KINH PHẠM VÕNG BỒ TÁT GIỚI BỔN GIẢNG KÝ
Hán văn: Pháp sư Thích Diễn Bồi
Việt dịch: Hòa Thượng Thích Trí Minh
Chương
III: CHÁNH THUYẾT GIỚI TƯỚNG
(chánh thức thuyết giảng giới tướng)
B. BIỆT
THUYẾT GIỚI TƯỚNG
(thuyết giảng riêng biệt giới tướng)
B.2.2. BIỆT
THUYẾT KHINH GIỚI
(riêng giảng các giới khinh)
B.2.2.33. TÀ NGHIỆP GIÁC QUÁN GIỚI
(Giới không được
đi xem tà nghiệp)
Kinh văn
1. Phiên âm:
Từ câu “nhược Phật tử dĩ ác tâm cố...” cho đến câu: “...phạm khinh cấu tội”.
2. Dịch nghĩa:
Nếu là Phật tử thì không được có ác tâm đi xem tất cả nam nữ v.v... đánh nhau, hoặc xem quân trận, binh tướng, giặc cướp v.v... đấu chiến nhau. Cũng không được đi xem hát, nghe nhạc, chơi cờ, đánh bạc, đá cầu, đá bóng v.v... cho đến bói toán. Không được làm tay sai cho kẻ trộm cướp. Nếu cố làm các điều trên, Phật tử này phạm khinh cấu tội.
Lời giảng
Chất chứa
những dụng cụ có thể làm thương hại đến người và vật, không phải là việc Phật
tử nên làm. Đó là điều giới trước ngăn cấm.
Đi xem coi các
việc chiến đấu v.v... cũng không phải là hành vi của người Phật tử. Đây là điều
ngăn cấm của giới này.
Chúng ta nên
biết: trên thế gian này, mỗi một tấc bóng quang âm đối với người Phật tử hành
đạo Bồ Tát thật là quý báu, không thể nào lãng phí, dù chỉ một phút giây. Nếu
người tu hành không yêu tiếc thời gian quý báu, để cho bóng quang âm trôi qua
một cách luống uổng trước mắt, ấy là một điều hết sức đáng tiếc.
Là một vị Bồ
Tát, khi thấy có một chúng sanh nào đáng độ, phải đem hết khả năng của mình làm
việc hữu ích cho chúng sanh. Nếu không như thế thì nên tìm nơi thanh tịnh, dứt
bặt ngoại duyên, chuyên dụng tâm công phu theo chánh nghiệp xuất thế. Chỉ có
như thế mới đúng với tư cách của một Phật tử chân chánh.
Nếu vô cớ mà đi
xem những trò giải trí không phù hợp với người Phật tử, thì sẽ tổn thất cho đạo
nghiệp của mình.
Nên biết: những
điều trong giới này nói, nếu Phật tử cố ý vi phạm thì chỉ tăng trưởng sự buông
lung và tổn hại thiện nghiệp của mình mà thôi. Làm những việc tào lao như thế,
chẳng những hoàn toàn bất lợi cho bản thân mình, lại còn bị các nhân sĩ trong
xã hội chỉ trích phê bình. Vì họ quan niệm rằng một Phật tử hành Bồ Tát đo, đặc
biệt là kẻ xuất gia mà lại đi xem, nghe những việc thế tục như vậy thì còn gì
là thể thống của vị xuất gia?
Khi mọi người đã
chê bai, phê phán Bồ Tát như vậy, thì sự nghiệp giáo hóa của Bồ Tát đối với
chúng sanh sẽ bị trở ngại vô cùng to lớn. Vì thông thường mọi người ở thế gian
đều cho rằng bản thân người xuất gia đã không đúng thì chúng ta cần chi phải
tiếp thọ sự giáo hóa của người ấy. Hơn nữa, chính lúc bạn đang say mê theo dõi
việc chiến đấu, sát phạt... có những chúng sanh đang cần nhờ sự giáo hóa của
bạn, nhưng bạn đã để thời gian hóa độ này trôi qua, nên đáng lẽ chúng sanh ấy
bạn có thể giáo hóa được, lại không được bạn giáo hóa. Như thế thử nghĩ tưởng,
sự nghiệp hóa độ chúng sanh của bạn bị tổn thất lớn lao biết dường nào!
