KINH PHẠM VÕNG BỒ TÁT GIỚI BỔN GIẢNG KÝ
Hán văn: Pháp sư Thích Diễn Bồi
Việt dịch: Hòa Thượng Thích Trí Minh
Chương
III: CHÁNH THUYẾT GIỚI TƯỚNG
(chánh thức thuyết giảng giới tướng)
B. BIỆT
THUYẾT GIỚI TƯỚNG
(thuyết giảng riêng biệt giới tướng)
B.2.2. BIỆT
THUYẾT KHINH GIỚI
(riêng giảng các giới khinh)
B.2.2.5. BẤT GIÁO HỐI TỘI GIỚI
(giới không dạy
sám hối tội lỗi)
Kinh văn:
1. Phiên
âm:
Từ câu “Nhược
Phật tử kiến nhất thiết chúng sanh phạm bát giới...” cho đến câu “...bất giáo
hối quá giả, phạm khinh cấu tội”.
2. Dịch
nghĩa:
Nếu Phật tử thấy
người phạm Ngũ Giới, Bát Giới, Thập Giới, phá giới hay phạm giới thất nghịch,
bát nạn v.v... tất cả tội phạm giới, phải khuyên bảo người ấy sám hối. Nếu cùng
ở chung, đồng sống chung, đồng chung bố-tát, đồng thuyết giới mà không cử tội
người ấy, không nhắc người ấy sám hối, Phật tử này phạm khinh cấu tội.
Lời giảng:
Trong mười
giới trọng ở phần trước, có giới “rao nói tội lỗi của tứ chúng”. Là một vị Bồ
Tát, không được tùy ý đi rao nói tội lỗi của tứ chúng. Việc không cho phép Bồ
Tát rao nói tội lỗi của tứ chúng là một việc rất đúng. Nhưng bên cạnh đó, cho
phép người tu học Phật pháp cử tội đồng đạo. Điều này cần phải biết. Vì nếu như
không cử tội người tu hành, để người ấy có thể theo đúng pháp, đúng luật sám
hối, thì Bồ Tát ấy phạm khinh cấu tội.
Vì các hành giả
khi phạm lỗi đôi lúc không tự mình biết được. Người đời thường nói: “Người
trong cuộc thì mê”. Vì Bồ Tát ở bên cạnh mình, nếu thấy rõ ràng, phải vì người
ấy chỉ lỗi của họ ra cho họ biết, từ đó, họ mới có thể theo đúng pháp sám hối
cho được thanh tịnh.
Nếu không vạch
rõ tội lỗi của chúng sanh và không bảo họ sám hối thì chẳng khác nào để mặc cho
chúng sanh ở mãi trong hố sâu tội lỗi, không thể tự cứu mình ra khỏi
được.
Là một vị Phật
tử, điều tối khẩn yếu là không nên gần gũi với tội lỗi. Nghĩa là thường không
tạo tội lỗi thì thân tâm mới được thanh tịnh và thường an trụ trong giới pháp
của Phật.
Bồ Tát vì chúng
sanh chỉ rõ tội lỗi, chẳng những không phải là điều tội lỗi, mà chính là làm
cho chánh pháp được cửu trụ. Đối với những người bị cử tội, không phải Bồ Tát
có ý đả kích mà thật là có tâm từ bi, ái hộ họ.
Vì nếu
không cử tội và không bảo họ sám hối thì tương lai họ phải lãnh thọ quả báo vô
cùng khổ đau. Vì thế, muốn thân tâm người ấy được thanh tịnh, tương lai người
ấy được xán lạn, nên Bồ Tát phải cử tội và khuyên bảo người ấy sám hối.
Về việc hộ
trì Phật pháp, vấn đề chánh pháp của Như Lai có được cửu trụ trong thế gian
không, không phải ở nơi chánh pháp, mà chính là do người phụng trì chánh pháp
có đúng luật hay không. Vì trên đời này, người hiểu rõ được chân nghĩa Phật
pháp rất hiếm, mà đa số chỉ căn cứ vào hành vi của các đệ tử Phật mà đánh giá
Phật pháp.
