KINH PHẠM VÕNG BỒ TÁT GIỚI BỔN GIẢNG KÝ
Hán văn: Pháp sư Thích Diễn Bồi
Việt dịch: Hòa Thượng Thích Trí Minh
Chương
III: CHÁNH THUYẾT GIỚI TƯỚNG
(chánh thức thuyết giảng giới tướng)
B. BIỆT
THUYẾT GIỚI TƯỚNG
(thuyết giảng riêng biệt giới tướng)
B.2.2. BIỆT
THUYẾT KHINH GIỚI
(riêng giảng các giới khinh)
B.2.2.40. GIẢN TRẠCH THỌ GIỚI
(giới không bình
đẳng truyền giới)
Kinh văn
1. Phiên âm:
Từ câu “nhược Phật tử dữ nhân thọ giới thời...” cho đến câu “...phạm khinh cấu tội”.
2. Dịch nghĩa:
Nếu Phật tử
lúc cho người thọ giới, không được lựa chọn. Tất cả hàng quốc vương, hoàng tử,
các quan, tỳ kheo, tỳ kheo ni, tín nam, tín nữ, dâm nam, dâm nữ, Phạm thiên
trong mười tám cõi Sắc, thiên tử trong sáu cõi Dục, người thiếu căn, hai căn,
hoàng môn, tôi tớ và tất cả các quỷ thần đều được thọ giới.
Tất cả y phục,
ngọa cụ đều phải hòa chung các màu xanh, vàng, đỏ, đen, tín, nhuộm chung lại
thành hoại sắc để hợp với đạo. Trong tất cả các quốc độ, đối với y phục của
người trong nước mặc, y phục của thầy tỳ kheo đều phải với y phục của người thế
tục.
Khi ai muốn thọ
Bồ Tát giới, vị sư phải hỏi rằng: “Trong đời ngươi có phạm tội thất nghịch
chăng?” Bồ Tát Pháp Sư không được cho người phạm tội thất nghịch trong hiện đời
thọ giới.
Tội thất nghịch
gồm có: ác tâm làm thân Phật chảy máu, hại bậc thánh nhân, giết cha, giết mẹ,
giết hòa thượng, giết A-xà-lê, phá yết ma tăng, chuyển pháp luân tăng. Nếu phạm
tội thất nghịch thời hiện đời không đắc giới, ngoài ra, tất cả người khác đều
được thọ giới.
Theo pháp Phật,
người xuất gia không lạy quốc vương, cha mẹ, lục thân và quỷ thần.
Phàm hễ ai nhận
hiểu lời nói của Pháp Sư đều được thọ giới. Khi có người từ trăm nghìn dặm đến
cầu pháp nếu Bồ Tát pháp sư vì ác tâm, sân tâm, không chịu sốt sắng truyền giới
Bồ Tát cho người ấy thời phạm khinh cấu tội.
Lời giảng
Giảng giải
kinh luật để dẫn dắt chúng sanh tu phước, tu huệ, cố nhiên là nhiệm vụ của
người Phật tử cần phải làm. Vì chúng sanh mà truyền trao giới pháp để nhiếp thủ
chúng sanh đi trên con đường rộng lớn của Phật pháp, là trách nhiệm của Bồ Tát
không thể bỏ qua.
Bồ Tát lấy việc
phổ độ chúng sanh làm trách nhiệm của mình, lấy tâm từ bi lợi vật làm bản hoài
của mình. Nên khi có chúng sanh nào từ trăm nghìn dặm đến cầu pháp, Bồ Tát phải
hết lòng sẵn sàng truyền trao, không được dùng bất cứ lý do gì để từ khước hay
cự tuyệt. Nếu không làm như thế, mà lại còn dùng tâm sân ác, không chịu truyền
trao giới pháp cho người là hoàn toàn không đúng với tâm phổ lợi chúng sanh của
một vị Bồ Tát.
Nên biết Kim
Cương Quang Minh Bảo Giới vốn bình đẳng, mọi hạng người đều có thể bẩm thọ,
không phân biệt quý tiện, cao thấp, nhân, phi nhân v.v... Nếu có sự lựa chọn,
nghĩa là đối với người cần truyền trao giới pháp mà không chịu truyền trao, đối
với người không nên truyền trao mà truyền trao. Như thế, chính bạn phải mắc tội
trước tiên, như vậy đâu còn tư cách gì để làm thầy cho người?
Do đó, khi thấy
bậc pháp khí cần thọ Bồ Tát giới, phải vì người ấy mà truyền trao giới pháp,
không được bỏ qua. Nếu có tâm sân hận oán hờn, mà lựa chọn người để truyền trao
giới pháp thì trái với ý nghĩa dẫn dắt hàng hậu học tiến vào Phật pháp.
