KINH PHẠM VÕNG BỒ TÁT GIỚI BỔN GIẢNG KÝ
Hán văn: Pháp sư Thích Diễn Bồi
Việt dịch: Hòa Thượng Thích Trí Minh
Chương III:
CHÁNH THUYẾT GIỚI TƯỚNG
(chánh thức thuyết giảng giới tướng)
B. BIỆT
THUYẾT GIỚI TƯỚNG
(thuyết giảng riêng biệt giới tướng)
B.2.2. BIỆT
THUYẾT KHINH GIỚI
(riêng giảng các giới khinh)
B.2.2.47. PHI PHÁP CHẾ HẠN GIỚI
(giới chế hạn
phi pháp)
Kinh văn
1. Phiên âm:
Từ câu “Nhược Phật tử giai dĩ tín tâm thọ Phật giới giả...” cho đến câu “...phạm khinh cấu tội”.
2. Dịch nghĩa:
Nếu Phật tử đã có lòng tin thọ giới của Phật. Nếu quốc vương, hoàngh tử, các quan, bốn bộ đệ tử ỷ thế lực, quyền uy phá diệt giới luật Phật pháp, lập ra những điều luật khắt khe, hạn chế bốn bộ đệ tử của Phật, không cho họ xuất gia hành đạo, cũng không cho tạo lập hình tượng Phật và Bồ Tát cũng như tháp và kinh luật. Lại đặt ra chức quan đổng lý hạn chế tứ chúng và lập bộ sổ ghi số Tăng. Tỳ kheo Bồ Tát lại phải đứng dưới đất, còn bạch y lại được ngồi trên tòa cao. Hoặc làm nhiều việc phi pháp tựa như bắt binh nô thờ chủ. Hàng Bồ Tát là những vị lẽ ra phải được mọi người cúng dường, mà ngược lại, bị bắt làm tay sai của các quan chức. Đó là phi pháp, phi luật. Nếu quốc vương và các quan có lòng tốt thọ giới của Phật, chớ làm những tội phá Tam Bảo ấy. Nếu cố làm thì phạm khinh cấu tội.
Lời giảng
Thuyết pháp
mà không đúng theo lễ nghi là chứng tỏ không có lòng kính trọng Pháp Bảo, và dĩ
nhiên đó không phải là hành vi của một người Phật tử. Tự ỷ uy thế của mình mà phá
diệt Phật pháp, là không có tâm tôn trọng Tam Bảo, tội lỗi ấy đương nhiên rất
nặng.
Là người Phật
tử, trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù phải hy sinh tính mạng của mình để hộ trì
Tam Bảo, cũng phải làm để cho ngôi Tam Bảo được cửu trụ vĩnh viễn trên thế gian,
đem phước lợi cho tất cả chúng sanh. Không được quay lại nương cậy quyền thế
của mình mà làm những việc tổn hại chánh pháp.
Người có quyền
thế, thế lực đã bẩm thọ lời phú chúc của Phật Đà, lại đã bẩm thọ Quang Minh Kim
Cương Bửu Giới, là đệ tử của Tam Bảo. Đã là đệ tử của Tam Bảo mà không hộ trì
Tam Bảo, trở lại ỷ quyền thế, lập ra pháp cấm chế, là trái với lời phó chúc của
Đức Phật và cũng là trái với sơ tâm thọ giới của chính mình, làm cho mặt trời
trí huệ bị che lấp, thuyền chánh pháp bị đắm chìm, đôi mắt sáng của chúng sanh
bị mờ tối. Thử nghĩ tội này lớn biết dường nào! Trái lời phó chúc của Đức Phật,
tự lập điều cấm chế, đó là nhân duyên phá hoại Phật pháp. Cho nên Đức Phật đặc
biệt chế lập giới điều này, ngăn cấm và bảo phải chấm dứt hẳn.
Đức Phật đối với
đại chúng dạy rằng: “Nếu là Phật tử đã thọ Bồ Tát giới, lúc tối sơ, tất nhiên
đều có lòng tin mà thọ chánh giới của Phật. Tức là do lòng tin làm nhân để thọ
giới. Vì nếu không có lòng tin thì tuyệt nhiên không bao giờ chịu bẩm thọ giới
pháp của Phật. Đã như vậy, trước sau cần phải nhất tâm như một, không được trái
với sơ tâm. Cho nên nếu “quốc vương, hoàng tử, các quan, bốn bộ đệ tử” do lòng
tin bẩm thọ giới pháp của Phật, sau đó lại tự ỷ mình thân thế cao quý thay đổi sơ
tâm thọ giới, khởi ác niệm “phá diệt giới luật Phật pháp”, dám cả gan lập ra
pháp luật để phá diệt Phật pháp. Việc làm như thế gây tạo tội ác lớn biết dường
nào!
Bốn bộ đệ tử của
Phật là tỳ kheo, tỳ kheo ni, ưu bà tắc, ưu bà di, bản thân các vị vốn không đủ
thế lực, uy quyền chế lập pháp luật để phá diệt Phật pháp. Nhưng những bọn xu
viêm phụ thế (hùa theo người có thế lực), nương theo thế lực của quốc vương,
hoàng tử, bá quan, tác oai tác quái, mới làm việc phá hoại Phật pháp.
