KINH PHẠM VÕNG BỒ TÁT GIỚI BỔN GIẢNG KÝ
Hán văn: Pháp sư Thích Diễn Bồi
Việt dịch: Hòa Thượng Thích Trí Minh
Chương
III: CHÁNH THUYẾT GIỚI TƯỚNG
(chánh thức thuyết giảng giới tướng)
B. BIỆT
THUYẾT GIỚI TƯỚNG
(thuyết giảng riêng biệt giới tướng)
B.2.2. BIỆT
THUYẾT KHINH GIỚI
(riêng giảng các giới khinh)
B.2.2.9. BẤT KHÁN BỆNH GIỚI
(giới không khám
bệnh)
Kinh văn:
1. Phiên âm:
Từ câu “nhược Phật tử kiến nhất thiết tật bệnh nhân” cho đến câu “phạm khinh cấu tội”.
2. Dịch nghĩa:
Nếu Phật tử thấy tất cả người bị tật bệnh, phải tận tâm như cúng dường Phật. Trong tám phước điền, khám bệnh là phước điền thứ nhất. Nếu như cha mẹ, sư tăng cùng đệ tử có bệnh, có tật, trăm thứ bệnh khổ, đều nên chăm sóc cho được lành mạnh. Nếu Phật tử vì lòng giận hờn, không chăm nuôi, nhẫn đến thấy trong tăng phường, thành ấp, hoặc nơi núi rừng, đồng nội, đường sá, có người tật bệnh mà không lo cứu tế, Phật tử này phạm khinh cấu tội.
Lời giảng:
Bệnh là
một đại thống khổ của nhân sanh, tất cả mọi người không ai tránh khỏi. Khi cơ
thể của bạn còn khang kiện, bạn không hiểu được nỗi khổ của bệnh hoạn. Khi bạn
có bệnh, bạn mới biết bệnh thật vô cùng khó chịu, nên cổ đức có nói:
Bệnh hậu phương
tri sanh tử khổ,
Nhàn thời đa vụ
thị nhân mang.
Dịch:
Sau cơn bệnh mới
biết sanh tử là khổ,
Lúc rảnh rỗi
thường bận rộn lo việc người.
Đây là quan niệm
mà tất cả mọi người thông thường đều có. Mọi người trên thế gian, suốt ngày đều
quanh quẩn trong vòng bôn
Nhưng khi bị ma
bệnh đến buộc ràng, nhiễu hại, nếu lâm bệnh nặng mới biết không phải là một
việc đơn giản. Bấy giờ mới hiểu ra thân người này là một thứ mong manh, sanh
rồi già, bệnh, chết, thật là đại thống khổ!
Khi bị bệnh, dù
có sự giác ngộ như vậy, nhưng sự giác ngộ ấy khác nào hoa Ưu Đàm một lần xuất
hiện mà thôi (Ưu Đàm là loại hoa ba mươi thế kỷ mới có một lần, dùng ám chỉ sự
giác ngộ của nhân sanh rất hiếm). Khi đã được lành bệnh rồi, bao nhiêu thống
khổ trong cơn bệnh hoạn đều quên sạch, rồi lại vẫn tiếp tục dấn bước vào lữ
trình rộn rịp của nhân sanh, cực khổ đua chen không ngừng dứt.
Nếu có người hỏi
tại sao phải bận rộn như vậy? Thì chính người bận rộn ấy cũng không thể trả lời
nguyên nhân vì sao. Chỉ có thể bảo cuộc đời hầu như không bận rộn thì không
được, và phải bận rộn mãi đến khi ngã bệnh nằm xuống cũng không sanh một niệm
hối tiếc (1).
Bệnh là một điều
hết sức đau khổ. Thân thể bình nhật khỏe mạnh, rắn chắc, da thịt hồng hào, tươi
đẹp. Khi bệnh hoạn trở nên gầy còm, ốm yếu, vàng úa, xanh xao, lại thêm nỗi lo
buồn sợ hãi trăm bề. Nếu lâm bệnh nặng, thậm chí không thể ngồi dậy nổi thì sự
đau khổ không thể đo lường. Lúc cơ thể còn mạnh khỏe, muốn ăn thứ gì đều có thể
thọ dụng theo ý muốn. Đến khi bị bệnh, dù những thứ bình thường bạn rất ưa
thích, nếu y sĩ bảo cữ, bạn cũng không được ăn. Trái lại, những thứ bạn hoàn
toàn không ưa thích, nhưng đến lúc cần thiết, bạn cũng phải bị bắt buộc, cưỡng
ép thọ dụng. Đó chỉ là nói về những bệnh khổ thông thường.