Vì thế, Bồ Tát
muốn lợi sanh, gặp cơ duyên thì phải đáp ứng, đi đến bất cứ nơi nào, cũng phải
lưu ý đến việc tế độ chúng sanh. Nếu không như thế thì trái với tâm nguyện phổ
lợi chúng sanh của Bồ Tát, làm chướng ngại cho việc tu hạnh Bồ Đề.
Trong bộ Pháp
Tạng Bồ Tát Giới Sở Ký:
- Nói về phần
Biệt thì trái với hạnh Nhiếp Hóa Chúng Sanh.
- Nói về phần
Thông thì trái với Tam Tụ Tịnh Giới.
Đây là tội lỗi
rất lớn của sự lựa chọn truyền giới.
Giới này hai
chúng xuất gia tỳ kheo và tỳ kheo ni đếu có thể phạm, còn các chúng kia không ở
trong phạm vi giới này, vì không đủ tư cách làm sư phạm cho người.
Sự phân định mức
độ nặng nhẹ về sự vi phạm giới này giữa Tiểu Thừa và Đại Thừa cũng không đồng
nhau:
- Đối với Bồ Tát
phát tâm phổ độ chúng sanh, nên khi bất cứ chúng sanh nào đến cầu thọ giới
pháp, cũng đều không được theo tự ý mình mà lựa chọn cho thọ giới hay không cho
thọ.
- Còn đạo pháp
Thanh Văn tương đối hẹp, nên đối với người cầu pháp, có người cho, có người thì
không cho. Nếu trước đó, hành giả chưa nhận lời thỉnh cầu của người, nên khi
không truyền trao giới pháp cho người, thì không trái phạm. Nếu đã nhận lời
thỉnh cầu trước đó mà sau này vì buồn giận việc gì, hoặc hối hận vì đã hứa, nên
không truyền trao giới pháp cho người thì có tội.
Vậy phải như thế
nào mới không phạm giới này?
- Trường hợp bị
bệnh hoặc bệnh vừa mới khỏi, sức còn yếu, hoặc chính bản thân là người ám độn
không rành về nghi thức truyền giới.
- Hoặc là người
cầu giới pháp không có tâm chân thật, hoặc ngoại đạo giả dối đến thỉnh cầu giới
pháp, hoặc bản thân người cầu giới có đủ giá nạn v.v... Vì thế nên không truyền
trao giới pháp. Trong trường hợp này đương nhiên không trái phạm.
Ngoài những
trường hợp này ra, tất cả đều phạm giới. Vì thế làm vị Bồ Tát cần phải đặc biệt
chú ý.
Đức Phật dạy đại
chúng rằng: “Nếu là một Phật tử đã thọ Bồ Tát giới, đối với bất cứ chúng sanh
nào có tâm cầu thọ giới Bồ Tát đều phải bình đẳng truyền trao giới pháp, tuyệt
đối không được lựa chọn, hoặc truyền giới cho người này mà không truyền giới
cho người kia”.
* Ở Trung Hoa,
quốc sử có ghi về các quốc vương được thọ giới Bồ Tát như:
- Nam Triều
Lương Võ Đế trong thời kỳ Nam Bắc Triều được Huệ Ước Pháp Sư truyền trao Bồ Tát
đại giới.
- Triều
nhà Đường, vua Cao Tông, niên hiệu Long Đức thứ hai (năm 665 Tây lịch) cung
thỉnh Chung Nam Đạo Tuyên Luật Tổ đến chùa Tịnh Nghiệp truyền trao Bồ Tát
giới.
- Triều Tống,
niên hiệu Khánh Lịch năm thứ hai (Tây Lịch 1041), vua Nhân Tông hạ chiếu phụng
thỉnh Nguyên Kham Luật Sư đến tại giới đàn Địa Dũng chùa Đại Chiêu Khánh, tỉnh
Hàng Châu để truyền trao giới Bồ Tát cho nhà vua.
* Về các hoàng
tử được thọ giới có:
Triều nhà Đường,
vua Thái Tông, hiệu Trinh Quán thứ hai (Tây lịch 628) hạ chiếu phụng thỉnh
Nguyên Uyển luật sư vào nội cung truyền Bồ Tát giới cho hoàng thái tử và cung
phi.
* Về các đại
thần được thọ giới có:
- Dưới
thời Nam Bắc Triều, Châu Võ Đế, niên hiệu Kiến Đức năm đầu (Tây lịch 572) hạ
chiếu phụng thỉnh thiền sư Tăng Vĩ đến kinh đô để truyền trao giới Thập Thiện
cho các công khanh.
- Triều nhà
Thanh, lúc Thuận Trị Hoàng Đế trị vì, quan nội thị Châu Thiên Thành hộ pháp,
cung thỉnh Hoa Sơn Kiến Nguyệt Luật Sư đến truyền trao giới Bồ Tát.
Về hàng bá
quan được thọ giới, từ đó trở về sau có thể nói là rất nhiều, không thể tính
kể.