Những hạng người
này, sở dĩ làm việc phá hoại pháp luật của Phật vì ba nguyên nhân sau
đây:
1. Vì họ dù đã
bẩm thọ giới pháp, nhưng tâm cống cao ngã mạn chưa trừ, nên khi họ thấy người
xuất gia ngồi ở trên cao thì sanh tâm bất mãn, nên sanh ác niệm phá hoại Phật
pháp.
2. Vì họ có
những điểm không đúng pháp. Thầy, bạn thấy những khuyết điểm đó, vì họ chỉ ra
và khuyên bảo họ nên sửa đổi. Nhưng họ lại nghĩ rằng: “Ta là một nhân vật có
địa vị trong xã hội, mà bị những người xuất gia chỉ trích lỗi lầm, ta làm sao
có thể phục tùng, thọ nhận lời chỉ trích được”. Vì muốn che đậy lỗi lầm của
mình, nên họ mới khởi tâm niệm ác phá diệt Phật pháp.
3. Vì lúc tối
sơ, tín tâm của họ rất thuần khiết, nên đem thân tâm tắm gội trong Phật pháp.
Về sau thấy trong Phật pháp có những hạng người xuất gia bất hiếu, phá hoại Phật
pháp. Họ cho rằng Phật giáo đồ chẳng qua chỉ toàn là những hạng người như vậy,
nên thối thất tâm kính tín Tam Bảo lúc ban đầu và sanh khởi ác niệm phá hoại
Phật pháp.
Vì thế, người
xuất gia đối với những người có quyền thế phải tìm mọi biện pháp dẫn dắt, khiến
cho họ bước lên con đường chánh của Phật pháp và hộ trì chánh pháp của Như
Lai.
Phá diệt Phật
pháp, chế lập ra điều lệ, nghĩa là hạn chế bốn bộ đệ tử của Phật, không cho
xuất gia hành đạo. Ở đây nói bốn bộ đệ tử không phải như nghĩa thông thường chỉ
cho tỳ kheo, tỳ kheo ni, ưu bà tắc, ưu bà di, mà chỉ cho cư sĩ, vợ cư sĩ, đồng
nam, đồng nữ.
“Cũng không cho
tạo lập hình tượng Phật và tháp, lại cũng không cho viết chép kinh luật”:
- Không cho
người đời xuất gia thì tăng bảo phải tiêu diệt, ấy là phá hoại Tăng Bảo.
- Không cho tạo
lập hình tượng Phật thì Phật Bảo bị tiêu diệt, ấy là phá hoại Phật Bảo.
- Không cho viết
chép hoặc ấn hành kinh điển, thì Pháp Bảo phải bị tiêu diệt, ấy là phá hoại
Pháp Bảo.
Như thế Tam Bảo
bị tiêu diệt. Nhân thiên mất hẳn phước điền quý báu vô thượng. Bấy giờ trên thế
gian này biến thành cảnh đại hắc ám và nhân loại trở thành những người tội ác.
Thật là một điều đáng sợ vô cùng!
Tiến thêm một
bước nữa, vì muốn khống chế chúng tăng, chính quyền bấy giờ mới đặt ra chức
quan Đổng Lý, hạn chế tứ chúng và lập sổ bộ ghi số lượng Tăng. Nghĩa là chính quyền
cai trị bấy giờ, chẳng những không cho gia tăng nhân số chúng xuất gia mới, mà
đối với chúng xuất gia sẵn có từ trước, lại đặc biệt chế lập một chức quan
thống nhiếp chúng tăng để ngăn cấm các loại hoạt động của người xuất gia.
Lại còn lập sổ
bộ ghi chép danh tánh của chúng Tăng, để biết rõ số lượng nhiều ít nhất định,
không được có sự tự ý thêm bớt. Khi có việc phục dịch nào, thì cứ y theo quy
điều đã lập mà thi hành. Chúng tăng trong Phật pháp và nhân dân bá tánh ngoài
đời đều như nhau. Như trường hợp hiện nay,Tăng nhân phải phục vụ binh dịch và
tham gia nghĩa vụ lao động v.v... hoàn toàn giống như nhân dân trong nước, không
có điểm nào khác biệt. Đối với chúng tăng xuất gia mà còn triệt để hạn chế như
vậy, thì nói gì đến việc tôn kính ngôi Tam Bảo!
Kinh Bảo Tích,
quyển 4 nói: “Nếu người con đi xuất gia mà cha mẹ ngăn cản sẽ bị quả báo bần
cùng trong bảy đời”. Thử xét, ngăn cản con xuất gia mà còn bị quả báo như vậy, huống
chi là tội phá diệt Tam Bảo! Khổ quả ấy đương nhiên không thể hạn lượng!