Vì thế, Đức Phật
đặc biệt chế định giới tà nghiệp giác quán để dạy rõ những việc quân trận,
chiến đấu... không phải là việc của Bồ Tát nên làm. Vì đó là thuộc về sự nghiệp
của thế gian. Nếu cố làm thì sẽ trái phạm giới Bồ Tát.
Giác quán theo
lối thông thường giải thích rằng:
- Thô phân biệt
là Giác,
- Tế phân biệt
là Quán.
Hơn nữa, lúc đầu
tiên, lúc tâm vừa móng khởi suy tư gọi là Giác, trầm tư tế tâm phân biệt gọi là
Quán.
Tóm lại:
Giác quán là tư
duy, phân biệt. Nếu tư duy pháp Đại Thừa để làm việc lợi nhân, lợi thế thì đó
là chánh nghiệp, trái lại, nếu tư duy các việc tạp loạn ở thế gian, ấy là tà
nghiệp.
Tư duy chánh
nghiệp thì sẽ tăng trưởng tâm hướng thượng cho mình, tăng ích đạo nghiệp chánh
đáng của mình. Trái lại, nếu tư duy tà nghiệp thì ngược với tâm địa giới thể và
làm loạn cho việc tu hành chánh đạo. Vì vậy, tà nghiệp giác quán phá hoại đạo
pháp, hủy phạm giới cấm, thật không có gì độc hại hơn thứ này!
Giới tà nghiệp
giác quán này cả Đại Thừa lẫn Tiểu Thừa trong Phật giáo đều bị cấm chế. Vì bất
cứ hành giả Đại hay Tiểu Thừa làm những việc ấy, đều bị tổn hại chánh nghiệp và
vi phạm giới này, riêng đối với thất chúng Phật tử, có chỗ nói cấm chế tất cả,
có chỗ nói chỉ cấm chế đạo, không cấm chế tục. Nghĩa là chỉ áp dụng sự chế cấm này
đối với những vị xuất gia, còn chư vị tại gia thì không cấm chế.
Nhưng trong hàng
Phật tử xuất gia, nếu trường hợp có chúng sanh nào mà căn cơ phải dùng những
phương tiện như những điều cấm ở trên, mới có thể đem lại lợi ích cho họ,
trường hợp này, có thể tùy theo tình thế mà phùng trường tác hý để hóa độ. Đây
là trường hợp ngoại lệ có thể khai miễn (nói về hạnh “kiến cơ nhi tác” của Bồ
Tát là áp dụng đối với những căn cơ đặc biệt của một số chúng sanh. Nếu không
uyển chuyển tình thế thì không hóa độ được. Chẳng hạn như uống rượu, đánh bạc,
chơi cờ v.v... trong trường hợp đặc biệt, vì lợi ích chúng sanh, Bồ Tát phải
phương tiện cùng nhập bọn với họ để dẫn dắt chúng sanh này vào chánh đạo, nên
có thể tạm thời hành động như vậy. Như trường hợp nữ Phật tử Mạt Lợi, phu nhân
của Ba Tư Nặc Vương, trong lúc thọ Bát Quan Trai Giới vẫn trang điểm và uống
rượu).
Đức Phật lại dạy
đại chúng rằng: “Nếu là một Phật tử đã thọ Bồ Tát giới, nếu trường hợp không
phải vì thiện tâm dẫn dắt chúng sanh vào chánh đạo, thiện quyền thị hiện, làm
những tà nghiệp giống như chúng sanh, mà chỉ duyên cớ ác tâm muốn vui sướng cho
cá nhân mình mà làm những tà nghiệp, là tuyệt đối không phù hợp với bổn phận
của Phật tử đã thọ Bồ Tát giới”.
Tà nghiệp là
những thứ gì?
Có năm thứ như sau:
1. Không được đi
xem chiến đấu, đánh lộn: Ở thế gian, đánh lộn là thân nghiệp và khẩu nghiệp của
nam nữ. Họ đánh nhau, mắng nhau, thậm chí xô xát kịch liệt đến chỗ lỗ đầu, chảy
máu v.v... Đây là thường sự của thế tình.
Bạn là một vị Bồ
Tát mà đi xem nam nữ đánh nhau để làm gì?
