KINH PHẠM VÕNG BỒ TÁT GIỚI BỔN GIẢNG KÝ
Hán văn: Pháp sư Thích Diễn Bồi
Việt dịch: Hòa Thượng Thích Trí Minh
Chương III:
CHÁNH THUYẾT GIỚI TƯỚNG
(chánh thức thuyết giảng giới tướng)
B. BIỆT THUYẾT GIỚI TƯỚNG
(thuyết giảng riêng biệt giới tướng)
B.1.1.5. CÔ TỬU GIỚI (giới bán rượu)
Kinh
văn:
1. Phiên
âm:
Từ câu “nhược
Phật tử tự cô tửu, giáo nhân cô tửu...” cho đến câu “thị Bồ Tát Ba La Di
tội”.
2. Dịch nghĩa:
Nếu Phật tử
tự mình bán rượu, bảo người bán rượu, nhân bán rượu, duyên bán rượu, cách thứ
bán rượu, nghiệp bán rượu. Tất cả mọi thứ rượu đều không được bán. Rượu là
nguyên nhân danh tội lỗi. Là Phật tử lẽ ra phải làm cho tất cả chúng sanh có trí
huệ sáng suốt, nhưng trái lại đem sự say mê điên đảo cho tất cả chúng sanh,
Phật tử này phạm Bồ Tát Ba La Di tội.
Lời giảng:
Bốn trọng giới
Sát, Đạo, Dâm, Vọng đều đã giảng rõ ở trước. Giờ đây, xin giảng giới Cô Tửu thứ
năm.
Chữ “cô” có hai
nghĩa: mua và bán, nên mua rượu gọi là cô tửu, mà bán rượu cũng gọi là cô
tửu.
Rượu là ẩm liệu
để uống, có chứa tính ma túy bên trong nên uống nhiều sẽ làm cho người hôn mê.
Do đó, Đại Thừa cũng như Tiểu Thừa, Tăng cũng như tục, đối với rượu đều bị
nghiêm cấm. Chẳng những năm chúng xuất gia không được sinh sống bằng nghề bán
rượu, mà cả hai chúng tại gia cũng không được làm nghề này.
Phật pháp cho
việc bán rượu và đặt mua rượu là việc bất hợp luật nghi. Nếu làm việc này để
làm phương tiện mưu sinh về kinh tế, là điều Phật pháp không thừa nhận, vì trái
với tinh thần Phật pháp. Với hành giả bên Thanh Văn thì phạm về luật mua bán
quy định trong Thất Tụ và chỉ phạm vào thiên thứ ba của giới “cấm mua
bán”.
Nhưng với hành
giả Bồ Tát bên Đại Thừa, trong tinh thần lấy lợi tha làm chủ yếu, tuyệt đối
không được mua bán rượu, nếu làm thì phạm căn bổn trọng tội không thể tha
thứ.
Tại sao mua bán
rượu phạm căn bổn trọng tội không thể tha thứ?
Vì rượu là thuốc
vô minh, cũng là thứ làm loạn tâm tánh, uống vào sẽ bị hôn mê. Thế là không hợp
với tinh thần Bồ Tát. Bồ Tát giáo hóa dẫn dắt chúng sanh được tăng trưởng và
kích phát mọi người hướng thiện. Đã không làm như vậy, lại cho người uống thuốc
vô minh, khiến tâm tánh hôn mê tán loạn thì đâu phải là hành vi của Bồ Tát, cho
nên phải quyết định nghiêm cấm.
Thông thường việc
uống rượu được xem là rất quan trọng, là một trong năm giới cấm. Thế tại sao
việc mua bán rượu liệt vào giới trọng mà uống rượu để vào giới khinh?
Vì tội uống rượu
quả thật rất nặng, nhưng chỉ tai hại trong phạm vi bản thân một cá nhân, chứ
không gây tổn hại đến nhiều người. Đối với Đại Thừa Bồ Tát, uống rượu không
phải là một trọng tội đứng đầu mà chỉ liệt vào một trong bốn mươi tám giới
khinh.
Còn người đặt
rượu và bán rượu làm cho quảng đại quần chúng bị thương hại, thậm chí còn đi
đến chỗ bại quốc, vong gia, táng thân, mất mạng. Việc này thường thấy không ít
trong lịch sử, Cho nên Đức Phật đặc biệt đem việc mua bán rượu và đặt rượu chế
thành giới trọng.