Hiện nay y học
ngoại khoa tiến bộ, lối trị bệnh theo thủ thuật giải phẫu rất thông dụng. Nếu
bạn mang phải chứng bệnh cần phải giải phẫu thì lúc lên bàn mổ, phải chịu cắt
xẻ đau đớn. Vì thế, kinh Quảng Đại Du Hý đối với vấn đề bệnh khổ có một đoạn kệ
mô tả hết sức sống động:
Bệnh nhiều trăm
nỗi khổ đau,
Khác chi hươu nọ
bị bao người tầm,
Chúng sinh thống
khổ thương tâm,
Nên quán bệnh,
lão hại xâm thân hình.
Nguyện cầu Phật
cứu sinh linh,
Chỉ mau phương
thuốc bệnh tình dứt an.
Cuối Đông, sương
tuyết ngập tràn,
Mưa to, gió lớn,
muôn ngàn hiểm nguy.
Lâm sơn, thảo
mộc tàn suy,
Còn đâu bao vẻ
quang huy rỡ ràng.
Chúng sinh bệnh
khổ khóc than,
Xuân xanh dũng
lực tiêu tan chẳng còn,
Bạc tiền, của
cải cạn mòn,
Kho tàng, lúa
thóc đâu còn mãn sung.
Bệnh hành sinh
chúng chẳng dung,
Sân ái tổn não,
nấu nung tâm hồn.
Khác chi nắng Hạ
đổ dồn,
Đốt thiêu khắp
chốn, khổ đau muôn phần.
Ở đời có rất
nhiều người xan lẫn, lúc bình thường một đồng cũng không xả, một sợi lông trong
thân không dễ cho ai nhổ. Khi cho ai một đồng khác nào cắt thịt trên thân họ.
Nhưng khi bệnh cần điều trị cho thân khỏe mạnh lại, thì không tiếc phải hy sinh
vàng bạc, thậm chí bao nhiêu tiền của, vườn ruộng cũng đều tiêu tan hết sạch.
Vì vậy, khi bệnh khổ đến hoành hoành thật là một nỗi thống khổ rất lớn
lao!
Trong Du Già
Luận giả lập lời vấn đáp như sau:
“Bồ Tát lấy chi
làm tự thể?
- Lấy Đại Bi làm
thể!”
Đại Bi là tự thể
của Bồ Tát, cứu khổ là diệu dụng của Bồ Tát. Vì thế nếu khi thấy có người bị
bệnh, tất phải lo săn sóc, cứu chữa hết lòng. Nếu không thực hành như vậy thì
không đủ tư cách để gọi là Bồ Tát. Lại nữa, nhờ sự săn sóc cứu giúp của bạn,
bệnh nhân được lành mạnh, khôi phục thân thể được khang kiện. Thế là bạn đã cứu
một sinh mạng. Công đức ân huệ này lớn biết bao! Vì thế, săn sóc bệnh nhân
trong cơn bệnh khổ là viẹc vô cùng quan trọng của Bồ Tát, tuyệt đối không nên
khinh thường, bỏ qua.
Đức Phật đối với
đại chúng dạy rằng: “Là một Phật tử thọ Bồ Tát giới, khi thấy cả những người
bệnh tật phải nên cúng dường, cúng dường đúng mức như Phật không khác!”
“Tất cả người
bệnh tật” là nói tổng quát từ trên xuống dưới:
- Trên chỉ cho
cha mẹ, sư trưởng.
- Giữa chỉ cho
anh em và trong lục thân.
- Dưới chỉ cho
con cái và đồ chúng.
- Bên ngoài chỉ
cho những kẻ oan gia đối đầu và không luận là có quan hệ với mình hay
không.
Săn sóc
điều trị bệnh nhân vì sao cần phải hành động như cúng dường Đức Phật không
khác?
Nên biết Đức
Phật lấy thân của tất cả chúng sanh làm thân, lấy bệnh của tất cả chúng sanh
làm bệnh của Phật. Vì thế, bổn phận Phật tử thấy những người tật bệnh phải lo
cung cấp tất cả mọi việc cũng như cúng dường Đức Phật, không được giải đãi hay
vô lễ mảy may.
Trong luật Thanh
Văn, Phật bảo chư tỳ kheo rằng: “Nếu có người nào muốn cúng dường ta, cần phải
cúng dường bệnh nhân”.
Bệnh nhân lúc bị
bệnh khổ buộc ràng, hành hạ, hết sức buồn rầu, đau khổ. Vì thế, nếu có người lo
lắng mọi việc, cung cấp không thiếu thốn, khiến bệnh nhân không cảm thấy buồn
khổ vì bệnh mà không có thuốc men, không người giúp đỡ thì công đức ấy thù
thắng như công đức cúng dường Phật.
