KINH PHẠM VÕNG BỒ TÁT GIỚI BỔN GIẢNG KÝ
Hán văn: Pháp sư Thích Diễn Bồi
Việt dịch: Hòa Thượng Thích Trí Minh
Chương
III: CHÁNH THUYẾT GIỚI TƯỚNG
(chánh thức thuyết giảng giới tướng)
B. BIỆT
THUYẾT GIỚI TƯỚNG
(thuyết giảng riêng biệt giới tướng)
B.2.2. BIỆT
THUYẾT KHINH GIỚI
(riêng giảng các giới khinh)
B.2.2.10. SÚC SÁT SANH CỤ GIỚI
(giới chứa khí
cụ sát sanh)
Kinh
văn:
1. Phiên
âm:
Từ câu “Nhược Phật tử bất đắc súc nhất thiết đao trượng...” cho đến câu “...phạm khinh cấu tội”.
2. Dịch
nghĩa:
Nếu là Phật tử
thì không được cất chứa những binh khí như đao, gậy, cung tên, búa, giáo v.v...
là Phật tử, dầu cho đến cha mẹ bị người giết, còn không nên báo thù, huống lại
là đi giết hại tất cả chúng sanh! Không được cất chứa những khí cụ sát sanh!
Nếu cố chất chứa, Phật tử này phạm khinh cấu tội.
Mười giới
như thế cần nên học và kính trọng phụng trì, Trong phẩm Lục Độ phía sau có
giảng rộng.
Lời
giảng:
“Không khán
bịnh” là lỗi không cứu tế sanh mạng, “cất chứa khí cụ sát sanh” là lỗi muốn
giết hại sanh mạng chúng sanh. Hai việc ấy đều trái với tâm từ bi của Bồ
Tát.
Đứng trên
lập trường lợi tế chúng sanh, một vị Bồ Tát đáng lý ra, cần phải chứa nhóm thật
nhiều pháp tài để cho chúng sanh được lợi lạc trong Phật pháp. Hiện tại nếu
chẳng thực hành như thế, mà trái lại còn cất chứa khí cụ làm thương tổn sanh
mạng chúng sanh, thì đâu phải là hành vi cần có của một vị Bồ Tát?
Vì muốn
phòng ngừa những việc làm trái với tâm Từ Bi lợi tế của Bồ Tát nên Đức Phật đặc
biệt chế lập giới “không được cất chứa khí cụ sát sanh” này. Sở dĩ Đức Phật
không cho hành giả cất chứa những khí cụ sát sanh cốt là để trưởng dưỡng tâm Từ
Bi của Bồ Tát. Không cho nội tâm của Bồ Tát bắt đầu manh nha khởi một niệm sát
sanh. Manh nha động cơ sát nghiệp hãy còn không được, huống chi là làm việc sát
sanh.
Vì chúng sanh
vốn có thói quen hay cất chứa. Nếu chứa khí cụ sát sanh thì ngày nay trông thấy
nó, ngày mai trông thấy nó. Như thế, cứ mỗi ngày huân tập dần dần, sẽ có lúc tự
nhiên muốn dùng đến nó để làm tổn hại sanh mạng chúng sanh, tạo ra nhiều tội
ác.
Để ngăn chặn
những việc từ tiểu sự đi lần đến đại sự, biện pháp tốt nhất là không được cất
chứa những thứ ấy, không được thường nhìn thấy chúng, mới có thể xa lìa ác sự
mà thành tựu thiện sự. Những vũ khí sát hại của thời hiện tại nếu đem so sánh
với thời quá khứ thì nhiều không biết gấp mấy lần. Là người Phật tử càng không
nên cất chứa vũ khí. Nếu cất chứa vũ khí, đưa đến việc tổn hại sanh mạng chúng
sanh thì tội lỗi này rất lớn.
Đức Phật dạy đại
chúng rằng: “Nếu làm một vị Phật tử, thọ Bồ Tát giới, tuyệt đối không được cất
chứa tất cả khí cụ chiến đấu như cung, tên, trượng, mâu, búa v.v... và những đồ
sát sanh như lưới rập, bẫy v.v... Tất cả những thứ ấy đều không được cất
chứa”.
Đao là để cắt
chặt, trượng dùng để đánh đập. Cung dùng để bắn tên. Mâu dùng để đâm. Búa để
chém chặt. Thời xưa chỉ có những vũ khí trên để chiến đấu nên gọi là khí cụ
chiến đấu. Lưới, chài, bẫy, rập dùng dây hoặc nhợ thắt, để bắt chim, bắt cá.
Không được cất chứa vũ khí chiến đấu vì làm tổn hại tánh mạng của con người.
Không được cất chứa khí cụ sát sanh vì làm tổn hại sanh mạng của chúng sanh. Là
Phật tử, tuyệt đối không được cất chứa vũ khí. Vì những hung cụ này rất dễ phát
động sát cơ, không phải là chỗ nên làm của người Phật tử.
Ở đây có vài
điểm cần phải nói rõ:
1. Trường hợp vì
khuyến hóa người chừa bỏ sát nghiệp, Phật tử nên dùng tiền mua lại những hung
cụ của người sát sanh, hoặc sau khi khuyến hóa họ rồi xin lại những hung cụ đem
cất đi, thì không phạm giới này. Tuy nhiên, tốt nhất là nên hủy bỏ những hung
cụ sau khi đã thu hồi chúng, không nên giữ lại.
2. Trường hợp có
những Phật tử tại gia, vì không biết giới luật nên đem những hung cụ sát sanh
đến tự viện để dâng cúng. Trường hợp này phải làm thế nào? Nên thu nhận hay
không?
Trong tình huống
này, bạn nên vì người Phật tử ấy giảng dạy rằng: “Theo giới luật, người xuất
gia không được cất chứa những vũ khí này, ông nên hoan hỷ đem về. Nếu muốn cúng
dường thì nên đổi những đồ vật khác đúng theo pháp quy định, đem đến dâng cúng
thì được công đức rất lớn.
Nếu trường hợp
thí chủ không đổi được vật gì khác, lại có tâm rất thành khẩn cúng dường thì
bạn không nên làm trái ý muốn của họ. Tạm thời nên thâu nhận, đem cất chỗ
khuất, đợi khi thí chủ về rồi đem hủy bỏ, cũng không trái phạm giới này.