KINH PHẠM VÕNG BỒ TÁT GIỚI BỔN GIẢNG KÝ
Hán văn: Pháp sư Thích Diễn Bồi
Việt dịch: Hòa Thượng Thích Trí Minh
Chương
III: CHÁNH THUYẾT GIỚI TƯỚNG
(chánh thức thuyết giảng giới tướng)
B. BIỆT
THUYẾT GIỚI TƯỚNG
(thuyết giảng riêng biệt giới tướng)
B.2.2. BIỆT
THUYẾT KHINH GIỚI
(riêng giảng các giới khinh)
B.2.2.8. BỘI ĐẠI HƯỚNG TIỂU GIỚI
(giới bỏ Đại
Thừa theo Tiểu Thừa)
Kinh văn:
1. Phiên
âm:
Từ câu “nhược
Phật tử tâm bội Đại Thừa thường trụ kinh luật” cho đến câu “...phạm khinh cấu
tội”.
2. Dịch
nghĩa:
Nếu Phật tử có
quan niệm sai lầm, bỏ kinh luật Đại Thừa thường trụ, cho rằng không phải của
Phật nói, mà đi thọ trì kinh luật tà kiến và tất cả cấm giới của Thanh Văn, Nhị
Thừa cùng ngoại đạo ác kiến. Phật tử này phạm khinh cấu tội.
Lời
giảng:
Nghe có chỗ nói
pháp, phát tâm thành kính sốt sắng đi nghe, không một niệm kiêu mạn. Nhưng giáo
pháp gồm có Đại Thừa và Tiểu Thừa. Đối với Bồ Tát, dù là pháp Đại Thừa hay Tiểu
Thừa đều cần phải tuân thủ bẩm thọ, không được thiếu sót. Nhất là giới pháp Đại
Thừa tích cực lợi ích chúng sanh, là đại pháp mà Bồ Tát cần phải tận lực tuân
hành,
Nếu trong
lúc nghe học giáo pháp, cần phải thú hướng Đại Thừa mà không thú hướng, lại
trái bỏ; cần phải trái bỏ pháp Tiểu Thừa mà không trái bỏ, lại còn thú hướng,
thì hoàn toàn không có tư cách của một vị Bồ Tát. Vì muốn phòng ngừa hành giả
có khuynh hướng như vậy, Đức Phật đặc biệt chế định điều giới này để cho hành
giả trong Đại Thừa đều nhất tâm, nhất ý chuyên học tập Đại Thừa, không nên có
khuynh hướng theo Tiểu Thừa.
Giới trọng cuối
cùng thứ mười là “giới hủy báng Tam Bảo” và “giới bỏ Đại Thừa hướng theo Tiểu
Thừa” này khác nhau như thế nào?
Giới hủy báng
Tam Bảo là đối với tất cả giới pháp Đại Thừa lẫn Tiểu Thừa đều cực lực hủy
báng.
Bỏ giới Đại Thừa
hướng theo Tiểu Thừa này là chấp Tiểu Thừa, chê bai Đại Thừa, chỉ hủy báng giáo
pháp Đại Thừa, trong khi đối với giáo pháp Tiểu Thừa lại hết lòng tín thọ,
phụng hành, vọng chấp cho là Tiểu Thừa là chân Phật pháp.
Như thế, dù
không phá hoại toàn thể Phật pháp, nhưng trái với bổn hạnh của người Phật tử đã
phát đại Bồ Đề tâm. Không thể khế hợp với tinh thần sẵn có của Bồ Tát.
Tại sao vậy? Vì
Bồ Tát cần phải từ bỏ Nhị Thừa, thọ trì pháp chân thật Đại Thừa, mới đúng tư
cách của Bồ Tát. Nếu làm trái lại, tức là trái bỏ Đại Thừa mà xu hướng theo
Tiểu Thừa là trái ngược với đạo lý, cho nên Đức Phật vì chư Bồ Tát mà chế định
giới này.
Bồ Tát cần phải
có chí hướng cầu vô thượng Bồ Đề, phải dùng tinh thần tích cực, thực tiễn pháp
Đại Thừa, bi trí song vận, thực hành tự lợi, lợi tha. Nếu không như thế, mà
trái lại, đi học tập pháp Tiểu Thừa và tà kiến của ngoại đạo. Tội này còn nặng
hơn đại tội thất nghịch. Vì vậy, điều này quyết không thể tùy tiện.