Triều nhà Hạ bên
Trung Hoa có ông Nghi Địch có tài pha chế rượu rất ngon, ông đem rượu phụng
hiến lên vua Võ Đế. Nhà vua dùng thử, thấy hương vị của rượu rất đậm đà, ngấm vào
cơ thể tạo ra cảm giác ngất ngây.
Vua biết rằng
nếu để nhân gian uống rượu này sẽ gây hậu quả vô cùng tai hại, thậm chí có thể
đến cảnh nước mất nhà tan. Từ đó, chẳng những ngài cấm không cho nấu và pha chế
rượu; riêng đối với Nghi Địch, ngài còn xa lánh dần dần và chính bản thân nhà
vua cũng hết sức tự khiển trách về việc uống rượu.
Trong lịch sử
Trung Hoa, vua Võ Đế nhà Hạ thật là một bậc minh quân, minh trí. Chính thiện cử
này là một trong những nguyên nhân tạo nên phong cách, cũng như tinh thần cao
quý của ngài. Nếu đương thời, sau khi uống rượu, Ngài cảm thấy ưa thích vị ngon
ngọt của rượu, rồi mải trầm mê trong những chén rượu ấy thì Ngài sẽ không bao
giờ được lịch sử suy tôn là một bậc minh quân như thế.
Vì người nấu
rượu và mua bán rượu gây ảnh hưởng xấu cho rất nhiều người, nên quyết không
phải đó là hành vi của một vị Bồ Tát. Vì thế, trong kinh này, dù chưa luận đến tội
lỗi của việc uống rượu, mà trước tiên, đã ngăn cấm việc nấu rượu cũng như bán
rượu.
* Thời kỳ chiến
tranh Hoa - Nhật:
Ở Hương Cảng có
một vị ưu bà di rất thâm tín pháp môn Tịnh Độ, và rất tôn kính ngài Liên Tông
Thập Tam Tổ Ấn Quang đại sư. Phật tử này viết thư thỉnh đại sư đến Hương Cảng
tỵ nạn.
Ngài biết gia
đình của Phật tử này đã nhiều đời sống với nghề nấu và pha chế rượu nên viết
thư phúc đáp rằng nếu muốn ngài đến Hương Cảng tỵ nạn thì phải từ bỏ nghề nấu
rượu. Theo đây, chúng ta thấy đối với giới này, Ấn Tổ xem trọng đến mức
nào.
Rượu sở dĩ bị
nghiêm cấm vì nó là tuyền nguyên sản sanh các tội lỗi. Trên thế gian, biết bao
người tạo không biết bao nhiêu tội lỗi, thậm chí phạm đến tội ngũ nghịch, thập
ác, đều là do sau khi uống rượu quá độ, sanh hôn mê mà tạo thành. Vì khi say
rượu thì lý trí bị mất hẳn. Chẳng những đối với những việc công đức pháp lành
cần phải làm, họ đã không chịu làm, mà chính những công đức pháp lành họ đã tạo
trước đây cũng bị mất hẳn, để rồi trọn ngày thân tâm điên đảo, không biết làm
việc gì.
Lại nữa, khi
uống rượu say thì không thể tự khống chế mình. Trong việc sinh hoạt hằng ngày
thì hoang phí, huy hoắc (tiêu tiền không nghĩ) vô độ, là cội gốc mọi sự gây gỗ
với người khác; là yếu môn sanh các thứ bịnh cho bản thân, tâm tánh cuồng loạn,
không biết hổ thẹn, không biết liêm sỉ. Đến nỗi, nhiều khi thoát hết cả y phục
trên thân, đi đứng xiêu vẹo, té lên té xuống, nằm vất vưởng đầu đường xó chợ,
bị người chê bai không đếm xỉa đến, tiếng xấu lan khắp mọi nơi.
Cuối cùng, với
các bậc chánh nhân quân tử ngày một xa dần, với bọn ác hữu, ác nhân ngày một
gần gũi. Để rồi ngày càng đi vào vực sâu tội ác không phương cách tự cứu!