Nếu người Phật
tử hành đúng chánh pháp và thanh tịnh, sẽ làm gương cho chúng sanh bắt chước
theo để phụng hành Phật pháp. Nhưng ngược lại, nếu Phật tử chỉ làm những điều
tội lỗi thì mọi người sẽ xa lìa Phật pháp.
Vì thế, thân tâm
của toàn thể Phật tử cả xuất gia lẫn tại gia đều được thanh tịnh là một điều vô
cùng trọng yếu đối với bản thân mình cũng như đối với sự hóa độ chúng sanh của
Phật pháp. Do đó, một điểm thật nhỏ cũng không được xem thường.
Tuy nhiên, vì
chưa đạt đến địa vị thánh nhân nên không một ai tránh khỏi tội lỗi. Vấn đề cần
yếu là tự mình biết lỗi hay không, hoặc khi biết có lỗi, có chịu hết lòng cải
hối hay không và có thật tâm tiếp thọ sự cử tội của người hay không. Nếu chấp
nhận và thành tâm tiếp thọ sự cử tội của người, thì chính mình vẫn là một con
người hoàn hảo, và vẫn ở trong Phật pháp tiến tu.
Vì thế, việc cử
tội và khuyên bảo người sám hối là vấn đề hết sức cần thiết của những bậc sư
trưởng đối với đệ tử của mình. Cổ thư Trung Hoa nói: “Giáo bất nghiêm, sư chi
nọa”, nên làm thầy đối với đệ tử phải hết sức nghiêm khắc, tuyệt đối không nên
để cho đệ tử buông lung, và cũng không nên vị tình, dung túng, hoặc bỏ
qua.
Trong Phật pháp,
trường hợp có những người cần sám hối, nhất quyết bắt họ phải sám hối. Tại sao
phải nhất quyết như vậy?
Nơi đây xin
trích dẫn một câu chuyện trong kinh như sau:
Vào thời Phật Ca
Diếp xuất thế, có một vị tỳ kheo ở vào cương vị một tăng sư (Hòa Thượng, Yết
Ma, Giáo Thọ...) độ rất nhiều đệ tử. Nhưng đối với đệ tử ít khi lưu tâm răn
dạy.
Trong số các đệ
tử ấy, có một vị vì không hiểu rõ sự trì phạm của giới luật, nên không theo
đúng pháp mà nghiêm trì cấm giới. Do đó, vị này sau khi mạng chung bị đọa vào
trong loài Rồng.
Người đời không
biết nên cho Rồng là loài rất quý, nhưng thực ra, Rồng cũng là một loài súc
sanh. Cũng như nhân loại, có người rất sung sướng tự tại, có người lại bị tội
khổ. Người đệ tử thọ thân Rồng kia cứ bảy ngày thọ tội một lần. Toàn thân bị
lửa dữ thiêu đốt đến nỗi da thịt, thân hình cháy hết, chỉ còn xương, tưởng có
thể phải chết hẳn. Nhưng do nhân duyên và nghiệp lực, trải qua chốc lát sau,
sống trở lại để tiếp tục thọ khổ.
Trải qua một
thời gian thật lâu, Rồng không thể chịu nổi sự thống khổ, liền suy nghĩ tại sao
mình phải bị sự khổ như thế này? Vì loài Rồng có báo đắc Ngũ Thông.
Ngũ Thông có hai
thứ:
1. Báo đắc ngũ
thông: như loài Rồng hay quỷ thần v.v... là khi vừa mang ngũ báo thân liền có
ngũ thông.
2. Tu đắc ngũ
thông: loại thần thông này do tu hành mà chứng đắc.