Trong kinh Đại
Bát Nhã, phẩm Giới, có nói: “Nếu Bồ Tát trải qua hằng hà sa số kiếp thú hướng
thú vui ngũ dục thượng diệu, vẫn không gọi là phạm giới Bồ Tát. Nhưng nếu khởi
một tâm niệm Nhị Thừa tức là phạm giới”.
Chúng ta thấy
vấn đề này hết sức nghiêm trọng. Vì thế, trong kinh Niết Bàn nói: “Bồ Tát sợ
đạo pháp Nhị Thừa như người yêu tiếc thân mạng, sợ việc phải xả thân”. Do đó,
hành giả Bồ Tát chân chính phải từng giờ, từng phút hết sức đề phòng việc trái
bỏ Đại Thừa, xu hướng Tiểu Thừa này. Đừng để cho mình đi lầm vào con đường Nhị
Thừa. Vì chỉ hơi sơ ý một chút là có thể lầm bỏ Đại Thừa mà xu hướng Tiểu Thừa.
Như thế là trái nghịch với Bồ Tát đạo, mất hẳn tư cách Bồ Tát, không có hy vọng
được thành Phật.
Sở dĩ Đức Phật
xem việc này trọng yếu như vậy, chính vì Bồ Tát phát Bồ Đề tâm là một việc rất
hiếm có và khó được. Vì thế, Đức Phật cần phải từ bi, ái hộ Bồ Tát.
Trong Đại Trí Độ
Luận của tổ Long Thọ đối với việc này cũng nhấn mạnh rằng: “Ninh khởi ác lại dã
can tâm, bất sanh Thanh Văn, Bích Chi Phật ý” (thà khởi tâm ác lại, dã can,
đừng sanh ý Thanh Văn, Bích Chi Phật).
“Ác lại” là thứ
bịnh rất nguy hiểm như bệnh hủi. “Dã can” là con chồn rừng, dùng ám chỉ các ác
niệm trong tâm. Ý nói rằng thà trong thân sanh bịnh nguy hiểm như bịnh hủi,
hoặc nội tâm sanh khởi ác niệm như dã can, nhưng không được sanh khởi một niệm
Nhị Thừa.
Tại sao ở đây
dùng con chồn rừng dụ cho ác tâm, mà không dùng các loại thú khác như chó sói,
cọp, sư tử v.v...?
Căn cứ theo Luật
Ngũ Phần cùng với Pháp Uyển Châu Lâm thuyết minh như sau:
Xưa có một người
vào trong thâm sơn để chuyên đọc tụng sách Sát Lợi (Sát Đế Lợi là giòng vua
chúa, một trong bốn chủng tộc Ấn Độ ngày xưa. Sách Sát Lợi là những bộ sách
chuyên nói về việc giáo hóa cai trị nhân dân của giòng Sát Đế Lợi).
Khi ấy, có một
con chồn rừng đến bên người ấy, thành kính chuyên tâm nghe đọc tụng sách Sát
Lợi. Chồn nghe và thông hiểu, mới tự nghĩ rằng: “Mình đã thông hiểu sách này
thì đủ khả năng làm vua trong các thú”. Chồn ta đi dạo khắp núi rừng, trước
tiên gặp một con chồn đồng ốm yếu, bèn hách dịch ra oai, khiến chồn đồng phải
phục tùng. Dần dà, chồn ta hàng phục được các chồn khác, sau đó, cả đến cọp và
cuối cùng hàng phục được luôn sư tử. Thế là chồn rừng nghiễm nhiên là vua trong
các thú.
Được thế rồi,
chồn rừng lại nghĩ: “Ta là vị đế vương trong các thú, cần phải kết hôn với công
chúa của quốc vương mới được”. Thế là chồn ta ngồi trên lưng một con bạch tượng
và thống lãnh vô số thú rừng, kéo đến bao vây thành Ca Tỳ La Vệ, khiến quốc
vương vô cùng sợ hãi.