Như thế, chúng
ta thử nghĩ tai hại của rượu lớn biết chừng nào! Chẳng những thế, còn có những
sự tình bất luận quan hệ với mình hay liên quan đến người, vốn nên giữ bí mật, nhưng
khi đã quá say, không kiềm chế được miệng, đem nói hết cho mọi người nghe. Nếu
vấn đề hay sự việc không đến nỗi quan trọng thì không nói chi; trái lại, giả
như đó là sự việc tối mật, thì họa hoạn vô cùng. Có nhiều kẻ sau khi uống rượu,
phát cuồng, nói bậy đến nỗi táng thân mất mạng, việc này rất thường thấy trong
xã hội.
Dù bạn là một
người biết tôn trọng lễ nghi đến độ nào, khi say rồi thì nội tâm mờ mịt, tôn ty
già trẻ không phân. Đối với cha mẹ đáng lẽ phải hiếu thuận cung kính, trở lại
đánh mắng. Đối với bậc trưởng thượng, lẽ ra phải tôn trọng, nhưng ngược lại làm
ô nhục, hủy báng các ngài.
Còn như bạn là
một Phật tử, xưa nay đối với Tam Bảo hết dạ chí thành, chí kính; nhưng một khi
uống rượu vào rồi hôn mê, vội đem Tam Bảo vất ra sau ót, lại cũng không biết thế
nào là cung kính Phật, Pháp, Tăng. Chẳng những thế khi chất độc của rượu ăn sâu
quá rồi, bạn không còn được là một người bình thường, mà đã trở thành một kẻ cuồng
si.
Những việc không
đáng nóng giận, bạn lại phát đại sân nộ một cách phi lý. Những việc vốn không
nên buồn rầu khóc lóc, bạn lại thương tâm khóc kể mãi không thôi. Những việc vốn
không nên nói nhiều, bạn lại lớn tiếng, cao giọng, nói bậy. Những người vốn
không nên đánh đập thì bạn lại xông tới đánh họ. Những hành động mất phong độ chánh
thường như vậy, không phải là điên cuồng thì là gì?
Khi đã như thế
thì những giới phẩm bạn cần phải nghiêm giữ, lại không thể giữ gìn đúng theo
pháp, nên tự nhiên bạn sẽ trở thành một tội nhân phạm giới trong Phật
pháp.
Giới phẩm đã
không giữ gìn, nội tâm lại tán loạn không thôi. Khi tưởng nhớ việc này, khi
nghĩ suy việc khác. Sinh hoạt theo lối si mê, tán loạn trong cảnh thiên hôn địa
ám, tự nhiên trí huệ sẽ mất hẳn, không thể biện biệt phải quấy, chánh tà.
Lại nữa người
uống rượu quá say, tất nhiên thân tâm phóng dật theo đuổi thú vui thinh sắc.
Lâu ngày thể xác dần suy, sắc thân mỗi ngày một bại hoại, cuối cùng chỉ còn da bọc
xương, không còn giống hình hài một con người nữa.
Tóm lại:
Rượu có những
đại quá hoạn như thế. Lớn thì tán thất huệ mạng; nhỏ thì tàn hại sắc thân, nên
Phật pháp không thể cho phép bán rượu hay nấu chế rượu.
Mua hay bán đều
gọi là “cô”. Nhưng chữ “cô” ở đây là chỉ về việc bán rượu. Bán rượu là việc đổi
chác, đem vốn cầu lời. Nếu nói về tinh thần kinh thương thế tục thì không có gì
đáng phải cấm ngăn, bàn luận. Nhưng đối với lập trường của Phật pháp, luận về
cầu đạo giải thoát thì không thể không phân tách sự lợi hại đối với việc này,
nên dù là Phật tử tại gia, đã thọ Bồ Tát giới, bạn cũng không được làm việc
buôn bán bất hợp luật nghi ấy.
Đức Phật dạy:
Nếu một Phật tử hành Bồ Tát đạo, dù tự cô tửu hay giáo nhân cô tửu đều trái với
luật nghi của Bồ Tát.
- Tự cô tửu là
chính mình làm nghề pha chế rượu bán để thu lợi sinh sống.
- Giáo nhân cô
tửu là mình mở tiệm, quán cho kẻ khác bán rượu.