Rồng liền dùng
Túc Mạng Thông quán sát biết được trong thời quá khứ, mình là một người tu học
Phật pháp, nhưng vì thầy không răn dạy kỹ lưỡng nên tạo tội nghiệp rất nhiều.
Do tội nghiệp này chiêu cảm phải thọ thống khổ ngày nay. Khi quán biết như thế,
Rồng vô cùng tức giận vị thầy thời quá khứ của mình, vì cho rằng sự thống khổ
ngày nay của mình là do thầy mình gây nên, bèm tìm cách trả thù thầy cũ.
Trải qua không
lâu, một hôm có một đoàn thương nhân năm trăm người, vào bể cả tìm châu báu,
trong đó vị thầy của Rồng ở kiếp tiền thân xưa kia. Rồng liền từ đáy biển nổi
lên, khiến chiếc thuyền nhiều lúc tưởng chừng sắp bị đắm.
Tất cả thương
nhân trên thuyền vô cùng sợ hãi, trong đó có một người bạo dạn, can đảm đứng ra
hỏi Rồng rằng: “Chúng tôi đây cùng nhà ngươi hoàn toàn không có thù oán, tại
sao ngươi lại nổi sóng gió, giữ thuyền lại không cho đi?
Rồng đáp rằng: -
Tôi cùng các ông không thù oán chi thật, nhưng trong thuyền có một vị tỳ kheo,
vị này chính là thầy của tôi thời quá khứ. Khi tôi ở dưới pháp tòa của người tu
học Phật pháp, vì người không chịu lưu tâm răn dạy, dẫn dắt cho tôi chu đáo,
nên tôi không rõ giới luật mới tạo nhiều tội lỗi tày trời. Do đó, sau khi xả
thân, phải cảm thọ thân rồng hiện tại, bị khổ thiêu đốt. Nghĩ đến, tôi càng tức
giận nên quyết đến đây bắt thầy tôi để hỏi lý do chi không chịu đúng pháp dạy
bảo cho tôi. Giờ đây, tôi chỉ yêu cầu các ông thả vị tỳ kheo ấy xuống biển, tôi
sẽ để cho thuyền các ông an nhiên mà đi, tánh mạng các ông sẽ được an
toàn.
Vị tỳ kheo nghe
những lời nói của Rồng, biết các thương nhân trong thuyền sẽ không dung tha cho
mình, nên tự động nhảy vào biển cả, kết thúc sinh mạng của mình.
Qua câu chuyện
trên, chúng ta thấy muốn độ đồ chúng phải đúng pháp răn dạy một cách nghiêm
minh. Nếu không, chẳng những gây nguy hại cho đệ tử, mà tự mình cũng hoàn toàn
bất lợi.
Đức Phật đối với
đại chúng lại dạy thêm rằng: “Nếu là một vị Phật tử thọ Bồ Tát giới, khi thấy
tất cả chúng sanh bất luận là tại gia, xuất gia, bất luận là tu học Đại Thừa
hay Tiểu Thừa, cho đến tất cả những chúng sanh thọ trì giới pháp của Phật, nếu
họ trái phạm bát giới, ngũ giới, thập giới, hủy cấm thất nghịch, bát nạn... tất
cả tội phạm giới, đều phải khuyên bảo sám hối”.
Bát giới tức là
Bát Quan Trai Giới, Bát Chi Trai Pháp... như trong Thành Thật Luận và Trí Độ
Luận thuyết minh như sau:
1. Không sát
sanh.
2. Không trộm
cắp.
3. Không dâm
dục.
4. Không vọng
ngữ.
5. Không uống
rượu.
6. Không xoa dầu
thơm trên thân và đeo tràng hoa.
7. Tự mình không
được ca múa, cũng không được nghe, xem người ca múa.
8. Không được
ngồi hay nằm trên giường nệm cao rộng.
9. Quá giờ Ngọ
không được ăn.
Trong chín
pháp này, tám pháp trước là thuộc về Giới, pháp thứ chín gồm cả Trai và Giới.