Có một quan đại
thần hữu trí tâu với vua rằng: “Xin thánh thượng hãy an tâm, thần có một kế làm
cho thú rừng ấy bị đánh bại. Ngày giao chiến với con thú rừng ấy, thánh thượng
nên đặt điều kiện với nó rằng: ‘Trong khi giao chiến, sư tử phải chiến đấu
trước, sau đó mới được gầm thét’. Chồn rừng kia chắc chắn sẽ nghĩ rằng chúng ta
sợ sư tử gầm thét, nên thế nào nó cũng hạ lệnh cho sư tử rống trước, sau đó mới
chiến đấu”.
Đến ngày
giao chiến, quả nhiên chồn rừng hạ lệnh cho sư tử gầm thét trước. Khi sư tử vừa
thét lên một tiếng, chồn rừng vừa nghe liền bị vỡ tim, từ trên lưng bạch tượng
nhào xuống đất mà chết. Cả đàn thú đồng rong chạy vào rừng.
Trong kinh Hoa
Nghiêm có bài kệ:
Ninh tại chư ác
thú,
Hằng đắc văn
Phật danh.
Bất dục sanh
thiện đạo,
Tạm thời bất văn
Phật.
Dịch:
Thà đọa trong ác
thú,
Thường được nghe
danh Phật.
Không muốn sanh
vào cảnh an vui,
Tạm thời không
được nghe Phật hiệu.
Nên biết dù đọa
vào tam ác đạo mà được nghe danh hiệu Phật còn mong có ngày ra khỏi và có thể
phát Bồ Đề tâm, viên thành Phật đạo. Nhưng nếu khởi một tâm niệm Nhị Thừa,
hướng về con đường giải thoát của Niết Bàn mà tiến tu thì chỉ có thể vào cảnh
giới tịch diệt Khôi Thân Diệt Trí (nghĩa là thánh nhân trong hàng Nhị Thừa, sau
khi đã đoạn hết phiền não trong tam giới, nhập Hỏa Quang Tam Muội, tiêu diệt
thân tâm trở về cảnh giới Niết Bàn không tịch vô vi. Đây là mục đích cuối cùng
của bậc tu hành trong Nhị Thừa).
Theo lý Chơn
Thường của Đại Thừa thì dù rằng hàng Nhị Thừa khi chứng nhập cảnh Niết Bàn tịch
diệt, nhưng cũng có những vị ở mãi trong Niết Bàn, không chịu bỏ Tiểu Thừa
hướng về Đại Thừa, nên không được thành Phật. Như vậy, không khế hợp với tôn
chỉ của Đại Thừa là “tất cả chúng sanh đều sẽ được thành Phật”.
Đức Phật dạy đại
chúng rằng: “Nếu là một Phật tử thọ giới Bồ Tát, là một hành giả Đại Thừa chân
chánh, đáng lý tâm của người ấy phải mỗi mỗi niệm đều an trụ nơi Đại Thừa,
nhưng người ấy chẳng những không an trụ nơi Đại Thừa, mà trái lại, còn có quan
niệm từ bỏ kinh luật Đại Thừa thường trụ”.
Đối với ý nghĩa
thậm thâm của kinh luật Đại Thừa, không sanh khởi tín tâm thâm thiết, lại còn
hư vọng cho Đại Thừa là “chẳng phải Phật nói”.
Về quan niệm
thuyết Đại Thừa chẳng phải Phật nói này do các học giả Tiểu Thừa nêu ra. Chẳng
những ở Ấn Độ, lúc thuyết Đại Thừa mới được công khai lưu hành, mà chính trong
Phật giáo Nam tông hiện tại, cũng vẫn nhất quyết không thừa nhận Đại Thừa do
chính Đức Phật nói, còn hư vọng cho là do Thiên Ma nói, hay là thuộc về Bà La
Môn giáo. Do vì chư vị ấy chỉ thấy biết đạo lý pháp Tiểu Thừa, trong đó chỉ
giảng giải về vô thường, khổ, không, vô ngã, chứ không giảng đến sự hư vọng A
Lại Da (thức thứ tám trong tám thức); cũng không giảng đến Phật tánh thường
trụ. Do vậy, khi bỗng nhiên nghe về đạo lý tâm tánh thanh tịnh, Phật tánh
thường trụ thì tự nhiên cho Đại Thừa không phải do Phật nói. Do đó, không chịu
tín thọ.