Nếu số lời thu
được thuộc về phần mình thì đồng với tự mình bán rượu không khác, nên phạm căn
bổn trọng tội. Nếu số lời thu hoạch được thuộc về phần người đứng bán, theo sự
lý giải của kinh, có chỗ cho là kết thành tội khinh cấu, có chỗ lại cho rằng
thuộc về căn bổn trọng tội.
Tại sao vậy? Vì
tiền lời tuy thuộc về người khác, nhưng chính bạn dạy người bán rượu, cho nên
mới khiến có người mua rượu về uống, gây tổn hại thân thể họ, tán thất huệ mạng
của họ. Vì vậy, tự bán hay bảo người bán không có gì khác nhau. Đây là những
tác hại nhắm vào việc làm cho tâm chúng sanh bị điên đảo, chứ không chỉ đơn
thuần nhắm vào phương tiện kiếm lời mà thôi. Nghĩa là chủ yếu làm cho chúng
sanh bị hôn mê, điên đảo thì không luận là đích thân bạn hay bạn bảo người khác
bán rượu, tội ấy vẫn bằng nhau. Cho nên đều kết thành căn bổn trọng tội.
Do đó, một hành
giả Bồ Tát chân chánh, dù bất cứ nhân duyên nào đều không được bán rượu. Dù
trước kia bạn sống với nghề bán rượu, nhưng một khi đã phát tâm Bồ Đề, thọ Bồ
Tát giới, phải tức khắc đổi nghề. Nhất định không giữ mãi nghề bán rượu này để
tự hại mình và hại người.
Bán rượu kết
thành trọng tội đều do hội đủ bốn điều kiện giống như các giới trước: nhân,
duyên, pháp, nghiệp.
1. Cô tửu nhân
(nhân bán rượu): đầu tiên khởi một tâm niệm bán rượu để lấy lời nhiều gọi là
nhân bán rượu.
2. Cô tửu duyên
(duyên bán rượu): tâm niệm bán rượu này tương tục không gián đoạn, đưa đến việc
bán rượu.
3. Cô tửu pháp
(cách thức bán rượu): quá trình làm việc bán rượu có những hình thức mua vô,
bán ra một lít, hai lít, một xị, hai xị v.v... cùng các phương thức, tư cụ mua
bán gọi là cách thức bán rượu.
4. Cô tửu nghiệp
(nghiệp bán rượu): việc vận dụng tay mình bán rượu, đem rượu trao cho người mua
để hình thành việc bán rượu, gọi là nghiệp bán rượu.
Rượu có nhiều
loại như:
- Thiêu tửu
(rượu dùng để đốt như alcohol), loại này hàm chứa tinh chất của rượu rất nhiều
và trong suốt, không màu sắc.
- Hoàng tửu
là rượu có sắc vàng.
- Khúc tửu
là rượu ở trong chất men.
- Bồ đào
tửu là rượu làm bằng trái bồ đào.
-
- Quả tử
tửu là rượu làm bằng các thứ trái cây.
- Thảo mộc
tửu là rượu chế bằng các thứ cây cỏ.
- Mễ tửu là rượu
nấu bằng gạo, nếp v.v...
Bất luận là
thứ nào trong các thứ nói trên, không luận về nồng độ rượu mạnh hay yếu, chỉ
cần người uống bị hôn mê, đều không được bán. Cho nên kinh dạy: “Nhứt thiết tửu
bất đắc cô” (tất cả các thứ rượu đều không được bán).
Tại sao vậy?
Trong kinh
dạy tiếp rằng: “Rượu là nhân duyên sanh khởi các tội ác”. Cứ xem nhân loại hiện
nay trong xã hội, phân tranh gay gắt, phát sanh vô số đại quá hoạn, đa số đều
do uống rượu mà ra. Hàng Phật tử bất luận tại gia hay xuất gia, nhiều vị giới
hạnh không thanh tịnh cũng do nơi uống rượu mà hủy phạm giới cấm. Thậm chí đến
nỗi khuynh gia bại sản, tán quốc vong gia, tán thân mất mạng, đa số đều do uống
rượu gây nên.
Đại Trang Nghiêm
Luận có dạy: “Phật thuyết thân khẩu ý, tam nghiệp chi ác hạnh, duy tửu vi căn
bổn” (Phật dạy thân, khẩu, ý, ác hạnh của ba nghiệp chỉ do rượu làm gốc).