Nên kinh dạy:
“Khi thấy tất cả người tật bệnh nên cúng dường như cúng dường Phật không
khác”.
Cúng dường bệnh
nhân như cúng dường Phật, lại còn “trong tám phước điền thì khám bệnh là phước
điền thứ nhất”.
Luận về tám loại
phước điền, có ba thuyết hơi khác nhau như sau:
Thuyết thứ
nhất:
- Đào giếng ích
lợi cho người.
- Bắc cầu nối
liền đường sá.
- San bằng phẳng
những đường gập ghềnh.
- Hiếu thuận cha
mẹ.
- Cúng dường
sa-môn.
- Cúng dường
bệnh nhân.
- Cứu tế người
bị nguy nạn, khổ ách.
- Thiết lập Vô
Giá đại hội (1)
(Vô Giá là khoan
dung tất cả, không ngăn cấm. Tiếng Phạn gọi là Bát Xà Vu Sắc. Là pháp hội dùng
tâm bình đẳng thực hiện tài thí, pháp thí với tất cả thánh hiền, đạo, tục, sang
hèn, trên dưới v.v...Ấn Độ thường có phong tục thực hành hội này. Ở Trung Hoa,
triều nhà Lương, vua Võ Đế niên hiệu Đại Thông năm thứ nhất, bắt đầu thực hành
và nhân dân bắt chước làm theo. Chúng ta có thể xem rõ trong bộ Phật Tổ Thống
Kỷ. Trong Đại Trí Độ Luận, quyển 2 nói: “Sau khi Phật diệt độ 1000 năm, vua A
Du Ca thiết lập Nhã Xà Vu Sắc đại hội”)
Thuyết thứ
hai:
- Cúng dường
Phật.
- Cúng dường
Pháp.
- Cúng dường
Tăng.
- Cúng dường cha
mẹ.
- Cúng dường sư
tăng.
- Cúng dường
người bần cùng.
- Cúng dường
bệnh nhân.
- Ra cơm bố thí
cho súc sanh.
Hai thuyết phước
điền trên chưa thấy rõ trong kinh nào, nhưng đều có đề cập đến cúng dường bệnh
nhân và thấy rõ phước đức săn sóc, cúng dường bệnh nhân rất lớn.
Thuyết thứ ba
(trong kinh thường đề cập):
Cúng dường chư
Phật, thánh nhân, cha, mẹ, hòa thượng, a xà lê, chúng tăng, bệnh nhân.
Tám loại trên vì
sao gọi là phước điền?
Vì nhờ đó mà
được lợi ích thù thắng nên gọi Phước. Phước lợi này từ nơi chư Phật v.v... mà
sanh trưởng cho nên gọi là Điền.
Trong ấy, chư
Phật, thánh nhân, chúng tăng gọi là “kính điền”. Hành giả đối với các Ngài phải
khởi tâm cung kính cùng cực.
Hòa Thượng, A Xà
Lê, cha mẹ là “ân điền”. Hành giả nên sanh tâm hiếu thuận tột bực.
Còn bệnh nhân là
“bi điền”. Hành giả đối với bệnh nhân phải khởi tâm Từ Bi rộng lớn.
Trong ba tâm, Từ
tâm là hơn hết. Trong tám phước điền, Bi điền là phước đệ nhất.
Vì nhân cứu giúp
người bệnh khổ sẽ hưởng thọ quả báo được an vui, nên người khán bệnh được phước
bậc nhất.
Phật là bậc trời
trong cõi trời, bậc thánh trong các thánh, giác đạo viên mãn, địa vị đã đến cực
quả, nên cung kính, cúng dường sẽ được phước rất lớn. Vì nếu nói về bất cứ
phương diện nào, Phật là bậc đầy đủ vô lượng vô biên công đức, siêu việt hơn
tất cả mọi thường nhân. Tất cả nhân thiên đều cúng dường Phật, nên chúng ta cung
kính cúng dường ngài là lẽ đương nhiên, ai cũng đều thừa nhận.
Còn bệnh nhân
nhất là những người không quan hệ với mình, nếu chúng ta cung cấp cúng dường
thuốc men cho họ, nói rằng có phước đức rất lớn. Điều ấy không ai phủ nhận, vì
là việc làm lợi người. Nhưng nếu nói là phước đức bực nhứt thì không khỏi khiến
người có chỗ nghi ngờ. Nhưng đứng về phương diện chúng sanh mà nói, tất cả sự
đau khổ, không có sự đau khổ nào bằng cái khổ của bệnh nhân phải cảm thọ. Đó là
thứ đau khổ lớn nhất.
