KINH PHẠM VÕNG BỒ TÁT GIỚI BỔN GIẢNG KÝ
Hán văn: Pháp sư Thích Diễn Bồi
Việt dịch: Hòa Thượng Thích Trí Minh
Chương
III: CHÁNH THUYẾT GIỚI TƯỚNG
(chánh thức thuyết giảng giới tướng)
B. BIỆT
THUYẾT GIỚI TƯỚNG
(thuyết giảng riêng biệt giới tướng)
B.2.2. BIỆT
THUYẾT KHINH GIỚI
(riêng giảng các giới khinh)
B.2.2.34. TẠM LY BỒ ĐỀ TÂM
(giới tạm lìa Bồ
Đề tâm)
Kinh văn
1. Phiên âm:
Từ câu “nhược Phật tử hộ trì cấm giới...” cho đến câu “..phạm khinh cấu tội”.
2. Dịch nghĩa:
Nếu là Phật tử ngày đêm sáu thời đọc tụng giới Bồ Tát này, nên giữ gìn giới luật trong mọi tư thế đi, đứng, nằm, ngồi vững chắc như kim cương, như đeo trái nổi để qua biển lớn, như các tỳ kheo bị cột bằng dây cỏ. Phải thường có tín tâm lành đối với Đại Thừa. Tự biết rằng mình là Phật chưa thành, còn chư Phật là Phật đã thành. Từ đó phát Bồ Đề tâm và giữ vững không thối chuyển. Nếu có một tâm niệm xu hướng theo Nhị Thừa hay ngoại đạo, Phật tử này phạm khinh cấu tội.
3. Lời giảng
Điều trọng
yếu của giới trước là không cho hành giả làm ác để dứt trừ tất cả tội
lớn.
Điều quan yếu của
giới này cốt để hành giả tu thiện, tăng trưởng tất cả thiện nghiệp.
Lại có chỗ giải
thích là vấn đề đoạn ác của giới trước nhằm đoạn dứt phần thô ác của thân khẩu,
còn giới này là đoạn dứt về vi tế niệm của ý nghiệp.
Chúng ta thường
nói: phát Bồ Đề tâm chính là Bồ Tát, thối thất Bồ Đề tâm thì không phải là Bồ
Tát. Tại sao vậy?
Vì đại Bồ Đề tâm
là cơ bản của vạn hạnh cũng là cơ nhân (nền tảng và nhân tố) thành Phật, nên
tuyệt đối phải giữ gìn kỹ lưỡng không cho thối thất. Vì một khi thối thất hoặc
quên mất tâm Bồ Đề, thì không thể nào huân tu vạn đức và không thể hy vọng
thành Phật. Do vậy, không tể đủ tư cách để được gọi là Bồ Tát. Vị Bồ Tát dù chỉ
khởi một niệm nhỏ tạm bỏ tâm Bồ Đề thì đã trái với sự tu tập của mình từ trước.
Vì một vị Bồ Tát chân chính, lúc nào cũng tâm tâm niệm niệm luôn nhớ tứ hoằng
thệ nguyện liên tục không gián đoạn, dù chỉ là trong khoảng một sát na. Nếu có
những niệm khác xen vào trong tâm, thì khó mong hoàn thành quả vô thượng Bồ Đề.
Vì thế, người Phật tử phải luôn luôn tinh cần giữ gìn Đại Thừa Bồ Đề tâm.
Giới này thất
chúng Phật tử đều có thể phạm. Nhưng Tiểu Thừa và Đại Thừa không giống nhau, vì
chỗ tu tập của hai bên khác nhau:
- Trường hợp
muốn bỏ Đại Thừa xu hướng theo Tiểu Thừa, nhưng chưa thực hành được, thì phạm giới
“có tâm từ bỏ Đại Thừa” thứ 8 đã nói ở trước. Nhưng nếu đã thực hành được theo
ý muốn thì rơi vào trường hợp bị mất giới và đã phạm giới trọng thứ 10 cũng đã
giảng nói ở trước. Còn trường hợp phạm giới này không phải là có ý muốn bỏ Đại
Thừa, mà chỉ vì cho là Tiểu Thừa dễ tu, nên muốn rằng sau khi đoạn kiết sử rồi
sẽ trở lại thực hành hóa độ chúng sanh cũng không muộn. Đây là điểm khác biệt
giữa giới này và giới “có tâm từ bỏ Đại Thừa” ở trước.