Bạn vốn đang
trong tình trạng vô sự, nhưng vì đi xem họ đánh nhau, đôi khi bị họa lây đến
thân bạn. Vì những người đánh nhau thấy có bạn đến xem, nên họ cảm thấy khó mà
hạ đài. Do vậy, họ đến học lại chuyện đó với thầy bạn để thầy bạn phải trị tội
bạn. Ngoài ra, họ còn chỉ trích bạn là người tu hành mà còn đi xem đánh lộn.
Như thế, có phải bạn đã tự mình đi chuốc lấy việc phiền phức cho mình không?
Những kẻ thế gian có lòng tự trọng và có tâm muốn giữ mình cho thanh khiết, còn
không đi xem những việc trên, huống chi bạn là một Phật tử đã thọ Bồ Tát giới,
hành Bồ Tát đạo, có bổn phận lợi người, lợi đời thì đi xem để làm gì?
“Quân trận binh
tướng chiến đấu nhau” là nơi binh sĩ hai bên dàn trận đánh nhau. Vấn đề người
Phật tử đi xem binh trận chiến đấu, trong luật Tiểu Thừa có thuật một việc như
sau:
Một lúc nọ, Lục
Quần tỳ kheo ở trong quân đội, đi xem quân trận chiến đấu để xem xét thực lực,
các thứ khí giới cùng các quân lực. Trong lúc đương xem, có một tỳ kheo vô ý bị
thương vì tên bắn. Các vị tỳ kheo đi cùng, dùng y băng bó cho vị ấy rồi dùng xe
chở vị ấy về tăng xá.
Các cư sĩ trông
thấy làm lạ, hỏi nguyên do. Sau khi biết rõ, họ cùng nhau phê bình rằng: -
Chúng tôi là người thế tục, vì thương chồng con nên vạn bất đắc dĩ phải đến
chốn quân trận này. Còn các thầy đã xa lìa cha mẹ, gia đình, quyến thuộc làm kẻ
xuất gia, lại còn đến trong quân trận để làm chi?
Quý tỳ kheo nghe
những lời bình luận phê phán trên, đem việc ấy bạch lên Phật. Đức Thế Tôn mới
vì các tỳ kheo chế giới không được xem quân binh hợp chiến.
Vũ khí chiến
tranh thời xưa rất là đơn giản. Nếu rủi ro chỉ bị thương vì đao, tên mà thôi.
Còn vũ khí chiến tranh ngày nay dùng súng đạn, hỏa tiễn v.v... dù ở xa không
nghe thấy, nhưng trong phạm vi tập dượt hoặc chiến đấu cũng dễ bị súng đạn và
hơi độc làm tổn hại. Hơn nữa, cuộc chiến hiện đại ngày nay ngoài việc chiến đấu
nơi trận địa, còn có chiến tranh gián điệp. Vì sợ tình hình quân đội bị tiết lộ
ra ngoài, nên nếu kẻ tu hành đến gần nơi chiến đấu, sẽ bị đặc biệt lưu ý mọi
sinh hoạt của mình, vì những người trong quân đội nghi ngờ mình là kẻ đi dọ
thám quân tình giúp cho quân địch.
Do đó, người
Phật tử đã thọ Bồ Tát giới, hành Bồ Tát đạo, cần phải tránh những sự nghi ngờ,
chê bai ấy, lại càng phải giữ gìn giới điều này hết sức nghiêm cẩn, để tránh
những sự khó khăn, rối rắm không cần thiết.
“Giặc cướp chiến
đấu nhau”: ở đây nói có hai trường hợp:
- Giặc với giặc
cùng trộm cướp tài vật của người đem về chia chác với nhau không đồng nên sanh
ra việc chiến đấu.
- Binh sĩ của
quốc gia vì giữ gìn sự an ninh trong nước mà thanh trừng bọn giặc cướp để nhân
dân được an ổn.
Kinh văn dùng
hai chữ “vân vân” chỉ ngoài sự đánh nhau, chiến đấu nhau, còn nhiều vấn đề khác
nữa, chứ không phải chỉ gồm bao nhiêu thứ vừa nói trên. Giống như mấy ông bợm
nhậu say sưa, xô xát, đánh lộn nhau, hoặc đồ đảng trong các tụ điểm hội họp
cũng thường xảy ra việc đánh nhau, hoặc vì tranh giành hành khách ở các bến xe
mà xô xát nhau... rất nhiều thứ không thể kể hết.