Hợp tám giới trước và trai giới thứ chín ở phía sau, gọi chung là Bát Trai
Giới.
Tại sao gọi là
Quan?
Chữ Quan nghĩa
là đóng bít, là ngăn cấm. Nghĩa là tám thứ kể trên có công năng ngăn cấm các
tội lỗi: sát sanh, trộm cắp v.v... không cho phát sanh và đóng bít cửa ngõ đọa
vào tam đồ ác đạo, nên gọi là Bát Quan Trai Giới.
Giới pháp này cả
hai chúng nam, nữ tại gia bẩm thọ trong một ngày, một đêm, để học tập theo sinh
hoạt chủ yếu của chúng xuất gia.
1. Ngũ Giới:
không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu.
Năm giới này là giới của hai chúng tại gia bẩm thọ suốt đời để học tập đức
hạnh, nhân cách cần phải có của một người cho được toàn thiện, toàn mỹ.
2. Thập Giới:
Bát Quan Trai Giới thêm giới thứ 10. Giới này không cho cầm nắm sanh tượng, kim
ngân. Đây là giới pháp của sa di, sa di ni bẩm thọ, có chỗ nói 10 giới là chỉ
mười giới trọng trong kinh này, cũng không phải không đúng.
3. Hủy cấm (bổn
Việt văn dịch là phạm giới): danh từ này có hai lối giải thích:
- Hủy cấm chỉ
chung các giới đã nói ở trên, nếu phạm bất cứ giới nào trong số các giới này
đều gọi là “hủy cấm”. Vì các giới này do chính Đức Phật đã vì các Phật tử mà
cấm chế.
- Hủy cấm là
chuyên chỉ 250 giới của tỳ kheo và 348 giới của tỳ kheo ni. Vì giới tỳ kheo là
giới cấm của đức Như Lai chế lập, nếu người phát tâm thọ giới này mà không giữ
gìn trọn vẹn, hoặc trì giới mà không tụng giới là trái với thánh ngôn của chư
Phật. Không thực hiện những điều cấm chế của Đức Phật nên gọi là “hủy
cấm”.
4. Thất
nghịch:
- Giết
cha.
- Giết mẹ.
- Giết Hòa
Thượng,
- Giết A-xà-lê.
- Phá Yết-ma
chuyển pháp luân tăng.
- Ác tâm làm
thân Phật xuất huyết.
- Giết A-la-hán.
Bảy tội nghịch
này so với tội ngũ nghịch trong các kinh thường giống nhau, chỉ thêm hai thứ là
giết Hòa Thượng và A Xà Lê.
Phật là bậc đại
oai đức, không người nào thể giết hại được. Cho nên khi Phật còn tại thế, chúng
sanh nào muốn mưu hại Phật thì mức tối đa chỉ có thể làm cho thân Phật chảy
chút máu, chứ tuyệt đối không thể nào làm thương hại sinh mạng của Phật
được.
Khi Phật đã nhập
diệt, chúng sanh có thể tạo tội nghịch này được hay không?
Có thể được!
Chẳng hạn bán hình tượng Phật, hoặc bán kinh luật Phật, cũng có thể nói đây là
hình thức làm thân Phật xuất huyết.
A La Hán là bậc
Ứng Cúng trong thế gian, nghĩa là ưng thọ sự cúng dường của người thế gian, để
làm phước điền cho chúng sanh.
Nếu không có A
La Hán ở thế gian, chúng sanh có tạo tội nghịch này được không?
Được! Đó chính
là giết tỳ kheo tăng, A La Hán là thánh nhân của quả vị tỳ kheo tăng. Tỳ kheo
là người tu nhân hạnh A La Hán. Thế nên giết tỳ kheo là đồng với tội giết A La
Hán.
5. Bát
nạn:
- Địa
ngục.
- Ngạ quỷ.
- Súc
sanh.
- Sanh trước
Phật hoặc sau Phật.
- Các căn không
đủ.