Đức Phật lại dạy
đại chúng rằng: “Nếu là một Phật tử phải hộ trì giới cấm mà mình đã thọ hết sức
kiên cố và nghiêm mật, không cho phạm một mảy may. Phải tinh tấn giữ gìn tịnh
giới như giữ gìn ngọc minh châu”.
Nhưng làm thế
nào mới có thể giữ gìn được như vậy?
Phải ở trong bốn
oai nghi đi, đứng, nằm, ngồi, và suốt trong sáu thời, ngày ba thời, đêm ba
thời, luôn hộ trì giới cấm của Phật. Phải giữ gìn tâm như giữ thành (cũng như
trong sách Nho nói: “Giữ miệng như giữ miệng bình, giữ ý như giữ thành”), không
để cho bất cứ cảnh giới nào lay động thì giới thể tự nhiên được kiên cố, và do
Giới mà đắc Định, nhờ Định mà phát Huệ. Ba môn Vô Lậu học được đầy đủ thì đương
nhiên không bị trái phạm.
“Đọc tụng giới
này” là nói về phương tiện hộ trì cấm giới, vì người Phật tử đôi khi không
tránh khỏi phạm giới. Căn bệnh này là do sự hiểu biết giới pháp chưa rành. Vì
thế, nếu thường đọc tụng giới cho thuần thục, biết rõ những điều khai, giá, trì
phạm của giới mới có thể giữ giới được kiên cố như kim cương. Kim cương là vật
hết sức cứng rắn và sắc bén, có thể làm hư hoại muôn vật mà không bị muôn vật
làm hư hoại. Đây là dùng thí dụ để ám chỉ giới có công năng phá trừ các tội ác,
mà các tội ác không thể hủy hoại được giới.
Hoặc ý muốn nói
giới có công năng kháng cự lại sự xâm lăng của giặc phiền não. Hoặc ý nói tâm
nghiêm trì tịnh giới của Bồ Tát kiên cố không bị lay động giống như kim
cương.
“Như đeo trái
nổi qua bể lớn”: đây là hình ảnh dùng để thí dụ cho người Phật tử nghiêm trì
giới luậ. Thí dụ ấy trong kinh có thuật lại như sau:
Xưa có một vị
thương nhân mang trái nổi qua biển lớn. Đến giữa biển, bỗng nhiên có con quỷ La
Sát khẩn thiết cầu xin thương nhân trái nổi. Dĩ nhiên, thương nhân không bao
giờ muốn cho trái nổi.
La Sát lại khẩn
thiết van xin: “Nếu ngài không cho nguyên trái nổi thì xin cho một nửa vậy”.
Thương nhân cũng không bằng lòng.
Cuối cùng nó tha
thiết chỉ xin một chút mà thôi. Nhưng thương nhân cũng không đồng ý, tại sao
lại keo kiệt quá như vậy?
Sự thật thì
không phải keo kiết, nhưng vì sinh mạng của người qua biển hoàn toàn nương vào
trái nổi. Nếu cho quỷ La Sát, dù chỉ một chút thì người qua biển sẽ bị chôn
thân trong biển cả, không bao giờ đến được bờ bên kia.
Dùng thí dụ nói
trên để chỉ cho người Phật tử nghiêm trì cấm giới, muốn vượt qua biển khổ sinh
tử, hoàn toàn phải nương nhờ bè tịnh giới của Như Lai. Nếu giữa đường gặp quỷ
la sát phiền não, ái nhiễm v.v... khẩn thiết cầu xin một điều trái với mười
giới trọng hay bốn mươi tám giới khinh, thậm chí chỉ một chút tội khinh cấu nhỏ
như vi trần, người Phật tử nhất quyết không được theo ý nguyện của la sát phiền
não.
Tại sao
vậy?
Phải biết pháp
thân huệ mạng của mình hoàn toàn nhờ nơi giới. Nếu giới bị hư tổn, chắc chắn sẽ
bị đắm chìm trong biển khổ sinh tử, vĩnh viễn không bao giờ được giải thoát. Vì
thế, Phật tử phải triệt để hộ trì cấm giới nghiêm mật như thế.
“Như các tỳ kheo
bị cột bằng dây cỏ”: Đây cũng là ví dụ. Ý nói người Phật tử phải nghiêm hộ giới
cấm, vấn đề này có một câu chuyện có thật như sau:
Khi Phật còn tại
thế, một số quý tỳ kheo bị cướp bắt đoạt hết y phục, lại còn có ý định giết các
vị tỳ kheo này.