Vì thế, săn sóc,
cúng dường cho bệnh nhân thì phước đức có được đương nhiên cũng không có phước
đức nào hơn. Vì thế nên gọi là phước điền bậc nhất. Lại nữa, chính kim khẩu của
Thế Tôn dạy chúng ta rằng: “Sau khi Ta diệt độ, đệ tử của Ta phải cúng dường
cho các bệnh nhân tử tế”. Thế nên, phước điền khán bệnh đương nhiên là phước
điền bực nhất không nên xem thường.
Khán bệnh đã là
phước điền thù thắng tột bực. Nên là một Phật tử, nếu thấy cha mẹ, sư tăng cùng
đệ tử có tật bệnh, hoặc những người các căn không đủ, hay bị “trăm thứ bệnh làm
khổ não” đều phải theo đúng pháp cúng dường những bệnh nhân ấy, khiến cho bệnh
tật của họ được chóng lành mạnh.
- Cha mẹ là
người sanh thành dưỡng dục chúng ta.
- Sư trưởng là
người dạy dỗ, dẫn dắt chúng ta.
- Tăng là người
trụ trì chánh pháp của Như Lai, tuyên dương đạo pháp lợi ích quần sanh.
- Đệ tử là những
người theo chúng ta tu học, quan hệ với chúng ta hết sức mật thiết.
Dù bất cứ người
nào trong số các người nói trên bị tật bịnh, chúng ta cần phải hết lòng chăm
nom giúp đỡ, giúp các bệnh nhân an tâm dưỡng bệnh và mau chóng phục hồi sức
khỏe như trước. Với tình cha con, mẹ con, có sự quan hệ huyết nhục, nên khi
hoạn nạn, săn sóc cho nhau là điều dĩ nhiên. Còn như tình sư đệ, nhất là trong
đạo nghĩa thầy trò xuất gia, khi có tật bệnh, cần phải săn sóc cho nhau là một
vấn đề trọng yếu hơn hết.
Trong luật Phật,
Ngài từng chỉ dạy: “Đệ tử đối với Hòa Thượng phải tưởng như cha mình. Hòa
Thượng đối với đệ tử tưởng như con mình. Cần phải lo lắng giúp đỡ cho nhau để
được an tâm hành đạo, khiến cho chánh pháp được cửu trụ trong thế gian thì sự
lợi ích càng thêm rộng lớn”.
Đối với người
xuất gia, không có điều gì khẩn yếu lắm, duy có điều đáng sợ nhất chính là
bệnh. Khi bệnh mà không ai chăm sóc, chiếu cố, thật khổ vô cùng! Đức Phật đại
từ bi biết rõ việc ấy, nên đặc biệt dạy giữa tình sư đệ nên săn sóc, lo lắng
bệnh tật cho nhau, không được bỏ qua.
Phụ chú:
(1) Đến đây, dịch
giả bỗng nhớ cách đây gần bốn mươi năm dịch giả có đọc quyển sử học Việt
Vất vất, vơ vơ
cũng nực cười,
Chăm chăm chút
chút có hơn ai,
Nay còn chị chị,
anh anh đó.
Mai đã ông ông, mụ
mụ rồi.
Chi bằng láo láo,
lơ lơ vậy.
Ngủ ngủ, ăn
ăn nói chuyện chơi.
Dịch giả còn nhớ
theo bài thơ trên, tác giả bộ sách văn học sử Việt
Vì Phật giáo bao
giờ cũng giác ngộ thân là vô thường, đời là mộng huyễn, nên luôn chuyên cần tu
tập các pháp lành, không để luống qua tấc bóng vàng ngọc.
Còn các cụ Nho chỉ
nhận thân người là ảo ảnh nên chi bằng gác bỏ lợi danh, uống rượu, ngâm thơ vui
thú qua ngày.
Sở dĩ dịch giả ghi
lại bài thơ này cốt ý muốn quý đại sĩ nhận chân thân này là gốc khổ đau, mà
cũng là một vật mong manh vô cùng, nên vất bỏ tất cả thế sự, cố gắng học tập
giáo pháp Đại Thừa, giữ gìn giới hạnh cho tinh nghiêm, nhứt tâm niệm Phật cầu
sanh Cực Lạc thế giới, để hoàn thành bổn nguyện của một đại sĩ nhập thế độ
sanh.
Nói là vất bỏ tất
cả việc đời, nhưng không phải là không lo nghĩ đến đời sống tạm, nhưng phải
nhận chân đó chỉ là việc phụ mà thôi.