- Thế trí biện
thông.
- Miệt Lệ
Xa.
- Sanh lên
Trường Thọ Thiên.
Trường Thọ Thiên
là cõi trời Vô Tưởng ở Sắc Giới và chư thiên cõi Vô Sắc. Cũng có chỗ nói là chư
thiên cõi Dục thường bị sự dục lạc làm cho tâm trí tán loạn, không thể tu học
Phật pháp, cũng bao gồm trong đây:
Vì chư thiên ở
cõi Vô Sắc Giới và chư thiên Dục Giới chỉ là thuộc về loài dị sanh nên mới sanh
lên các cõi trời ấy. Dị Sanh là danh từ khác của Phàm Phu. Chúng sanh nào bị
sanh vào trong bát nạn xứ ấy thì không rảnh rỗi để tu học Phật pháp. Vô là
không, Hạ là nhàn hạ, rỗi rảnh. Tức là không rảnh rỗi để tu học Phật
pháp.
Trong bộ Huyền
Ký Âm Nghĩa, quyển hai mươi mốt nói: “Bát Vô Hạ là chỉ những chúng sanh bị sanh
vào trong tám nạn xứ, không rảnh rỗi để tu tập thiện nghiệp và đạo pháp giải
thoát xuất thế của Như Lai”.
Nhưng trong tám
nạn xứ ấy, sự không rảnh rỗi tu học Phật pháp chia làm hai loại:
- Quá sung sướng
nên không thể tu học Phật pháp, như cõi trời Vô Tưởng và các cõi trời khác cùng
với nhân loại ở Bắc Câu Lưu Châu.
- Quá đau khổ
không thể rảnh rỗi để tu học Phật pháp, như tội nhân trong địa ngục luôn bị
hình phạt, làm ngạ quỷ bị lửa đói khát thiêu đốt, trải qua trăm ngàn năm không
có thức ăn uống, hoặc súc sanh luôn bị sự sợ hãi ăn nuốt lẫn nhau, không thể
rảnh rỗi để tu học Phật pháp.
* Miệt Lệ Xa:
chỗ biên địa, văn hóa lạc hậu và những nơi không có hàng tứ chúng của Phật giáo
đi đến. Trong kinh thường chỉ cho Bắc Câu Lưu Châu.
* Thế trí biện
thông: chỉ hạng người tri kiến không chính đáng, tư tưởng lầm loạn, phủ nhận
luật nhân quả, đối với ngôi Tam Bảo không có tín tâm.
* Các căn không
đủ: những khiếm khuyết của các bộ phận trên thân thể, những người như vậy không
có đủ điều kiện để đúng như pháp mà tu học Phật pháp như:
- Bộ phận sinh
lý khuyết hãm.
- Đôi mắt không
thấy rõ.
- Tai
điếc.
- Tâm tánh si
cuồng.
- Các chi tiết
trên thân không vẹn toàn (như mắt lé, môi sứt...)
* Sanh trước
Phật hoặc sau Phật: như trong đời hiện tại của nhân loại, không có đấng Đại
Giác xuất thế để độ sanh. Vì thế, muốn tu học Phật pháp không biết từ đâu để tu
học.
6. Tam ác đạo:
Ba nạn xứ, chúng sanh ở trong đây lại càng không có cơ hội để tu học Phật
pháp.
Tóm lại:
Tám thứ nạn xứ
trên đây thực sự không phải là nó có đại nạn gì, nhưng nếu chúng sanh bị sa vào
trong những cảnh ấy thì không có thời gian rảnh rỗi để tu hạnh xuất thế giải
thoát của Phật pháp; cho nên gọi rằng “nạn xứ”.
Do đó, dưới nhãn
quan của Phật pháp, chúng sanh có nạn hay không nạn, không phải căn cứ ở địa vị
của chúng sanh ấy, mà căn cứ vào điều kiện có nhân duyên tu học Phật pháp hay
không.