Sự kiện này làm
cho sự phát triển của Phật giáo Đại Thừa vô cùng bất lợi. Vì vậy, trong các
kinh điển Đại Thừa thuyết minh rất nhiều lần:
- Tiểu Thừa chỉ
là thuyết phương tiện của Đức Phật.
- Đại Thừa mới
chính là thuyết chân thật của Phật giáo. Và duy chỉ có Đại Thừa mới là thuyết
cứu cánh của Phật pháp, giúp cho tất cả hành giả trong Phật pháp đối với Đại
Thừa phát sanh tín tâm vững chắc. Kỳ thật, không phải Phật giáo Đại Thừa đột
nhiên mới xuất hiện, mà thực sự đã có và phát triển từ lâu trong Phật giáo
nguyên thủy. Hiện nay, vì muốn nắm vững tinh thần giới pháp của Đức Phật, nên
mới có phong trào chấn hưng Đại Thừa Phật giáo như vậy.
Tất cả việc làm
của Đức Phật trên thế gian này đều vì mục đích cứu độ toàn thể chúng sanh nói
chung và nhân loại trong thế giới hiện tại nói riêng. Do đó, là một Phật tử,
chúng ta phải noi theo việc làm cao cả của đức Phật Đà, để được thành Phật như
ngài.
Muốn đạt đến mục
tiêu tối thượng như Phật, phải thực hành hạnh “thượng cầu hạ hóa” như Phật. Vì
thế, hành giả Bồ Tát phải tận lực thực hành điều này, để tạo thành nét đặc thù
thật đặc sắc cho Phật giáo Đại Thừa.
Các học giả bên
Thanh Văn thừa có quan niệm thật bảo thủ. Đối với sự tín ngưỡng mang tính chất
hình thức, họ tự cho là đầy đủ, rồi công khai tuyên bố: Đại Thừa không phải do
Phật nói. Họ lại tự xưng là Phật giáo nguyên thủy, và khăng khăng cho rằng chỉ
có chỗ tín ngưỡng của mình cho Phật nói. Đường lối lý luận đả kích và lối tín
ngưỡng mơ hồ này dẫn Phật giáo vào con đường tối tăm.
Vì thế, Ấn Thuận
luật sư nói: “Theo chỗ kiến giải của tôi phán định, Phật giáo hay không phải
Phật giáo, hoàn toàn không giống như kiến giải trong tâm mục của các ngài. Khi
Phật còn tại thế, mỗi câu, mỗi chữ chính từ trong kim khẩu của Ngài nói ra thì
có thể tin. Những gì Phật không nói, đó là sản phẩm huyễn tướng của người đời
sau, không thể tín ngưỡng”.
Đây thật là một
vấn đề vô cùng phức tạp. Nếu quan niệm theo tiêu chuẩn thủ xả: Phật nói mới
đúng, Phật không nói thì không đúng, cũng vẫn không thể thích dụng. Cần phải
cực lực cải chính từ trong căn bản. Nếu không như vậy, không một phương pháp
nào có thể bình luận, phán đoán vấn đề này cho chính xác được. Lời của Ấn Thuận
Luật Sư bên trên đúng là một lời khai thị rất có giá trị và đáng được xem
trọng.
Thế nào là Phật
pháp?
Theo tôi (Pháp
Sư) nếu cho là chư Phật trong mười phương không có thuyết pháp; điều này có thể
không cần luận bàn đến. Tuy nhiên, trên thế giới chúng ta đang sống hiện tại,
được biết Phật, biết pháp là từ nơi chính đức Phật Thích Ca, điều này không thể
nghi ngờ.
Ngài đã thổ lộ
qua ngôn ngữ, biểu hiện trong hành vi. Ngài còn có thánh cảnh tự giác của Ngài.
Đây là sự đại dụng của ba nghiệp ý địa, ngôn thuyết, và thân tâm, xuất hiện
trong nhận thức của con người. Đây cũng là căn nguyên của Phật pháp trong thế
gian.