Nhưng bất cứ
trường hợp đánh lộn hay chiến đấu nào, là Phật tử đều không được đi xem. Ngoài
ra còn có các thứ thú cầm như voi, bò, trâu, chó báng lộn, cụng lộn nhau; gà,
chim trĩ, anh vũ... đá nhau, cũng không được đi xem.
Bất cứ xem coi
đánh lộn hay chiến đấu loại nào cũng không tránh khỏi có sự tổn thương, đồng
thời làm cho người khởi tâm bất thiện. Vì sức tập nhiễm của chúng sanh rất
mạnh, nếu thường xem, nghe đánh lộn, chiến đấu dần dần sẽ bị tiêm nhiễm, ảnh
hưởng và tâm niệm bất thiện sẽ bắt đầu phát sinh.
Hơn nữa, khi xem
đánh lộn, hành giả rất khó là giữ oai nghi. Do đó, sẽ bị người thế tục chê bai
dị nghị, phê bình rằng kẻ xuất gia chỉ ăn rồi ở không, lại còn đi coi đánh lộn,
oai nghi không giữ gìn tề chỉnh.
2. Cũng không
được đi nghe những tiếng ốc, tiếng trống, tiếng thổi sừng, đờn cầm, đờn sắt,
đờn tranh, ống địch, không hầu, ca hát, kỹ nhạc.
* Ốc là một sinh
vật vỏ cứng ở trong biển. Trong kinh Niết Bàn nói người ta thổi ốc để cho biết
giờ giấc. Đây là một loại được dùng làm nhạc cụ và thổi bằng miệng, phát ra âm
thanh, nên nói là “thổi ốc”.
* Đánh trống: từ
Hán việt là “kích cổ”. Về phương pháp làm trống, người ta đẽo cây làm khuôn,
lấy da thú bịt hai mặt, rồi dùng dùi đánh, âm thanh phát ra rất lớn. Vào thời
xưa, lúc đánh giặc, người ta dùng trống làm hiệu lịnh xuất quân, hoặc thâu
quân. Trống có nhiều kích thước lớn nhỏ khác nhau.
* Thổi sừng: một
loại nhạc cụ phát xuất từ nước Tây Vức, làm bằng sừng của con tê ngưu, dùng
miệng thổi để phát ra âm thanh nên gọi là “thổi sừng”. Thời xưa trong quân đội
cũng thổi sừng để làm hiệu lịnh. Chính rợ Khương, rợ Hồ cũng đã thổi sừng để
làm cho ngựa của binh sĩ Trung Hoa sợ hãi.
* Đàn Cầm: một
loại nhạc cụ. Tương truyền loại đàn này do Hy Hoàng Cơ chế tạo, có năm dây. Về
sau, vua Văn Vương thêm hai dây Thiếu Cung và Thiếu Thương thành ra bảy dây.
Chữ “cầm” có nghĩa là ngăn cấm, tức là khi khảy đàn cầm, những âm thanh phát ra
có hiệu lực ngăn cấm những tâm niệm tà dâm, khiến cho người nghe khởi tâm niệm
chân chính.
* Đàn Sắt: một
loại đàn, đầu tiên có đến năm mươi dây. Đến triều đại nhà Ngu, vua Thuấn biến
cải còn lại hai mươi lăm dây.
* Đàn tranh:
giống như đàn cầm, có mười ba dây. Tương truyền do Mông Điềm chế tạo.
Lời
phụ:
Theo giới này,
kinh văn nói có năm loại tà nghiệp sau đây:
1. Đi xem đánh
lộn, chiến đấu.
2. Vui chơi (xem
hát, nghe nhạc).
3. Chơi các trò
chơi nhảm nhí.
4. Bói toán, coi
quẻ.
5. Làm tay sai
cho giặc cướp.
Trong năm loại
này, bổn Hán văn giảng rộng về ba loại giữa (loại hai, ba, bốn) trong khi bổn
Việt văn chỉ nói vắn tắt. Vì nếu y theo bổn Hán văn dịch ra đầy đủ thì người
đọc vẫn không hiểu được. Dù có đọc bản Hán văn cũng không hiểu nổi, phải nhờ có
phần giải thích mới rõ được, nên ở đây Hòa Thượng chỉ lấy ý trong bổn Hán văn
mà dịch gọn lại.