Còn tỳ kheo, tỳ
kheo ni thọ giới Bồ Tát thì gọi là Bồ Tát tỳ kheo, Bồ Tát tỳ kheo ni. Đó là quy
luật truyền giới thông thường ở Trung Hoa.
Về những hàng
tín nam, tín nữ, dâm nam, dâm nữ thọ giới Bồ Tát rất nhiều, không thể tính
kể.
Chư Phạm thiên
trong mười tám cõi Sắc Giới, thiên tử trong sáu cõi Dục Giới đều có thọ Bồ Tát
giới. Còn những hạng không căn, hai căn, hoàng môn, tôi tớ, đối với giới Thanh
Văn thì không đủ tư cách để thọ, nhưng đối với giới Bồ Tát điều ấy không thành
vấn đề.
Tất cả quỷ thần
đều được thọ Bồ Tát giới như:
- Trường hợp
Trung Nhạc Đại Đế thọ Bồ Tát giới với Nguyên Khê thiền sư.
- Lư Sơn đại
thần thọ Bồ Tát giới với Đàm Ấp thiền sư.
- Cao Vương
Giáng Chúc đại thần thọ Bồ Tát giới với Thông Pháp Sư.
Đạo Phật
phổ nhiếp tất cả, không bao giờ từ bỏ một chúng sanh nào, tất cả đạo tục, u
hiển đều được thọ giới. Tuyệt đối không được lựa chọn (U: chỉ thế giới quỷ
thần; Hiển là nhân loại).
Như mùa Xuân
thuộc về dương khí, vạn vật đều sanh trưởng. Nếu lựa chọn vật mà sanh thì sự
phát sinh của vạn vật chắc chắn rất hiếm. Như biển cả dung nạp tất cả dòng
sông. Nếu lựa chọn sông để dung nạp thì sự dung nạp ấy không được bao nhiêu.
Đại sĩ như mùa Xuân, giúp muôn vật đều nẩy nở như biển cả dung chứa tất cả dòng
sông, thương chúng sanh bình đẳng như con một thì làm sao có thể khởi tâm phân
biệt cao thấp, tăng tục, quý tiện, tịnh uế? Thế nên tất cả chúng sanh đều được
thọ Bồ Tát giới.
Khi truyền trao
giới pháp cho chúng sanh, Bồ Tát không được lựa chọn, nhưng phải bảo những
người phát tâm thọ giới mặc ca sa. Những ca sa này đều nhuộm thành hoại sắc để
tương ứng với Đạo.
Ca-sa: Trung Hoa
dịch là Nhiễm Y hoặc Hoại Sắc. Nghĩa là chúng sanh xuất gia thọ Bồ Tát giới, lấy
việc tu giải thoát làm chủ đích, nên việc phục sức đương nhiên không giống với
người thế tục. Vì thế nếu dùng y tốt, màu đẹp, sợ e khởi tâm nhiễm trước, làm
hại cho đạo nghiệp thanh tu, nên phải nhuộm thành hoại sắc.
Người thế tục
mặc y phục năm màu, sáu sắc, hồng hồng, lục lục cho là đẹp, là thẩm mỹ. Hiện
nay trân y dị phục rất nhiều kiểu, nhiều cách, nhiều sắc hơn nữa.
Cho nên kinh
luật dạy phải hoại sắc, nghĩa là dùng năm thứ màu trộn lại mà nhuộm y áo, nên
kinh văn dạy: “Đều phải hòa các màu xanh, vàng, đỏ, đen, trắng”. Cho nên:
- Màu xanh sẽ
không còn là thuần xanh hay xanh đậm mà có sắc như bùn.
- Màu vàng không
còn là màu vàng đậm hay vàng lợt mà trong đó có lẫn màu đỏ, trong Luật thường
gọi là màu Mộc Lan.
- Màu đen không
phải là màu đen giống y phục của ngoại đạo, mà trong màu đen có pha tím. Trong
Luật gọi Truy Y (giống như trái dâu chín).
Làm cho thành
hoại sắc như vậy cốt để cùng với năm màu tươi đẹp, diễm lệ: xanh, vàng, đỏ,
trắng, đen của thế tục khác nhau.
Chẳng những cà
sa phải nhuộm thành hoại sắc, mà ngay đến tất cả ngọa cụ v.v... đều phải nhuộm
thành hoại sắc. Cho nên kinh văn dạy: “Trong tất cả quốc độ, đối với y phục của
người trong nước mặc”, tức là mỗi quốc gia đều có quốc phục khác nhau, nhưng
đều dùng năm thứ màu nhuộm thành. Còn “y phục của thầy tỳ kheo phải khác với y
phục của người thế tục”.
Vì thế Tăng có y
phục của Tăng, Tục có y phục của Tục, tuyệt đối không được lộn xộn. Nếu tỳ kheo
xuất gia mà mặc y phục giống như người thế tục thì làm sao có thể thể hiện hình
ảnh thoát tục cuả một tăng nhân? Thế nên không được trắng đen lộn xộn lẫn
nhau.