Trong kinh Phú
Pháp Tạng nói: Một hôm Xà Dạ Na tôn giả vào thành khất thực. Tôn giả trông thấy
một con phi điểu, sắc mặt của ngài bỗng nhiên hiện một nét cười buồn bã.
Người đệ tử theo
hầu thấy lạ, bèn hỏi tôn giả vì sao ngài mỉm cười mà lại ẩn nét buồn như
vậy.
Tôn giả đáp: -
Vào thời quá khứ, có một kiếp nọ, ta rất muốn xuất gia. Nhưng cha mẹ ta không
đồng ý, và bắt buộc ta phải cưới vợ. Sau khi cưới vợ một thời gian, vợ ta sinh
được đứa con trai. Lúc bé lên sáu tuổi, ta lại khẩn thiết cầu xin cha mẹ cho đi
xuất gia, nhưng cha mẹ ta vẫn không bằng lòng, lại còn bảo bé con ôm chân ta
lại khóc lóc, kêu la mà nói rằng: - Nếu cha muốn bỏ con đi xuất gia tu hành thì
ai nuôi dưỡng con và con biết nương tựa vào ai? Vậy cha nên giết con đi rồi sau
mới có thể xuất gia tu hành theo ý muốn.
Vì bé ấy làm chí
nguyện xuất gia của ta không được toại. Từ ấy đến nay trải qua chín mươi mốt
kiếp, nó bị trôi lăn trong sanh tử luân hồi, trải qua trong lục đạo và ta chưa
từng trông thấy lại đứa con ấy. Nay nhờ tu hành chứng Thánh Quả, ta dùng đạo
nhãn trông thấy con phi điểu này chính là đứa con đời trước của ta. Vì nó ngu
si dại dột mà mãi chịu trong cảnh sanh tử luân hồi, chịu không biết bao nhiêu
điều thống khổ, thực là đáng thương. Chính vì lẽ đó nên bất giác lòng ta cảm
thấy buồn.
Theo chuyện kể
trên, chúng ta thấy rằng ngăn cản người đi xuất gia chắc chắn bị tội báo đọa
trong ác đạo. Khi ra khỏi ác đạo, dù được sanh trong nhân gian, nhưng bị quả
báo đui mù.
Cho nên người có
trí huệ, thấy người phát tâm xuất gia phải tìm mọi phương tiện giúp đỡ cho
thành tựu, không được dụng tâm làm lưu nạn.
Kinh Lão Nữ Nhân
cũng nói: “Khi Phật còn tại thế, có một lão nữ nhân bần cùng khổ sở. Sau khi
nghe Phật giảng nói chánh pháp, bỗng nhiên tâm ý khai ngộ. Đây là một điều rất
khó có.
Ngài A Nan thấy
thế, thỉnh vấn Phật rằng: - Bạch Thế Tôn! Lão nữ nhân này vì sao có được trí
huệ như vậy?
Đức Phật đáp: -
Lão nữ nhân này không phải là người tầm thường. Chính là mẹ trong vô lượng kiếp
về trước của ta, khi ta phát tâm học đạo.
Ngài A Nan hỏi
tiếp: - Bạch Thế Tôn! Đã là mẹ của Thế Tôn sao lại bị quả báo nghèo cùng khổ sở
như vậy?
Phật đáp: - Vào
thời quá khứ, lúc Đức Phật Câu Lưu Tôn xuất thế, ta muốn xuất gia làm sa môn
học đạo, mẫu thân đối với ta có tâm từ ái quá nặng, không muốn xa rời, nên
không cho ta xuất gia. Vì thế, ta buồn rầu không thiết đến việc ăn uống mỗi
ngày.
Mẹ ta cũng do
nhân duyên ấy, chiêu cảm khổ quả bần cùng trong năm trăm đời. Nhưng trong đời
ngắn ngủi này, khi sang mạng kết thúc, mẹ ta liền vãng sanh về nước của đức A
Di Đà”.
(Phật Câu Lưu
Tôn ở đây không phải là Phật thứ bảy trong bảy đức Phật. Vì Phật Câu Lưu Tôn,
vị thứ tư trong bảy đức Phật, chỉ cách đức Phật Thích Ca hai đức Phật. Tức Là Câu
Lưu Tôn, Câu Na Hàm Mâu Ni, Ca Diếp Phật rồi đến Phật Thích Ca Mâu Ni. Còn Phật
Câu Lưu Tôn ở đây chỉ là trùng danh với đức Câu Lưu Tôn vừa nói. Ngài là một
trong một ngàn đức Phật trong Hiền kiếp này).
Theo hai quyển
kinh trên, chúng ta thấy con ngăn cản cha mẹ, cha mẹ ngăn cản con không cho
xuất gia, bị chiêu cảm khổ báo như vậy, huống chi vợ chồng, anh em, bè bạn làm
chướng ngại ngăn cản nhau ư? Tội ấy đương nhiên càng nặng hơn nhiều. Thế nên
Phật tử đã có tín tâm thọ giới pháp của Phật, với việc ấy cần phải từng phút
giây tự thận trọng lấy mình, không được ngăn cản việc xuất gia của người.