cũng không đáp ứng
được yêu sách của người bán, trường hợp không đi cứu chuộc này không phạm giới.
- Hoặc người bị
đem bán có đủ tinh thần, ý chí, không muốn người cứu chuộc. Dù bạn cứu chuộc
người ấy quyết cũng nhất quyết không chịu trở về. Trường hợp này không cứu
chuộc thì không mang tội.
Giới này thất
chúng Phật tử đồng phải tuân giữ. Dù tại gia hay xuất gia, đều phải tìm cách
cứu chuộc, nhưng sự áp dụng đối với Đại Thừa và Tiểu Thừa không giống
nhau.
Với Tiểu Thừa,
khi cha mẹ, sư trưởng bị đem bán, quyết định phải tìm mọi cách mua chuộc đem
về, nếu không sẽ mắc tội. Riêng đối với những người khác mà bị bắt đem bán, vấn
đề cứu chuộc hay không chưa thấy kinh văn trong Luật dạy, nên không rõ.
Ngược lại,
đối với hành giả Đại Thừa, vì Bồ Tát lấy việc cứu hộ chúng sanh làm nhiệm vụ
duy nhất. Cho nên đối với tất cả người bị đem bán, đều phải tìm cách cứu chuộc,
nếu không thì trái với giới điều này.
Nếu đem so sánh
với Tam Tụ Tịnh Giới thì sự tương ứng phối hợp như sau:
- Tam Bảo hay
cha mẹ bị đem bán, mà có tâm từ bi cứu chuộc, ấy là Nhiếp Luật Nghi Giới.
- Hết lòng dùng
mọi phương tiện lo cứu chuộc, thuộc về Nhiếp Thiện Pháp Giới.
- Tìm đủ mọi
cách giáo hóa người khác để cứu chuộc người bị nạn, thuộc về Nhiếp Chúng Sanh
Giới.
Do đó có thể
thấy rằng giới này bao gồm cả Tam Tụ Tịnh Giới, nếu giữ gìn giới này một cách
nghiêm cẩn thì cũng đồng như tuân giữ Tam Tụ Tịnh Giới của Bồ Tát vậy.
Còn trái phạm
giới này đồng với hủy phá Tam Tụ Tịnh Giới của Bồ Tát. Và nếu đã như thế thì
đâu còn tư cách gì để gọi là Bồ Tát? Cho nên đối với giới này hành giả Bồ Tát
phải hết sức lưu tâm.
Giới này bắt đầu
bằng hai chữ “Phật dạy”. Vì đây là bắt đầu qua phẩm khác, nên trước nhất dùng
hai chữ này.
“Phật tử các ông
cần phải biết: sau khi Phật nhập diệt, ở trong đời ác, nếu thấy hàng ngoại đạo,
bọn giặc cướp, cùng tất cả người ác...”
Tại sao ở đây
đặc biệt nói: sau khi Phật nhập diệt?
Vì khi Phật còn
tại thế, ai ai cũng biết làm lành, kính trọng Phật pháp nên không đến nỗi làm
việc bán Tam Bảo, cha mẹ. Nhưng sau khi Phật nhập diệt, lúc thời gian cách Phật
chưa bao xa, thường tín tâm của chúng sanh vẫn còn thuần hậu cũng không đến nỗi
làm việc ác như vậy. Chỉ đến thời kỳ Tượng Pháp hoặc thời kỳ ác Mạt Pháp này,
nhân tâm ngày một hiểm ác, tín tâm mỗi ngày một lui sụt, mới có việc tán tâm
điên cuồng đi bán Tam Bảo v.v...
Ở trong đời ác,
bổn phận Bồ Tát là phải gắng sức làm việc lành. Đây cũng là thời kỳ đại sĩ phải
vận khởi tâm Từ Bi, cho nên trong kinh đặc biệt nói rõ là đời ác.
“Ngoại đạo” là
tín đồ của những tôn giáo khác. Họ vẫn có tín tâm, nhưng đáng tiếc tín tâm của
họ thuộc về tà tín, không thể thông đạt tự tâm. Suốt ngày cầu pháp ở ngoài tâm,
lại còn tưởng rằng họ hơn Phật giáo, cho nên gọi họ là ngoại đạo.
“Người ác” là
những người không có tín tâm đối với tôn giáo, luôn luôn sanh khởi ác niệm, lúc
nào cũng muốn làm việc hại chúng sanh nên gọi là người ác.
“Giặc cướp” là
người chuyên cướp đoạt tài vật của người để nuôi sống bản thân. Ở đây chỉ bọn
người cướp đoạt hình tượng Tam Bảo, bắt cha mẹ kẻ khác, hại người hành Bồ Tát
đạo, hoặc kẻ phát tâm Bồ Đề. Vì có hạng người bất kính Tam Bảo, không hiếu
thuận với cha mẹ, làm những việc ngang ngược, lấn hại như thế xuất hiện trong
đời. Do đó mới gọi là đời “ác thế”.
“Bán hình tượng
Phật, Bồ Tát, cha mẹ”:
- Tượng Phật chỉ
cho Phật Bảo, Bồ Tát là Đại Thừa Tăng Bảo.
- Cha mẹ là bậc
ân điền, sanh thành dưỡng dục thân mạng của mình.
- Tượng Phật,
tượng Bồ Tát là đối tượng để cho tín đồ Phật giáo cúng dường. Nguyên vì tín đồ
đối với Phật, Bồ Tát có tâm kính tín tuyệt đỉnh, nên đặc biệt dùng gỗ đàn hương
quý trọng hoặc thất bảo quý giá để tạo lập hình tượng Phật, Bồ Tát để cung kính
lễ bái cúng dường.