Nhưng thật bất
hạnh thay! Vì sự xem trọng vấn đề “khẩu khẩu tương truyền” của Ấn Độ mà Phật
pháp đã sớm bị ngộ nhận là “những gì Phật nói” để rồi Phật pháp hoàn toàn không
đồng với “Phật nói”. Phật pháp bị ngộ nhận là “Phật nói” thì đó là một đại bất
hạnh cho Phật pháp!
Chẳng những hành
giả thuộc Phật giáo Nam Tông ngộ nhận như vậy, mà hành giả trong Phật giáo Bắc
Tông bên Trung Hoa từ trước đến nay không phải đều đã giảng như thế hay
sao?!
Nhưng sự thật,
các kinh điển Đại Thừa hiện còn, nếu khảo cứu một cách chính xác, thì những
điều Phật thân tuyên từ chính kim khẩu của Ngài quả thật rất hiếm, rất
hiếm!
Những kinh điển
Đại Thừa thường trụ bị cho là không phải Phật nói, bao gồm những kinh gì?
Đó là cả một hệ
thống kinh luật chân thường duy tâm như kinh:
- Đại Phương
Đẳng Như Lai Tạng.
- Kinh Bất Tăng
Bất Giảm.
- Kinh Vô Thượng
Y.
- Kinh Đại Pháp
Cổ.
- Kinh Đại Niết
Bàn.
- Kinh Thắng
Man,
- Kinh Lăng Già
v.v...
Kinh Phạm Võng
cũng thuộc về loại thường trụ Phật điển.
Tư tưởng kinh
luật của hệ thống Chân Thường Duy Tâm là khai thị, chỉ rõ chân tánh thường trụ,
bất sanh, bất diệt, gọi là Như Lai tạng, Như Lai giới, Như Lai tánh, Phật tánh
v.v... Nếu nói cùng với tâm tánh bản tịnh hợp nhất thì có thể gọi là Viên Giác,
Bổn Giác, Chân Tâm Thường Trụ...
Nó là thường
trụ, chẳng phải vô thường. Đầy đủ hằng hà sa công đức, không thiếu sót một mảy
may. Vì thế tư tưởng của kinh luật ấy phải đạt đến thường trụ Phật trí, Bồ Đề
bổn hữu, là Thật Tướng thường trụ, Phật tánh diệu giới, là thầy của chư Phật và
mẹ của chư Bồ Tát.
Hệ thống kinh
luật chân thường lấy thường trụ chân tâm làm căn bản. Bất cứ dùng danh từ chi
để thuyết minh, nó đều được nhận là “thánh phàm nhứt như, nhiễm tịnh bất
nhị”.
Nó là người tạo
nghiệp thọ khổ, thọ vui trong sanh tử. Dù ở trong ngũ uẩn, thập nhị xứ, thập
bát giới, bị tam độc làm ô nhiễm, nhưng vẫn là thường trụ, chu biến, thanh
tịnh, chân thật, như tính chất vàng ở trong mỏ vàng, ngọc ma-ni ở trong vật ô
uế.
Nó là pháp chí
thiện, diệu minh ở trong Ngũ Ấm, thập nhị xứ, thập bát giới (tức ở trong thân của
hữu tình), là Chân Ngã, không tức Ngũ Uẩn, không ly Ngũ Uẩn. Nếu căn cứ vào lời
Như Lai dạy cùng với nó tương ứng không ngăn ngại thì hằng sa công đức thanh
tịnh đều sẵn đủ trong tự tánh. Nếu cùng với nó không tương ứng lại xa lìa, tức
gọi là khách trần phiền não.
Hai thuyết nói
trên trong kinh Bất Tăng Bất Giảm nói: “Đức là cội gốc của tất cả các pháp, đầy
đủ tất cả pháp, ở trong pháp xuất thế, không xa lìa tất cả pháp chân thật, giữ
gìn tất cả các pháp, thu nhiếp tất cả các pháp”.
Kinh luật Đại
Thừa như thế, chẳng những Thích Ca Mâu Ni Phật nói như thế, thực hành như thế;
mà tất cả chư Phật ở mười phương, trong ba đời đều nói như thế, thực hành như
thế... Chỗ nói, chỗ thực hành của Phật trước sau đều như vậy, không mảy may
thay đổi. Cho nên gọi là “kinh luật thường trụ”.