KINH PHẠM VÕNG BỒ TÁT GIỚI BỔN GIẢNG KÝ
Hán văn: Pháp sư Thích Diễn Bồi
Việt dịch: Hòa Thượng Thích Trí Minh
Chương
III: CHÁNH THUYẾT GIỚI TƯỚNG
(chánh thức thuyết giảng giới tướng)
B. BIỆT
THUYẾT GIỚI TƯỚNG
(thuyết giảng riêng biệt giới tướng)
B.2.2. BIỆT
THUYẾT KHINH GIỚI
(riêng giảng các giới khinh)
B.2.2.27. THỌ BIỆT THỈNH GIỚI
(giới thọ nhận
sự biệt thỉnh)
Kinh văn
1. Phiên âm:
Từ câu “nhược
Phật tử nhứt thiết bất đắc thọ biệt thỉnh lợi dưỡng nhập kỷ...”
cho đến câu
“...phạm khinh cấu tội”.
2. Dịch nghĩa:
Nếu là Phật tử, tất cả đều chẳng được nhận của cúng dường dành riêng cho mình. Của cúng dường này thuộc về thập phương Tăng. Nếu nhận riêng thời là lấy của Thập Phương Tăng đem về cho riêng mình. Và tài vật trong tám phước điền: chư Phật, thánh nhân, các sư tăng, cha mẹ và người bệnh, nếu tự mình riêng thọ hưởng, Phật tử này phạm khinh cấu tội.
Lời giảng
Giới trước
nói về lỗi có tâm khinh mạn đối với khách tăng mới đến. Giới này nói về sự
không đúng trong việc tự mình thọ biệt thỉnh.
Phải biết rằng
nếu là một vị Bồ Tát, điều tối yếu là phải hòa hợp như nước với sữa, cùng sống
nếp sống hòa vui dung hợp.
Đức Phật dù đã
nêu ra sáu đại cương lãnh, nhưng trong các điểm ấy, điểm cùng chung hưởng tài
lợi rất quan trọng, nghĩa là với sự sinh hoạt kinh tế phải luôn bình đẳng. Đây
là yếu tố cơ bản đem đến sự hòa vui trong đại chúng.
Vì trên thế gian
này rất nhiều sự rối ren phát xuất từ chỗ không bình đẳng về kinh tế. Đức Phật
đúng là bậc đầy đủ huệ nhãn, nên ở vào thời kỳ đó, ngài đã chú ý đến việc tài
lợi không nên có sự thiên lệch. Vì thế, nếu trong tăng đoàn có sự đi thọ biệt
thỉnh thì Đức Phật cho là điều tuyệt đối không được.
Nếu bạn thọ sự
biệt thỉnh của thí chủ thì thí chủ sẽ sanh tâm thiên ái, chuyên tâm riêng thỉnh
một mình bạn, không nghĩ đến sự cung kính cúng dường thập phương Tăng. Như thế,
vì thí chủ bố thí cúng dường không được phổ biến nên mất hẳn phước đức vô biên,
vô hạn cần phải được. Đồng thời, chẳng những phá hoại phép tắc, thứ tự thọ
thỉnh chúng tăng của đức Như Lai chế định, lại còn tự mình bị tội lỗi xâm đoạt
đồ cúng dường của mười phương Tăng. Đã phá hoại phép tắc của Như Lai, lại thêm
tổn hại lợi ích cho mình, cho người thì chúng ta không nên tiếp thọ sự biệt
thỉnh.
Đức Phật thấy rõ
lỗi này rất nghiêm trọng, nên vì chúng tăng chế định giới không thọ biệt thỉnh
này. Do đây, chúng ta càng thấy lòng từ bi của Phật vô cùng rộng lớn!
Trong kinh Tỳ
Kheo Ứng Cúng Pháp Hạnh, Đức Phật dạy: “Nếu đệ tử của ta, người nào thọ biệt
thỉnh thì người ấy nhất định sẽ bị mất Sơ Quả, Nhị Quả, Tam Quả, Tứ Quả, không
gọi là tỳ kheo.
Người này không
được đi trên đất của quốc vương, không được uống nước của quốc vương. Năm ngàn
đại quỷ thường đứng án trước mặt của người ấy.
Tỳ kheo này bảy
kiếp không được gặp Phật, không được Phật trao tay, không được nhận lãnh tài
vật của thí chủ. Năm ngàn đại quỷ thường đi sau người ấy mắng rằng: ‘Kẻ đại tặc
trong Phật pháp’. Vì thế tỳ kheo các ông không nên thọ biệt thỉnh”.
Do đó, cần phải
theo thứ tự của tăng khi đi thọ sự cúng dường của thí chủ. Vì trong chúng tăng,
có vị do Phật thị hiện làm tăng, có vị là thánh tăng đã chứng đạo quả, có vị là
Bồ Tát tăng, phát đại Bồ Đề tâm, có vị là hiền tăng trong Thất Hiền (1), có vị
là phàm phu tăng thông thường.
Các loại tăng
khác nhau như vậy, đương nhiên về công đức có phần lớn nhỏ khác nhau. Thí chủ
cúng dường chúng Tăng cốt để vun trồng phước đức. Nếu theo đúng thứ tự cử chúng
Tăng đi thọ sự cúng dường, thì thí chủ cúng dường đủ các hạng chúng Tăng như
thế, mới được phước đức rộng lớn. Thật có lợi ích cho thí chủ biết dường
nào!
Nếu bạn là một
phàm phu Tăng thông thường mà chỉ riêng một mình đi thọ cúng dường, khiến cho
thí chủ không được cúng dường tam thừa thánh hiền tăng cùng với tăng do Phật
thị hiện, như thế, không phải chính bạn đã làm mất phước đức rộng lớn mà thí
chủ mong muốn hay sao?
Thế nên là đệ tử
Phật không được thọ biệt thỉnh, cũng không được riêng thọ cúng dường, đem phần
lợi dưỡng về riêng cho mình, mà không đem chia cho chúng tăng. Nếu hành động
như thế, Đức Phật phán người ấy không đáng là hàng Sa Môn, cũng không phải là
giòng Thích Tử.
Vấn đề quan
trọng như vậy, nên Phật không muốn cho Phật tử lâm vào tình trạng như thế, mới
nghiêm cấm chúng tăng không được thọ biệt thỉnh. Ngoại trừ trường hợp Bồ Tát
tăng có thí chủ thỉnh đi hoằng truyền đạo pháp. Vì nhiệm vụ hoằng dương đạo
pháp mà thọ biệt thỉnh thì không có gì là sai phạm.
Hoặc nhận thấy
thí chủ ấy phải có sự hiện diện của bạn mới có thể thành tựu việc làm công đức
của họ nên thọ biệt thỉnh trong trường hợp này cũng không có tội.
Đức Phật dạy đại
chúng rằng: “Nếu là một Phật tử đã thọ Bồ Tát giới, bất luận ở thời gian này,
tất cả đều không được thọ biệt thỉnh để mong cầu lợi dưỡng cho riêng mình”.
Kinh văn nói
“tất cả” là chỉ chung cho tất cả tài vật do quốc vương, đại thần, sĩ thứ, Phật
tử tại gia hay xuất gia cúng dường cho chúng tăng, bất luận trong Đại giới hay
ngoài đại giới, đều không được đem về cho riêng phần của mình.
Còn nếu như có
thí chủ muốn thỉnh bạn đi thọ trai, dù bất cứ trường hợp nào thí chủ ấy chỉ
muốn riêng thỉnh bạn mà thôi, bạn không được phép đi thọ thỉnh riêng, mà phải
cùng với đại chúng đồng đi.
Trường hợp khả
năng của thí chủ không thể cùng một lúc thỉnh tất cả tăng nhân đi thọ trai
trong chùa đến đến cúng dường thì nên theo thứ tự mà đi thọ thỉnh. Điểm này
giữa pháp Bồ Tát và pháp Thanh Văn không giống nhau.
Về hành giả
Thanh Văn, có người hành theo hạnh Đầu Đà, có người không hành theo hạnh Đầu
Đà. Vị hành hạnh Đầu Đà thì tuyệt đối không thọ biệt thỉnh, còn vị không hành
hạnh Đầu Đà thì đôi khi cũng cho thọ.
Riêng hành giả
Đại Thừa Bồ Tát, dù có hành hạnh Đầu Đà hay không, ngoại trừ nhận lời thỉnh mời
của thí chủ đi hoằng dương đạo pháp, tất cả đều không được thọ biệt
thỉnh.
Trong kinh văn
nói “lợi dưỡng” là chỉ những đồ vật có lợi ích cho thân tâm, do thí chủ phát
tâm cúng dường. Đồ vật ấy tự thể của nó thông đến mười phương, nên tất cả chúng
Tăng đều có phần. Do đó, trong kinh nói: “Lợi dưỡng này thuộc về thập phương
tăng”.
Đã là thuộc thập
phương tăng mà bạn lại riêng đi thọ thỉnh thì không khác gì lấy vật thập phương
Tăng đem về phần mình. Nghĩa là đồng nghĩa với đoạt lấy tài vật của thập phương
Tăng, khiến cho thập phương Tăng không có phần lợi dưỡng”.
Vật của thập
phương Tăng rất là quý trọng, bất cứ ai cũng không được phép dùng làm của
riêng. Hiện tại, bạn đoạt lấy đem về làm vật thọ dụng cho riêng phần mình; tội
lỗi ấy rất sâu nặng. Tương lai bạn sẽ chiêu cảm quả khổ không thể nghĩ tưởng
được. Thế nên cần phải xét kỹ và thận trọng, không được thọ biệt thỉnh.
Chú
thích:
(1) Thất Hiền
vị: còn gọi là Thất Phương Tiện Vị. Chỉ những vị tu hành đã kiến đạo về trước
trong Tiểu Thừa, gọi là Hiền vị. Những vị kiến đạo về sau gọi là Thánh vị. Hiền
vị gồm:
* Tam Hiền
vị:
- Ngũ đình tâm
quán.
- Biệt tướng
niệm xứ.
- Tổng tướng
niệm xứ.
* Tứ thiện
căn:
- Noãn pháp.
- Đảnh
pháp.
- Nhẫn
pháp.
- Thế đệ nhất
pháp.
Ở đây có hai
danh từ thông và Biệt. Thông đều gọi là Thất Hiền Vị hoặc Gia Hạnh vị. Thất
hiền vị ở đây dùng để đối với Thất Thánh Vị ở sau, nên gọi là Thất Hền
Vị.